Mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến, vốn là hệ quả của tâm lý đám đông.
Mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến, thì càng cần có sự thấu cảm.
Vì sao lại như vậy?
Tâm lý đám đông và những hệ quả
Tâm lý đám đông là một hiện tượng mà trong đó cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ, lời nói, thái độ, hành vi của một cá nhân bị tác động rất lớn bởi những người bên ngoài, sự tác động đó lớn tới mức cá nhân có thể “đánh mất chính mình”, có những cảm xúc, thái độ, hành vi mà lúc ở một mình họ không thể nào có được.
Tâm lý đám đông xảy ra thường ngày, luôn luôn xảy ra, xảy ra xung quanh ta, cả ngoài đời lẫn thế giới ảo. Trong số hàng nghìn thanh niên chen lấn, xô đẩy để vào ăn một món nào đó, chắc gì tất cả đều là những người thích món ăn đó, song thấy người ta xô nhau hùa vào, nghĩ là có điều gì đó thú vị, nên cũng ùa vào theo. Có hàng nghìn những lời bình luận (comments) trên mạng sau một bài viết nào đó hay một câu status trên Facebook của một ai đó, chắc gì tất cả đã đọc bài viết hay hiểu ý nghĩa của câu status đó, song thấy người ta phê phán, chê bai, hay khen ngợi, mình cũng phải “vào hùa” khen ngợi hay chê bai. Không ít người khen, chê dựa vào thái độ của những người trước đó. Suy nghĩ và tam quan của chúng ta, nhiều khi có thể bị chi phối bởi tâm lý đám đông.
Có một đợt mạng xã hội ồ ạt mổ xẻ nhân vật Tấm, là ác độc, là tàn nhẫn, thi nhau đặt ra câu hỏi “Tấm có hiền lành không?”, rồi lại thi nhau bao biện thay cho nhân vật Cám và mẹ dì ghẻ, có người còn comment, đại ý rằng sẽ không bao giờ cho con mình đọc thể loại truyện như Tấm Cám, vì sợ làm ô nhiễm tâm hồn con trẻ.
Sự thực là, bản thân tôi, hay nhiều người khác, hầu hết chúng ta, khi còn bé được bà được mẹ kể cho câu chuyện này, chúng ta đều không suy nghĩ nhiều như vậy. Tâm trí non nớt của chúng ta lúc bấy giờ chỉ nhận thức được rằng Tấm hiền lành, Cám và mẹ dì ghẻ ác độc nên bị trừng phạt thích đáng. Nhưng có lẽ nhiều người hồi bé từng nghĩ vậy, giờ lại ngồi sau màn hình mà đạp đổ chính hình tượng cổ tích trong tuổi thơ của mình.
Xét trên phương diện văn học, thì phải thành thật nói rằng những người lên án nhân vật Tấm, là những người không hiểu về câu chuyện (dù câu chuyện này được đưa vào giảng dạy trong trường học phổ thông). Nhân vật Tấm vốn là một nhân vật chức năng, được sáng tạo ra để thay tiếng nói của nhân dân, thay hành động của nhân dân, nhân dân lao động muốn cái ác bị trừng trị, thì Tấm phải trừng trị cái ác. Hơn nữa chính hành động đó của Tấm cũng là một biểu hiện của sự tự vươn lên, rằng hạnh phúc chỉ vững bền khi do chính mình đạt được, cái ác đôi khi phải dùng cái ác đến trừng trị, cái ác mà không diệt tận gốc thì vẫn có khả năng lan tràn. Hơn nữa, câu chuyện được đưa vào giảng dạy trong SGK cũng đã sửa đổi cái kết có phần bớt dã man hơn, vậy thì những người đang mổ xẻ nhân vật Tấm theo chiều hướng kia, có thực sự hiểu nhân vật này, cũng như hiểu về đặc trưng của dòng văn học này hay không?
Họ chỉ đang đi theo dấu vết đám đông, và bị dắt mũi bởi đám đông. Lại nói tới một sự kiện gần đây, khi ấu dâm trở thành một trong những từ khóa nóng bỏng, vụ việc một bé gái bị hiếp dâm bởi một người tên Đ. trở nên xôn xao vì cư dân mạng lùng sục ra được trong trường có một thầy giáo tên Đ. Thầy giáo đó vốn không phải thủ phạm, nhưng lại bị những cư dân mạng lao vào chửi mắng, lên án, xúc phạm. Cuối cùng thì sau vụ việc đó, ai là người chịu trách nhiệm cho những tổn thương tinh thần và danh dự mà thầy Đ. phải chịu?
Hay câu chuyện của một bạn gái sinh năm 2000 cách đây khá lâu, khi clip nóng của cô bạn bị đăng lên mạng, người ta không chỉ trích bạn trai của cô đã ép buộc cô, mà lại quay ra chỉ trích phê phán cô yêu sớm, phê phán cô không biets giữ mình. Chỉ vì bị những cá nhân ẩn danh trên mạng xã hội lên án kịch liệt, mà cuối cùng nạn nhân đã đi vào đường cùng.
Không hiểu rõ ràng câu chuyện, nhưng lại phán xét người khác như thể đã nắm rõ tường tận. Điều đáng sợ là, sau những gì tâm lý đám đông để lại, thì người chịu hậu quả chỉ có một mình nạn nhân (của tâm lý đám đông). Những người giấu mặt sau màn hình máy tính, lại tắt máy tính đi và trở về cuộc sống bình thường của họ, như chẳng có chuyện gì cả. Bởi vậy mà, người ta kêu gọi sự thấu cảm.
Hãy thấu cảm
Thấu cảm là khả năng nhìn nhận thế giới bằng con mắt của người khác, thấu cảm, hiểu đơn giản là sự kết hợp của thấu hiểu và cảm thông.
Trước khi gõ bàn phím và phán xét bất kể điều gì, hãy dừng lại và suy nghĩ cẩn thận trước hẵng, bất kể đó là câu chuyện về một nhân vật văn học, hay là câu chuyện về một con người ngoài đời. Đừng vội phán xét, đừng vội xúc phạm bất kỳ ai.
Sự thấu cảm là cội nguồn của lòng trắc ẩn, của tình yêu thương, mang con người lại gần nhau hơn. Hãy để sự thấu cảm dẫn lối bạn khi sử dụng mạng xã hội, đừng nghĩ rằng tắt máy tính đi thì sẽ không có chuyện gì xảy ra cả, hãy cẩn trọng lời nói trên mạng xã hội. Hãy thấu hiểu một điều gì đó trước khi nhận xét về nó, hãy cảm thông cho một người, trước khi đánh giá về họ.
Sự thấu cảm dạy cho bạn cách nhìn khách quan hơn, đừng để cái tôi cá nhân và tâm lý đám đông dắt mũi bạn. Nếu bạn để tâm lý đám đông dắt mũi, thì rốt cuộc bạn chỉ là một con cừu, người ta chỉ đâu đi đó. Bạn có lý trí, có tình cảm của mình, hãy tìm hiểu, hãy thấu hiểu, hãy cảm thông. Hãy nghĩ rằng bất kể lúc nào bạn cũng có thể trở thành nạn nhân của tâm lý đám đông, mà cảm thông cho những người bị tâm lý đám đông vùi dập.
Có cái nhìn hiểu biết, thấu đáo, trọn vẹn; giúp ta biết cảm thông và chia sẻ với niềm vui, nỗi buồn; vị tha với lỗi lầm của người khác. Có lẽ bạn đã nghe câu này nhiều rồi, rằng sự vi tha và bao dung giúp cuộc sống này an yên hơn, vậy thì vì sao không cảm thông, vì sao không vị tha, vì sao không đặt mình vào vị trí của người khác, và thử cảm nhận những gì người đó từng trải qua?
Trên mạng xã hội cũng có một câu nói, đại ý thế này, hãy thử đi đôi giày của tôi và trải nghiệm tất cả những chặng đường, cả đau khổ và sướng vui tôi đã trải qua, và rồi ngừng phán xét tôi đi. Vậy đấy, bạn không thể hoàn toàn hiểu một ai đó, nhưng hãy cố gắng hiểu họ và cảm thông nhiều hơn.
Hơn nữa, sự thấu cảm có thể mang lại sức mạnh kỳ diệu làm thay đổi con người, hướng con người tới sự hoàn thiện nhân cách. Trên mạng xã hội, chắc chắn sẽ có lúc bạn thấy ai đó làm điều gì đó là sai, là không đúng, hãy dùng sự thấu cảm của bạn, mà viết những lời comment khuyên răn một cách chân thành, đừng chửi rủa, đừng xúc phạm, chúng ta là những con người văn minh, đừng tự đánh đồng bản thân với những kẻ vô học.