Chúng ta không thể khẳng định hoàn toàn hay phủ định việc “đá xéo” của tác phẩm cũng như ê kíp sản xuất video ca nhạc (MV) “Không phải dạng vừa đâu” gây ồn ào vừa qua. Nhưng tôi nghĩ, sự cầu thị là thái độ văn hóa cần thiết của một người làm văn hóa, nghệ thuật khi dư luận đã lên tiếng.
Có một câu chuyện thế này, với cùng một câu hỏi: “Ai là họa sĩ tài ba nhất thế giới?” cho cùng một họa sĩ nhưng mỗi năm, câu trả lời lại vô cùng khác nhau. Năm 20 tuổi, người đó khẳng định: “Tôi là người vẽ giỏi nhất”. Năm 30 tuổi, người đó trả lời: “Tôi và người kia”. Năm 40 tuổi, người đó lại đổi ngược: “Người kia và tôi”. Năm 50 tuổi, người đó nói: “Người kia giỏi nhất”.
Vì sao lại có sự “chuyển di” về đánh giá bản thân mình như thế? Vì sự trải đời, vì sự tự trọng, vì sự tự đánh giá, vì sự khiêm tốn và sự ứng xử có văn hóa… Cuộc sống cần có sự tương tác, đánh giá và phản biện nhau, phương thức để chúng ta có cái nhìn đa chiều về một sự việc.
Sơn Tùng M-TP. Ảnh: Facebook
Với trường hợp của MV Không phải dạng vừa đâu bị dư luận phê phán vừa qua, chúng ta thấy rõ không phải ngẫu nhiên người trong cuộc đều lên tiếng. Người bị đưa ra “ám chỉ”, “đá xéo” là những nhạc sĩ kỳ cựu với những thành tựu nhất định, một bậc cha, chú trong ngành. Tất cả đều không phải đối tượng có thể mang ra đùa giỡn dù có biện giải rằng đó là sự vô tình hay thế nào đi nữa. Tôi không biết ý tưởng ấy là của ai, không biết biên kịch là của người nào… nhưng rõ ràng đó là hành động thiếu tôn trọng nếu như không muốn nói là thiếu tình người và non văn hóa trong ứng xử giữa người và người chứ đừng nói chi đến với đồng nghiệp theo vai vế. Đặc biệt khi đó là những người từng có lời góp ý, phê bình đúng đắn, cần được tôn trọng và cảm ơn hơn là sự trả đũa thiếu tình người thế này.
Một sản phẩm nghệ thuật ra mắt luôn phải được thông qua nhiều người. Một kịch bản MV dù dễ dãi đến mấy cũng cần có bản nháp, đường dây, phân cảnh, yêu cầu tạo hình – hình mẫu, diễn viên,… Và khó có thể nói sự chuyên nghiệp của một ê- kíp văn hóa lại vô tư hoặc non đến mức tạo ra những hiểu lầm để công chúng suy luận rồi lên tiếng phản biện rằng đó chỉ là hiểu lầm. Nếu có chăng đó là sự non trong kiểu công kích lộ liễu, nếu có chăng đó là sự dung dưỡng cho những cảm xúc thù địch… Dù muốn, dù không, dù vô tình, hữu ý, những gì tồn tại trong MV trên cần lắm một lời xin lỗi mang tính tôn trọng, chân tình. Chính người lớn, người tạo ra MV này cần có trách nhiệm cao nhất.
Ảnh: Facebook
Một lời phê bình chân thành là một ngọn đuốc sáng, lời khen tặng qua quýt là dãy băng đen che mắt con người là vậy! Khi nhận lời phê bình, đừng quên chính sự tiếp nhận bằng thái độ cầu thị là điều quan trọng để bạn lớn lên. Nếu lời phê bình ấy đúng vai đúng vế, nếu lời phê bình ấy thực sự có lý thì không cớ gì phải phủi sạch hay thậm chí trả đũa lại.
Tôi nghĩ đến lúc người lớn cần hướng dẫn để người trẻ nhận ra cách tiếp nhận sao cho có văn hóa với lời phê bình. Không dừng lại ở sự tiếp nhận, mà cách phản hồi cũng rất quan trọng! Chúng ta không nên phản ứng thái quá hay khinh rẻ, lăng nhục người khác bằng thái độ công kích cá nhân như thế. Vì đó là cách làm xấu hình ảnh mình, làm thấp đi nền tảng của mình và cũng là cách hạ bệ sự ứng xử văn minh của một con người…!
Cuộc sống cần lắm sự đối thoại bởi không ai muốn mình bị lôi vào những cuộc cãi vã và cũng chẳng ai muốn mình bị hiểu nhầm. Thái độ cầu thị trong cuộc sống rất cần! Người ta có nhiều cách để nổi tiếng hơn nhưng nếu lấy sự im lặng quấy bùn để nổi thì ắt hẳn sẽ dính bùn. Dù rằng sự giải thích không phải bao giờ cũng hợp lý nhưng nếu có sẽ tốt hơn rất nhiều. Đừng vội tôn vinh hay bẻ cong tất cả những lời góp ý cho một người trẻ nếu muốn cái tầm của bạn ấy xa hơn và cái tâm sẽ mãi sáng. Cũng đừng quên rằng có câu: Nếu hôm nay bạn nói xấu được người này thì ngay mai tôi sẽ có thể bị bạn chơi khăm nếu tôi là người khác không còn được bạn yêu quý…
Đừng vội cho rằng bài viết này hay nhiều ý kiến khác là đu đưa để nổi tiếng. Đừng vội cho rằng sản phẩm MV này hay cá nhân này hoặc cá nhân khác không cần lắng nghe sự phản biện. Nếu lời phản biện ấy chân thành thì thật là quý làm sao. Có thể nghĩ xa hơn một chút, có thể nghĩ sâu hơn một chút, không nhất thiết cần làm hài lòng tất cả nhưng nếu điều chỉnh mình vì cần làm thì tại sao không? Cầu thị giúp con người biết điều chỉnh mình, giúp con người vươn lên… Cầu thị để biết mình đúng hay sai, quá tay hay quá trớn… Cầu thị để biết mình đã ứng xử tị hiềm hay vô liêm để sống lại cho cân bằng và thoải mái… Chắc hẳn nhiều người đều muốn và người trong cuộc hay những người thân của của ta đều muốn đấy!
Nếu những lời phê bình của bài viết này có làm tổn thương đến người trong cuộc thì có lẽ đây sẽ là một lời nói chân thành. Rất yêu quý và trân trọng nhưng sự thật thì chỉ có một. Tôn trọng sự thật và ứng xử chân thành, sẽ là cách thức để chúng ta trưởng thành. Nếu sự cầu thị là điểm đến trong suy nghĩ của những người có trách nhiệm với sản phẩm này hay MV này và cả sản phẩm về mặt nhân cách của một ca sĩ trẻ – người làm văn hóa nên có những hành động mang tính cấp thiết và nhân văn.