“Cần nhìn nhận rằng đây là một hành vi lệch chuẩn xã hội. Sự lệch chuẩn này thể hiện rất rõ trong cung cách ứng xử và cả sự thể hiện…”, PGS – TS Tâm lý giáo dục Huỳnh Văn Sơn bày tỏ nỗi buồn về việc một số bạn gái trẻ có những hành động thiếu kiểm soát chính mình trong mối quan hệ tình cảm yêu đương hiện nay.
* Gần đây, cộng đồng mạng có truyền tay nhau hai sự việc, một ở Hà Nội và một ở Hải Phòng các cô gái sau khi tranh cãi với bạn trai đều tự lột quần áo của mình ra trước mặt mọi người ở giữa phố. Anh nhìn nhận câu chuyện trên như thế nào?
– Tôi nghĩ đây là một câu chuyện buồn cho lối ứng xử của một số bạn gái trẻ. Khi người ta không thực sự kiểm soát được mình hay quá cuồng vì một mục đích hoặc hành động nào đó, hành vi ứng xử có thể trở nên vô cùng sai sót nếu thiếu tỉnh táo.
* Cảm giác của anh khi xem clip, hình ảnh của những vụ việc trên và các vụ việc lột đồ tương tự đã từng xảy ra trước đó?
– Tôi cảm giác nuối tiếc… dẫu vì mục tiêu nào đó thì người trong cuộc sẽ cũng cảm thấy nuối tiếc khi chính mình đã hành động không cân nhắc và thiếu hẳn những bản lề của giá trị hay khung ứng xử…Tôi thấy rất thương những bạn trẻ yêu hết mình, hành động hết sức đến mức quên cả bản thân, quên luôn người thân và những hệ giá trị thì thật xã hội.
* Đứng ở góc độ chuyên gia tâm lý theo anh nguyên nhân hành động trên xuất phát từ đâu? Có phải một phần là do người trẻ muốn được dễ dàng nổi tiếng?
– Tôi cho rằng đó là hành động quá sốc nổi và thiếu kiểm soát. Thực chất của hành động trên có thể vì nhiều động cơ khác nhau nhưng rõ nhất vẫn là động cơ nhất thời muốn giảng hòa, muốn níu kéo… Việc níu kéo người yêu giữa chốn đông người bằng những cách nêu trên thật là quá đáng.
Nó cho thấy sự ứng xử thiếu cân nhắc, thiếu văn minh và không phù hợp với quan hệ yêu đương, văn hóa của một con người và cả những chuẩn mực của văn minh đô thị… Xét dưới góc độ văn hóa, đó là một hành động quá phản cảm khó có thể chấp nhận…
Xét dưới góc độ công cộng, đó là một hành vi có dấu hiệu gây rối… Thế nhưng chung quy lại đó cũng chỉ là một hành động ứng xử mang tính rất ngây ngô và thiếu kiểm soát.
Tôi nghĩ ban đầu mục đích để nổi tiếng không hẳn là mục đích của hành động này. Dù rằng, đó cũng có thể là hành vi một số bạn trẻ đang cố gắng hướng đến bằng mọi cách… Nguyên nhân chính đó là do sự nhận thức lệch chuẩn về chuẩn mực sống, giá trị sống, cung cách ứng xử… Đó là sự thiếu kiểm soát chính mình dẫn đến sự ứng xử dưới chuẩn.
Cặp đôi ở Hà Nội cuối cùng vẫn lên xe về nhà nhưng cô gái chỉ mặc quần vào, nhất quyết không mặc áo ngoài.
Có phải đây là một dấu hiệu của bệnh lý tâm thần không? Nếu đúng anh có thể dẫn chứng một số tài liệu liên quan đến những đối tượng này?
– Thực tế cho thấy chưa thể kết luận gì về những trường hợp này vì thực sự động cơ hay những vấn đề về bản thể là những câu hỏi khó. Tuy vậy, cần nhìn nhận rằng đây là một hành vi lệch chuẩn xã hội thể hiện rất rõ trong cung cách ứng xử và cả sự thể hiện…
* Hậu quả của những việc làm trên sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống của các cô gái sau này? Và những người xung quanh như bố mẹ, bạn trai của họ?
– Với người con gái, vì quá lụy yêu nên quên cả mình là ai thì thật khó chấp nhận. Họ sẽ thật sự thương tổn nặng nề nếu nhìn lại thấy chính mình trong hình ảnh đó. Những tổn thương ấy sẽ chi phối hành vi và làm cho kiểu ứng xử trong tình yêu của người ấy càng lúc càng trở nên lệch lạc hay cũng có thể mất hẳn sự tự tin và lệ thuộc dần vào mối quan hệ đang có…
Với người đàn ông, cái nhìn về người mình từng yêu cũng thật sự thay đổi. Mọi thứ sẽ trở nên thiếu cân bằng khi chính người đàn ông ấy vừa có tâm lý tội nghiệp, vừa chán nản, vừa sợ hãi… Đừng vô tâm biến người ấy trở thành tội đồ với mình, với gia đình mình và với cả nửa thế giới còn lại… Sự đấu tranh nội tâm sẽ đẩy người ta đến sự ứng xử thiếu cân bằng trong mối quan hệ ấy hay trong cuộc sống sau này.
Đừng biến những người thân của mình thành những nạn nhân không hơn không kém, khi hành động như thế là các bạn đang vô tình dẫm đạp lên lòng tự trọng của họ. Người thân chúng ta không có lỗi, xin hãy tôn trọng họ bằng cách biết giữ hình ảnh của chính mình ngay cả lúc thất bại.
Một cô gái cãi nhau với bạn trai tự lột đồ giữa phố ở Hà Nội.
Từ câu chuyện này anh có thể đưa ra những lời khuyên với các bạn trẻ đang có cung cách ứng xử giống như hai cô gái trên?
– Cuộc sống có rất nhiều thách thức… và đừng quá hời hợt để nghĩ rằng những thách thức sẽ được giải quyết giản đơn bằng cách như thế, bằng một lần duy nhất, bằng sự giận dữ, bằng sự ép buộc hay áp đặt. Biết tôn trọng mình và có lòng tự trọng khi yêu cũng là cách yêu rất văn minh. Bản lĩnh của việc xử lý xung đột khi yêu hay giữ người yêu là sự hấp dẫn.
Khi yêu, có thể hết mình và hết sức nhưng đừng biến mình thành nô lệ của tình yêu hay kẻ lệ thuộc của tình cảm vì lúc ấy mình thật là tệ hại và đáng thương. Cuộc sống còn có nhiều giá trị khác song song với tình yêu và đừng nghĩ người ta đã yêu là duy nhất và không thể mất đi… Hãy hiểu sự cho và nhận trong tình yêu rất cần phải có sự công bằng tương đối…
( Thy Mai- NLĐ)