Giáo dục giới tính
Giáo dục thế hệ trẻ trở thành con người toàn diện không chỉ cung cấp những tri thức khoa học đơn thuần mà những tri thức về giới tính, đời sống giới tính là điều không thể thiếu được. Thực tế đã cho thấy những vấn đề về giới tính nói chung, tình yêu, tình dục nói riêng đang là điểm báo động đỏ. Rất nhiều sự sa sút xoay quanh vấn đề giới tính của học sinh như yêu đương quá sớm, sinh nở sớm, nạo phá thai, các cử chỉ hành vi suồng sã ở lứa tuổi học sinh PTTH hoặc thậm chí là sớm hơn…
Các em học sinh PTTH đã thực sự quan tâm đến vấn đề này hay chưa, nhận thức và thái độ đối với những nội dung giáo dục giới tính như thế nào … là những câu hỏi hết sức phức tạp và lý thú.
Tìm hiểu thực trạng nhận thức và thái độ của 320 em học sinh PTTH đối với nội dung giáo dục giới tính từ đó tìm ra những nguyên nhân của thực trạng để đề xuất các biện pháp tác động nhằm nâng cao nhận thức và thái độ của các em đối với vấn đề này, chúng tôi đã tìm hiểu vốn hiểu biết và nhận thức về sự cần thiết của nội dung giáo dục giới tính cũng như tìm hiểu sự thích thú, tán thành, e ngại trong thái độ của các em đối với nội dung giáo dục giới tính và kết quả nghiên cứu cho thấy:
1. Có 59.06 % học sinh nhận thức đúng về khái niệm nội dung giáo dục giới tính, đó là hệ thống những tri thức về khoa học giới tính. Tuy vậy, thật đáng lo ngại khi vẫn còn hơn 40.00% em cho rằng đấy là chuyện tình dục, tình yêu, chuyện đời sống vợ chồng… Đây là những suy nghĩ khá lệch lạc và phiến diện. Cũng có đến 78.13 % học sinh nhận thức đúng về sự cần thiết của nội dung giáo dục giới tính, những nội dung mà các em cho là cần thiết như: Tình yêu, Tình dục, Các bệnh lây qua quan hệ tình dục… Tuy nhiên trong số 12 nội dung được khảo sát thì có đến 7 nội dung tỉ lệ lựa chọn mức “cần thiết” và “rất cần thiết” chưa đạt 50.00 % đã cho thấy nhận thức của các em chưa đúng đắn và hợp lý. Khảo sát sự hiểu biết của các em đối với từng kiến thức cụ thể cho thấy nhận thức của các em chỉ đạt ở mức trung bình. Có khá nhiều kiến thức các em chỉ mới nghe qua loa, biết sơ sài và thậm chí là hiểu sai lệch như: Thời điểm dễ thụ thai nhất, Các dấu hiệu đặc trưng của bệnh AIDS, Các giai đoạn cơ bản của bệnh AIDS… hầu như các nội dung kiến thức này chỉ xấp xỉ 30.00% đến 40.00% học sinh hiểu biết đúng. Nhận thức của các em đối với những nội dung giáo dục giới tính đã nêu không có sự nhất quán, liên tục mà lại có sự chênh lệch đáng kể, không đồng đều khá rõ nét. Những nội dung các em nhận thức đúng khá cao là những nội dung khá quen thuộc, được đề cập nhiều lần dưới nhiều hình thức khác nhau, nó đáp ứng những nhu cầu và những bức xúc của lứa tuổi như: Giới tính là gì, 55.94 %; Tình yêu là gì, 58.15 %…. Có những nội dung khá quan trọng và thậm chí mang tính cấp thiết và thời sự nhưng sự hiểu biết của các em lại khá thấp, còn lầm lẫn bởi một số biểu hiện bên ngoài của từng kiến thức, chưa nắm rõ bản chất của kiến thức… Điều này xảy ra vì các em cho rằng đây là những chuyện rất tế nhị, rất xa và không thuộc “ vùng quan tâm” của lứa tuổi. Thực trạng trên cho thấy sự hiểu biết của các em còn lơ mơ, sơ sài, phiến diện. Các em chỉ “ nhận lại” một vài biểu hiện của những kiến thức về giới tính đã tiếp cận được, nhận thức của các em đối với từng kiến thức chỉ đạt ở mức trung bình và nhận thức rất thấp ở những nội dung mang tính thời sự. Thực trạng này đặt vấn đề là với sự hiểu biết như thế thì những bất cập khi bước vào đời sống giới tính tuổi thanh niên sẽ xảy ra như thế nào?
2. Về mặt thái độ, kết quả nghiên cứu cho thấy các em thích học và tán thành việc học tập nội dung giáo dục giới tính. Tỉ lệ 84.69 % thích học và 76.56 % tán thành đã minh chứng phần nào cho thái độ bước đầu khá tích cực của các em. Các em phản đối những nhận xét tiêu cực về việc học tập nội dung giáo dục giới tính và rất đồng ý với những nhận xét tích cực cho thấy thang thái độ của các em chuyển dài theo hướng dương tính hay nói khác hơn thái độ của các em tích cực, đúng đắn. Những nội dung mà các em thích học nhất được xếp hạng như sau: Tình yêu, 93.13 %; Tình bạn, 80.63 %; Biến đổi tâm lý tuổi dậy thì, 73.13 %; Thụ thai và sự phát triển của thai, 62.19 %…
Dù rằng bước đầu các em thích thú và tán thành việc học tập nội dung giáo dục giới tính song vẫn rất e ngại khi học. Có đến 69.01 % học sinh e ngại và rất e ngại khi học tập. Những vấn đề các em e ngại học nhất thường là những vấn đề có liên quan đến cơ quan sinh dục, chuyện tình dục, chuyện thai nghén và kinh nguyệt… Thứ hạng e ngại đối với các nội dung như sau:
– Kinh nguyệt, 80.63 %
– Cấu tạo và chức năng cơ quan sinh dục nam nữ, 77.81 %
– Cơ sở khoa học các biện pháp tránh thai, 76.88 %
– Các bệnh lây qua quan hệ tình dục, 74.06 %….
Các em tâm sự: “ Nghe những vấn đề này em cảm thấy ngại làm sao ấy, lớp học thì đông… vả lại đôi khi mọi người còn cấm đoán chúng em nữa mà..”. Một em nam sinh khác trò chuyện về nội dung Kinh nguyệt “Em nghĩ chuyện này không được tế nhị lắm, đây là chuyện độc quyền của nữ, khi nghe em cảm thấy ghê làm sao vì nó không được sạch sẽ cho lắm”.
Một điều khá lý thú mà chúng tôi phát hiện là các em thích học nhưng lại ngại, e ngại cả trong thái độ nói chung và thái độ đối với từng nội dung kiến thức cụ thể. Điển hình như nội dung Tình yêu có 90.31 % thích nhưng lại có đến 334.69 % e ngại… Đây là sự mâu thuẫn rất đặc biệt trong thái độ của các em: Thích nhưng e ngại; e ngại ở đây không phải là bác bỏ mà là ngại ngùng, lo lắng, băn khoăn và dè dặt khi học tập.
3. Thực trạng sự hiểu biết khá thấp và thái độ e ngại của các em xuất phát từ nhiều nguyên nhân, thứ hạng các nguyên nhân được sắp xếp:
3.1 Nguyên nhân thứ nhất: Chưa được cung cấp một cách hệ thống những tri thức về giới tính, 80.00 %.
Đây là một thực trạng hết sức phức tạp mà tình hình này xuất phát từ quan niệm:“ Tiện thì làm không thì thôi”, hay “ Khó lắm- lồng ghép đến đâu hay đến đấy”… Tìm hiểu nguồn cung cấp những kiến thức về giới tính mà các em tiếp nhận lại càng khẳng định điều này. Các nguồn cung cấp kiến thức chủ yếu là:
- Bạn bè, 78.75 %
- Sách báo, 68.13 %
- Nghe lỏm từ người lớn, 44.06 %
- Thầy cô giáo, 433.13 %
- Cha mẹ, 11.25 %…
Điều này cho thấy các em chọn bạn bè và sách báo là nguồn cung cấp chủ yếu, thầy cô và cha mẹ bị đẩy xuống thứ hạng rất thấp hay chỉ được xem là nguồn cung cấp kiến thức thứ yếu. Điều này chứng tỏ các em đã “ lượm lặt” những tri thức về giới tính một cách “ tự phát” chính vì thế sự thiếu hụt những hiểu biết về giới tính là điều dễ hiểu. Và cũng chính việc mày mò như nghe bạn bè “ thuật chuyện” hay “ nghe lỏm” nên đôi khi lại quá trớn hay lỡ đà và đã e ngại lại càng e ngại hơn.
3.2. Nguyên nhân thứ hai: Ảnh hưởng của dư luận xã hội và cha mẹ:
Có đến 73.13 % học sinh cho rằng xã hội cấm kỵ, hay 68.13 % học sinh cho rằng cha mẹ cấm đoán. Có em tâm sự “ Một lần em hỏi về sự quan tâm quá mức của một ban trai với một bạn gái thế là em bị một trận nên thân, nào là còn nhỏ xíu mà lại … học thì không lo học …”
3.3. Nguyên nhân thứ ba: Ảnh hưởng từ phía bạn bè:
Nguyên nhân này nảy sinh khi các em cho rằng học chung bạn khác giới sẽ bị khám phá hết những đặc trưng về mặt giới tính, các em “ngại vô cùng”, “sợ lắm”. Mặt khác, có đến 54.38 % em cho rằng bạn bè rất hay chòng ghẹo, đùa giỡn quá mức làm các em ngại thậm chí nhiều khi “ không dám ngẩng đầu lên khi học” hay “ không nghe được thầy cô đang nói gì”.
3.4. Các nguyên nhân khác có thể đề cập như: Thầy cô giáo làm các em e ngại, Không có thời gian vì phải học các môn khác… Tất cả đều ảnh hưởng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhận thức và thái độ của các em đối với nội dung giáo dục giới tính.
4. Để nâng cao thực trạng nhận thức và thái độ của học sinh PTTH đối với nội dung giáo dục giới tính chúng tôi tiến hành thực nghiệm một số biện pháp tác động. Các biện pháp đề xuất cụ thể là:
– Tuyên truyền và giải thích trong phụ huynh, các giáo viên về tầm quan trọng của giáo dục giới tính, nội dung giáo dục giới tính đối với sự phát triển toàn diện của học sinh. Nhấn mạnh việc phải được học nội dung giáo dục giới tính đối với học sinh PTTH.
– Làm công tác tư tưởng đối vơí học sinh, nêu kế hoạch học tập, thảo luận và kiểm tra đánh giá. Yêu cầu về tính nghiêm túc trong quá trình học tập: ghi chép đầy đủ, đảm bảo trật tự- tích cực, làm bài kiểm tra sau khi học.
– Mời giảng viên kết hợp với giáo viên có chuyên môn tiến hành trao đổi kinh nghiệm và soạn thảo giáo án giảng dạy, đặc biệt chú trọng nhiều đến phương pháp giảng dạy những tri thức về giới tính.
– Phối hợp với Đoàn trường tổ chức hội thi “ Giới tính và học sinh PTTH”
– Tổ chức mời chuyên gia tư vấn tâm lý làm việc tại trường PTTH hai buổi mỗi tuần để tiến hành công tác tư vấn và giải đáp các thắc mắc.
Tiến hành phối hợp đồng bộ các biện pháp thực nghiệm đã đề xuất, kết quả thực nghiệm sau khi kiểm nghiệm CHISQUARE đa chiều ( khác biệt giữa trước và sau thực nghiệm, khác biệt ở từng nhóm) cho thấy:
4.1 Về nhận thức:
Nhận thức về sự cần thiết của các nội dung kiến thức đều tăng lên khá rõ rệt. Nếu trước thực nghiệm có đến ¾ nội dung tỉ lệ lựa chọn không cần thiết trên 50.00 % thì sau thực nghiệm cả bốn nội dung đều được các em cho rằng cần thiết và rất cần thiết, tỉ lệ lựa chọn ở hai mức này đều hơn 70.00 %. Đặc biệt hơn kết quả sự hiểu biết đối với từng kiến thức cụ thể lại tăng vọt khá rõ đã minh chứng sắc nét hiệu quả của các biện pháp tác động.
- Ở nhóm thực nghiệm:
Trước thực nghiệm, có đến 3 kiến thức các em nhận thức sai hơn 50.00 % nhưng sau khi thực nghiệm thì tỉ lệ nhận thức đúng lại tăng vọt. Ở cả 4 kiến thức tỉ lệ học sinh nhận thức đúng đều hơn 75.00 %.
– Ở nhóm đối chứng không có sự khác biệt ý nghĩa giữa trước thức nghiệm và sau khi thực nghiệm chứng tỏ không có sự nâng lên về mặt nhận thức của các em.
– So sánh sự khác biệt giữa nhóm đối chứng và nhóm thực nghiệm sau khi thực nghiệm ta thấy rõ nhận thức của học sinh ở nhóm đối chứng ( 1) cao nhiều so với nhóm thực nghiệm (2) như: 79.27 % ở (1) so với 50.00 % (2 ) nhận thức đúng về khả năng giản nở của dạ con, 85. 37 % (1) so với 62.50% nhận thức đúng về thời điểm dễ thụ thai nhất…
4.2. Về thái độ:
– Ở nhóm thực nghiệm, trước thực nghiệm có đến 73.17 % học sinh e ngại thì chỉ còn 37.80 % sau thực nghiệm. Hơn thế nữa, nếu có 62.20 % em ở nhóm thực nghiệm lựa chọn mức không e ngại thì ở nhóm đối chứng sau thực nghiệm chỉ có 31.25 %.
– Điều quan trọng hơn là thái độ e ngại của các em đối với từng nội dung kiến thức cũng giảm khá rõ rệt:
+ Ở nhóm thực nghiệm: từ 68.29 % học sinh e ngại với nội dung “ Cơ sở khoa học các biện pháp tránh thai” thì tỉ lệ này chỉ còn 26.38 % sau thực nghiệm… Tổng kết công tác tư vấn tâm lý cũng cho thấy thái độ của các em khá tích cực khi đặt vấn đề cho chuyên gia như: Hậu quả của việc quan hệ tình dục trước hôn nhân, Đồng tính luyến ái, Kết hôn sớm, Bùng nổ dân số…
+ Ở nhóm đối chứng: Một điều hết sức bất ngờ là tỉ lệ học sinh e ngại trước thực nghiệm là 65.00 % đối với nội dung “Cấu tạo và chức năng cơ quan sinh dục nam nữ” lại tăng lên đột ngột đến 70.00 % sau thực nghiệm. Điều này cho thấy có thể khi học tập gặp phải những tác động như đã đề cập ở nguyên nhân làm cho các em e ngại hơn. Kiểm nghiệm Chisquare cho thấy sự khác biệt giữa trước và sau thực nghiệm ở nhóm đối chứng khá rõ đã minh chứng hiệu quả của các biện pháp tác động đã thực nghiệm
Tóm lại: Nếu áp dụng một cách tổng thể và đồng bộ các biện pháp thực nghiệm thì các em sẽ nhận thức đúng đắn hơn về những tri thức giới tính cũng như có thái độ tích cực hơn và bớt e ngại trong khi học tập. Nổi rõ lên trong các biện pháp tác động là cung cấp một cách hệ thống những tri thức về giới tính, tạo những điều kiện tốt nhất về dư luận xã hội, hình thức học tập… tất cả sẽ tạo nên những hiệu ứng tích cực trong nhận thức và thái độ của học sinh PTTH đối với nội dung giáo dục giới tính.
Từ những kết quả nghiên cứu trên chúng tôi thiết nghĩ cần phải tìm hiểu sâu hơn nữa về vấn đề này để có thể có một thực trạng khách quan hơn về nhận thức và thái độ của học sinh PTTH đối với nội dung giáo dục giới tính. Việc áp dụng các biện pháp tác động thực sự có hiệu quả tích cực trong việc nâng cao nhận thức, thái độ đối với nội dung giáo dục giới tính nói riêng và công tác giáo dục giới tính cho học sinh PTTH nói chung. Trách nhiệm này không chỉ là của các cơ quan chức năng thuộc ngành giáo dục, các lực lượng giáo dục ở trường phổ thông- nhà trường và các thầy cô giáo cũng như các bậc phụ huynh mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Để những tri thức về giới tính thực sự và tích cực đến với học sinh PTTH không thể đơn thuần đưa đến các em những tri thức một cách khô cứng mà việc giảng dạy những tri thức về giới tính phải khoa học nhưng rất cần sự tế nhị – nghiêm túc và nghệ thuật.
PGS.TS HUỲNH VĂN SƠN