“Thầy cô đã không hoàn thành nhiệm vụ. Họ cần bù đắp cho em lòng tự trọng, sự tổn thương và sự an toàn bằng lời xin lỗi”, Phó giáo sư, tiến sĩ tâm lý giáo dục Huỳnh Văn Sơn nhìn nhận về việc nữ sinh ở Trà Vinh bị đánh hội đồng trong lớp học.
Gần đây, một nữ học sinh ở Trà Vinh bị hành xử kiểu hội đồng bằng ghế nhựa với hàng loạt hành động có thể nói là dã man, tàn bạo… Theo nạn nhân, nguyên nhân bị đánh là do từ chối việc lớp trưởng sai vặt nên bị cho là “láo”.
“Khi em đang ngồi thì cả nhóm vây lại. Các bạn thay nhau tát, giật tóc, đấm, đá, đập ghế vào đầu và khiến em chảy máu cằm. Em cố gắng van xin các bạn đừng đánh và cứu em, nhưng không ai giúp. Chỉ đến khi một số bạn hét lên Nó bị chảy máu be bét rồi kìa thì các bạn mới dừng lại”, nạn nhân kể.
Bạo lực học đường đã tồn tại từ lâu, nhưng nghe những điều này và xem clip thì chúng ta không khỏi xót xa, dường như mảng tối đang lấn át mảng sáng. Cha nạn nhân ngay sau khi biết chuyện đã đưa con đến bệnh viện thăm khám, song đó chỉ là giải pháp kiểm tra sức khỏe, quan trọng hơn vẫn là sự chăm sóc về tinh thần cho em.
Khi bị đánh, vốn dĩ là người yếu thế em mới không có sự phản kháng cần thiết, hay né tránh hành động bạo lực. Sau đó, với sức ép và sự đe dọa từ phía các bạn, em vẫn không dám phản kháng. Vết máu đã khô nhưng vết đau chưa hẳn đã hết, nỗi sợ vẫn còn đầy. Tất cả sự căng thẳng, lo lắng ấy vẫn có nguy cơ sang chấn, stress dài lâu.
Từ đâu mà học sinh lại đối xử với bạn bè của mình như vậy? Theo tôi, chính những học sinh đánh bạn cũng đang bị dồn nén, các em có nhiều điều muốn nói, nhưng không biết phải giải tỏa thế nào. Xung năng ấy đã thôi thúc các em phản ứng bằng những hành vi xa lạ. Đánh bạn để khẳng định mình, đánh bạn để giải tỏa tâm lý, đánh bạn vì những mâu thuẫn không được giải quyết, để dằn mặt đối tượng, hay để gây scandal…
Không ít trẻ chẳng hiểu thế nào là việc giải quyết xung đột, theo hành vi bản năng, theo thói quen và theo những phản xạ tích lũy được bằng con đường “di truyền xã hội”, bạo lực trở thành một biện pháp hay cách thức giải quyết vấn đề.
Nếu bảo rằng trường học là xã hội thu nhỏ thì sao trường học có thể miễn nhiễm từ xã hội? Đó là chưa kể ngay trong môi trường học đường, việc dạy làm người còn bị xem nhẹ; chuyện chỉ dồn ép để học tập vẫn được đặt như một yêu cầu tối quan trọng. Đó là chưa kể việc thiếu mềm mại trong cách thức giáo dục, thiếu đầu tư cho việc tìm hiểu và tác động giáo dục.
Không ít thầy cô giáo vẫn cho mình là bề trên, thời gian đâu để lắng nghe, điều kiện đâu để tìm hiểu hoàn cảnh, sự đầu tư cho công tác giáo dục đạo đức còn bị xem nhẹ thì thử hỏi bạo lực, một hành vi bộc phát sao không có cơ hội nảy sinh?
Bên cạnh đó, nếu cho rằng gia đình là tế bào của xã hội, là trường học đầu tiên thì bao nhiêu bậc phụ huynh quan tâm đến con cái mình một cách đúng nghĩa? Thời gian dành cho việc trò chuyện với con không có, điều kiện để uốn nắn cũng không, nhiều bậc phụ huynh rơi vào vòng xoáy của chuyện kim tiền và cũng bạo lực, thì thử hỏi sao mọi chuyện có thể được giải quyết?
Không quá lý tưởng cho rằng chúng ta cần tìm một ngôi nhà đúng nghĩa của mái ấm để cho trẻ ở và lớn lên, nhưng nếu đó là một không khí tâm lý nặng nề với “đĩa bay – chén bay” liên tục thì sao có thể hạn chế được cái “mầm” bạo lực hay “cây kim” bạo lực quẫy đạp từ rất sớm?
Cũng không thể bỏ qua nguyên nhân từ phía xã hội khi có quá nhiều điều cần suy ngẫm xoay quanh chuyện môi trường lớn của sự phát triển nhân cách. Hàng ngày, hàng giờ, sự thu nạp những hình ảnh thực tế của đứa trẻ đang trưởng thành vẫn diễn ra. Đó là những biểu hiện của sự bất công trong mối quan hệ, đó là chuyện phố, chuyện phường, đó là những bức xúc xoay quanh chuyện nhà, chuyện cửa…
Khi yếu tố truyền thông mà đặc biệt yếu tố “thẩm thấu” trực tiếp từ môi trường chưa được định hướng hoặc được phân tích rốt ráo theo hướng bộ lọc hay hướng “điều chỉnh” thì chắc chắn rằng mọi chuyện sẽ không thể tránh khỏi nguy cơ. Thậm chí những nghiên cứu cho thấy, ở những khu vực nhất định, lượng hành vi bạo lực, bạo hành hay nhu cầu hoặc thói quen của hành vi ấy có thể xảy ra gấp ba lần, năm lần so với một đối tượng so sánh cách biệt. Đó là nỗi đau khó có thể phai nhòa cho mỗi người.
Cũng không thể không đề cập đến những tác động khác xoay quanh xu hướng hành vi nhân cách của đứa trẻ. Sự ảnh hưởng của các loại sản phẩm được núp bóng dưới văn hóa một cách thô thiển, đó là những trò chơi bạo lực gián tiếp hay trực tuyến, đó là những phim ảnh thiếu sự kiểm soát của những cơ quan chức năng được tuồn vào bằng nhiều hình thức dẫn đến sự “rối nhiễu” hành vi về mặt tâm lý. Đây không hẳn là sự rối nhiễu mang tính chất tâm thần mà đó là rối nhiễu hay lệch chuẩn hành vi với những định hướng chuẩn mực.
Những nguyên nhân trên ảnh hưởng một cách tổng hợp đến đời sống của trẻ em và dẫn đến kiểu bạo lực học đường chủ động hay thụ động ở nhiều phương diện khác nhau. Vì vậy, cần có những biện pháp giáo dục từ nhà trường và gia đình.
Những ám ảnh rất mãnh liệt đối với học sinh bị đánh có thể làm cho thần kinh của em ấy bị kích thích một cách tột độ. Những sự dồn ép ấy sẽ dẫn đến sang chấn tâm lý khi sự “tải trọng” của tâm hồn không thể chấp nhận, không thể thích ứng hay thích nghi một cách sâu sắc… Vì vậy, nghiên cứu chuyên biệt về vấn đề này và có những kỹ thuật trị liệu hệ thống là yêu cầu thiết yếu.
Một sự xử phạt nghiêm khắc cũng cần phải thực hiện. Xử phạt này dành cho những người mang danh bảo vệ em trong môi trường học đường. Họ đã không hoàn thành nhiệm vụ. Những thầy cô giáo cần bù đắp cho em lòng tự trọng, sự tổn thương và sự an toàn bằng lời xin lỗi.
Những học sinh đánh bạn chưa đến mức phải đuổi học, nhưng cần trừng phạt nghiêm khắc để các em nhận ra rằng đánh hội đồng bạn là một hành vi phải được xử lý thích đáng và đó là hành vi đáng bị lên án, không được phép vì nó thiếu nhân văn, thiếu tình người.
Còn những bạn bè chứng kiến cũng cần được truy đến cùng kể cả người tải clip để nhận ra rằng đó là một thái độ vô cảm, một hành vi vô trách nhiệm cần được lên án, phê phán. Phải giải quyết vụ việc tận gốc rễ thì hành vi này đã được giải quyết một cách tương đối.
PGS Huỳnh Văn Sơn
Phó trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm TP HCM