“Sử dụng facebook một cách quá mức dẫn đến nghiện facebook đang dần trở nên đáng báo động đối với toàn xã hội Việt Nam hiện nay”.
Cô gái đến trường, tưới nửa lít xăng xung quanh phòng y tế rồi châm lửa đốt trong sự hò reo, cổ vũ của bạn bè phía sau
Vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền clip với hình ảnh một cô gái đến trường, tưới nửa lít xăng xung quanh phòng y tế rồi châm lửa đốt trong sự hò reo, cổ vũ của bạn bè phía sau. Hành động kinh dị, xảy ra tại Khánh Hòa. Cô gái trong clip được xác định sinh năm 2003 và đã nghỉ học.
Trước đó, cô gái này nói trên facebook rằng nếu được 1.000 like sẽ châm lửa đốt trường. Tuy nhiên, không ngờ số like nhanh chóng vượt mức 1.000.
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn và ThS. Nguyễn Vĩnh Khương, trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh) coi việc nghiện facebook là một trong những biểu hiện của “sự xuống cấp nghiêm trọng của văn hóa học đường” bên cạnh những hiện tượng khác như bạo lực học đường hay tiêu cực trong thi cử.
“Sử dụng facebook một cách quá mức dẫn đến nghiện facebook đang dần trở nên đáng báo động đối với toàn xã hội Việt Nam hiện nay” – PGS. TS Huỳnh Văn Sơn và Ths. Nguyễn Vĩnh Khương cho hay.
Theo hai chuyên gia này, đối với nhiều bạn trẻ, facebook là niềm đam mê “tìm hiểu xã hội”. Nhưng khi lạm dụng thái quá, thì đam mê ấy lại trở thành “nghiện” và ảnh hưởng không ít đến thời gian học tập. Không ít trẻ vị thành niên mải mê facebook đến nỗi quên cả việc nhà, trì hoãn việc làm bài tập, học hành”.
Các tác giả cũng cho rằng, những người trẻ nghiện facebook sẽ bị ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần và cả cuộc sống. Việc nghiên facebook của những trẻ vị thành niên cũng đang để lại những hậu quả không nhỏ.
Theo TS.Trương Đình Chiến, Học viện Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, nhiều trường ít đầu tư trong quá trình biên soạn quy tắc ứng xử văn hóa, chưa quan tâm phổ biến giới thiệu tạo cho nó sức sống thường xuyên trong các hoạt động của nhà trường.
Quá trình thực hiện quy tắc này thường rơi vào tình trạng đánh trống bỏ dùi, chủ yếu mới nằm trên giấy.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc xây dựng văn hóa trong trường học là vô cùng cần thiết. Đặc biệt, nhà trường cần xây dựng và sử dụng quy tắc ứng xử trong nhà trường một cách thiết thực và hiệu quả hơn để tạo ra một chuẩn mực hành vi, định hướng cho cách ứng xử của học sinh, giáo viên, nhân viên trong nhà trường.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đề nghị các chuyên gia nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng văn hóa học đường ở Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 và cho tương lai; Thống nhất đề xuất nguyên tắc xây dựng quy tắc ứng xử trong môi trường giáo dục, chủ yếu là trong nhà trường từ mầm non đến ĐH.
6 năm, cả nước xảy ra 1.600 vụ học sinh đánh nhau
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, từ đầu năm học 2009-2010 đến nay cả nước đã xảy ra gần 1600 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, trong đó có các vụ án hình sự ngày càng gia tăng.
Học sinh đánh nhau không chỉ dùng chân tay hay cặp sách nữa mà là những hình ảnh các học em sinh mặc đồng phục tuổi từ 10 đến 18 cầm dao, phớ, kiếm và cả súng tự chế hay súng mua chui trên thị trường để “Xử nhau” chỉ vì những lí do rất trẻ con như “nhìn đểu”, không cho chép bài, nói xấu, ghen tuông hoặc chỉ đơn giản là đánh cho bõ ghét.
Đáng chú ý hơn, tình trạng bạo lực học đường không chỉ diễn ra giữa học sinh và học sinh mà còn xuất hiện giữa học sinh với giáo viên.