PGS. TS Huỳnh Văn Sơn đã có những dòng chia sẻ với các thí sinh chưa may mắn bước chân vào cánh cửa trường đại học.
Thật xúc động xiết bao khi đọc những dòng xin lỗi của con cái dành cho cha mẹ. Đó cũng chính là những dòng chữ thú nhận rằng mình không thể đạt đến sự kỳ vọng của cha mẹ… Đã gọi là sự kỳ vọng, không dễ dàng thực hiện. Sự thành tâm – thiện ý khi gặp một thất bại là điều cần thực sự quan tâm. Không ít bạn trẻ gặp thất bại nghĩa là ôm lấy một khủng hoảng. Xử lý khủng hoảng như thế nào nhìn từ góc độ của người trong cuộc không phải giản đơn…
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn
Thực tế cuộc sống cho thấy có khá nhiều thách thức cho mỗi con người chúng ta. Việc thi không đỗ hay việc thất bại với một mục tiêu cũng chỉ là một thách thức chứ không phải tất cả. Nếu không vững tin vào chính mình, không thực sự biết đối diện với sự thật, nhiều bạn trẻ sẽ không thể tìm ra được lối đi mới ngay cú trượt ngã dù là đầu tiên hay kế tiếp trong cuộc đời của mình. Diễn tiến tâm lý của một con người sau một khát vọng chưa được đáp ứng, nếu thiếu bản lĩnh, họ sẽ bị rơi vào khủng hoảng. Thật sự chán nản – buông xuôi, hoàn toàn có thể có… Hay chuyển hướng sang những hoạt động vui chơi – quậy phá… rất có thể xảy ra… Thả mình theo những nhóm bạn đua đòi, lao vào cuộc của những trò chơi không lành mạnh… cũng là điểm đến có thể khỏa lấp một cách tạm thời.
Theo nguyên lý của sự “chuyển di” năng lượng và những “dồn nén” nội tại, không ít cá nhân đã chọn lựa cách giải thoát rất tiêu cực và không kém phần nguy hiểm. Liệu rằng có ai dừng lại đúng lúc và kịp thời… Chắc chắn là có nhưng cũng có thể là không. Bản lĩnh và sự dày công của ý chí sẽ giúp người trong cuộc gượng dậy nếu như cá nhân thực sự có độ tin cậy và có những nội lực cần thiết để đối diện với khủng hoảng… Không thể tự ti để đẩy mình tử một suy nghĩ rất tích cực để lao xuống vực thẳm… đó là phương châm sống đầu tiên để xử lý khủng hoảng…
Có nhiều giả định khác nhau để vào đời nhưng chắc chắn rằng khó có thể tìm ra con đường vào đời nhanh nhất cho mỗi người thật sự giống nhau. Cánh cổng Đại học có thể là ước mơ của bao nhiêu sĩ tử nhưng cũng chính là trách nhiệm quá lớn đối với không ít sĩ tử vì đó là một cuộc tuyển lựa hay còn gọi thi tuyển sinh. Đủ điểm hay không đủ điểm, ranh giới thực sự không hẳn rạch ròi vì những biến số ngẫu nhiên vẫn có thể có trong quá trình thể hiện chính mình trong cuộc tuyển chọn. Liệu rằng nếu không vào Đại học, đó có phải là nỗi buồn bất tận của người trong cuộc???
Bằng sự đồng cảm, ai trong chúng ta cũng có thể thấy đó là một nỗi buồn nếu như thực lực của chúng ta hoàn toàn có thể đạt được, khả năng của chúng ta có thể chinh phục cuộc thi một cách hiệu quả… thế nhưng… thế nhưng… Khi nguyện vọng chưa được giải quyết một cách thoả đáng, không có nghĩa không thể giải quyết. Sao không nghĩ đến chuyện sẽ tiếp tục cho phép mình một cơ hội mới, sao không nghĩ đến chuyện sẽ tìm cách thức khác để thể hiện chính mình, sao không chọn lựa lối đi “đón đầu” để có thể chinh phục cuộc đời, chinh phục một ước mơ…
Cuộc sống sẽ rất thú vị và quá to lớn trước những khủng hoảng nhỏ nhoi trong cuộc sống. Mỗi người trong chúng ta còn đó khá nhiều điều để khám phá và chinh phục. Những bài toán của cuộc đời còn chưa được thực thi, những thách thức của cánh cửa cuộc sống đang có nhiều ô bí ẩn cần giải mã… và thật nhiều khát vọng khác của chúng ta như tình yêu, rung động vẫn chưa trải nghiệm… Nếu nhận ra được tất cả những cơ hội mới và những thách thức đã qua cũng chỉ là những thách thức ban đầu, những cơ hội thành công chưa được chính mình chinh phục thì mọi chuyện cũng chỉ là một lượt thắng – chưa thắng trong cuộc sống của mình…
Đã gọi là kỳ vọng, chắc chắn không dễ dàng thực hiện. Hai mặt của sự kỳ vọng luôn ẩn hiện và đan xen vào nhau một cách khá chặt chẽ. Không ít người trong các bậc phụ huynh chỉ đặt ra chuẩn để kỳ vọng mà quên xem xét rằng chiếc áo của cái chuẩn đó có vừa vặn với con mình hay không… Mặt khác, cũng chính sự lãng quên việc đón nhận những thất bại sẽ làm cho con cái không thể bình tâm hay vững vàng khi đối diện khủng hoảng…
Ảnh minh họa.
Không thể trách các bậc phụ huynh khi đặt kỳ vọng vào con mình vì kỳ vọng ấy được xác lập dựa trên nhiều gánh nặng khác nhau. Đó là danh dự, sĩ diện của gia đình. Đó còn là ước mơ và là điều kiện tối thiểu để vẽ nên chân dung của sự thành đạt và hạnh phúc của một gia đình. Đó cũng là sự khát khao và sự chuẩn bị một cách cơ bản cho việc bước vào đời của một thế hệ mới… thế nhưng đó cũng không phải tất cả… Hãy nghiêng người xuống để lắng nghe tiếng lòng của con trẻ, hãy cố gắng một lần thức khuya cùng con để học. Hãy nhìn sâu vào mắt của con, hãy quan sát những chuyển động rất nhỏ của những vết nhăn bé xíu trên vầng trán, trên khóe mắt, làn môi… để hiểu con mình đã cố gắng như thế nào… Hãy nhìn vào những căng thẳng hay những biểu hiện của sự tự thất vọng ở con trẻ để nhẹ nhàng và nhanh chóng đón con vào lòng như đón tất cả những gì tồn tại rất thật trong con người chúng ta và trong cuộc sống này…
Kỳ vọng có thể trở thành một động lực quan trọng để mỗi con người đạt đến những kết quả lớn lao trong con đường chinh phục cuộc sống nhưng kỳ vọng quá mức sẽ làm cho người trong cuộc cảm thấy bị đè nén, bị dồn ép… Các bậc cha mẹ cũng sẽ đồng ý rằng dù có thế nào đi nữa, con cái vẫn là hình ảnh của chính mình hôm nay và ngày mai cho nên hãy nhìn nhận một cách công tâm và nhân ái… Một vòng tay trìu mến, một ánh mắt thiết tha, một hành động đầy thông cảm đó là những vũ khí để chính bạn trẻ cảm thấy mình đã tìm lại được phong độ để xác lập sự tự tin cần thiết ngõ hầu vững bước. Tiếp tục thử sức mình với một thời gian tập luyện để thi lại hay chọn cho mình một ngã rẽ hoặc “đi tắt – đón đầu”… đều là những biện pháp khả thi nếu sức mạnh tổng hợp giữa niềm tin cá nhân và sự bao dung của mẹ cha gặp gỡ và lên tiếng…
Một kỳ thi rồi cũng qua, những băn khoăn lo lắng cũng không thể ở lại. Những mặc cảm sẽ không là gì cả, những thất bại (dù cho phép gọi là như thế) cũng không thực sự quá “sốc” mãi mãi… Hành trang mới sẽ giúp những bạn trẻ lên đường. Đó không chỉ là nhiệt huyết, đó không chỉ năng lực mà đó còn là kinh nghiệm rất thực và rất đáng trân trọng…
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn là Phó chủ tịch Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam, Trưởng bộ môn Tâm lý học Khoa Tâm lý – Giáo dục, trường ĐHSP TPHCM, một chuyên gia tư vấn hấp dẫn nhiều nhóm đối tượng. Nổi bật ở nhiều mảng tư vấn như truyền thông, tư vấn tình yêu – gia đình và tư vấn hướng nghiệp… |