“Nếu bạn lặp lại tới mức độ vừa đủ một sự dối trá, nó sẽ dần được chấp nhận như là sự thật”
Thao túng người thân dạng Gaslighting là gì?
Hành vi thao túng người thân dạng Gaslighting (Gaslighting nghĩa đen trong tiếng Anh là đèn thắp bằng khí gas) là một hình thức lạm dụng tâm lý khi người vợ hoặc chồng hoặc một người gần gũi, gắn bó với nạn nhân đưa ra những thông tin sai sự thật, khiến cho nạn nhân nghi ngờ những nhận thức, phán đoán, kí ức, và thậm chí là sự tỉnh táo của chính bản thân mình. Thuật ngữ này bắt nguồn từ một vở kịch cùng tên Gaslighting (Đèn khí gas), được công diễn trên sân khấu vào năm 1938 và sau đó là hai bộ phim phỏng theo kịch bản này vào năm 1940 và nổi tiếng hơn là bộ phim ra mắt sau đó vào năm 1944 do Charles Boyer và Ingrid Bergman thủ vai. Trong bộ phim công chiếu năm 1944, Boyer vào vai một người chồng ra sức làm cho vợ của mình (Bergman thủ vai) tin rằng cô đang tưởng tượng ra mọi thứ, chẳng hạn như việc thỉnh thoảng ánh đèn khí gas trong nhà trở nên chập chờn và leo lét, là một phần trong kế hoạch ăn cắp tiền và số trang sức quý giá của người Dì quá cố của vợ. (Ánh đèn khí gas bị chập chờn là do người chồng bật đèn trên gác mái mỗi khi anh ta lần mò trong căn gác để tìm kiếm khối tài sản này). Sau một thời gian, những lời dối trá khăng khăng và dai dẳng của người chồng đã làm cho chính bản thân người vợ và những người xung quanh nghi ngờ về sự tỉnh táo của cô.
Mặc dù cốt truyện của “Gaslighting” có phần lạ lùng nhưng việc phủ định khả năng nhận thức những điều có thực của ai đó, trên thực tế giống như một hình thức lạm dụng và thao túng. Xét trong đời sống thì loại hành vi này thường gắn liền với sự không chung thủy trong hôn nhân, đặc biệt là khi có liên quan với chứng nghiện tình dục. Trong những trường hợp này, người bị hại – có thể là vợ hoặc chồng – có cùng một đặc điểm chung đó là trực giác và hiện thực của họ luôn bị đánh lừa bởi sự phủ nhận kéo dài thậm chí hàng năm trời từ người bạn đời không chung thủy của họ, kẻ liên tục khăng khăng rằng anh ta hay cô ta không hề lừa dối, rằng anh ta hay cô ta thực sự phải ở lại chỗ làm đến tận nửa đêm, rằng anh ta hay cô ta không hề thờ ơ hay lạnh nhạt, và rằng sự lo lắng đó của người vợ hay người chồng chỉ là sự hoang tưởng, nghi ngờ vô căn cứ, và vô cùng bất công. Theo cách đó, người bị phản bội dần bị dẫn dắt và trở thành cảm thấy dường như bản thân họ mới là người có vấn đề và dường như rắc rối nằm ở chính sự bất ổn định về cảm xúc của họ. Theo thời gian, những cá nhân này mất niềm tin vào khả năng phán đoán và nhận thức hiện thực của họ, và họ bắt đầu đổ lỗi cho chính bản thân về những suy nghĩ và cảm giác của chính mình.
Tất nhiên, không chỉ những người bạn đời không chung thủy mới có hành vi thao túng dạng Gaslighting. Những người nghiện rượu, nghiện chất, và các chứng nghiện khác liên quan đến hành vi (như cờ bạc, chơi game, mua sắm hay một sở thích nào đó) cũng có những hành vi thao túng giống y hệt, họ nỗ lực hết sức để thuyết phục người bạn đời, gia đình, bạn bè, sếp của họ và tất cả những người khác rằng họ (những người nghiện) không hề làm gì sai cả, và nếu mọi việc trông có vẻ giống như thế, thì đó chính là do người kia (những người không nghiện) đang nhận thức sai về tình huống đó.
Tom và tôi gặp nhau khi tôi mới ngoài hai mươi. Anh ấy đã ly dị, nhưng tôi thì chưa từng kết hôn hay thậm chí chưa từng có mối quan hệ nào gần tiến tới hôn nhân với ai trước đó. Thời điểm đó, tôi có cảm giác như cuối cùng thì tôi cũng sẵn sàng cho một mối quan hệ nghiêm túc, và Tom dường như là một chàng trai hoàn hảo cho điều này. Khi chúng tôi bắt đầu hẹn hò, anh ấy luôn quyến rũ và ngọt ngào. Tôi nhận thấy thỉnh thoảng anh ấy uống hơi nhiều và điều đó khiến tôi khó chịu một chút, nhưng chúng tôi vẫn còn trẻ và tôi đã nghĩ rằng nào có ai hoàn hảo về mọi mặt đâu, đúng không? Điều duy nhất khiến tôi bận tâm là lâu lâu anh ấy lại biến mất vài ngày, không nhận điện thoại của tôi cũng như không trả lời hay mở cửa khi tôi đến gõ cửa nhà anh ấy. Tôi thực sự cảm giác như mình bị bỏ rơi khi anh ấy làm thế, và thậm chí tôi đã nghĩ đến việc chia tay. Nhưng rồi anh ấy quay trở lại, luôn tha thiết xin lỗi, giải thích rằng anh ấy ngập đầu trong một dự án lớn ở chỗ làm và anh ấy cần hoàn toàn tập trung vào nó. Rồi anh ấy nói thêm những điều đại loại như “Anh thực sự nghiêm túc với công việc chỉ bởi vì anh muốn gây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho hai ta. Anh làm điều này là vì chúng ta. Anh ước em có thể hiểu cho anh và đừng quá nhạy cảm như thế.” Những lúc đó tôi cảm thấy vô cùng có lỗi và nghĩ rằng tôi thật đúng là kẻ ngớ ngẩn khi làm những việc như chạy đến nhà anh và cố gắng tìm kiếm anh. Hoặc thỉnh thoảng anh ấy xuất hiện trong cuộc hẹn của chúng tôi mà người toàn mùi rượu, và khi tôi hỏi có phải anh đã uống rượu không thì anh ấy nói rằng tôi lại bắt đầu tưởng tượng ra mọi thứ hoặc đó chỉ là mùi nước súc miệng. Tôi thực sự phát điên lên khi anh ấy nói những điều như thế, như kiểu cho dù tôi chỉ đề cập đến điều đó thôi cũng là rất không công bằng với anh ấy.
Sau một năm hẹn hò, chúng tôi kết hôn. Lúc đó tôi đã vô cùng cảm kích khi anh ấy sẵn sàng đón nhận một người điên rồ như tôi. Và hầu như trong suốt thời gian chúng tôi chung sống anh ấy đã thuyết phục được tôi rằng tôi là kẻ có vấn đề, rằng tôi quá dễ xúc động và tinh thần không ổn định. Thậm chí khi anh ấy trở về nhà chân nam đá chân chiêu, người nồng ngặc mùi rượu, và việc này ngày càng tái diễn thường xuyên hơn, thì anh ấy hoặc là phủ nhận chuyện uống rượu hoặc là nói rằng đó là do tính chất công việc và anh ấy phải uống để có thể hòa nhập với mọi người, hoặc phải làm vui lòng một vị khách hàng nào đó có tửu lượng khá và việc duy trì cuộc vui chính là cách để anh ấy dành được hợp đồng. Thêm vào đó, việc biến mất của anh ấy càng ngày càng trở nên tồi tệ. Tuy nhiên, anh ấy luôn có một cái cớ cho điều đó, và luôn khiến tôi cảm thấy rằng tôi đang tưởng tượng ra mọi thứ, hoặc quá nhạy cảm, quá đa nghi nếu tôi cứ tra hỏi anh ấy. Thỉnh thoảng anh ấy sẽ nói dối đến cùng rằng anh ấy đã thông báo với tôi về chuyến đi dự hội nghị trong vài ngày.Và điều tồi tệ nhất là khi anh ấy buộc tội tôi là cư xử giống hệt người vợ cũ đáng ghét của anh ấy. Cứ như vậy, tôi nhận ra bản thân mình sẽ tin vào bất cứ điều gì anh ấy nói. Tôi chỉ nhận ra được rằng anh ấy đã nói dối tôi nhiều đến nhường nào sau khi công ty sa thải anh vì đã say rượu quá nhiều lần trong khi làm việc. Tôi thấy bản thân mình thật ngu ngốc khi biết rằng mình đã đúng trong suốt thời gian qua nhưng thay vì tin tưởng vào bản thân tôi lại chọn tin vào những lời nói dối của anh ấy, và nghĩ rằng bản thân mình đã không công bằng và có cảm xúc bất ổn. Giờ đây tôi sợ hãi việc hẹn hò trở lại bởi tôi không nghĩ rằng mình có thể tin tưởng một ai, ngay cả bản thân tôi. Tôi chỉ cảm thấy bị tổn thương và ngu ngốc.
– Maria, 35 tuổi, vừa ly dị-
Sự thật, những lời nói dối mà những người nghiện như Tom chủ tâm thực hiện với người thân để họ có thể tiếp tục hành vi nghiện ngập mà không bị can thiệp là vô cùng tàn nhẫn. Và thường thì họ chỉ cần đưa ra những lý lẽ nghe có vẻ hợp lý để khiến mọi thứ có thể là thật. Và khi những hành vi thao túng kiểu Gaslighting này tiếp diễn liên tục trong một thời gian đủ dài, người bị lừa dối sẽ trở nên nghi ngờ chính những phán đoán và cảm xúc của bản thân, giống như Maria, cuối cùng họ bắt đầu tin tưởng vào những lời dối trá và lý do biện minh nhằm thao túng của người nghiện. Khi điều này xảy ra, các nạn nhân thường tự nhận lấy trách nhiệm cho sự trục trặc trong mối quan hệ, mặc dù phần lớn những vấn đề này bắt nguồn từ phía người nghiện. Bạn có nhớ phản ứng của Maria khi Tom hỏi cưới cô ấy không? “Lúc đó tôi đã thật sự cảm kích khi anh ấy sẵn sàng đón nhận một người điên rồ như tôi.” Ngay từ lúc đó, cô ấy đã tự đổ lỗi cho cảm xúc của bản thân xuất phát từ những hành vi của anh ấy.
Phần thực sự đáng lo ngại là ngay cả những người có trạng thái cảm xúc ổn định cũng dễ trở thành nạn nhân của hành vi thao túng kiểu Gaslighting, chủ yếu là bởi nó diễn ra từ từ chậm rãi theo thời gian. Hãy tưởng tượng nó giống như việc bạn đặt một con ếch vào trong một chậu nước ấm và sau đó bắt đầu đun chậu nước. Do nhiệt độ tăng lên một cách từ từ, con ếch sẽ không thể nhận ra được nó đang bị nấu chín. Chúng ta có thể thấy viễn cảnh này giống hệt với trường hợp của Maria, một cá nhân tương đối khỏe mạnh dần dần bị dẫn dắt theo những suy nghĩ điên rồ mà Tom áp đặt nhằm giữ nguyên mối quan hệ của họ.
Đôi khi những người bạn đời và người yêu của những người nghiện có thể trở người bị đồng lệ thuộc với người nghiện, có nghĩa là họ cảm thấy bắt buộc phải hỗ trợ và tiếp tay cho người nghiện với thói nghiện ngập của anh ấy hoặc cô ấy, thậm chí ngay cả khi “sự trợ giúp” của họ không mang lại mục đích tích cực nào cả mà trên thực tế nó còn gây tổn hại. Về bản chất, họ trở thành người chăm sóc và tạo ra môi trường/tạo điều kiện cho thói nghiện ngập của người nghiện. Khi hình thức đồng lệ thuộc không lành mạnh này bị kết hợp với hành vi thao túng kiểu Gaslighting sẽ gây ra hậu quả là hội chứng chia sẻ rối loạn tâm thần (folie à deux) – một ảo giác, hoặc ảo tưởng được chia sẻ bởi hai (hoặc nhiều hơn hai) người có quan hệ tình cảm gần gũi nhau. Một phiên bản quy mô nhỏ của nó chính là sự tin tưởng của Maria rằng những lần cô ấy ngửi thấy mùi rượu trong hơi thở của Tom chỉ là “sự tưởng tượng của cô ấy”, tuy nhiên để hội đủ điều kiện của chứng chia sẻ rối loạn tâm thần thì Tom cũng cần phải hoàn toàn tin lời nói dối của mình là thật.
Đáng buồn thay, những hành vi thao túng kiểu Gaslighting thường gây ra sự đau khổ lớn hơn nhiều so với bất cứ điều gì mà người nghiện muốn che đậy. Đối với Maria là một ví dụ, điều làm cô đau đớn nhất ở Tom không phải là việc anh ấy đã uống rượu quá nhiều như một thói quen và thi thoảng lại biến mất trong những lần uống đến say bí tỉ quên trời đất, mà là anh ấy đã nói dối về nó và làm cô ấy cảm thấy mình thật điên rồ và sai lầm vì đã nghi ngờ những cái cớ giống nhau để hợp lý hóa mọi chuyện hết lần này đến lần khác hay thậm chí những câu chuyện hoàn toàn bịa đặt của anh ấy.
Hành vi thao túng dạng Gaslighting là một dạng hành vi theo thuyết Tổn thương tâm lý do phản bội
Có rất nhiều loại tổn thương, nhưng đau đớn và để lại hậu quả lâu dài nhất là tổn thương liên quan đến sự phản bội lòng tin trong một mối quan hệ. Những tổn thương này bắt nguồn từ những hành vi có chủ ý của sự ngược đãi, thờ ơ, lạm dụng và thậm chí hành vi bạo lực gây ra bởi những cá nhân có mối quan hệ gần gũi với nạn nhân. Vấn đề sẽ càng tệ hơn khi có một thực tế là sự tổn thương do bị phản bội thường là mãn tính, và lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Thường thì nạn nhân sẽ gặp khó khăn để vượt qua do sự ngược đãi này xảy ra trong bối cảnh của một mối quan hệ, và những yếu tố tích cực cũng như những điều tốt đẹp của mối quan hệ đó có thể dễ dàng làm lu mờ và gạt đi thực tại cũng như sức mạnh của sự lạm dụng. Trong trường hợp của Maria, mối quan hệ của cô ấy với Tom và sự lệ thuộc cảm xúc vào Tom đã khiến cho cô ấy trở nên dễ bị tổn thương trước hành vi thao túng dạng Gaslighting, bởi vì trong tâm trí của cô ấy luôn tồn tại suy nghĩ rằng cô ấy cần anh ta hơn là cần sự thật.
Theo thời gian, những tổn thương mãn tính do bị phản bội (ví dụ như tổn thương do hành vi thao túng dạng Gaslighting) có thể gây ra những căng thẳng chồng chất, dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm, mất đi sự tự tin, lòng tự trọng thấp, mất đi sự gắn bó, v.v… Trong một nghiên cứu khảo sát về ảnh hưởng của chứng phản bội tình dục mãn tính, hầu hết những người vợ hoặc chồng bị lừa dối đều trải qua những triệu chứng căng thẳng cấp tính đặc trưng của hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn – đây là một chẩn đoán nghiêm trọng. Sau hơn 20 năm làm việc với những người lừa dối và người bạn đời bị phản bội, chưa kể đến trường hợp những người nghiện và những người vợ/chồngbị phản bội của họ, tôi có thể đảm bảo với bạn rằng các hành vi tình dục cụ thể hay hành vi nghiện ngập không phải là nguyên nhân gây ra hầu hết những nỗi đau về cảm xúc, mà chính là những lời nói dối chắc như đinh đóng cột, mánh khóe lừa gạt và việc làm cho nạn nhân cảm thấy mình là người đa nghi, phán xét, sai trái, và hoàn toàn điên rồ. Nói cách khác, không phải là sự lừa gạt, hoặc việc người kia nghiện rượu/nghiện chất gây ra những tổn thương ấy, mà chính là do những hành vi thao túng dạng Gaslighting – là việc phủ nhận sự thực và thực tế.
Vậy khi những người thân của người nghiện cuối cùng nhận ra rằng họ đã luôn đúng trong hầu hết thời gian mà họ bị lừa, những phản ứng của họ lúc đó đôi khi cũng có thể khiến họgiống như người điên, điều đó có gì là quá đáng không? Sự thật rất đơn giản, để sống sót trong một thời gian dài với những tổn thương do bị phản bội mãn tính, thì đó là một phản ứng hoàn toàn tự nhiên khi người đàn ông và người phụ nữ-nạn nhân bị lừa dối trở nên phẫn nộ, giận giữ, sợ hãi hoặc bất cứ cảm xúc nào khác. Ingrid Bergman đã vô cùng khéo léo khi thể hiện tất cả những phản ứng này trong vai diễn đã mang về cho cô bức tượng vàng danh giá Oscar, giống như Maria thể hiện trong cuộc hôn nhân của cô ấy. Đây chính là sự lạm dụng tâm lý mà người nghiện cố ý gây ra đối với người bạn đời, gia đình, bạn bè của họ – tất cả chỉ để giúp cho việc họ có thể tiếp tục sự nghiện ngập của mình.
Thật không may, những người bạn đời và người yêu của những người nghiện, dù phải trải qua những nỗi đau, giận giữ, rối loạn và sự phản bội, lại thường cảm thấy phẫn nộ với ý nghĩ rằng bản thân họ có thể cần được giúp đỡ để xoay xở với những cảm xúc của mình. Sự phản kháng này hoàn toàn tự nhiên. Với những người phải trải qua sự phản bội gây ra do chứng nghiện ngập của một ai đó (và hành vi thao túng dạng Gaslighting thường đi liền với sự phản bội này) có một thôi thúc điển hình và bao trùm lên tâm trạng của họ, đó là đổ lỗi cho người nghiện. Tuy nhiên, rất nhiều người trong số họ, những người bạn đời, các thành viên trong gia đình cần nhận được sự hỗ trợ có liệu pháp, đặc biệt là để nhận biết và xử lý các chấn thương tâm lý do những hành vi thao túng kiểu Gaslighting gây ra. Hoặc ít nhất những cá nhân đó cần phải điều chỉnh cảm xúc, được trợ giúp về kiến thức, định hướng cho cuộc sống về sau, cần được thấu cảm với cuộc sống đã bị đảo lộn do hành vi phản bội lặp đi lặp lại của người nghiện, và cần được giúp đỡ để thoát khỏi nỗi xấu hổ họ cảm thấy khi lúc này nhận ra mình đã rơi vào bẫy đầy những cái cớ và những lời dối trá của người nghiện.
Khi người bạn đời hay một người thân bị phản bội lựa chọn tiếp tục duy trì mối quan hệ với người nghiện, mà thường họ luôn làm thế, thì cũng phải mất một khoảng thời gian khá lâu sau đó họ mới có thể dần thiết lập lại sự tin tưởng vào những điều người nghiện nói và làm. Thực sự là như vậy, sau tất cả những gì họ đã trải qua thì đó là điều hoàn toàn dễ hiểu. Hạnh phúc thay, nếu người nghiện cam kết sẽ thay đổi dài lâu (luôn trong tình trạng tỉnh táo), luôn luôn thành thật, và quay trở lại hoàn toàn là chính bản thân anh ấy/cô ấy, thì khả năng phát triển lại một mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng là thực sự có thể. Và khi họ, những người bạn đời bị lừa dối, cùng chung sức với người nghiện trong nỗ lực cải thiện bằng cách cùng tham gia vào quá trình hỗ trợ, giáo dục, tự kiểm điểm, mối quan hệ mới này này thậm chí còn tốt hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, một số người thân của người nghiện lại đưa ra kết luận cuối cùng rằng những gì mà họ đã trải qua dưới bàn tay lèo lái của người nghiện đã giết chết tất cả nhưng đam mê cảm xúc trong mối quan hệ và họ không mong muốn tiếp tục duy trì mối quan hệ đó. Đối với những cá nhân này, sự tin tưởng của họ không thể khôi phục lại và việc chấm dứt mối quan hệ xem ra là điều đúng đắn nhất họ có thể làm. Cũng giống như việc một người bị phản bội không hề sai khi tiếp tục mối quan hệ với người nghiện, anh ấy hoặc cô ấy cũng không hề sai khi quyết định kết thúc nó. Điều cuối cùng, quan trọng hơn hết thảy cho dù người bị phản bội chọn ở lại hay ra đi, đó là cô ấy hay anh ấy sẽ sống tiếp thế nào sau sự mất mát to lớn này. Hình thức phục hồi này nhấn mạnh tầm quan trọng to lớn của việc phát triển và xây dựng lòng tin vào bản năng, tìm lại cách để có thể sẵn sàng thể hiện các cảm xúc, tự chăm sóc và khuyến khích bản thân, và phát triển một mạng lưới hỗ trợ đồng đẳng, bao gồm những người cùng cảnh ngộ và đáng tin cậy. Thông thường, việc này bắt đầu diễn ra khi tham gia trị liệu, bao gồm trị liệu nhóm với những người từng bị phản bội và bị thao túng bởi các hành vi kiểu Gaslighting có liên quan tới chứng nghiện của ai đó. Nó cũng có thể bao gồm các nhóm hỗ trợ 12 Bước giống như Al-Anon (Hộingười nghiện rượu ẩn danh) và CODA (Hộiẩn danh của những người bị ảnh hưởng bởi chứng nghiện).
- Khái niệm về hành vi thao túng kiểu gaslighting là một phần của thuyết chấn thương tâm lý do bị phản bội, được hình thành từ công tác lâm sàng của Omar Minwalla ,Jerry Goodman, và Sylvia Jackson MFT.
Tác giả: By Robert Weiss LCSW, CSAT-S
Nguồn: blogs.psychcentral
Dịch: https://www.facebook.com/NgoFontanaVietnam/