TRÁNH ĐÒN ROI KHI DẠY CON

Có nên dạy trẻ bằng đòn roi

Có nên dạy trẻ bằng đòn roi

Lúc cáu giận, bực mình, nhiều bố mẹ liền đánh, chửi con không tiếc lời. Khi nguôi ngoai, nhiều người lại bật khóc vì phút nóng giận của mình đã làm hại con. Vấn đề dùng đòn roi xem chừng vẫn là vấn đề nóng sốt mà không ít ông bố bà mẹ vẫn đang trăn trở ở thì hiện tại… Những minh chứng về hậu quả tai hại khi đòn roi trở thành vũ khí dạy con của một số gia đình đã làm cho nhiều người quan tâm đến vấn đề dạy con ngày nay cảm thấy cần nhìn nhận nghiêm túc về vấn đề này.

TỪ HẬU QUẢ

Bài toán đòn roi được Bảo áp dụng một cách thành thạo. Trốn nhà tắm sông thì bị năm roi… Tái phạm sẽ tăng lên gấp đôi, tái phạm lần nữa thì sẽ bị nhân lên gấp đôi của lần liền kề… Con số vài trăm đã trở thành điểm đến. Trong một lần tắm sông, Bảo vui vẻ lấy sẵn cây roi để mẹ đếm nhịp theo con số… Vừa khóc, vừa la, vừa đánh, mẹ Bảo than trời trách đất: Tôi phải dạy con mình như thế nào…

Không dừng lại ở đó khi chính trường hợp của Long lại trở tành những minh chứng cho quy luật “thích nghi” hóa rồ. Vốn bị đòn roi từ những ngày còn nhỏ nên Long cứ thu mình lại chịu đưng một cách đáng sợ. Đi học thì nhút nhát, ra đường phố thì co cụm,… Trong một lần bị bạn bè la trách, Long dùng hết sức bình sinh giáng mấy quả tạ vào mặt bạn… Thế là tốn vài trăm ngàn đi thắm khám theo kiểu đền bù, đạo đức thì bị hạ một bậc… Nhưng nỗi đau sâu hơn là tính khí cậu trở nên vui buồn thất thường… Nhưng đặc biệt nhất là sự cân bằng tâm lý không thể diễn ra. Sự nổi nóng, những hành vi la hét hay thậm chí là những cơn giận bất thường thiếu kiểm soát trở thành người bạn đồng hành. Chứng thiếu kiểm soát cảm xúc hay rối loạn cảm xúc đa cực đã thực sự tồn tại ở Long sau khi chẩn đoán.

LÝ GIẢI NGUYÊN NHÂN

Thực tế cho thấy việc áp dụng đòn roi là minh chứng cho sự bế tắc về phương pháp giáo dục con. Đôi lúc đó chỉ là sự nóng giận quá đáng của người lớn hay của cha mẹ, đó là biểu hiện của sự nhận thức rằng mình là người lớn nên được quyền đánh người nhỏ, mình là cha mẹ nên có trách nhiệm và được phép đánh con để giáo dục con…

Ở một góc độ khác, người lớn cho rằng đánh để giúp con cái nhận thức rằng mình đã sai, đánh để đứa trẻ hiểu rằng mình đã phạm lỗi… Hay cũng không quá ít bậc cha mẹ nghĩ rằng đánh như vậy sẽ là cách dạy con cái tốt vì vừa đánh vừa răn dạy, vừ đánh vừa phân tích, vừa đánh vừa giảng giải… Đó là phương cách để giúp copn nhận thức đúng vấn đề, hiểu một cách trọn vẹn những quy định, nội quy hay những nguyên tắc cần học… Thế nhưng, đó là những suy luận mang tính cảm tính và có phần chủ quan.

Không dừng lại ở đấy, nhiều bậc phụ huynh cho rằng việc sử dụng đòn roi sẽ đem lại những nỗi sợ nhất định nhằm tránh tái phạm lại tội cũ. Sử dụng đòn roi sẽ làm cho đứa trẻ nhớ để mà chừa…

Thực chất những lý giải trên chẳng thể thuyết phục vì thực tế có một số bậc cha mẹ đánh cho đỡ tức, khi đánh chỉ la hét chứ không thể bình tĩnh để giảng giải. Số còn lại cũng không quá ít khi các bậc cha mẹ đánh để con hứa rằng không tái phạm nhưng thực tế đó chỉ là hành động suông vì đau, hành động nhất thời như phản xạ để tránh đòn, để kết thúc cuộc hành hạ mà không phải là kết quả của sự nhận thức đúng đắn hay thái độ tích cực.

GIẢI PHÁP LÀ ĐÂY

Kỷ luật tích cực, kỷ luật không nước mắt… là những phương pháp hữu hiệu tránh đòn roi với con mà vẫn dạy con tích cực… Đó là một trong những nguyên tắc giáo dục hết sức nhân văn…

Con cái có thể nể cha mẹ chứ không hẳn là sợ. Con cái có thể phục cha mẹ mà không phải là khiếp. Con cái có tôn trọng cha mẹ và tự nguyện hoàn thiện mình theo chuẩn mực mà không phải bị ép buộc hay áp đặt. Con cái thương cha mẹ nên biết kiểm soát chính mình thay vì sợ đòn roi nên phải nói dối….

Giải pháp không sử dụng đòn roi dựa trên nguyên lý đầu tiên của sự đồng cảm. Nhiều bậc cha mẹ nên nhớ lại thời thơ ấu của mình liệu rằng mình có như thế? Một chút quậy phá, một chút bướng bỉnh, một chút lì lợm… có thể trở thành tính cách khá thú vị. Nếu có sự đồng cảm, ngay từ đầu, đòn roi sẽ không có cơ hội xuất hiện mà phải là những lựa chọn khác…

Giải pháp kế tiếp đó chính là sự tôn trọng. Nếu cha mẹ tôn trọng và yêu cầu cao ở con mình thì sự phân tích, chia sẻ, cam kết, thách thức,… trở thành những lựa chọn an toàn. Lúc bấy giờ, không phải là việc đánh con, mắng con mà phải là hành động tâm tình, sẻ chia hay đó là những yêu cầu cụ thể nhưng sâu sắc.

Một giải pháp cũng không kém phần quan trọng khi giáo cục con cái mà không nhất thiết phải đòn roi là dùng tình thương để cảm hóa. Đôi lúc những lời nói dài dòng, những lời thuyết giảng sáo mòn sẽ không đem lại hiệu ứng lĩnh hội. Một sự im lặng nhất định, một giọt nước mắt hay một gợi ý lựa chọn sẽ làm cho can cái cảm thấy có trách nhiệm, có niềm tin và có ý chí cần suy xét và trăn trở…

Dạy con bằng rung cảm, dạy con khơi gợi sự tự ý thức, dạy con bằng sự tương tác của sự tôn trọng sẽ làm cho bóng dáng ám ảnh của đòn roi sẽ biến mất. Thay vào đó là những hành động giáo dục con cái mang tính nhân văn – đậm chất người nhưng vẫn đúng hướng theo nhận thức và trái tim thổn thức đầy bao dung của người cha, người mẹ…

 TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *