Một ngày theo chân PGS. TS Huỳnh Văn Sơn mới thấy công việc của anh bộn bề thế nào. Không những rất ấn tượng với bề dày về giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý song song với công việc của một diễn già đình đám. Mà công việc làm truyền hình của anh cũng không kém phần ấn tượng…
Bảo anh là kỷ lục gia về truyền hình với tư cách chuyên gia cũng không sai khi anh xuất hiện trên truyền hình từ những năm 2001 đến nay. Và Anh vẫn còn hiện đều đều với nhiều tư cách và nhiều chương trình ở nhiều đài khác nhau. Anh bảo, đó là duyên, còn nợ thì chưa biết sẽ ra sao.
Câu 1. Cơ duyên nào thôi thúc anh trở thành “người trên truyền hình”?
Tôi làm phát thanh trực tiếp từ những năm 1999 trên VOH và BTV. Sau đó một hai năm tôi xuất hiện trên truyền hình. Thú thật là trước đó vài năm, cơ duyên đã đến nhưng tôi không thích nên từ chối. Vào sau năm 2001, tôi bắt đầu xuất hiện trên vài chương trình thiếu nhi của HTV với tư cách chuyên gia tâm lý. Cảm ơn các anh chị biên tập và cảm ơn cơ hội quý này. Tôi xem đó như một cái duyên.
Câu 2. Chương trình nào là chương trình anh xuất hiện đầu tiên?
Nếu nói chương trình xuất hiện đầu tiên dài hạn thì có lẽ là Ngày chủ nhật của em. Ở mục 1001 thắc mắc của em một cách thường xuyên. Sau đó là Bong bóng thủy tinh. Cả hai đều là của Ban thiếu nhi – HTV. Còn những chương trình mà chỉ là khách mời thì cũng còn vài chương trình khác.
Câu 3. Anh ấn tượng với những chương trình nào và Đài nào đã cộng tác?
Nói thật lòng là tôi có may mắn khi đã được cộng tác với rất nhiều Đài và nhiều chương trình khác nhau dù với tư cách chuyên gia hay khách mời hoặc giám khảo hay host. Tôi nhận lời nghĩ là có duyên và tôi nhớ mãi. Ở HTV, tôi không thể quên Ngày chủ nhật của em, Cả nhà cùng vui… hay các chương trình như IQ tỏa sáng, Học viện IQ, Sức khỏe vàng (với vai trò cố vấn nội dung). BTV với Gia đình ơi, Chuyện 22h, Vĩnh Long với Bí quyết giữ chàng (giám khảo), Sống khỏe mỗi ngày, Long An với Gia đình mến yêu, Đồng nai với Chuyện khó nói – truyền hình trực tiếp, Tiền Giang và Long An với chương trình Tư vấn trực tiếp truyền hình về Sức khỏe sinh sản trong năm năm liên tiếp từ năm 2008 đến 2013…
Câu 4. Bỏ qua những chương trình anh làm khách mời vài lần trong năm. Vậy hiện tại, trong năm 2015, anh xuất hiện ở những chương trình nào một cách thường xuyên?
Trong năm 2015 với khá nhiều chương trình dự kiến. Thế nhưng hiện tại, tôi vẫn mới chỉ thống nhất được ở vài chương trình. Với vai trò giám khảo ở chương trình Tiếng cười sinh viên phát sóng lúc 12h 30 trên HTV 7 đã phát sóng được vài tháng, Chương trình Bữa cơm gia đình, Ô cửa trái tim (Ô cửa trái tim: 19g30 thứ 4 và thứ 7 hàng tuần trên HTV7. Bữa cơm gia đình: 16g20 trên HTV7 các ngày trong tuần – thứ 6, 7, chủ nhật là phát chính; phát lại các ngày còn lại), Chương trình Chuyện làm mẹ trên Sao TV phát sóng mỗi tuần, Chương trình Ca dao tục ngữ đồng hành cùng với NSUT Kim Xuân phát sóng trên Đài Bà rịa Vũng tàu vào lúc 20h 35 thứ bảy mỗi tuần, Chương trình Chuyện khó nói – với vai trò Host phát sóng trên Long An vào lúc 10h 20 thứ hai và phát lại 10h 20 thứ sáu và 8h 30 ngày chủ nhật hàng tuần. Chương trình Phút 89 phát trên 9 Đài khác nhau vào khung giờ tối… Hiện còn một hai chương trình tôi cũng đang xem xét để thể hiện vai trò Host nhưng cũng đang cân nhắc vì tôi không muốn lặp lại chính mình với các vị trí thường xuyên.
Câu 5. Thực sự anh có yêu thích công việc này?
Nếu nói không yêu, bạn có tin không. Tôi làm việc này xem như đó là niềm vui, xem như cách để tích lũy kinh nghiệm nhằm hỗ trợ các MC trẻ. Tôi nghĩ mình đến với công việc này vì công việc đã chọn mình và tôi cho rằng là do chữ duyên. Tôi cũng đã vượt qua nhiều thử thách và thậm chí một số hiểu nhầm vì làm truyền hình nhiều. Nhưng nếu đã có duyên thì tôi nhận và tôi không muốn giải thích hay phân bua nhiều.
Câu 6. Anh có nghĩ làm truyền hình là một kiểu để tạo ra hào quang?
Thực tế cho thấy đó là sự lựa chọn của một số người. Nhưng xem lại hành trình của mình, tôi tự tin nói rằng mình chưa chọn sai chương trình. Ngay cả việc từng từ chối làm giám khảo của một chương trình tài năng hay tham gia những game có kinh phí rất nhiều tôi cũng quyết. Nếu nói tạo ra hào quang thì cách khai thác trên mạng sẽ dễ hơn ấy chứ nhưng trách nhiệm của người diễn giả và trách nhiệm của công việc truyền thông làm cho tôi thấy mình yêu nhiều hơn công việc này.
Câu 7. Lớp bạn trẻ và những người làm nghề sau anh có dễ bị ảo tưởng về công việc của một chuyên gia tâm lý hay một diễn giả nếu chỉ nhìn thấy ánh sáng trên truyền hình?
Tôi cũng từng bị trách do nhiều sinh viên vào nghề của tôi do bị ấn tượng bởi hình ảnh trên truyền hình của chuyên gia. Tôi cũng gặp điều đó dù đã làm quản lý ngành 10 năm. Tôi nghĩ các bạn có quyền định hướng nhưng nếu định hướng sai thì cần chịu trách nhiệm. Hào quang không phải là miếng mồi để tranh giành. Và nếu sự non nhận thức về nghề sẽ làm cho bạn dễ lựa chọn sai để quay đầu mà thôi. Tôi nghĩ, tôi sẽ làm hết trách nhiệm của mình để hào quang và điểm lặng sẽ song hành chứ không thể cấm ai không tỏa sáng. Nhưng đừng tỏa sáng kiểu “đen tối”.
Câu 8. Đâu là sự khác nhau giữa một PGS TS Huỳnh văn Sơn trên truyền hình và đời thật?
Tôi nghĩ chẳng có gì khác. Vì tôi nói những điều chân thành và trải nghiệm. Đừng nghĩ tôi mang cả lý thuyết và nghề nghiệp lên truyền hình. Nhưng cũng đừng cố gắng phân biệt đâu là nỗi đau, niềm vui của cá nhân tôi, đâu là trải nghiệm của chính tôi hay của người khác. Chỉ biết rằng tôi sống hết mình, làm việc bằng cả trái tim.
Trần Hoàng