Tôi trân trọng em, cậu thí sinh, người học trò đáng quý – Wanbi Tuấn Anh

Wanbi nói: “Thầy nói giữa mưa thế mà còn sung, ai cũng nghe thì em cũng hát luôn… Em sẽ giữ lửa để thầy tiếp phần trả lời câu hỏi.”

Tôi không phải là người của thế giới showbiz… Tôi cũng chẳng phải fan của em vì tôi không gần em và cũng chẳng làm việc nhiều… Tôi cũng xin khẳng định tôi không viết bài này vì động cơ cá nhân. Và tôi cũng thấy người đã khuất dẫu sao cũng nên để qua đi… Nếu muốn nhiều người biết về những trải nghiệm của tôi, sẽ viết trước đó thật lâu… Nhưng hôm nay, tôi cảm thấy mình cần chia sẻ…

Tôi trân trọng em –cậu thí sinh – người học trò đáng quý

Tôi có duyên với Hot Vteen từ những năm 2006 ở một số vòng thi, dù không phải tất cả. Đó cũng chính là duyên nợ khi tôi làm cộng tác viên và đồng thời là cố vấn cho tờ báo VTM. Trong sự đồng điệu, đồng nghiệp – giảng viên, MC Thanh Tùng mời tôi làm Ban giám khảo… Năm ấy, tôi không có quá nhiều câu hỏi ác như những năm sau… dù tôi đã có 1 số câu hỏi hóc búa… Bên cạnh nhiều thí sinh rất nổi bật, xinh đẹp, tài năng và thành công đến giờ về thiết kế, MC, người đẹp, tôi rất chú ý đến chàng thí sinh cao, mặt sáng, thân thiện và biết cách ứng xử…

Năm ấy, nhiều thí sinh rất nổi… Và chàng thí sinh mang tên là lạ ấy giành được giải thưởng rất đáng quý… Vài tháng sau, dẫu biệt danh giám khảo hỏi khó hay giám khảo hóc búa bắt đầu xuất hiện. Gặp tôi trong một chương trình ca nhạc tại một trường Đại học – chàng ca sĩ ấy bước lại chào rất tươi: “Chào thầy! Em chào thầy!” Tôi cảm thấy rất vui vì được một thí sinh cũ quan tâm đến mình… Dẫu rằng điều đó là điều với những người khác thì có thể là bình thường thôi…

Tôi trân trọng em –cậu thí sinh – người học trò đáng quý

Vài chương trình sau đó, khi tôi nói giữa mưa ở một sân khấu với vài nghìn người nghe… tại sân 4A Nhà văn hóa Thanh NiênWanbi đã hết mình hát dù mưa, dù gió… Bi nói: “Thầy nói giữa mưa thế mà còn sung, ai cũng nghe thì em cũng hát luôn… Em sẽ giữ lửa để thầy tiếp phần trả lời câu hỏi”.  Với anh, không quá thân nhưng tiếng thầy rất dễ thốt lên… Và vốn dĩ, là một giám khảo chấm thi người đẹp hay thanh lịch, theo tôi anh không quá tự tin hay quảng giao nhưng anh gây ấn tượng trong tôi…

Vài năm, gặp lại anh… Khi nhà báo Thanh Tùng giới thiệu lần này chấm thi sẽ có Wanbi chấm cùng Tùng và anh… Tôi cảm thấy vui… Vì người ta phải lớn lên. Người ta phải trưởng thành. Sau vài năm làm ca sĩ, sau vài năm hoàn thiện mình, từng là Hot Vteen thì chấm thi người đến sau cũng hợp lý… Có lẽ Thanh Tùng cẩn thận vì ngại rằng Wanbi trẻ… Cũng có thể đó là thói quen làm việc cẩn thận của anh… Tôi cảm ơn và cười… Anh lại đến, dẫu chỉ nhìn tôi bằng một ánh mắt thôi nhưng anh vẫn quen thuộc câu cũ: “Em chào thầy!”

Tôi trân trọng em –cậu thí sinh – người học trò đáng quý

Trong cuộc sống với nhiều giá trị chân – giả đảo lộn. Nhiều người cũng có thể dần quên đi những ranh giới hay những chuẩn mực ứng xử. Thầy – không hẳn là người dạy trực tiếp – cũng không hẳn là người mà chúng ta đầu quân hay làm việc dưới cấp để được huấn luyện… Mà đôi khi nó chỉ là một mỹ từ để chỉ “chức danh”, để chỉ nghề nghiệp. Tôi thật sự trân qúy mỹ từ ấy. Không phải vì tôi được gọi bằng thầy nên tôi sướng. Cũng không phải vì tôi nghĩ mình đẳng cấp hơn hay mình là người lớn để được “bưng bê” mà vấn đề tôi ấn tượng ở kiểu ứng xử… So sánh mới thấy có nhiều học trò mà tôi chỉ dẫn từng chút từ khi đi thi MC hay Hoa khôi, Hoa hậu, ngày vui chẳng báo, gặp lại thì chỉ gật đầu nhè nhẹ cảm xúc thiếu muối… Thậm chí có người chẳng nổi bao nhiêu cứ vội vã làm tôi “trẻ lại” theo hướng “trẻ người…” bằng tên gọi… anh ngọt xớt. Đau lòng hơn, có những học trò mà tôi chăm bẵm từng bước đi từ khi chập chững nói, bài nói tôi phải soạn giúp, cái áo cũng phải chỉnh giùm, câu chuyện cũng mớm cho… mà khi thành công dù chỉ là ảo đã quay lại với thái độ ứng xử rất lạ. Cũng có thể là tại mình, cũng có thể là tại người ta.

Chuyện vui của một biên tập kể lại. Có lần phát hiện một “chuyên viên” có học hàm là Thạc sĩ đến thu hình một chương trình thiếu nhi, phong cách và sự thể hiện rất giống thầy Sơn. Em hỏi: “Có phải bạn là học trò của Thầy Sơn không?”. Đáp lại thái độ rất vui vẻ ấy và sự tự hào (chắc là vì nhận là đồng môn) là câu trả lời lạnh băng: “Em làm chung anh ấy!” Kể với tôi, rất bức xúc, cô biên tập bảo: “Sao phải thế nhỉ? Em chẳng hiểu!” Cảm ơn cuộc sống đã đem đến cho con người bao nhiêu cơ hội sửa sang nhan sắc, cảm ơn cuộc đời đem đến cho người ta nhiều hơn về vị trí học hàm, học vị… Nhưng cũng xin nhắc chính cuộc đời sẽ có nguyên tắc “lặp lại” rất đáng suy ngẫm…

Tôi trân trọng em –cậu thí sinh – người học trò đáng quý

Viết cho Wanbi những dòng này… Xin phép em là chắc không chỉ dành cho em… ngẫm. Có thể người khác sẽ bảo em là Hot Vteen ứng xử cơ mà? Nhưng em ạ, có nhiều người dạy ứng xử hay đạt danh hiệu ứng xử hay nhất trong cuộc thi Hoa hậu quốc gia vẫn không phải minh chứng được sự tương đồng giữa danh xưng và thực chất hay cốt cách… Trân trọng em – dù em đã mất! Trân trọng cậu thí sinh đáng quý. Trân trọng một người học trò tự nguyện (mà không phải là xã giao)…

Tôi nợ em một nén nhang… Vì ngày em mất, tôi đang ở nước ngoài đến gần một tháng… Tôi cũng không muốn mình viết điều cảm nhận giản đơn này sớm. Cũng có thể là chưa “vận” vào mình những nỗi buồn khi so sánh nên cảm xúc về em chưa vội thăng hoa. Nhưng hôm nay viết để cảm ơn và thể hiện sự trân quý với em. Tấm lòng này xin gửi đến em và chia sẻ với những ai cần đọc và nghĩ về mình. Tôi dặn lòng mình phải ứng xử tốt hơn nữa với những thầy cô tiền bối của mình và cả những người dù chỉ một lần giúp đỡ hay bỏ qua lỗi lầm của ta… Nhân cách là thế! Có thể bên cạnh nhiều điều chưa thể hài lòng hết mọi người, chỉ cần hỉnh ảnh chúng ta định vị được trong trái tim và khối óc của người khác ở một góc độ nhất định, đó đã là ấn tượng khó phai…

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn

 

Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam

 

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *