Dù có nỗ lực hết sức “thấu hiểu bản thân”, sự thật là ta thường hiểu rất ít về tâm trí mình.
Dù có nỗ lực hết sức “thấu hiểu bản thân”, sự thật là ta thường hiểu rất ít về tâm trí mình, và thậm chí còn biết ít hơn về cách người khác suy nghĩ. Như Charles Dickens từng nói, “Có một sự thật kỳ lạ cần suy ngẫm, mỗi người được tạo ra để trở nên bí ẩn với người khác.”
Từ lâu, các nhà tâm lý học đã nghiên cứu về cách ta nhìn nhận cuộc sống và các yếu tố thúc đẩy hành vi của ta, và họ đã đạt được những bước tiến to lớn trong việc vén bức màn bí ẩn đó. Ngoài việc cung cấp đề tài để khơi mào các cuộc trò chuyện trong những bữa tiệc rượu nhỏ, một số thí nghiệm tâm lý học nổi tiếng nhất trong thế kỷ qua đã hé lộ những sự thật phổ biến và thường gây kinh ngạc về con người. Sau đây là 10 nghiên cứu tâm lý kinh điển có thể thay đổi cách bạn hiểu về bản thân.
1. Trong mỗi người đều tồn tại mặt ác
Có thể nói thí nghiệm nổi tiếng nhất trong lịch sử ngành tâm lý học là nghiên cứu nhà tù Stanford năm 1971, nghiên cứu này tiến hành khám phá các hoàn cảnh xã hội có thể ảnh hưởng đến hành vi con người như thế nào. Các nhà nghiên cứu, do nhà tâm lý học Philip Zimbardo dẫn đầu, lập ra một nhà tù giả trong tầng hầm của tòa nhà khoa tâm lý học Stanford và chọn ra 24 sinh viên (những sinh viên này không có hồ sơ phạm tội và được cho là có trạng thái tâm lý lành mạnh) vào vai tù nhân và quản chế. Sau đó, các nhà nghiên cứu quan sát các tù nhân (họ phải ở trong xà lim 24 tiếng/ngày) và các quản chế (những người này thay ca cho nhau sau 8 tiếng) bằng camera ẩn.
Thí nghiệm này, được lên lịch kéo dài trong 2 tuần, đã phải dừng lại chỉ sau 6 ngày vì hành vi ngược đãi của các quản chế – trong một số trường hợp, họ thậm chí còn tra tấn tâm lý các tù nhân – và khiến những người này căng thẳng lo lắng tột độ.
“Các quản chế ngày càng hung hãn với tù nhân, họ lột sạch quần áo của tù nhân, trùm bao lên đầu họ, rồi cuối cùng bắt họ thực hiện các hoạt động tình dục ngày càng tồi tệ,” Zimbardo kể với tạp chí American Scientist. “Sau 6 ngày tôi phải kết thúc thí nghiệm này vì nó đã vượt khỏi kiểm soát – thật sự mỗi tối tôi không thể ngủ mà không lo lắng về những gì các quản chế có thể làm với tù nhân.”
2. Ta không nhìn thấy những gì Ở ngay trước mắt mình
Hãy nghĩ về những gì bạn biết đang diễn ra quanh mình? Bạn có thể không thật sự chú ý như bạn nghĩ. Năm 1988, các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Harvard and Kent State đã chọn khảo sát những người đi bộ trong một khuôn viên đại học nhằm xác định xem bao nhiêu người chú ý đến môi trường xung quanh mình. Trong thí nghiệm này, một diễn viên tiến đến gần một người đi bộ và nhờ chỉ đường. Trong lúc người đi bộ đang chỉ đường, có 2 người đàn ông khiêng một cánh cửa lớn bằng gỗ đi giữa diễn viên và người đi bộ, hoàn toàn chắn tầm nhìn của 2 người với nhau trong vài giây. Trong thời gian đó, diễn viên này đã được thay thế bằng một diễn viên khác, có chiều cao và vóc dáng khác, và trong một bộ trang phục, kiểu tóc và giọng nói khác. Một nửa số người đi bộ không nhận ra sự thay thế này.
Đây là một trong những thí nghiệm đầu tiên minh họa cho hiện tượng “mù thay đổi”, nó cho thấy ta chọn lọc những gì mình tiếp nhận từ bất kỳ khung cảnh nào – và dường như ta dựa vào trí nhớ và sự nhận biết theo mô thức nhiều hơn mình suy nghĩ.
3. Trì hoãn cảm giác thỏa mãn thì rất khó – nhưng ta sẽ thành công hơn nếu làm được điều đó
Một thí nghiệm nổi tiếng của Stanford vào cuối những năm 1960 kiểm tra khả năng kiềm chế trước cám dỗ trước mắt của những trẻ mầm non – và nó đã cung cấp một số hiểu biết quý giá về ý chí và kỷ luật tự giác. Trong thí nghiệm, những đứa trẻ 4 tuổi được đưa vào một căn phòng một mình với một viên kẹo dẻo được đặt trên chiếc đĩa trước mặt trẻ, và được bảo rằng trẻ có thể ăn viên kẹo đó ngay, hoặc nếu đợi đến khi nhà nghiên cứu quay lại sau 15 phút, trẻ có thể có 2 viên kẹo.
Mặc dù hầu hết những đứa trẻ này đều nói sẽ đợi, nhưng thường khó nhịn được và sau đó bỏ cuộc, ăn viên kẹo trước khi nhà nghiên cứu quay lại, tạp chí TIME thuật lại. Nhìn chung, những trẻ kiềm chế được hết 15 phút đã áp dụng chiến thuật né tránh, chẳng hạn như quay lưng đi hoặc nhắm mắt lại. Tác động từ hành vi của những đứa trẻ này rất quan trọng: Những trẻ có thể trì hoãn cảm giác thỏa mãn ít có nguy cơ bị béo phì, nghiện ma túy hoặc có các vấn đề về hành vi khi đến tuổi teen, và sau này thì thành công hơn trong cuộc sống.
4. Ta có thể trải qua sự xung đột sâu sắc về mặt đạo đức
Một nghiên cứu nổi tiếng năm 1961 do nhà tâm lý học Stanley Milgram tiến hành kiểm tra (hơi cực đoan) xem mọi người sẽ tuân theo người có quyền đến đâu khi được yêu cầu làm hại người khác, và xung đột nội tại dữ dội giữa đạo đức cá nhân và nghĩa vụ phục tùng mệnh lệnh người có quyền.
Milgram muốn tiến hành thí nghiệm này để tìm hiểu tại sao các tội phạm chiến tranh Nazi có thể có những hành động ghê rợn không tả xiết trong cuộc tàn sát Holocaust. Để làm điều đó, ông thử nghiệm 2 người tham gia, một người được cho là “giáo viên” và người kia được cho là “học trò.” Người giáo viên được hướng dẫn cho sốc điện người học trò (đang ngồi trong một căn phòng khác, nhưng trên thực tế không bị sốc điện) mỗi khi trả lời sai câu hỏi. Milgram cho phát những đoạn ghi âm nghe như người học trò đang đau đớn, và nếu đối tượng “giáo viên” tỏ ý muốn dừng lại, người giám sát sẽ đốc thúc họ tiếp tục. Trong thí nghiệm đầu tiên, 65% người tham gia đã thực hiện cú sốc điện cuối cùng gây đau đớn, 450 volt (ký hiệu là “XXX”), mặc dù nhiều người tỏ ra căng thẳng và không thoải mái khi làm điều đó.
Mặc dù nghiên cứu này được xem là lời cảnh báo chung về việc mù quáng phục tùng uy quyền, gần đây tạp chí Scientific American đã xem xét lại nghiên cứu này, cho rằng những kết quả đó cho thấy thêm sự xung đột đạo đức sâu sắc. “Bản chất đạo đức con người bao gồm khuynh hướng cảm thông, tử tế và tốt bụng với những người thân thích và cùng nhóm, cùng khuynh hướng bảo thủ, độc ác và xấu xa với những người khác nhóm”, nhà báo Michael Shermer viết. “Các thí nghiệm sốc điện không chỉ cho thấy sự phục tùng mù quáng mà còn cả các khuynh hướng xung đột đạo đức ẩn sâu bên trong.”
Gần đây, một số nhà bình luận đặt nghi vấn về phương pháp của Milgram, và một nhà phê bình đã lưu ý rằng các ghi chép về thí nghiệm đó được thực hiện tại Yale cho thấy 60% người tham gia thật ra không tuân theo mệnh lệnh thực hiện cú sốc điện có cường độ mạnh nhất.
5. Ta dễ dàng khuất phục trước uy quyền
Có một lý do tâm lý đằng sau việc người có quyền đôi khi hành xử với người khác theo hướng lạm quyền và thiếu tôn trọng. Một nghiên cứu năm 2003 được đăng trên tờ Psychological Review xếp các sinh viên theo các nhóm 3 người để cùng viết một bài luận ngắn. Hai sinh viên được hướng dẫn viết bài luận, trong khi người còn lại được bảo đánh giá bài luận và quyết định mỗi sinh viên được trả bao nhiêu tiền. Khi họ đang làm việc giữa chừng, một nhà nghiên cứu mang vào đĩa bánh quy gồm 5 cái. Mặc dù nhìn chung không ai ăn chiếc bánh cuối cùng, đa số “trưởng nhóm” luôn ăn chiếc bánh thứ tư– một cách trịch thượng.
“Trong các cuộc thí nghiệm khoa học, khi các nhà nghiên cứu trao cho ai đó quyền lực, họ sẽ dễ chạm vào người khác theo cách không đúng đắn, thẳng thừng tán tỉnh hơn, có những lựa chọn và đánh cược liều lĩnh, đưa ra những đề nghị đầu tiên trong các cuộc đàm phán, nói ra suy nghĩ của mình, và ngốn bánh quy, nhà tâm lý học Dacher Keltner, một trong những người chỉ đạo nghiên cứu, viết trong một bài viết cho Trung tâm Khoa học Greater Good của Đại học California, Berkeley.
6. Ta tìm sự trung thành từ những nhóm xã hội và dễ dàng bị cuốn vào xung đột trong nhóm
Thí nghiệm tâm lý xã hội kinh điển năm 1950 tập trung vào yếu tố tâm lý căn bản có thể xảy ra về lý do vì sao các nhóm xã hội và các quốc gia thấy mình bị cuốn vào các cuộc xung đột với nhau – và làm sao họ có thể học cách tái hợp tác.
Trưởng nhóm nghiên cứu Muzafer Sherif đưa 2 nhóm nam,mỗi nhóm 11 em (tất cả đều 11 tuổi) đến Công viên Quốc gia Robbers Cave tại Oklahoma để tham gia “trại hè.” Hai nhóm (có tên là “Đại Bàng” và “Rắn Chuông”) trải qua một tuần ở riêng với nhau, cùng nhau vui chơi và gắn kết, không biết đến sự tồn tại của nhóm kia. Khi cả 2 cuối cùng được nhập lại, các em bắt đầu xúc phạm nhau, và khi bắt đầu tranh đua trong nhiều trò chơi, nhiều xung đột hơn xảy ra và cuối cùng hai nhóm không muốn dùng bữa cùng nhau. Trong giai đoạn tiếp theo của nghiên cứu, Sherif thiết kế các thí nghiệm nhằm cố gắng hòa giải những đứa trẻ này bằng cách để các em cùng tận hưởng các hoạt động giải trí (nỗ lực thất bại) rồi để các em cùng giải quyết một vấn đề, và cách này cuối cùng bắt đầu hóa giải được xung đột.
7. Ta chỉ cần một thứ để hạnh phúc
Nghiên cứu Harvard Grant kéo dài 75 năm – một trong những nghiên cứu so sánh qua thời gian toàn diện nhất từng được tiến hành –theo dõi 268 nam sinh viên ở Harvard từ các lớp 1938-1940 (hiện nay đã ở độ tuổi 90), thường xuyên thu thập dữ liệu về các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống của họ. Kết luận tổng thể là gì? Tình yêu thật sự là điều quan trọng nhất, ít nhất trong việc quyết định hạnh phúc lâu dài và cảm giác thỏa mãn trong cuộc sống.
Người chỉ đạo nghiên cứu này trong nhiều năm, bác sĩ tâm thần George Vaillant, nói với tờ Huffington Postthat rằng có 2 cột hạnh phúc: “Một là tình yêu. Hai là tìm cách đương đầu với cuộc sống mà không bỏ qua tình yêu.” Ví dụ, một người bắt đầu tham gia nghiên cứu với tình trạng tương lai ít ổn định nhất trong tất cả các đối tượng nghiên cứu và anh từng cố tự tử. Nhưng đến cuối đời, anh lại là một trong những người hạnh phúc nhất. Tại sao? Vaillant giải thích, “Anh dành cuộc đời mình để tìm kiếm tình yêu.”
8. Ta thành công khi có lòng tự trọng và địa vị xã hội vững vàng
Việc có được danh tiếng và thành công không chỉ giúp nâng cao cái tôi – nó có thể còn là bí quyết để sống trường thọ, theo nghiên cứu về những người đạt giải Oscar nổi tiếng. Các nhà nghiên cứu đến từ Trung tâm Khoa học Sức khỏe Sunnybrook và Women’s College tại Toronto phát hiện các diễn viên và đạo diễn thắng giải Oscar có khuynh hướng sống lâu hơn những người được đề cử những không thắng giải, các nam nữ diễn viên đạt Oscar sống lâu hơn những đồng nghiệp trạc tuổi nhưng không giành được giải thưởng này trong gần 4 năm.
“Chúng tôi không nói rằng bạn sẽ sống lâu hơn nếu thắng giải Oscar,” Donald Redelmeier, nhà nghiên cứu chính, nói với ABC News.“Hoặc mọi người nên ra ngoài và tham gia các khóa học diễn xuất. Kết luận chính của chúng tôi đơn giản là các yếu tố xã hội rất quan trọng … Nó cho thấy cảm giác tự trọng bên trong là một khía cạnh rất quan trọng đối với sức khỏe và sự chăm sóc sức khỏe.
9. Ta không ngừng cố gắng lý giải những trải nghiệm của mình cho nó hợp lý với ta
Bất kỳ ai tham gia lớp Tâm lý học Căn bản dành cho sinh viên năm nhất đều quen thuộc với khái niệm bất hòa về nhận thức, lý thuyết cho rằng con người có xu hướng tránh xung đột tâm lý dựa trên những niềm tin trái ngược và loại trừ lẫn nhau. Trong một thí nghiệm nổi tiếng năm 1959, nhà tâm lý học Leon Festinger yêu cầu những người tham gia thực hiện một loạt những công việc ngớ ngẩn, chẳng hạn như xoay cái chốt trong tay nắm cửa bằng gỗ, suốt một tiếng đồng hồ. Sau đó, họ được trả 1 hoặc 20 đô-la để nói với người tham gia đang đợi (thật ra là nhà nghiên cứu) rằng công việc này rất thú vị. Những người được trả 1 đô để nói dối đánh giá các công việc này thú vị hơn những người được trả 20 đô. Kết luận ở đây là gì? Những người được trả nhiều tiền hơn cảm thấy họ có đủ lý lẽ để biện minh cho việc thực hiện công việc một cách máymóc trong một tiếng đồng hồ, nhưng những người chỉ được trả 1 đô-la cảm thấy cần biện minh cho thời gian đã bỏ ra (và giảm bớt mức bất nhất giữa những niềm tin và hành vi của họ) bằng cách nói hoạt động này rất vui. Nói cách khác, ta thường tự dối lòng để khiến thế giới này có vẻ hợp lý và hài hòa hơn.
10. Ta tin vào các khuôn mẫu
Dù không cố làm, nhưng chúng ta đều dán nhãn các nhóm người khác nhau dựa trên nhóm xã hội, sắc tộc hoặc tầng lớp – và nó có thể khiến ta đưa ra các kết luận không công bằng và có hại cho tất cả mọi người. Các thí nghiệm của nhà tâm lý học John Bargh thuộc Đại học New York về “tính tự động của hành vi xã hội” cho thấy ta thường đánh giá mọi người dựa trên các khuôn mẫu vô thức – và ta không thể không làm điều đó. Ta cũng có khuynh hướng tin tưởng tuyệt đối khuôn mẫu của các nhóm xã hội mà ta xem mình là một phần trong đó. Trong một nghiên cứu, Bargh nhận thấy nhóm người tham gia được yêu cầu sắp xếp lại các từ liên quan đến tuổi già – “Florida,” “helpless” và “wrinkled” – thì đi bộ trên hành lang chậm hơn đáng kể so với nhóm sắp xếp các từ không liên quan đến tuổi tác. Bargh đã cũng tìm thấy xu hướng tương tự ở hai nghiên cứu so sánh khác áp đặt các khuôn mẫu dựa trên chủng tộc và sự lịch thiệp.
“Khuôn mẫu là những phân loại vô lý,” Bargh chia sẻ trên trang Psychology Today. “Khi áp dụng khuôn mẫu, ta nhận thông tin về giới tính, tuổi tác, màu da của người đối diện, và tâm trí ta phản hồi bằng các thông điệp thù địch, ngu ngốc, chậm chạp, yếu đuối. Những phẩm chất đó không bắt nguồn từ môi trường bên ngoài. Nó không phản ánh đúng thực tế.”
Tác giả: Carolyn Gregoire
Nguồn: http://www.huffingtonpost.com/2013/10/18/20-psychological-studies-_n_4098779.html