Từ lâu đến nay, chứng biếng việc nhà của đàn ông đã trở thành căn bệnh trầm kha. Lý giải điều này quả thật có nhiều cách thức khác nhau nhưng tiếp cận từ góc độ tâm lý cho thấy có nhiều lý do thật sự đáng suy ngẫm
Hiện tượng hay bản chất
Anh Tuấn – nhân viên PR ở một công ty quảng cáo tâm sự, một trong những cái sợ nhất khiến anh tránh về sớm đó là bị vợ bắt phụ việc nhà. Nỗi căng thẳng của anh thường xuất hiện khi nghe: “Anh ơi, phụ em nhặt rau, anh ơi phơi giúp em mấy chiếc áo đã giặt…”. Dần dà anh né luôn cả những buổi sáng chủ nhật cùng làm việc nhà với vợ mà hai người quy ước với nhau khi chuẩn bị cưới xin… Có lúc anh nghĩ hơi bất công cho vợ vì chuyện nhà cứ do vợ đảm trách nhưng nỗi sợ hãi và cái lười của anh vẫn là yếu tố thắng thế.
Ngày nay nhiều đàn ông đã dần quên chuyện giúp việc nhà cho vợ hay cùng vợ làm việc nhà. Điều đơn giản mà quý ông cứ suy nghĩ và biện bạch vì chúng ta là đàn ông, các bà ấy là đàn bà… Có ông còn mạnh miệng bảo rằng cũng phải thôi vì ngay từ xưa ông bà chúng ta cũng đã dạy chữ “công” đứng hàng đầu trong tứ đức của người phụ nữ cơ mà? Mặt khác, nhiều ông chồng còn mạnh dạn tuyên bố, bà ấy thì có làm việc gì đâu, ô sin thì cũng đã có… mấy việc nhà nếu có làm thì cũng mang tính chất quản lý ấy mà!
Một trường hợp khác còn đáng thương hơn khi người vợ đi công tác nước ngoài chỉ vỏn vẹn mười ngày vậy mà khi quay trở về thì hỡi ôi bãi chiến trường ngổn ngang trăm mối. Quần áo dơ bẩn thì chất đầy cả chiếc máy giặt và tràn ra cả hai thau to, chén thì không lấy một cái sạch, con cái thì đen sạm đến mức khó có thể nhận ra được…
Cơm hộp và mì gói trở thành món ăn thường xuyên và liên tục cho hai cha con… Nhiều việc nhà khác bị ứ đọng đến mức không thể dọn dẹp và tái sắp xếp nếu chỉ có hai ngày nghỉ cuối tuần… tất cả chỉ vì thói quen đọc báo khi vợ làm việc nhà, tất cả chỉ vì chứng “nhát việc nhà” của ông chồng kỹ sư hóa thực phẩm mà chính mình đã chọn…
Lý giải
Thực tế cho thấy không phải không có những quý ông chồng biết chia sẻ việc nhà thậm chí có thể có những khả năng cũng hết sức đáng khâm phục khi giải quyết công việc nhà. Tuy vậy, số lượng đàn ông nhát việc nhà không phải ít.
Những nghiên cứu khác nhau về chứng nhát việc nhà ở đàn ông châu Á cho thấy tỉ lệ này lên đến 70 – 80% ở các nước khác nhau. Một số quốc gia có truyền thống gia đình khá “cổ” thì số lượng đàn ông nhát việc nhà lại có khuynh hướng cao hơn cả một số quốc gia hiện đại.
Điều giản đơn là chính những suy nghĩ cởi mở, thông thoáng, chính sự tôn trọng đích thực cũng những suy nghĩ về vấn đề bình đẳng giới làm cho cánh mày râu ngày càng công bằng hơn khi phân công lao động dù chỉ là lao dộng trong gia đình.
Lý giải việc đàn ông lười biếng việc nhà có thể có nhiều khác nhau:
Thứ nhất, theo những nghiên cứu về mặt cơ sở tâm sinh lý thì vốn dĩ những công việc cần mẫn, tỉ mỉ và chi tiết thông thường phù hợp nhiều hơn với phụ nữ. Một phần do kiểu phản xạ có điều kiện được xác lập, phần do những kỹ năng được xác lập cũng như những yếu tố của khí chất và kiểu loại thần kinh bẩm sinh cho thấy đàn ông nhát việc nhà vì khá nhiều người không thích làm cũng như có thể làm nhưng dễ đạt một kết quả không tốt.
Thứ hai, không ít đàn ông vẫn mặc định rằng chuyện nhà vốn là chuyện của các bà. Đàn ông chỉ lo việc đại sự còn những việc cỏn con như bếp núc hay cơm nước phải là chuyện của các bà. Khả năng đối nội của phụ nữ thực sự tốt còn đàn ông “rớ” vào chỉ có hư bột, hư đường.
Thách thức của đàn ông ở khâu đối ngoại, những áp lực của đàn ông cần phải gánh là những áp lực từ phía xã hội, cuộc sống… Cũng trong cách nhìn nhận này không ít nam giới có suy nghĩ trọng nam khinh nữ, hay nếp sống gia trưởng thường muốn thể hiện nhu cầu “làm chủ”, nhu cầu “thống trị” của mình nên đùn đẩy việc nhà cho phụ nữ, từ đó dẫn đến chứng nhát việc nhà…
Thứ ba, quan niệm truyền thống trong gia đình và những tác động giáo dục, dư luận xã hội cũng phần nào đẩy người đàn ông vào chứng “nhát việc”. Sẽ thật khó khăn để được gia đình đồng ý nếu một cậu con trai siêng năng việc nhà ngay từ nhỏ. Thậm chí khi phát hiện ý tưởng chia sẻ công việc nhà cùng vợ mình trong tương lai thì người thanh niên trẻ đã bị phản ứng một cách kịch liệt.
Không dừng lại ở đó, khi phát hiện người con trai hay anh trai của mình có những hành động quán xuyến công việc nhà hay thậm chí chia sẻ công việc nhà cùng với vợ thì lời ra tiếng vào, xầm xì to nhỏ, thậm chí sự phản ứng hết sức dữ dội sẽ xảy ra lập tức. Không chỉ thế, ngay cả hàng xóm, đồng nghiệp sẽ nói những câu ác ý như “sợ vợ”, “bợ vợ”… làm cho tình hình trở nên trầm trọng. Đó có thể là một vài lý do cơ bản bên cạnh thật nhiều nguyên nhân khác…
Chữa chứng “nhát việc” nhà của đàn ông không khó nếu mọi thứ được thay đổi từ “gốc”. Thay đổi quan niệm chia sẻ công việc này phải bắt đầu từ việc giáo dục gia đình. Nếu trong gia đình, chính cha mẹ là những người làm gương, chính những phân tích rất nhẹ nhàng và sâu sắc nhưng có sự đồng cảm của người mẹ sẽ là những tác động rất có giá trị trong việc thay đổi nếp nghĩ và thói quen của người đàn ông.
Trong việc giáo dục ở môi trường học đường, những giá trị con người, những yêu cầu phân công lao động cũng như quan niệm về hành vi giới tính – trách nhiệm của mỗi người với cuộc sống được phân tích một cách hợp lý, việc giáo dục giới tính đặc biệt là nam tính và nữ tính không nên được phân tích theo kiểu chủ quan, “mặc định cổ hủ” thì chứng bệnh này chắc chắn sẽ thuyên giảm.
Tuy nhiên, điều quan trọng nữa chính là những bà vợ – người trong cuộc phải tập cho gia đình có một nếp sống cùng chia sẻ, động viên trong vấn đề giải quyết việc nhà thì mọi thứ sẽ có thể thay đổi dù chỉ từng chút, từng chút một.
Ở một góc độ khác, những người đàn ông nên hiểu rằng, hỗ trợ việc nhà, giải quyết việc nhà không có nghĩa giá trị mình bị giảm sút mà ngược lại những giá trị của con người, của tình yêu có thể gia tăng một cách đặc biệt…
Một hành động rất nhỏ như nhặt giúp vợ hai cọng rau, bê hộ vợ ba cái chén…, dù rất giản đơn nhưng đấy là tình yêu và trách nhiệm. Đó cũng chính là những hành động thiết thực để “trị liệu” bệnh lười việc nhà và cũng là những hành động rất thiết thực, tạo ra sự bình đẳng đích thực về mặt giới tính dưới góc độ nhân văn.