Sáng nay 7.1, chương trình Tư vấn mùa thi năm 2017 do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức, đã diễn ra buổi đầu tiên tại Trường THPT Tân Bình, Q.Tân Phú, TP.HCM với gần 1.500 học sinh tham gia.
Gần 1.500 học sinh háo hức lắng nghe tư vấn
Lo lắng về tâm lý
Trước những dự kiến thay đổi trong kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH năm 2017, nhiều học sinh tỏ ra rất lo lắng. Ngay đầu chương trình, học sinh (HS) Vũ Minh Hiếu, lớp 12A4 đã đặt câu hỏi: “Em muốn chuẩn bị tâm lý vững vàng trước những thay đổi của năm nay. Xin các thầy cô cho em lời khuyên”.
PGS-TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đưa ra các “liệu pháp” để giúp thí sinh ổn định tâm lý: “Các em phài thật chú ý 3 vấn đề sau: Thứ nhất, trả lời được câu hỏi mình là ai, mình thích làm nghề gì để có sự lựa chọn và định hướng tốt cho nghề nghiệp của mình. Thứ 2, có tư duy tích cực và tự tin vào bản thân để không cảm thấy bi quan, sợ sệt. Cuối cùng là học thật tốt, chuẩn bị kiến thức tốt, biết được thế mạnh, khả năng của mình. Nếu làm được 3 điều này, các em sẽ bước vào kỳ thi một cách thoải mái, dù quy chế thi và xét tuyển có thay đổi thế nào”.
Học sinh đặt câu hỏi trực tiếp
Mới chỉ học lớp 11 nhưng Trần Thanh Hiệp đã có mặt để nghe các chuyên gia tư vấn cung cấp thông tin về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh. Hiệp băn khoăn: “Liệu năm 2018 cách thi, cách xét tuyển có thay đổi nữa hay không để tụi em chuẩn bị?”.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định: “Từ năm 2015 đến nay, quy định về thi và xét tuyển mỗi năm có một số điểm khác so với năm trước. Thông thường là những thay đổi tích cực nhằm tăng cơ hội và quyền lợi cho thí sinh. Trong năm 2018, cũng có thể sẽ tiếp tục thay đổi, nhưng theo đại diện của Bộ GD-ĐT, phần lớn sẽ vẫn ổn định để tránh xáo trộn cho thí sinh”.
Thạc sĩ Đương cho rằng, quan trọng nhất là học sinh tập trung vào năng lực học tập, nếu học tốt thì dù có bất kỳ sự thay đổi nào cũng không ảnh hưởng tới kết quả.
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn tư vấn tâm lý cho HS
Trong khi đó, học sinh Dương Tuấn Khanh, lớp 12A2 lại thắc mắc liệu việc bỏ điểm sàn có ảnh hưởng gì tới thí sinh? Thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM khẳng định: “Việc Bộ dự kiến bỏ điểm sàn sẽ ảnh hưởng chủ yếu tới các trường ĐH tốp dưới trong việc xác định điểm chuẩn. Đối với thí sinh, có thể cơ hội đậu ĐH sẽ tăng lên. Tuy nhiên, nếu các trường muốn nâng cao chất lượng thì sẽ vẫn xác định mức điểm chuẩn chứ không phải mức điểm nào cũng đậu”.
Những ngành học đi nhiều, giao tiếp nhiều
Việc lựa chọn ngành học để xét tuyển vẫn luôn là vấn đề được nhiều học sinh quan tâm. Khánh Loan, học sinh lớp 12A4 cho biết: “Em thích học ngành du lịch nhưng liệu ngành này có phù hợp với con gái?”; Xuân Thương, lớp 12A5 lại muốn hỏi ngành học nào thì được đi nhiều, giao tiếp nhiều?
Thạc sĩ Lê Trọng Vinh, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, chia sẻ: “Ngành du lịch có 3 hướng, một là học làm hướng dẫn viên, hai là làm quản trị nhà hàng khác sạn, ba là quản trị lữ hành. Nếu em không muốn đi nhiều thì có thể chọn học quản trị”.
Theo thạc sĩ Vinh, thí sinh nào có khả năng giao tiếp tốt và thích dịch chuyển, có thể chọn ngành hướng dẫn viên du lịch, báo chí, truyền thông, quan hệ quốc tế…
Nghe chuyên gia giải đáp thú vị, học sinh thích thú vỗ tay
PGS-TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, thông tin thêm: “Du lịch trên biển hiện nay cũng rất phát triển. Các em nữ cũng vẫn có thể học ngành tàu biển để được đi nhiều, làm du lịch biển. Tàu du lịch đến Việt Nam ngày càng nhiều, trong đó, số lượng nữ làm việc trên tàu không hề nhỏ”.
Quan tâm đến ngành kỹ thuật hạt nhân, một học sinh lớp 12A3 muốn biết ngành này ra trường có thể làm việc ở đâu? Thạc sĩ Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết học kỹ thuật hạt nhân có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực như y học, sinh học, nông nghiệp, điện hạt nhân…
Kết thúc buổi tư vấn, học sinh nán lại để đại diện các trường ĐH giải đáp thêm thắc mắc
Mỹ Quyên
Ảnh: Đào Ngọc Thạch