Có thể vì tiếp cận góc độ khoa học con người và góc độ giáo dục dành cho con người, những ý kiến xác đáng về những cái chưa được của bài viết trước chúng tơi không đề cập nhưng chúng tôi muốn phân tích thêm nhiều vấn đề khác có liên quan.
Với 10 năm học tiếng Anh nhưng vẫn không nói được phải chăng chúng ta không có những sinh viên nói tiếng Anh tốt hay những sinh viên đủ khả năng học thẳng ở nước ngoài? Cái chính ở đây đó là quá trình tự học và đặc biệt là quá trình học thêm của người học. Ở đây, vai trò của học thêm lại nổi trội hơn bao giờ hết.
Lực lượng hay chất lượng?
Số lượng giảng viên ngoại ngữ không chuyên và giáo viên phổ thông có thể nói là không thiếu nhưng liệu đó có phải là những người đủ để đảm nhận việc giảng dạy ngôn ngữ nước ngoài một cách thực thụ. Từng tiếp xúc và dự giờ cũng như đánh giá những giảng viên tiếng Anh ở cả trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp với vai trò chuyên môn về Phương pháp giảng dạy (do từng học cử nhân tiếng Anh và trải qua lớp đánh giá giáo viên vào những năm 2000) cá nhân tôi nhận thấy chất lượng của giảng viên là điều rất đáng để quan tâm. Không ít trong số họ là những người “rẽ ngang” khi chính động cơ phấn đấu chưa thật mạnh mẽ cũng như chưa được thực sự chuẩn xác từ những kỹ năng phát âm cho đến những kỹ năng thuộc về phương pháp. Nếu được rà soát lại sẽ thấy không ít giảng viên chuyển từ môn dạy khác sang dạy tiếng Anh khi có bằng cử nhân ngoại ngữ, một số từ nhân viên kế toán, nhân viên ghi danh, một số là giáo viên tiếng Pháp hoặc tiếng Nga. Cũng không ít người chỉ có cử nhân Ngoại ngữ nhưng được đẩy vào làm giảng viên – giáo viên sau khi hoàn thành một cách nhẹ nhàng chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hay chứng chỉ Lý luận dạy học Đại học. Không phủ nhận hoàn toàn những giảng viên –giáo viên rẽ ngang có trình độ cả về kỹ năng lẫn phương pháp khá vững vàng nhưng chắc chắn rằng số lượng này đáng kể?
Thực trạng này còn đau lòng hơn khin nhìn về giáo viên tiếng Anh ở các tỉnh. Không ít giáo viên chỉ có bằng B Tiếng Anh và chuyển sang dạy chính thức để rồi sau đó hợp thức hóa bởi tấm bằng chuyên tu. Không ít giáo viên quên luôn cả việc chuẩn hóa những cũng gần đến tuổi nên đành tạm chấp nhận. Không ít Phòng, sở chỉ xét dựa trên tên bằng chứ không xét thật kỹ chuyên ngành nên mọi chuệyn đều “lọt sàng xuống nia” Thực tế này không phải không biết – không hay nhưng nó là hệ quả chính chúng ta phải “ôm ấp” cho những chiến lược thiếu tính toán về vấn đề quản lý nguồn nhân lực trong giáo dục. Quy định tuyển dụng phải chăng đang được nới lỏng hay buông lơi? Thực trạng này càng đau lòng hơn khi rà soát ở các tỉnh thì số lượng sinh viên học chính quy chuyên ngành ngoại ngữ ở trường Sư phạm vẫn mạnh dạn bỏ việc dù có đền bù chi phí đào tạo nghĩa là các tỉnh và thậm chí cả một vài thành phố vẫn sử dụng những sinh viên học tại chức hoặc chính quy địa phương tại chỗ hay những sinh viên chuyển đổi. Không thể cào bằng – xin khẳng định lại một lần nữa nhưng quả thật lãng phí khi cứ phải ca lại điệp khúc tận dụng và tận dụng…
Ngay cả việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp thông thường vẫn chưa được thực thi hiệu quả thì xem ra việc chuẩn bị ngoại ngữ chuyên ngành có vẻ là mơ mộng, đầy lãng mạn. Đã có bao nhiêu giảng viên ở trường đại học thực sự chuẩn bị một cách đúng nghĩa để giảng tiếng Anh chuyên ngành khi chính họ không được đào tạo, kích thích để định hướng từ trước? Được mệnh danh đào tạo rất bài bản và nghiêm túc về giờ giấc nhưng mới đây thôi nhiều học viên Cao học khi học Tiếng Anh như một chứng chỉ Sau Đại học tại một trường Đại học đã khẳng định rằng hình như mình trẻ lại. Điều rất giản đơn là giảng viên thì cứ nói một câu và yêu cầu lặp lại răm rắp như học vỡ lòng. Chuyên viên thì cứ điểm danh sát sao đến từng centimet… trong một cái nhìn đằng đằng sát khí
Thực thi vướng vật lực.
Không chỉ nói về phía giáo viên – giảng viên vì chính những đều kiện liên quan đến lớp học cũng là điều đáng quan tâm. Có lớp học nào nói rằng rèn luyện kỹ năng hiệu quả khi biên chế lên đến 50 học sinh hay 70 học sinh? Trường đại học thì biên chế này cũng chẳng có ít hơn trừ một vài lớp thì con số có hạ xuống 45 – 49. Không ít chuyện bi hài cho việc thực hiện biên chế lớp học vì có nơi vẫn phân loại đầu vào theo trình độ nhưng vẫn biên chế theo khoa hoặc liên khoa. Tình hình tài chính xem ra vẫn là nỗi “trăn trở” và trở thành động lực tính toán hàng đầu của nhiều nhà lãnh đạo hiện nay ở các trường Đại học. Kiến nghị thay đổi biên chế lớp học sẽ mãi là rào cản cho việc đào tạo kỹ năng nói chung chứ không nói về kỹ năng ngoại ngữ. Thực chất cho thấy các giảng viên và giáo viên phải vật lộn với khá nhiều áp lực trên lớp. Chạy đua với chương trình, chạy đua với thời gian và chạy đua với cả những thói quen tiêu cực của sinh viên trên lớp học. Thiết nghĩ, chính việc biên chế lớp học phải được quy định rất rõ ràng, cụ thể và mạnh mẽ từ phía Bộ. Việc phân nhóm đầu vào phải được thực thi một cách khoa học và đừng hô hào đào tạo theo nhóm – theo trình độ hay đào tạo theo tín chỉ nhưng số lượng sinh viên ít quá thế là hô biến: “khắc xuất – khắc nhập” …
Rảo bước xuống trường phổ thông các tỉnh sẽ thấy thực tế cơ sở vật chất phục vụ như thế nào cho việc học tiếng Anh. Sẽ thật là chủ quan nếu như chỉ trách giáo viên và học sinh mà chưa nhìn thấy họ đã làm điều đó như thế nào? Không có cả micro, máy móc thì ọp ẹp, băng hình khiêm tốn vì có phòng lab hay có video đâu để xem. Tham quan 7 trường trong chuyến thực địa với lớp quản lý giáo dục ở Tỉnh Y năm 2007 thì chỉ có 2 trường tại trung tâm Tỉnh là có phòng nghe – nhìn sử dụng chung. Còn lại 5 trường ở huyện thị thì trống vắng. Ngay cả những trường khá hơn thì chỉ có mỗi phòng lap với gần hơn 2000 học sinh thì lịch sắp xếp nghe đâu kiệt sức. Thôi đành tận dụng vốn tự có và vốn trời phú để làm live show thiếu hẳn phần nhìn và phần nghe thì chất lượng cũng tàm tàm hoặc dưới trung bình đôi chút.
Không thể không quan tâm đến những điều kiện khác về vấn đề chương trình và giáo ttrình đào tạo. Thử làm một phép so sánh rất đơn giản là hoạt động dạy ngoại ngữ ở trung tâm nổi lên từ nhưng năm 1990 đến nay. Qua hơn 15 năm thì có quá nhiều giáo trình giảng dạy được thay đổi, cập nhật. Từ bộ Streamline đến Headway, đến nhiều giáo trình chuyên khác như …. nhưng thử hỏi một bộ giáo trình giảng dạy tiếng Anh cho bậc phổ thông được đổi thay bao nhiêu lần? Nếu nói không ngoa bộ giáo trình tiếng Anh chưa cải cách dành cho hệ7 năm sử dụng suốt từ những năm 1980 đến gần năm 2000… Điều này quả thật là… khó có thể tưởng tượng được khi đứng dưới góc độ chương trình học thì sau 5 năm giáo trình phải luôn luôn đươc thẩm định để cập nhật hay thậm chí là đổi thay. Thực tế không hẳn là không có tiền nhưng vấn đề còn lại là chủ trương và đặc biệt là những cái nhìn khoa học, hiện đại vì in sách vẫn có lãi, vẫn có thể tìm được nguồn ngân sách tự thu từ sách giáo khoa cơ mà? Vấn đề không phải chỉ in, in và “ấn” là vậy!
Bao nhiêu năm nữa học sinh hay sinh viên Việt nam sẽ học tiếng Anh chính quy trong trường trung học 7 năm và thêm 3 năm ở trường Đại học có thể sử dụng tiếng Anh một cách hiệu quả để đọc sách – giao tiếp hay nghiên cứu. Bài toán này cần giải quyết một cách rốt ráo ở bộ khung chương trình – điều kiện – phương pháp nhưng phải xoay quanh trục chính của con người. Đó chính là người dạy và người học trong sự phối hợp chuyên nghiệp và đẳng cấp thực sự.
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn