Chuyên gia tâm lý Huỳnh Văn Sơn lý giải rằng do sự cùng quẫn trong tâm lý, là tình trạng tinh thần có vấn đề trong cuộc sống của một số cá nhân trong giai đoạn hiện nay.
Chuyên gia có học vị TS về lĩnh vực tâm lý còn giải thích thêm: “Khi người ta nỡ cắt đứt hay xé tan núm ruột của mình cho thấy đó là hành vi rất bức bách, thiếu kiểm soát và thậm chí để quên cả lương tâm và thiên chức… Có thể nói đó là một biểu hiện mất cân bằng rất lớn trong tâm lý. Điều này cho thấy việc quan tâm đến đời sống tinh thần thực sự là điều cần chú ý”.
Trước một số ý kiến cho rằng sự ích kỷ, tức người mẹ nghĩ đến bản thân mình nhiều hơn nghĩ cho con, khiến những bà mẹ nhẫn tâm ra tay này nghĩ rằng “sinh ra được thì có quyền giết được”, vị Phó giáo sư đang công tác tại Khoa tâm lý giáo dục (ĐH Sư phạm TPHCM) nói “đó là góc nhìn phiến diện”.
“Dù trong tâm trí của một vài người mẹ, có thể có sự ích kỷ, sự lạm quyền hay sự căng thẳng quá đáng có thể làm người mẹ nỡ hành động tàn tệ. Nhưng thực ra, đó là biểu hiện của sự căng thẳng về mặt tinh thần hơn là sự thể hiện oai quyền hay ích kỷ. Mặt khác, đành rằng đó là hành vi nông nổi. Nhưng cũng cần xác định hoàn cảnh quá tột cùng mới dẫn đến sự hành động cảm tính, chủ quan”-PGS-TS Huỳnh Văn Sơn giải thích.
Cũng có ý kiến cho rằng những người mẹ ra tay giết con cái không ác nhưng không đúng khi nghĩ rằng “để con sống mà không có mình thì chết sướng hơn”. Liên quan đến điều này, TS. Sơn phản bác: “Đây mới chính là hành vi ích kỷ. Hãy cho con người sự sống thay vì sống giùm họ… Điều đó đúng kể cả với con mình…”.
Từ góc độ chuyên môn, chuyên gia tâm lý Huỳnh Văn Sơn đưa ra khuyến cáo: “Tôi cho rằng việc quan tâm đến đời sống tinh thần của con người là điều cần làm ngay. Mặt khác, cần có những chiến lược chăm sóc tinh thần cho mỗi cá nhân, đặc biệt là những đối tượng nhiều hiểm nguy…”.
“Hơn thế nữa, cần nhìn nhận vấn đề theo hướng có những tác động dài lâu, những tác động mang tính đồng bộ để cải thiện chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, hãy định hướng những giá trị nhân văn để người ta có thể sống tốt hơn và có sự ứng xử nhân ái, ngay cả trong đỉnh của sự đớn đau tột cùng”.
Theo giadinh.net.vn