Tư Vấn Long An

CHỒNG KHÔNG ƯA… BẠN CỦA VỢ!

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn thân mến!

Em lập gia đình đã 4 năm, có một cháu nhỏ 2 tuổi rất ngoan và kháu khỉnh. Cuộc sống gia đình em nói chung là ổn. Em rất yêu chồng con và dành mọi thời gian rảnh có thể để chăm sóc chu đáo hết mức cho mái ấm nhỏ của mình. Tuy nhiên, có một chuyện “rắc rối” nảy sinh suốt 4 năm nay. Đó là chồng em rất “ghét” những người bạn của em. Anh ấy không ghét vì tính cách đâu Mẹ & Con ạ, mà vì hầu hết những người bạn em chơi đều có trình độ học thức cao hơn anh ấy hoặc điều kiện kinh tế tốt hơn.

Để em giải thích rõ hơn, chồng em chỉ học hết lớp 10 là nghỉ. Tuy nhiên, anh ấy lại rất chăm chỉ, giỏi vun vén buôn bán nên vẫn tạo dựng được sự nghiệp riêng của mình. Trong khi đó, khi cưới nhau em lại có trình độ Đại học, và mới đây em lại vừa xong luôn bậc Cao học. Em yêu anh ấy và rất tế nhị với chuyện trình độ học vấn chênh lệch này, lại nể trọng anh ấy thật sự vì những “kinh nghiệm trường đời” nên giữa vợ chồng em hầu như không xảy ra xích mích nào đáng kể về chuyện nói trên.

Bạn bè em cũng vậy. Thật sự họ rất tốt và rất tế nhị, cư xử theo em đánh giá là khéo léo. Song, em lờ mờ cảm nhận được, mỗi khi đi cùng em dự các buổi họp mặt, tiệc tùng với bạn bè của em, anh ấy vẫn không thoải mái và không hòa nhập được vào câu chuyện của mọi người. Từ đó, ảnh cứ ra vẻ “không ưa”, không thích cho em “giao du” với bạn bè, hoặc không thích đi cùng em (cứ nhăn nhó khó chịu hoặc nói sẵng: “Muốn đi thì một mình đi đi!”), mặc dù khi em nhẹ nhàng hỏi lại nguyên nhân thì ảnh nhất định không chịu nói ra, cũng không “ghét” một ai cụ thể cả.

Vì chuyện này mà lâu nay, em dần dần “mất bạn”, thấy như mối quan hệ giao tiếp của mình cũng bị thu hẹp dần dần. Em rất buồn, không biết làm cách nào để chồng em thoải mái hơn và dễ dàng hòa nhập với bạn bè em, bớt “không ưa” bạn bè em. Kính mong chuyên gia tư vấn giúp đỡ.

Minh Chuyền – Bến lức Long An

Trả lời:

Minh Chuyền mến!

Xin được chia sẻ với những tâm tư của chị. Một người phụ nữ có học vị cao nhưng lại rất khéo léo với chồng, chị đã tạo dựng ra hạnh phúc gia đình bằng chính con tim và sự thông hiểu người bạn đời, điều này thật sự rất tuyệt vời. Trong đời sống vợ chồng, đôi lúc chúng ta cần linh động và nên nhìn từ nhiều khía cạnh và hãy đặt mình vào vị trí của anh để nhìn vấn đề sao cho hợp lý nhất. Những cuộc trò chuyện của mọi người có thể không thuộc lĩnh vực mà anh ấy thật sự biết và quan tâm, hoặc một lý do nào khác khiến anh ấy hiểu lầm và không “ưa” bạn bè chị. Sự lờ mờ cảm nhận chỉ mang tính chất cảm tính, chính vì vậy hãy thẳng thắn trình bày suy nghĩ của chị, bày tỏ quan điểm và mong muốn của chị.

Chính sự bày tỏ của chị có thể khiến anh ấy bộc bạch được tâm tư thật sự của mình. Khi hiểu được suy nghĩ của anh ấy hãy cùng nhau thoả hiệp, nhượng bộ nhau trong việc giao tiếp bạn bè. Nhưng chị không thể trông mong là anh ấy phải thay đổi suy nghĩ, quan điểm để giống chị, thay vào đó hãy cố gắng hiểu anh ấy, và bày tỏ yêu thương để anh ấy hiểu cho những nguyện vọng của chị để có sự tương tác giao tiếp bạn bè của chị cho phù hợp. Nhưng chị Thư thân mến, trong hôn nhân sẽ luôn có một vài vấn đề mà cả hai vợ chồng không bao giờ giải quyết được và đôi lúc mình phải chấp nhận sự thật sự đó. Bởi mỗi người vẫn có những quan điểm khác nhau, nó thuộc về niềm tin, lối suy nghĩ của từng cá nhân. Nếu sự mặc cảm về trình độ khiến anh ấy thật sự không thoải mái thì đừng thúc ép, đôi khi ép người bạn đời phải thay đổi vì mình sẽ là cách cư xử dẫn đến việc tổn hại đến hôn nhân. Với thực tế của anh, điều cần nhất vẫn là sự tôn trọng và chia sẻ, cứ bày tỏ bằng sự khéo léo và tình yêu để dần anh ấy vượt qua, không gì vội vàng, mưa dầm thấm lâu chị nhé!

Chúc chị luôn hạnh phúc với gia đình bé nhỏ của mình!

 Câu hỏi:

Thưa chuyên gia Huỳnh Văn Sơn, làm thế nào để phân biệt được hội chứng tăng động giảm chú ý và tính hiếu động bình thường ở trẻ em. Tôi có một con gái gần hai tuổi, là con gái mà cháu không hề ngoan ngùy, dễ bảo, ít chịu ngồi yên chơi đồ chơi, búp bê. Thay vào đó cháu nghịch ngợm lắm, suốt ngày không biết mệt, thò chỗ này móc chỗ kia và cũng chẳng hề thủ thỉ, tình cảm với mẹ như các bé gái khác. Cháu cũng không chú ý khi tôi gọi tên hoặc yêu cầu hay dạy điều gì. (Thủy Tiên, Châu Thành – Tiền Giang.

Trả lời

Chứng tăng động giảm tập trung chú ý có thể được chẩn đoán bằng những bài trắc nghiệm rất khoa học trong đó quan tâm nhiều đến tính ổn định của hành vi, sự kiềm chế, thực hiện hành vi theo mục tiêu, thực hiền hành vi theo những thách thức đòi hỏi có sự tập trung của chú ý… Hiếu động ở trẻ nhỏ chỉ là sự nhanh nhẹn, linh hoạt mà không liên quan nhiều đến chú ý của trẻ cũng như những hành động “quấy phá” người khác, bạn bè…

Những mô tả của chị về con mình cũng có thể đáng lo lắng nhưng cháu chỉ mới hai tuổi và chưa qua bất kỳ một cuộc kiểm tra tâm vận động nào nên không thể kết luận được là cháu hiếu động hay có những biểu hiện khác về mặt tâm lý. Điều quan trọng ở đây là chị có thể tích cực thu hút sự chú ý của cháu và tập luyện nhiều thói quen hành vi xem sao? Nếu cần kiểm tra cháu, chị có thể liên hệ với các công ty chuyên về tư vấn tâm lý hoặc các bệnh viện để được tham vấn hiệu quả. Chúc chị vui.

Câu hỏi

Kính gửi: PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn

Bé trai nhà tôi được bốn tuổi. Không hiểu sao cháu rất khó thích nghi. Chẳng hạn, đi ăn thì nhất định phải ăn ở quán lần trước ba mẹ cho đi, đã gắn bó với một người chăm sóc thì chỉ chịu nghe lời người đó, học trong lớp có hai cô, cháu ở tổ của cô nào thì chỉ cô đó dạy cháu mới chịu. Trong mọi trường hợp, nếu thay đổi, cháu thường khóc lóc, mè nheo rất lâu rồi mới chịu làm quen. Tôi phải làm sao bây giờ, tôi thực sự rất lo lắng và căng thẳng.

(Minh Hải, Tân An – Long An)

Trả lời

Những biểu hiện mà chị vừa nói đó có thể là hiện tượng “quen nếp ì ” một cách thái quá của cháu. Trong quá trình chăm sóc và giáo dục, có thể có một dạng trẻ đặc biệt như vậy. Tuy nhiên, nếu cháu đã bốn tuổi mà điều này vẫn còn tồn tại thì thực sự rất đáng lo chị ạ!

Có lẽ chị cũng lo lắng về tình hình của cháu khi cháu rất khó khăn trong việc thích ứng nhưng điều này đòi hỏi rất nhiều ở sự tác động của người lớn. Nếu người lớn kiên nhẫn tập từng chút một, từng chút bằng cách giải thích, tập cho trẻ làm, làm cùng trẻ… thì những thói quen này của trẻ sẽ có thể giảm sút. Điều này có thể thực hiện một cách hiệu quả hơn nếu chị thường xuyên cho cháu tiếp xúc với môi trường xung quanh, giúp cháu nhận ra sự thay đổi, sự luân chuyển để nhận thức của cháu về sự thích nghị sẽ gia tăng và dần dần cháu sẽ có những sự thay đổi khác. Những chia sẻ này, hy vọng sẽ giúp chị tìm ra biện pháp hữu hiệu để giáo dục cháu tốt hơn.

Chúc chị và gia đình mau chóng giải quyết vấn đề của chính mình một cách hiệu quả.

Câu hỏi

Kính gửi Quý báo.

Kế bên nhà tôi có gia đình hàng xóm, họ cư xử thì lịch sự, bình thường, nhưng không thân thiết. Con tôi và con hàng xóm thường chơi với nhau. Có điều, cháu bé nhà hàng xóm thường rất hay tỏ ra “khôn lỏi”, nghĩa là qua bên nhà tôi thì cháu chơi đồ chơi thoải mái, con tôi rất chịu chia sẻ. Còn bé hàng xóm thì chỉ cần ai đến gần cửa nhà là bé la lên không cho chạm vào cửa, không cho vào nhà , chơi đồ chơi thì hay giành, không cho con tôi chơi, hơi một chút thì mach bố mẹ mấy chuyện nhỏ nhặt, hay đổ thừa cho bạn. Thú thật ban đầu tôi cũng không định can thiệp vì nghĩ con nít chơi với nhau, mấy chuyện tranh giành là bình thường, cứ kệ chúng. Nhưng nghĩ lại cứ thấy thế nào, nhất là thấy bé nhà tôi cứ tội nghiệp khi chơi với bạn. Mà ngăn con chơi với bạn thì không được rồi. (Minh Hoàng, Huyện Bình Chánh, TP.HCM)

Trả lời

Những lo lắng của gia đình chúng ta không phải là không có cơ sở. Thực tế cho thấy việc ở gần nhau, cạnh nhau là một vấn đề hết sức tế nhị cho nên mỗi người cần phải thực sự chú ý nhiều hơn trong cách cư xử. Thế nhưng, vấn đề cư xử của trẻ nhỏ càng khó khăn khi người lớn tác động. Điều chị lo lắng quả thật không sai tí nào… Tuy nhiên, nếu nhất thiết phải tác động thì cũng phải thực hiện thôi phải không nào?

Để giải quyết vấn đề này, chị có thể chú ý đến những phản ứng của con mình. Nếu cấm đoán việc chơi chung bạn là không nên thì chị có thể phân tích một cách đơn giản để con mình hiểu rằng ích kỷ với bạn là không tốt. Chính kiểu tác động này cũng là một kiểu tác động “lan truyền” sẽ đem lại những hiệu quả rất đặc biệt.

Thứ nữa, chị cũng có thể tận dụng những tình huống khéo léo ứng xử như chị tặng quà cho gia đình bên cạnh, cải thiện mối quan hệ bằng sự tác động âm thầm như mua một món đồ chơi cho con mình và mua thêm cho cháu nhà bên, tặng một vài món thức ăn hấp dẫn và khéo léo chia sẻ tâm sự thật nhẹ nhàng chắc chắn có thể hiệu quả chị nhỉ?

Quan trọng nhất vẫn là cần có sự kiên định và tinh tế thì chúng ta có thể ứng xử sẽ thành công.

Câu hỏi

Nhà tôi có hai con: bé trai  7 tuổi và bé gái 6 tuổi. Hai anh em cháu khá hòa thuận, học hay chơi gì cũng ngồi cùng nhau, đến giờ vẫn thích tắm chung và ngủ chung giường. Tôi nghĩ đã đến lúc nên tách riêng các con ra vì sợ các bé giờ đã lớn, chúng sẽ tìm hiểu về những điều nhạy cảm. Tuy nhiên, do tôi lo lắng chứ tôi chưa nhìn thấy điều gì và không cho anh em ngủ chung thì các con phản đối dữ lắm, nói là vui hơn. Theo chuyên viên thì lúc nào nên bắt đầu cho con tách riêng ra và dạy về giới tính cho con biết? (Người mẹ giấu tên – Thanh Phú Long – Châu Thành – Long An)

Trả lời

Những lo lắng của chị là rất hợp lý vì không hẳn là chị lo về những điều tế nhị mà nên tạo điều kiện để các bé phát triển về giới tính của mình một cách hợp lý hơn. Khi xã hội đã phát triển, những điều kiện về cơ sở vật chất, ăn uống, … nên chú ý đến tính cá nhân cũng như giới để tạo sự thuận lợi nhất cho sự phát triển. Đây cũng là những điều kiện rất quan trọng để nhân cách con người phát triển hoàn thiện.

Việc trẻ nam và trẻ nữ ngủ riêng không ảnh hưởng gì đến tình cảm đích thực giữa anh em ruột rà nhưng nếu trẻ cứ tắm chung hoặc ngủ chung khi đã lớn thì điều đó không tốt cho quan hệ giới tính của cháu. Thông thường, sau 3 tuổi hoặc sau 5 tuổi, các cháu khác giới tính đã được dạy khá rõ về vấn đề nhận thức giới tính nên chuyện các cháu ngủ riêng nhau là điều hoàn toàn bình thưởng. Dù rằng không phải quá lo lắng nhưng nếu không khéo thì các cháu sẽ có những tò mò giới tính khi nhận ra rằng mình khác chị mình hoặc khác em mình… Cũng vào thời điểm này, việc tách các cháu ngủ riêng là điều hoàn toàn hợp lý

Việc giáo dục giới tính này ban đầu có thể không thực sự dễ dàng chị nhé! Các cháu có thể phản đối hoặc không vui trong thời gian đầu nhưng về lâu, về dài chắc các cháu cũng vui vẻ đồng ý mà thôi. Hy vọng rằng chị sẽ phân tích, giải thích hợp lý với con mình.

Câu hỏi

Xin chào chuyên viên. Tôi có con trai 5 tuổi, cháu rất nhút nhát, chậm nói, 5 tuổi rồi mà không biết diễn đạt nhu cầu, không biết kể chuyện, cách thể hiện cảm xúc cũng rất đơn điệu. Bé có đi học mẫu giáo, tuy nhiên bé có tiến bộ về mặt kỷ luật hơn một chút, ngoài ra các kỹ năng khác không học được nhiều, lớp cháu học khá đông, 2 cô mà đến gần 40 bé. Xin hỏi là có nơi nào dạy cho bé các kỹ năng giao tiếp và giúp cho bé dạn dĩ, tự lập hơn? (Gia đình Mỹ Huyền – Cần giuộc – Long An)

Trả lời

Những mô tả của chị có phần đáng lo lắng nếu như thực sự thông tin chị nói là chính xác. Điều này sẽ đòi hỏi các bậc cha ẹm có những biện pháp hay những sự tác động một cách hợp lý hơn nữa.

Thực chất có thể chị đang lo lắng về sự phát triển ngôn ngữ của cháu hay còn gọi là khó khăn trong việc học ngôn ngữ và phát triển ngôn ngữ. Đây là một hiện tượng cũng không thực sự quá căng nếu như phát hiện sớm va can thiệp sớm. Lẽ đương nhiên, đừng kết luận vội để “dán nhãn” cho con của mình một cách quá sớm như vậy vì khi chưa trải qua bất kỳ một kiểm nghiệm nào thì không thể đưa ra những nhận định quá vội vàng. Hiện tại ở Đại học sư phạm TP HCM hoặc một số bệnh viện như: Bệnh viện nhi đồng 1, bệnh viện nhi đồng 2 có thể có việc chẩn đoán khó khăn ngôn ngữ của trẻ nên chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết vấn đề này một cách khoa học.

Riêng về việc chị mong muốn con mình phát triển về ngôn ngữ và giao tiếp thì chị có thể tăng cường cho trẻ tham gia những hoạt động trong cuộc sống, tạo điều kiện cho trẻ tham gia các nhóm đông, các trò chơi tập thể bằng cách đưa cháu đến sân chơi, công viên, nhà thiếu nhi… Ngoài ra, có thể có những chương trình dạy về kỹ năng sống cho trẻ nhỏ hoặc dạy phát triển nhân cách toàn diện hoặc tham vấn sâu ở những nơi như: Công tý Ý tưởng việt, Trung tâm thanh thiếu niên miền Nam… chị có thể tìm thêm thông tin ở những nơi này.

Hy vọng chị sẽ thành công và giải quyết được lo lắng của mình và gia đình chúng ta hạnh phúc!.

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *