XỬ LÝ KHỦNG HOẢNG TRUYỀN THÔNG SHOW BIZ – BẢN LĨNH VÀ THÔNG TUỆ

Sẽ chẳng bao giờ bạn có thể tự tin rằng cả đời bạn sẽ không bao giờ gặp sự cố khủng hoảng. Bản lĩnh và trí tuệ của một cá nhân, một con người sẽ thể hiện rõ khi gặp khủng hoảng. Vài sự cố liên tục trong quá trình làm việc, những phản ứng quá khích từ người khác mang tính tiêu cực với cá nhân, một sự thật hay một tin đồn quá sức chịu đựng hay quá sức kiểm soát của cá nhân đều làm cho con người rơi vào hố sâu khủng hoảng.

NẾU KHỦNG HOẢNG XẢY RA

Khi khủng hoảng, con người sẽ rất dễ có những hành động quá khích hoặc hành động thiếu kiểm soát. Cố gắng giải thích, cố gắng che giấu, cố gắng lấp vá mọi thứ… Thực tế đó có thể là những biện pháp mang tính tình thế nhưng chưa hẳn là hiệu quả. Mặt khác, có một số cá nhân xử lý khủng hoảng bằng cách làm ngược lại với sự cố để minh chứng hoặc có thể buông người theo chuỗi thông tin và diễn tiến khủng hoảng, đó là những sai lầm nếu xét trên bình diện sâu xa…

Đối với người nổi tiếng, khủng hoảng lại càng trở nên nguy hại. Nguy hại cho hình ảnh, cho công việc và thậm chí cho cả một cơ đồ và sự nghiệp của chính họ đã dày công vun đắp. Khủng hoảng với người nổi tiếng giống như một cú lộn ngã của chiếc máy bay đẳng cấp đang bay trên không, giống như cú va tàu mà chiếc tàu hình ảnh có thể vỡ tan hay móp méo… Dù muốn dù không, khủng hoảng với người nổi tiếng cũng đáng sợ hơn cả việc bắt đầu hành trình để trở thành người nổi tiếng…

Câu chuyện của thí sinh A hay thí sinh B vừa đăng quang đã nhận gạch đá tới tấp không quá lạ. Thí sinh và người nhà lùng túng và đau đớn như cơn hấp hối xuất hiện thình lình… Hay một thí sinh khác giờ đã là Hoa Bông gì đó cũng phải đau khổ khi bị lật tẩy rằng điểm thi Đại học có chút vấn đề… Mọi thứ bị khai quật lại từ kiểu ăn nói thiếu chừng mực với bạn bè, người yêu teen… Đó là khủng hoảng xuất hiện khi lời lẽ thô dành cho bậc trưởng thượng và thầy cô giáo của chính mình – khi truyền thống tôn sư trọng đạo vốn dĩ quan trọng với người Việt.

Tùy theo mức độ của khủng hoảng mà mỗi người sẽ chịu đựng, xử lý khác nhau. Người nổi tiếng bị hiểu nhầm là chặt chém đồng nghiệp, dồn ép đàn em, nói xấu người quản lý – bầu show, xem thường khán giả khi lộ ra là những khủng hoảng nhẹ nhàng… Nặng nề hơn là việc da tình, cặp người này người khác hay ly hôn hoặc có con đã lâu mà che giấu… Nặng nề hơn vẫn đó là sự thất bại trong kinh doanh khi nợ nần không trả, có dấu hiệu lừa đảo. Hoặc đó là sự thật trần trụi của một giải thưởng bị bóc mẽ, một mối quan hệ mờ ám sau một cuộc thi, sự dàn xếp tin nhắn hay giải thưởng vừa có… Sâu xa hơn và khủng hơn là bị tố giật chồng, lấy vợ người hay vướng vào những cuộc tình hay những mối quan hệ tội lỗi… Với khá nhiều người nổi tiếng, việc không rõ ràng trong các mối quan hệ và vi phạm đạo đức hay chuẩn mực xã hội được xem là khủng hoảng khá phổ biến…

BẢN LĨNH LÀ VŨ KHÍ

Im lặng, một vũ khí tối thượng của khá nhiều người nổi tiếng. Giản đơn có thể nhìn nhận là im lặng trở thành phản ứng tự vệ của người nổi tiếng. Kiểu phản ứng này mang đến nhiều cảm xúc và nhiều dòng suy nghĩ liên tục từ người khác. Nếu không im lặng thì giải thích với ai? Minh chứng cái gì? Trần tình ra sao? Vì tất cả những phán xét là sự phán xét từ những người giấu mặt, từ những cá nhân, nhóm hay thậm chí là tổ chức mang nghĩa bí ẩn. Và thực tế nói thế nào khi đó là chuyện đời tư, là những nỗi niềm riêng… Thực tế với nhiều người, im lặng trước những scandal riêng để trấn tĩnh, để xem lại để điều chỉnh cũng có. Nhưng im lặng trước những scandal riêng để khẳng định mình không có như thế, để dư luận sẽ nhẹ nhàng cho qua và nhân văn theo thời gian… Mặt khác, im lặng cũng có thể là cách người ta sẽ nổi tiếng hơn vì sự bí ẩn. Khi mọi sự bí ẩn được giải mã thì người nhận ra sự thật sẽ cáng dễ yêu quý sau một thời gian ném đá…

Không phải ngẫu nhiên ngay từ rất xa xưa, im lặng đã được chọn là vàng. Chính sự im lặng sẽ có lợi nhất cho mình và cho người trong các mối quan hệ phức tạp của cuộc sống. Chính im lặng trở thành nút thắt của cảm xúc, của bí mật, của nghi vấn đề khi mọi thứ vỡ òa thì những hành động cảm thông sẽ lên ngôi hoặc sự thật cũng được chấp nhận đúng như nghi ngờ của khủng hoảng thì mọi thứ đã là quá khứ. Lẽ đương nhiên, xử lý khủng hoảng còn nhiều phương thức khác nhau như tát nước theo mưa, từng bước nhỏ một. Đơn giản là việc một bí mật cá nhân bị tiết lộ như bị phụ tình, bị mất cắp, người ta có thể tát nước theo mưa để khẳng định rằng mình quá tội nghiệp, mình sẽ có kế hoạch thế này hay thế khác để phục hận… Hoặc từng bước nhỏ một khi chia tay với công ty quản lý, khi bị chính cha mẹ tố giác, họ sẽ có từng bộ hình, từng sự kiện nho nhỏ hàn gắn để lý giải mọi thứ diễn ra là hiểu nhầm

Thực tế cho thấy hành trình trở thành người nổi tiếng cần được xem xét dựa trên những sự cố gắng về nhân cách của người nổi tiếng. và sự áp lực mà người nổi tiếng phải chịu đựng không hề nhỏ. Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rằng chính sự đặt để mục tiêu vừa sức, chính sự tự trọng cũng như biết kiểm soát bản thân là điều rất quan trọng. Để trở thành người nổi tiếng cần biết hy sinh, cần giữ gìn hình ảnh của chính mình. Những rung cảm của trái tim và mối quan hệ xung quanh cần được rõ ràng và rạch ròi trong chừng mức…

Xử lý khủng hoảng của người nổi tiếng cần dựa trên những nguyên tắc của sự thông minh. Hướng đi an toàn của người nổi tiếng là sự lựa chọn. Sẽ có một vài người nổi tiếng xử lý theo nguyên tắc “boom” bùng nổ để minh chứng nhưng xem chừng cách thức này đầu hiểm nguy không phải ai có thể tự tin và bản lĩnh để sử dụng. Người nổi tiếng cần có độ lì và sức chịu đựng, cần chung sống với tin đồn hay những sự thật của thách thức, cần biết chai với những cảm xúc tiêu cực hay những sự hiểu nhầm hay thậm chí là sự ném đá. Sau đó vẫn là sự bình tâm để khắc phục và đi tiếp bằng lối đi của chính mình…

Trở thành người nổi tiếng cần học cách quản lý cảm xúc bản thân, cần biết đặt ra mục tiêu vừa sức nhưng cũng cần biết xây dựng bản lĩnh chung sống với thách thức và khủng hoảng. Làm chủ khủng hoảng sẽ rất khó nhưng chung sống và xử lý khủng hoảng cho thấy bản lĩnh của một người của công chúng biết tồn tại và thích nghi… Và sự nổi tiếng không chỉ là mức độ mà còn thể hiện ở độ dài của thời gian là thước đo hiệu quả nhất của bản lĩnh được trui rèn…

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *