Dễ thấy sự đình đám trong một số chương trình live show trong nhiều năm gần đây với kiểu chơi trội và lầy lội càng dày càng nổi. Đỉnh nhất vẫn là những chương trình giải trí có bình chọn và có giám khảo. Tiếng hò hét, la lối và cả những tiếng vỗ tay kèm theo những hình ảnh được in ấn với băng rôn ngợp trời bay xuất hiện làm cho không ít người xem tưởng rằng mình đang thưởng thức một ngôi sao thứ thật và một chương trình đẳng cấp. Nhưng không, đó cũng chỉ là một lớp son mới bên cạnh lớp son phấn đã được hóa trang kỹ lưỡng
THUÊ MƯỚN
Việc thuê fan không có gì là quá lạ thời nay. Chỉ cần có một nhóm trưởng với sự năng nổ nhất định thì cộng đồng fan sẽ tăng dần nhanh chóng. Cộng đồng fan sẽ làm tất cả để cho thần tượng của mình lên sóng, lên mây… Vỗ tay khi xuất hiện, la to tên, hét toáng khi cất giọng điệp khúc…. Thậm chí là tặng hoa, gấu bông và hàng loạt thứ khác đều được chuẩn bị một cách bài bản…
Đó là fan thật của các ngôi sao… thứ thật. Nhưng với một số ca sĩ còn rất trẻ và thực lực cũng chỉ tầm tầm và không có gì nổi bật nhưng vẫn có nhiều fan sống chết. Đơn giản thôi, đó là kiểu trang điểm mới. Dùng fan trang điểm cho chân dung tự họa của mình để vui, để sướng, để thắng cuộc, để dọa đối thủ và cả nhà sản xuất hay thậm chí là khán giả… Chỉ cần mỗi đêm dành vài triệu, dễ dàng có thể thuê đội ngũ fan đến để hò hét… Công nghệ sẽ được xác lập rất bài bản: tập trung ở đâu, phát áo thế nào, chuẩn bị nước, hiệu lệnh nhóm trưởng, các tín hiệu cần nhớ… Đó là khâu chuẩn bị. Còn đến khâu thực thi thì mọi thứ đều chuyên nghiệp: kịch bản sẽ được dò đường sẵn, dự trù thêm cờ phướn, hình ảnh… Chưa kể là cứ thủ sẵn chai nước, trống nếu có cơ hội thì cứ gõ, cứ khua… Còn nữa là sự tấn công cả đối thủ để đè bẹp nếu đối thủ có cơ hội tỏa sáng hay cũng có ý đồ làm quá như mình… Độc đáo hơn, có một số fan bất kể thật giả sẵn sàng lăn lộn, sẵn sàng khóc bù lu, bù loa hay cứ sờ vào chỗ nhạy cảm để người nổi tiếng ấy có cơ hội xuất hiện trên báo với các tít câu view thì tuyệt lắm thay… Công nghệ thuê ấy xem chừng là một lớp son mới rất hiệu quả hơn cả chục lớp phấn điểm trang…
Thực ra việc thuê mướn fan cũng bình thường. Đấy là chiêu thức để tạo vết dầu loang hay những cú nổ trong chiến lược xây dựng hình ảnh người nổi tiếng trên thế giới… Rõ ràng, không ít thì nhiều, việc đầu tư cjo công việc này cũng là sự đầu tư và cũng phần nào đem đến sự tự tin cho một số cá nhân thích như thế. Không thể phủ nhận việc lân múa hay nhờ tiếng pháo nhưng cũng cần nhìn nhận một thực tế khác là động cơ ban đầu và thực tiễn có chệch hướng lắm thay? Vì để mình cao hơn, sẵn sàng đầu tư để đè bẹ đối thủ, vì những sức ép của fan ảo, nhiều đối thủ yếu bóng vía dễ dàng rút lui trong tinh thần thua cuộc… Đó là chưa khán giả trẻ sẽ bị mê hoặc bởi hào nhoáng của những tiếng vỗ tay, của sức mạnh fan ảo và rồi mọi thứ sẽ bị đảo lộn đáng thương thay…
ẢO HAY THẬT
Một sinh viên có ngoại hình khá đặc biệt đã từng sống ảo với danh nghĩa fan ảo đã mất một thời gian mới cân bằng. Vì bạn bè cứ hay trêu chọc mỗi khi cô vận động chạy tưng tưng trên khán đài lúc thần tượng vừa đến mép sân khấu giao lưu… Đó là chưa kể, cô bảo nhiều khi mình cũng nghĩ mình là nghệ sĩ luôn… Thích lắm ánh đèn, thích lắm tiếng vỗ tay và kể cả cảm giác xuất hiện được nhiều người quan tâm… Đến khi cha mẹ mắng vì thấy con mình làm quá trên truyền hình, cô mới chợt tỉnh vì nhận ra rằng dường như thời gian qua mình ảo quá…
Thực ra thế giới giải trí cần có nhiều trò chơi khác nhau. Chơi fan hay chơi công nghệ cô vũ cũng là một nghệ thuật. Một sự nghèo nàn về ý tưởng, tiềm lực kinh tế và cả sự quản lý chưa thể chơi hiệu quả dù có mất tiền. Nhưng điều quan trọng đằng sau ấy là gì? Tội lắm cho những khán giả trẻ chẳng biết định hướng thẩm mỹ sao cho phù hợp. Sự thưởng thức nghệ thuật rất hỗ lốn vì ngay từ nhận thức đến tah1i độ đã bị lạc lõng… Đừng tưởng rằng điều đó không đau. Chính sự lệch lạc ấy dẫn đến thực tế có vấn đề về sự lựa chọn thần tượng, về chuyện đồng hóa cái tôi với sự xấc láo, đồng nghĩa giản đơn giữa văn hóa, đạo đức với cá tính bởi sự ngụy biện ngây ngô…
Thương nhất vẫn là người trong cuộc. Lớp son phấn có thể làm cho người ta sung sướng hay thăng hoa tạm thời. Nhưng liệu rằng đằng sau lớp son phấn ấy là gì? Phải chăng là sự cô đơn tột cùng, là sự thiếu cân bằng của bản thân… Đó là chưa kể nếu công nghệ ấy đẩy một bạn trẻ lên quá sớm sẽ làm người ấy ảo tưởng về bản thân mình, quên đi những chặng đường phấn đấu cần thiết và cả nội lực phải dày công rèn luyện… Sự thật giả đảo lộn làm người ta sống đảo điên cũng không hay biết. Vì cái thực chẳng còn hình bóng, cái rường cột của khung ứng xử và nhận thức chẳng đủ sức giữ lại sự thể hiện của một con người…
Lớp trang điểm có thể làm cho bạn đẹp hơn nhưng cần phải là chính mình. Lối sơn phết màu sắc ấy cũng có thể làm cho bạn lung linh nhưng mong mỗi con người đặc biệt là những người đang trở thành hay đã là người nổi tiếng cũng cần biết đó là một lớp điểm trang. Cuộc chơi hạ màn cũng cần tỉnh táo quay về mặt đất để biết mình là ai hoặc phấn đấu nhiều thêm nữa… Giải pháp cần thiết vẫn là tự thân của cá nhân. Biết mình là ai, làm thế nào, có gì, vay mượn gì… để tránh những kiểu ảo tưởng quá mức… Nhưng cũng đừng làm quá vì hệ lụy ảnh hưởng đến những định hướng của người khác không phải giản đơn thay…
Hãy tiếp tục hoàn thiện mình cả nhân cách lẫn tài năng để nhận được sự tôn trọng và những tiếng vỗ tay đích thực. Vì người ta vẫn có thể tạo ra tiếng vỗ tay bằng máy, tiếng cười bằng công nghệ thì có sá gì fan thuê, người hâm mộ mướn. Nhưng đừng vô tư làm dụng để biến trò chơi thời công nghệ ấy trở thành trò chơi số phạn vì đấy là điều hiểm nguy cho chính mình và người khác…
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn
Trưởng Khoa Tâm lý học
Trường Đại học Sư phạm Tp. HCM