Trong nhiều năm qua việc trẻ em bị áp lực học tập là một vấn đề thực tế. Áp lực học tập đã làm cho đứa trẻ bị “đưng lớn”, ảnh hưởng không tốt đến đời sống thể chất cũng như đời sống tinh thần của trẻ. Mong mỏi con mình lớn lên một cách toàn diện là một mong mỏi hết sức chính đáng. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, những mong mỏi giảm tải chương trình học là điều đã trở thành sự thật. Những động thái quan trọng của việc giảm tải chương trình học đã không chỉ tồn tại ở nhận thức mà đã trở thành hành động của những nhà giáo dục… Tuy nhiên, ở góc độ trái chiều liệu rằng nguyên nhân áp lực này phải chăng từ phía nhà trường cũng là một câu hỏi cần được phản biện.
GÓC NHÌN TRỰC TIẾP
Có thể bắt đầu lý giải cho vấn đề khi xuất phát từ mong mỏi của cha mẹ. Tâm lý làm cha làm mẹ sẽ làm cho cha mẹ trở nên vĩ đại một cách thực sự. Không ít bậc cha mẹ đã hy sinh cả những đồng lương ít ỏi của mình cho con. Không thể không kể đến những bậc cha mẹ chăm chút từng buổi ăn, giấc ngủ cho con hay đưa đón con từng buổi học. Tuy nhiên, cũng chính các bậc cha mẹ lại cố tình hay vô ý lấy vị trí làm cha làm mẹ để mong mỏi hay kỳ vọng một cách quá đáng ở con mình. Những khát khao rằng con phải hạng nhất, con phải thông thạo tiếng Anh hơn các bạn cùng lớp, con phải trở thành diễn viên múa chính, con không thể thua con của bạn bè cha mẹ hay thậm chí so sánh cả với bà ba cháo lòng đầu ngỏ… Trường hợp của chị Chiêu Hồng là một ví dụ điển hình: Thật là bức bối khi con mình mãi hạng nhì, chị ra tối hậu thư với Minh Long. Nếu con không đạt hạng nhất năm nay thì mẹ sẽ chuyển trường. Con nhìn xem, nhà của Tú thì sao? Chỉ là đại lý vé số kiếm từng đồng… Còn con thì sao? Muốn ăn gì cũng có, muốn mua gì cũng cho, muốn đi đâu cũng chìu.., Nếu mà không cố thì đừng có nói chuyện với mẹ… Kỳ thi xong cũng là lúc Minh Long bị ngất ngây với những cảm xúc ảm ảnh. Học cả trong giấc ngủ, đọc cửu chương trong giấc mơ và nói tiếng Anh ngay khi vừa ngủ vừa thức đi vào toilet giữa khuya là một diễn tiến hệ quả…
Cũng không ít bậc cha mẹ đã tự gây áp lực cho chính con mình bằng những hành động cụ thể. Việc ép con chạy show như ca sĩ đã trở thành một phản ứng tức thời. Sáng và chiều thì học bán trú ở trường. Cuộc biễu diễn cũng chưa dừng lại khi buổi chiều tiếp tục về nhà cô khối trường để ôn thêm một chút năng khiếu. Tối đến thì chạy thật nhanh qua trung tâm ngoại ngữ có tiếng để mau chóng tích luỹ bằng quốc tế… Cuộc hành trình chưa dừng lại khi thứ bảy và chủ nhật thì không ít bậc phụ huynh vẫn còn tiếp tục đưa con mình đến lớp học các chương trình toán tư duy, phát triển khả năng nhạy cảm… Cuộc chiến với tri thức trở nên vật vã vì những cơn lốc học tập không có điểm dừng…
GÓC NHÌN GIÁN TIẾP
Lẽ đương nhiên, cũng cần công tâm nhìn nhận rằng sự mong mỏi của phụ huynh về sự tài giỏi của con mình là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, cũng chính điều này cho thấy nó gián tiếp gây áp lực không nhỏ đến nhà trường. Việc gây sức ép học sinh phải có kết quả học tập tốt, không được phép có điểm kém hay điểm dưới trung bình, không cho phép có nguy cơ rớt tốt nghiệp… Mọi thứ đã dẫn đến những hành động thiếu tính giáo dục trong nhà trường như: không chấp nhận một tình huống học tập không tốt, khuyến khích rút hồ sơ nếu như có nguy cơ rốt tốt nghiệp… Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn nhận một cách công tâm là ngay cả khi nhà trường gây áp lực, áp lực của phụ huynh lên nhà trường cũng không nhỏ hay không hẳn là không có. Phụ huynh thi nhau mong con mình biết chữ sớm đã làm cho không ít trường mầm non và nhóm trẻ gia đình hè nhau dạy trẻ viết chữ từ lớp chồi mà không chỉ là lớp lá… Không ít phụ huynh hò hét rằng con mình phải là học sinh giỏi nên không ít cô giáo – thầy giáo tiểu học cho kiểm tra đi đi lại lại để cải thiện điểm… Không ít phụ huynh trao giải thưởng không có điểm không là điểm mười nên không ít thầy cô giáo hay nhà trường đã bị cuốn vào cơn lốc của điểm số để rồi gây sức ép cho trẻ khi kiểm tra bài đầu giờ, kiểm tra 15 phút, kiểm tra 5 phút bằng bài viết…. Mọi sự áp lực nếu nói một cách công tâm rằng có sự ảnh hưởng dẫu là gián tiếp hay trực tiếp từ phía phụ huynh…
Không thể trách cứ phụ huynh khi một lần nữa có thể lý giải về nỗi niềm và những khao khát mang tính chất con người. Tuy vậy, liệu mong mỏi của phụ huynh có chính đáng khi tiềm lực của mỗi đứa trẻ khác nhau… Những nghiên cứu tâm lý cho thấy mỗi đứa trẻ có vùng phát triển gần nhất khác nhau, có tiềm lực khác nhau… thì sao có thể biến tất cả các trẻ em đều trở thành những con người hoàn hảo. Chính các bậc phụ huynh cũng thực sự là những người rất bình thường khi chính mình cũng đã từng gặp quá nhiều sai sót trong quá khứ… Chẳng lẽ thời gian có thể làm phai mờ quá khứ? Không hẳn là như thế mà chính những ước vọng “trả thù giúp”, “thay thế thực hiện ước mơ” hay những nhu cầu khẳng định thay đã làm cho các bậc cha mẹ đẩy mình vào thế mới của sự sát thủ trong cuộc đời đi học của con cái: gây áp lực chuyên biệt trong học tập
Không hẳn là bênh vực cho nhà trường nhưng nghiêm túc nhìn nhận thì phụ huynh là một trong những nguyên nhân gâp áp lực lớn. Ngày 17/7, tại Đồng Tháp, Hội nghị tổng kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 33/2006/TTg về chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, sơ kết 3 năm phong trào thi đua Xây dựng Trường học thân thiện, học sinh tích cực (THTT-HSTC), triển khai nhiệm vụ năm học mới 2011-2012 đã hoàn thành chương trình đề ra.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết: Một trong các hoạt động triển khai trong năm học tới 2011 – 2012 là sẽ giảm tải mạnh mẽ, sâu sắc hơn Chương trình và Sách giáo khoa trên cơ sở tập hợp các ý kiến đóng góp chính xác của đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục và giáo viên cả nước. Khi Bộ giáo dục có chủ trương giảm tải chương trình thì phụ huynh vẫn cày xới khả năng của con mình ở thời gian, sức lực… hay sẽ điều chỉnh thái độ và hành vi của mình? Bài toán xem chừng chưa có lời giải một cách thoả đáng nếu phụ huynh vẫn còn tâm lý: thi đấu hay so sánh với nhau, mong đợi quá mức ở con cái mình, xem con cái là “hình tượng” của chiếc bong bóng không điểm dừng để bơm cho con con mình càng to càng tốt…
Nói như thế để nhận thấy rằng đứa trẻ bị áp lực không thể không tập trung vào nguyên nhân từ phía phụ huynh. Cần thay đổi nhận thức về sự giỏi giang và thành công của con em mình đó chính là một trong những thay đổi có điểm đến và có chiến lược. Sự thành công của đứa trẻ không chỉ phụ thuộc vào điểm số hay không chỉ phụ thuộc vào kiến thức mà trẻ đang có. Sự thành công phụ thuộc nhiều vào các kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, kỹ năng sống hay trí tuệ xã hội của con người. Giải quyết điều này khi đừng biến con mình thành nô lệ của kiến thức mà hãy giúp con trở thành ông chủ của tri thức tìm kiếm tri thức – sử dụng tri thức theo khả năng nghiên cứu của chính mình và nội lực thực tại… Có như thế mới giúp trẻ nhận thấy đi học là hạnh phúc và giảm tải được những áp lực không đáng có…
LỜI KẾT
Cuộc sống là những chuỗi những áp lực cần vượt qua. Tuy vậy, đấy phải là những áp lực có thể tải trọng và vừa sức. Hãy tạo điều kiện cho trẻ phát triển một cách bình thường mà không phải trở thành những nạn nhân tâm lý của việc học tập khi cha mẹ gây qáp lực một cách quá đáng. Đó không chỉ là mong mỏi của những đứa trẻ mà của cả xã hội khi chúng ta cần những con người bình thường biết sống – biết làm việc và biết hướng đến những giá trị đích thực của cuộc sống.
PGS. TS HUỲNH VĂN SƠN