Cuộc sống luôn tồn tại những điều không mong muốn. Sự bận rộn của mỗi gia đình tăng lên, những hành vi lệch chuẩn về giới tính – tình dục của một số người trở nên bạo dạn hơn thì nguy cơ bị lạm dụng tình dục của trẻ cũng có phần gia tăng…
Chấp nhận điều không may xảy ra với con mình là sự đã rồi, nhưng chính cách ứng xử trước tình huống đó và với trẻ mới quan trọng hơn nhiều.
Thương tổn dài lâu
Chấp nhận những gì trẻ nói với mình, không phán xét, vặn vẹo, thêm bớt. Cũng đừng vội hỏi hàng loạt câu hỏi về kẻ ác hay buộc trẻ phải tường thuật chi tiết hành vi của trẻ hay của kẻ ác khi trẻ chưa cân bằng tâm lý…
Là đứa trẻ khá vui vẻ nên em L. được nhiều khách hàng quán phở không tên của mẹ yêu quý. Cũng như mọi buổi trưa khác, dọn dẹp hàng phở của mình mà không thấy con đâu, mẹ L. hốt hoảng chạy tìm. Gần cả tiếng đồng hồ mới phát hiện cô con gái của mình đang khóc trong toilet của lầu cao nhất nhà. Cô bé không nói gì mà chỉ xô mẹ ra và nấc: “Con sợ, đau quá mẹ ơi”! Nhìn cô con gái 7 tuổi dịp nghỉ hè chưa được bao nhiêu ngày vui làm chị thấy nhói lòng… Sau hai tuần mẹ gạn hỏi, cô bé vẫn im lặng. Hai năm trôi qua với quá nhiều thương tổn, con chị lầm lì, ít nói, không còn chút tự tin.
Đến với nhà tham vấn, chị ngẩn ngơ khi hàng loạt câu hỏi được dành riêng cho người mẹ có con gái bị lạm dụng được đặt ra: Có phải lúc đó chị la bé? Có phải lúc ấy chị thấy bé đẩy ra nên quên ôm bé vào lòng thật lâu? Có phải lúc ấy chị trách cứ bé là sao chạy đi chơi lung tung khi mẹ đã bảo là phải ngoan ngoãn? Có phải lúc ấy chị hốt hoảng nên chị đã khóc? Hay lúc ấy chị mất bình tĩnh thành ra chị la toáng lên?… Vừa hỏi, vừa để chị tự bạch, cảm giác tội lỗi của chị được dần cởi bỏ…
Những cách thức ứng xử không đúng của nhiều bậc cha mẹ khi biết con mình bị lạm dụng tình dục không những không có tác dụng trấn an. Ngược lại, nó còn làm trẻ căng thẳng thêm và tình hình trở nên hoảng loạn hơn cũng như tâm lý trẻ không thể kiểm soát được gánh nặng. Nguy cơ trầm cảm, sang chấn của trẻ trở nên rất cao trong quãng đời còn lại. Nhiều bậc bố mẹ cho rằng khi con bị lạm dụng tốt nhất là không nên nhắc đến chuyện này, để trẻ dần quên đi. Theo thời gian, khi thấy con có vẻ bình thường, họ thở phào nghĩ mọi chuyện đã qua. Nhưng thực tế nhiều trẻ mang nỗi ám ảnh, đau đớn đến tuổi trưởng thành, thậm chí không dám yêu và kết hôn. Nhiều nhân cách bị lệch lạc vì vết thương lòng thời ấu thơ. Nếu không được giải tỏa, những ký ức hãi hùng đó không bao giờ qua đi.
Ứng xử phù hợp
Đừng quên đứa trẻ còn tương lai, vì vậy những nguyên tắc cơ bản sau trở nên cần thiết trong ứng xử:
Tin tưởng: Nếu bạn tỏ ra nghi ngờ, trẻ sẽ khép lòng lại và bạn khó giúp đỡ con được. Ngược lại, sự tin tưởng của bạn sẽ góp phần giúp con vượt qua sang chấn, giảm nỗi đau. Niềm tin ở đây diễn ra theo hướng: con không sai đâu! Con cứ nói ra, mẹ tin con dù sự thật thế nào…
Cố bình tĩnh: Khi biết con bị kẻ thủ ác lạm dụng, không ít phụ huynh thường nổi cơn thịnh nộ. Điều này sẽ làm trẻ – vốn đang sợ hãi, mặc cảm – suy diễn rằng chính trẻ là người có lỗi. Nên cố gắng bình tĩnh, cho con biết rằng con không phải là đứa trẻ duy nhất bị như vậy để trẻ thấy mình không bị cô độc. Việc không kiềm chế được cảm xúc dẫn đến hành vi la lên hoặc bật khóc, lo sợ trước trẻ sẽ làm trẻ căng thẳng hơn, cảm giác tội lỗi, hư hỏng sẽ gia tăng gấp bội.
Lắng nghe: Khi trẻ đang bị đau, nên xoa dịu và chăm chú nghe những gì trẻ muốn nói. Hạn chế việc thăm dò bằng cách hỏi thêm theo ý chủ quan của mình vì có thể làm bóp méo bằng chứng. Chấp nhận những gì trẻ nói với mình, không phán xét, vặn vẹo, thêm bớt. Cũng đừng vội hỏi hàng loạt câu hỏi về kẻ ác hay buộc trẻ phải tường thuật chi tiết hành vi của trẻ hay của kẻ thủ ác khi trẻ chưa cân bằng tâm lý…
Khuyến khích trẻ bộc bạch: Sau khi xoa dịu, trấn an và khẳng định: Con sẽ vượt qua. Hãy nhẹ nhàng nói với con rằng trẻ đã làm đúng và rất dũng cảm khi kể lại với cha mẹ. Có thể lựa chọn câu nói: “Ba mẹ sẽ ở bên cạnh con nếu con muốn”, “Ba mẹ sẽ cùng con giải quyết chuyện này” để trấn an và giúp trẻ có động lực bộc bạch. Có thể nói với trẻ. Đảm bảo với trẻ là trẻ đã làm đúng khi nói ra. Tìm hiểu xem trẻ có thấy đau đớn ở đâu trên thân thể không? Nâng đỡ đứa bé. Tuyệt đối đừng tỏ thái độ như là giận dữ trước mặt đứa trẻ. Đừng ngần ngại tỏ dấu âu yếm với con em mình. Đây chính là lúc trẻ cần vòng tay che chở của người mà trẻ cảm thấy tin cậy.
Chuẩn bị cho con tâm lý đối đầu: Cần khẳng định với con rằng sự việc xảy ra hoàn toàn không phải do lỗi của trẻ. Nhưng đừng hứa với trẻ là sẽ không nói với ai. Tốt nhất là nên chuẩn bị tinh thần cho trẻ, giúp con hiểu rằng sẽ không thể một mình vượt qua chuyện này, mà cần có sự giúp đỡ của nhiều người khác. Nhấn mạnh: Việc người đấy có hành vi với con là sai trái, làm con buồn… Chúng ta cần đấu tranh để không có nhiều người nhỏ hơn con bị tổn hại. Nhưng con an tâm, trước khi mẹ nói, mẹ sẽ hỏi ý kiến của con.
Gặp gỡ chuyên gia tâm lý: Qua tham vấn chuyên biệt, trẻ sẽ chấp nhận thực tế tai nạn quả thật đã xảy ra. Chuyện đã qua không phải là ngày tận thế, trẻ có thể vượt qua để sống tiếp. Trẻ sẽ biết rằng nhân phẩm của mình không vì thế mà trở nên nhơ bẩn. Sự trấn an, khơi gợi cảm xúc tội lỗi hay những hẫng hụt tâm lý cùng với nội lực cá nhân có thể giúp trẻ dễ dàng thích nghi hơn trong cuộc sống…
Không ai suy nghĩ nhiều khi lựa chọn may mắn hay bất hạnh. Nhưng chắc chắn chọn cái bất hạnh dai dẳng hay chọn nỗi đau qua thật mau là lựa chọn tích cực xuất phát từ nhận thức, kinh nghiệm sở hữu được. Chính cha mẹ xem việc giúp con vượt qua nỗi đau này là điều cần làm…
PGS.TS tâm lý học HUỲNH VĂN SƠN
(phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam)