Không ai muốn nghe những điều bạn đang nghĩ trong đầu. Họ chỉ muốn bạn làm theo những gì mình đã nói ra mà thôi.
IT là nội dung bài thuyết trình lớn nhất trong đời tôi – lần đầu xuất hiện trên sân khấu của TED Conference – và tôi đã phải ném đi tới 7 bản nháp. Trong lúc tìm kiếm hướng đi mới, tôi đã hỏi xin gợi ý từ bạn bè và đồng nghiệp. Một người nói: “Điều quan trọng nhất, hãy cứ là chính anh”. Sáu người tiếp theo đều cho ý kiến tương tự.
Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của sự đích thực (Age of Authenticity), nơi mà “là chính mình” trở thành lời khuyên rất rõ ràng trong cuộc sống, tình yêu và sự nghiệp. Đích thực nghĩa là xóa bỏ mọi khoảng cách giữa những gì bạn tin tưởng chắc chắn về bản thân mình và những gì bạn thể hiện ra thế giới bên ngoài. Theo cách định nghĩa của Brené Brown, giáo sư nghiên cứu tại trường University of Houston, thì đích thực là “lựa chọn để người khác thấy con người thực sự của bạn”.
Chúng ta muốn sống một cuộc sống đích thực, cưới một người bạn đời đích thực, làm việc cho một ông sếp đích thực, bỏ phiếu cho một tổng thống đích thực. Trong các bài diễn văn khai giảng ở trường đại học, “hãy là chính mình” (Be true to yourself) trở thành câu nói phổ biến (sau “Mở rộng tầm nhìn” – Expand your horizon và ngay trước câu “Đừng bao giờ bỏ cuộc” – Never give up).
Oprah Winfrey đã từng nói đùa cách đây vài năm: “Tôi không hề biết rằng là chính mình lại giúp tôi giàu như bây giờ. Nếu biết trước thì tôi đã làm thế sớm hơn”.
Nhưng với hầu hết mọi người, “là chính mình” có thể là một lời khuyên tệ hại. Nếu tôi có thể nói thực thì tôi sẽ nói: Chẳng ai muốn nhìn thấy con người thực của bạn cả. Ai cũng có những cảm xúc và suy nghĩ mà chúng ta tin là quan trọng, nhưng hơn hết là không nên nói ra.
Cách đây một thập kỷ, tác giả A. J. Jacobs đã dành ra vài tuần cố gắng sống thật hoàn toàn. Ông tuyên bố với biên tập viên rằng sẽ thử ngủ với cô nếu còn độc thân và nói với bảo mẫu sẽ hẹn hò với cô nếu vợ ông bỏ. Ông nói với cô bé 5 tuổi, bạn của con gái mình, rằng con bọ cánh cứng trong tay cô bé không phải đang ngủ mà đã chết rồi. Ông bảo họ hàng rằng những cuộc trò chuyện của họ thật chán chết. Chắc hẳn bạn cũng có thể tưởng tượng kết quả của thí nghiệm này thế nào.
“Lừa dối giúp vận hành thế giới của chúng ta”, ông kết luận. “Không có dối lừa, hôn nhân tan nát, nhân viên bị sa thải, bản ngã vỡ vụn, các chính phủ cũng sẽ sụp đổ”.
Mức độ chân thực mà bạn thể hiện phụ thuộc vào một kĩ năng gọi là “tự quản” (hay tự kiểm soát, self-monitoring). Nếu bạn là người có khả năng tự quản cao, bạn sẽ thường xuyên rà soát những tín hiệu từ môi trường xung quanh và điều chỉnh cho phù hợp. Bạn không thích những tình huống khó xử và chắc chắn luôn tránh xúc phạm người khác.
Nếu là người có khả năng tự quản thấp, bạn sẽ bị trạng thái bên trong chi phối, bất kể tình huống ra sao. Trong một nghiên cứu thú vị, một miếng bít tết được đặt lên đĩa. Những người có khả năng tự quản cao nếm thử trước khi cho gia vị, trong khi nhóm tự quản thấp lại cho gia vị trước. Nhà tâm lý học Brian Little giải thích: “Điều này cho thấy dường như người có khả năng tự quản thấp biết rõ tính cách của mình ảnh hưởng tới khẩu vị thức ăn thế nào”.
Những người có khả năng tự quản thấp cho rằng nhóm còn lại hay thay đổi như tắc kè hoa và không thành thực. Đúng là một số thời điểm nhất định cần chúng ta phải thành thực. Một số nghiên cứu cho thấy những người tự quản thấp thường có hôn nhân hạnh phúc hơn và ít khả năng ly hôn. Với người bạn đời, thành thực sẽ mang tới một mối quan hệ chân thành gắn bó.
Nhưng trong nhiều hoàn cảnh khác, chúng ta sẽ phải trả giá cho việc quá thành thực. Những người có khả năng tự quản cao thường thăng tiến nhanh hơn và có những vị thế cao bởi họ quan tâm tới danh tiếng. Điều này có thể bị xem là lừa dối để tiếp thị bản thân, nhưng những người có khả năng tự quản cao dành nhiều thời gian để tìm hiểu xem người khác cần gì và giúp đỡ họ.
Một phân tích chuyên sâu tiến hành trên 136 nghiên cứu về hơn 23.000 người lao động cho thấy người có khả năng tự quản được đánh giá cao và nhiều cơ hội thăng tiến lên các vị trí lãnh đạo hơn.
Phụ nữ có xu hướng tự quản thấp hơn đàn ông, có lẽ bởi họ phải đối diện với nhiều áp lực về văn hóa trong việc bày tỏ cảm xúc. Điều này đặt họ vào tình thế dễ bị xem là yếu đuối và không chuyên nghiệp. Khi Cynthia Danaher được đề bạt lên chức quản lý của Hewlett-Packard, cô tuyên bố với 5.300 nhân viên rằng vị trí này thật ‘đáng sợ’ và rằng ‘tôi cần các bạn giúp’. Cô ấy đã rất thành thực và điều đó khiến mọi người mất niềm tin vào cô ngay từ đầu. Một số nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra rằng khả năng tự quản thấp có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của phụ nữ.
Ngay cả những người có khả năng tự quản cao cũng có thể gặp hại vì niềm tin vào sự thành thực bởi nó giả định rằng có một ‘bản tính’ thực sự, một nền tảng tính cách tạo bởi khả năng và niềm tin của mỗi người. Nhà tâm lý học Carol Dweck đã từng chỉ ra rằng niềm tin đơn thuần về sự tồn tại của một ‘cái tôi bất biến’ có thể cản trở sự phát triển.
Những đứa trẻ cho rằng khả năng là không thể thay đổi sẽ từ bỏ khi gặp thất bại. Những người quản lý tin rằng tài năng là bất biến cũng sẽ không thể đào tạo nhân viên. “Khi chúng ta cố gắng cải thiện cuộc chơi, ý thức rõ ràng và chắc chắn về bản thân sẽ là la bàn giúp chúng ta lựa chọn và tiến tới mục tiêu”, Herminia Ibarra, giáo sư về hành vi tổ chức tại trường kinh doanh Insead, nói. “Khi tìm kiếm cách thay đổi cuộc chơi, ý thức về bản thân quá cứng nhắc sẽ trở thành mỏ neo ngăn chúng ta tiến lên phía trước”.
Nhưng nếu không phải bản ngã đích thực thì chúng ta nên cố gắng đạt tới điều gì? Cách đây vài chục năm, nhà phê bình văn học Lionel Trilling đã cho chúng ta câu trả lời nghe có vẻ lỗi thời: đó là sự chân thành (sincerity). Thay vì tìm kiếm ‘bản ngã bên trong’ và nỗ lực thể hiện điều đó ra bên ngoài, Trilling khuyến khích chúng ta bắt đầu với ‘con người bên ngoài’. Hãy để ý cách bạn thể hiện mình với người khác và cố gắng trở thành người mà bạn mong muốn.
Thay vì thay đổi từ trong ra ngoài, bạn sẽ bắt đầu từ bên ngoài.
Khi tiến hành nghiên cứu các tư vấn viên và nhân viên ngân hàng, tiến sĩ Ibarra nhận ra rằng những người có khả năng tự quản cao sẵn sàng thử nghiệm những phong cách lãnh đạo khác nhau hơn. Họ quan sát các lãnh đạo cấp cao trong tổ chức, ‘mượn’ ngôn ngữ và hành động của những người đó rồi thực hành cho tới khi chúng trở thành ‘bản tính thứ hai’ của họ. Những điều đó không phải đích thực là họ (authentic), nhưng chúng rất chân thành (sincere) và giúp họ làm việc hiệu quả hơn.
Việc chuyển đổi từ ‘đích thực’ sang ‘chân thành’ đặc biệt quan trọng với những người thuộc thế hệ thiên niên kỷ. Hầu hết những cách biệt về thế hệ đã bị làm quá lên, bị ảnh hưởng chủ yếu bởi tuổi tác và sự trưởng thành chứ không phải đoàn hệ sinh (birth cohort – nhóm người sinh ra vào một giai đoạn). Nhưng kết quả ấn tượng nhất là thế hệ trẻ có xu hướng ít quan tâm hơn tới sự chấp thuận của xã hội. Những người tự thể hiện là ‘đích thực’ vẫn làm việc tốt cho tới khi sếp nhìn vào hồ sơ mạng xã hội của họ.
Là người hướng nội, tôi bắt đầu sự nghiệp của mình bằng nỗi sợ nói trước đám đông. Thế nên nếu đi theo bản tính đích thực thì tôi sẽ không bao giờ trình bày tại TED Talk. Nhưng vì niềm đam mê chia sẻ kiến thức, tôi đã dành cả chục năm học những gì mà tiến sĩ nhà tâm lý học Little gọi là ‘hành động vượt ngoài tính cách’. Tôi quyết định trở thành người mà tôi muốn, một người cảm thấy thoải mái khi đứng trước đám đông.
Cách đó thực sự hiệu quả. Lần tới nếu ai đó nói với bạn “hãy là chính mình” thì hãy khiến họ ngạc nhiên. Không ai muốn nghe những điều bạn đang nghĩ trong đầu. Họ chỉ muốn bạn làm theo những gì mình đã nói ra mà thôi.
Về tác giả: Adam Grant là giáo sư về quản lý và tâm lý tại trường Wharton School trực thuộc University of Pennsylvania. Ông là tác giả cuốn sách “Originals: How Non-Conformists Move the World”.
Nguồn: https://www.nytimes.com/2016/06/05/opinion/sunday/unless-youre-oprah-be-yourself-is-terrible-advice.html?_r=0
Nguồn dịch: https://banchihoa.wordpress.com/about/