TRẺ EM HỌC SỚM – NHỮNG NGUY CƠ TIỀM ẨN

101173bfb8f98a945bc728d227102674635423294428674275Với mong muốn con mình có những nền tảng kỹ năng, kiến thức vững chắc trước khi bước vào cấp 1 để có kết quả học tập luôn đạt “điểm 10 cho chất lượng”, không “thua bạn kém bè” không ít bậc phụ huynh đã cho trẻ học chữ, học toán từ lúc 3, 4 tuổi. Thậm chí, dù chỉ mới 2, 3 tuổi, chưa nói tiếng Việt thật rành nhưng một số trẻ cũng đã được cha mẹ cho học thêm ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Liệu rằng, cho trẻ học sớm có phải là một sự đầu tư thông minh của các bậc phụ huynh?

ƯỚC CON THÀNH THẦN ĐỒNG

Việc cho trẻ học sớm có thể thành công lúc đầu vì những cơ hội sớm được tận dụng. Khi mới bắt đầu học, trẻ sẽ rất vui vẻ, háo hức. Bởi lẽ, trẻ nhận được nhiều động viên, khen ngợi của cô giáo, cha mẹ, người thân cho từng sự tiến bộ của mình. Những cái xoa đầu, vỗ tay hay mỉm cười hài lòng của người khác có tác dụng rất tích cực đối với trẻ. Trẻ càng nhỏ, lẽ đương nhiên sẽ càng được khích lệ nhiều hơn. Chính vì thế, trẻ cũng dễ dàng có hứng thú với việc học hơn. Từng con chữ, con số sẽ được trẻ nắn nót đọc, viết không chỉ để nhớ mà còn để khoe với cha mẹ, thầy cô của mình. Trẻ học với sự say mê, hứng thú nên sẽ dễ nhớ hơn. Tuy nhiên, việc cho trẻ học sớm cũng sẽ mang đến những nguy cơ tiềm ẩn mà giáo viên và các bậc phụ huynh cần quan tâm.

Chị Minh – nhân viên của một công ty truyền thông thật hạnh phúc khi chỉ mới 3 tuổi mà con mình đã nhận được mặt chữ. Chị vui như mở hội khi tuyên bố với bạn bà thân trong nhóm sinh viên cũ: Rồi mình sẽ có một thần đồng… Không có gì hạnh phúc hơn khi được của quý nhất là con cái thần đồng…”. Không dừng lại ở việc đọc chữ cái, chị ra sức rèn cho trẻ viết chữ, học toán, tập đọc và cả việc học thuộc lòng các bài thơ ngắn… Chị tận dụng ngay cả những buổi event mà con chị có cơ hội tham gia với mong mỏi mau cho thần đồng xuất hiện…

TRÁI NON CÓ BỊ ÉP GIÀ?

Những nghiên cứu cho thấy, ban đầu, trẻ có thể học tốt những kiến thức mà người lớn dạy. Nhưng một thời gian sau trẻ có thể sẽ có biểu hiện tuột dốc trong học tập. Bởi lẽ, trẻ không còn theo kịp chương trình học, giảm sự hứng thú với việc học, ỷ lại vào việc mình được học sớm hơn so với các bạn cùng tuổi nên không chịu cố gắng phấn đấu,…

Chị Mai Hương, một phụ huynh có bé được học trước chương trình lớp 1 từ năm 4 tuổi tâm sự: “Thấy bạn bè cháu ai cũng được cha mẹ cho học trước chương trình lớp 1 để làm quen với những con chữ, phép tính nên mình cũng cho bé đi học. Lúc mới bắt đầu, cả nhà đều bất ngờ trước sự thông minh, sáng dạ của bé. Bé nhớ mặt chữ và làm toán rất giỏi. Ai cũng đinh ninh bé sẽ học giỏi hơn khi chính thức vào lớp 1. Tuy nhiên, khi cô giáo chủ nhiệm thông báo rằng bé vào lớp không tập trung, thường xuyên lo ra, nói chuyện,… thì mình và cả nhà nghĩ ngay đến khả năng cháu đã biết trước chương trình nên không còn hứng thú với việc học nữa…

Hoạt động chính của trẻ ở độ tuổi mầm non là vui chơi. Các bé cần nhiều thời gian nô đùa cùng bạn bè, khám phá thế giới xung quanh trước khi chuẩn bị vào cấp 1. Việc cho trẻ làm quen với những chữ cái, con số trước khi vào lớp 1 để trẻ khỏi bỡ ngỡ là điều cần thiết. Tuy nhiên, nếu cho trẻ học trước chương trình thì có thể vô hình chung, cô giáo và cha mẹ đã đánh mất thời gian, cơ hội vàng để trẻ có thể vui chơi, nô đùa cùng bạn bè, học hỏi, khám phá thế giới xung quanh.

Trẻ đi học trước chương trình lớp 1, không được đào tạo theo một quy trình bài bản sẽ không đạt được hiệu quả sư phạm như mong muốn. Chưa kể người dạy trước không có phương pháp sư phạm, không uốn nắn khi trẻ ngồi sai tư thế, cầm bút sai,… và khi vào lớp 1 được dạy đúng chuẩn cô giáo sẽ rất khó uốn và trẻ rất khó sửa.

Việc các bé bị thúc ép “chín sớm”, “lớn nhanh” để trở thành “siêu thần đồng” có thể cho kết quả nhất định trong một thời gian đầu nhưng sau đó chất lượng học tập của trẻ sẽ giảm dần. Cũng giống như những chú gà công nghiệp, tăng trọng nhanh, đẹp, hiệu quả kinh tế cao nhưng chất lượng không thể giống như gà thả vườn được phát triển một cách tự nhiên dù có tốn nhiều thời gian nuôi nấng, chăm sóc hơn.

Ngoài ra, cho trẻ học quá sớm, không phù hợp với sự phát triển tâm, sinh lý sẽ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và cả tinh thần của trẻ. Trẻ có thể bị các vấn đề về mắt, cột sống hoặc bị rối loạn lo âu, stress, trầm cảm,… vì phải chịu nhiều áp lực của việc học trước chương trình.

bai-jpg-1357177519_500x0

CẦN PHÁT TRIỂN THEO ĐỘ TUỔI

Mục đích của giáo dục mầm non là chăm sóc, nuôi dưỡng, tổ chức hoạt động vui chơi cho trẻ. Chuẩn bị cho trẻ làm quen với những chữ cái, con số trước khi vào lớp một. Giáo viên mầm non chỉ giới thiệu cho trẻ chứ không dạy trước chương trình lớp một để tránh tâm lý nhàn chán, ỷ lại khi trẻ bước vào cấp học mới. Ngoài ra, giáo viên và phụ huynh cũng cần lưu ý về việc cho trẻ học thêm ngoại ngữ, vi tính hay các môn năng khiếu khác. Bởi lẽ, nếu học quá nhiều, trẻ sẽ rất mệt mỏi, áp lực dẫn đến kết quả không được như mong muốn của gia đình. Khi ấy, trẻ càng áp lực nhiều hơn.

Mong muốn con có một tiền đề thật vững chắc để bước vào đời là lẽ đương nhiên. Dù vậy, các bậc cha mẹ cần chú ý rằng ở mỗi độ tuổi và mỗi trẻ khác nhau cần được đầu tư phát triển sao cho phù hợp. Nói cách khác, cha mẹ, giáo viên cần căn cứ vào độ tuổi, sự phát triển sinh lý, tâm lý của trẻ để có “chiến lược” giúp trẻ phát triển một cách tối ưu. Không quá dễ dãi, buông lỏng nhưng cũng không nên ép trẻ học sớm, học nhiều để trẻ có thể phát triển đúng với độ tuổi của mình.

Hãy trả trẻ về với thế giới thật của trẻ. Không có sự tương đồng giữa việc học sớm và thành công. Khi cuộc sống càng nhiều tri thức thì người ta lại cần lắm những người có kỹ năng, biết phương pháp hơn là biết nhiều mà chưa thể tiêu hoá. Cần chú trọng việc cho trẻ sống thoải mái, cân bằng cuộc sống thay vì cứ đẩy mình cắm đầu vào việc học vì những sức ép vô hình để tuổi thơ mãi xa theo một phương trời vô định…

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *