Cu Dũng hăm hở nói với mẹ sau buổi đi học về bằng giọng rất lửa. Mẹ… Thằng Lâm nó lại hạng nhất. Điểm của hắn là 9.2. Phải nói thằng này giỏi thật mẹ nhỉ? Mẹ Tuấn đang mải mê làm bếp vội phán một câu cực sốc: “Thì nó học giỏi. Còn mày đội sổ nữa à… Đúng là đẻ con khôn thì … mát lòng rười rượi”… Cu Dũng xìu như một chiếc bong bóng xì hơi vội vã mở cửa phòng và đánh “rầm” một cái. Buổi trưa diễn ra hết sức nặng nề, cái oi bức trong gia đình có lẽ gấp bội so với cái nắng thiêu đốt ngoài phố…
Trong nhiều trường hợp giao tiếp giữa cha mẹ và con cái, cha mẹ không thể bình tâm trò chuyện hay lắng nghe con, cha mẹ cũng không thể kiên nhẫn để tương tác, cha mẹ càng khó thể điều chỉnh ngôn ngữ của mình sao cho thích hợp và nhiều nhiều lý do khác. Và thế là cuộc trò chuyện bị cắt đứt, mối quan hệ bị phá vỡ, chuyện bạn bè cùng con trở thành món ăn khó hơn cả “gan trời” theo suy nghĩ của không ít bậc phụ huynh.
Để làm bạn với con chắc chắn kiểu nói chuyện phủ đầu hay kiểu “chặt chém” trong khi trò chuyện với con như tình huống trên không thể có chỗ đứng. Thay vào đó là chuyện phải lắng nghe con, hỏi han tình hình học tập của lớp, của con để động viên dù chỉ là sự thăng hạng rất bình thường của con.. Do đó, làm bạn với con đòi hỏi cha mẹ cần chú ý những điều sau đây:
Thứ nhất, đến với con bằng suy nghĩ con mình cũng là một cá thể. Việc hai cá thể có những suy nghĩ khác nhau là chuyện hết sức bình thường.
Thứ hai, nên chủ động chuyện trò với con những vấn đề mình đang gặp phải, những vấn để xảy ra ở gia đình mình chứ không hẳn chỉ hỏi chuyện của con mình. Nên giúp trẻ thấy vai trò của trẻ như là một người bạn sẻ chia, như là một thành viên có trách nhiệm.
Thứ ba, nên tôn trọng con và chấp nhận những khoảng không bí mật của con cái.
Thứ tư, nên giữ những thói quen thân ái và chăm sóc cho nhau một cách thường xuyên. Mỗi ngày có thể dành ít nhất một giờ để chuyện trò, làm bạn cùng con thông qua những họat động chung, hoạt động vui chơi – giải trí hay thể dục thể thao
Thứ năm, nên khuyến khích con chủ động chia sẻ để cha mẹ và con cái tâm tình với nhau một cách tích cực. Điều này sẽ trở thành nếp nhà rất có giá trị. Lẽ đương nhiên, cha mẹ đừng quá “quyết đoán” chuyện của con cái mà hãy tạo cơ hội cho con cái tự quyết định khi chúng ta chỉ tham vấn mà thôi.
Thứ sáu, cha mẹ nên thật sự bao dung ngay cả trong những trường hợp con mình bị thất bại hay sai lầm. Đấy mới thực sự là thái độ của “bạn bè” đích thực. Sự bao dung hay sự chấp nhận này cũng chỉ là tạm thời để hướng đến một sự điều chỉnh thích ứng về sau.
Thứ bảy, trong những trường hợp làm bạn cùng con, cha mẹ cũng nên hạ bớt cái tôi của mình, tạo cho con cảm giác thân tình thực sự, tạo cho con cảm xúc tích cực khi trò chuyện – giao tiếp. Nếu những tình huống cần thiết, giả thua con hay giả “ngây ngô” cũng là biện pháp hữu hiệu.
Thứ tám, cố gắng điều chỉnh ngôn ngữ trò chuyện và dẹp bớt thói quen gia trưởng hay thói quen “chỉ đạo”. Điều này sẽ làm cho trẻ trẻ cảm nhận được tình bạn đích thực mà không phải là tình bạn ngụy tạo.
Làm bạn với con, bài toán khó đã có thể có lời giải nếu như mỗi người nỗ lực hết mình bằng những sự điều chỉnh nhất định trong quan niệm cũng như trong sự ứng xử với con cái. Làm bạn với con, chính các bậc cha mẹ cảm nhận được hạnh phúc đích thực trong cuộc sống gia đình một cách đúng nghĩa nếu như ước mong hạnh phúc của chúng ta là: con nên người.