TT – Hai tụ điểm “ăn chơi thác loạn” liên tiếp bị triệt hạ vừa qua ở Bình Thạnh (TP.HCM) có lẽ chỉ là phần nổi trong sinh hoạt “không bình thường” của một bộ phận giới trẻ hôm nay. Và trong khi nơi này bị phát hiện thì nơi khác vẫn cứ tiếp tục. Tại sao?
TS Huỳnh Văn Sơn nói: Đây là con số thống kê “chết” hoàn toàn không thật sự ý nghĩa nếu dựa trên tổng số thanh niên TP.HCM hiện nay, nhưng nó lại có thể đáng tin cậy khi làm “sống” và làm “nóng” một thực trạng đáng báo động của xã hội chúng ta: một bộ phận không nhỏ bạn trẻ “vô tư”, sẵn sàng bước vào những cuộc chơi rõ ràng là nguy hiểm mà không hề “trăn trở”, trước hết với chính họ hôm nay và ngày mai.
* Phải chăng họ – những người trẻ ấy có gì không bình thường so với những bạn trẻ bình thường khác?
– Một chuẩn nào đó bao giờ cũng chỉ là chuẩn tương đối. Tuy nhiên, nếu so với những SV đang dùi mài học tập, những bạn trẻ vất vả mưu toan cuộc sống của hôm nay thì quả là họ không bình thường chứ không hẳn là khác thường. Ở chỗ nào? Những điểm có thể nhìn thấy ngay ở họ: áo quần bảnh bao, xe đời mới, điện thoại xịn, đi thành nhóm (rất ít khi đi riêng lẻ); còn những điểm không thể nhìn thấy nếu chỉ tiếp cận họ bên ngoài, tôi nghĩ đó là sự cô đơn khoác thái độ bất cần đời – một sự “xù lông” giả tạo để chứng minh mình hơn người; một kiểu thách thức với cái bình thường; là sự cổ xúy cho những thứ mà đôi khi họ cũng chưa hiểu hết hoặc biết người khác chống nhưng họ chấp nhận chỉ để khác người. Tôi nghĩ họ cho điều đó là bản lĩnh thời thượng, là “sành điệu”.
“Hiện tượng, sự kiện liên tiếp vừa qua cho thấy: một bộ phận giới trẻ lao vào cuộc chơi của mình không kiêng nể luật pháp; không hề quan tâm tương lai cuộc sống của chính mình sẽ ra sao, như thế nào và đi về đâu. Xét dưới góc độ nhân văn, những người trẻ ấy rõ ràng thiếu sự tự ý thức khi nhận thức sai lệch về giá trị của những hành động “chơi cuồng”, “chơi ngông” này; tiếp tục lao vào bằng những hành vi thiếu định hướng – để có những giá trị “ảo” – nhằm tự khẳng định cái tôi của mình quá sắc, quá bén và quá to, quá nặng…” |
* Giới trẻ thời nào cũng cần đến một sự tự khẳng định, liệu điều đó có thể được xem là một cách tự khẳng định của một bộ phận giới trẻ hôm nay để chúng ta có thể thông cảm?
– Thông cảm không có nghĩa là chấp nhận, khi sự tự khẳng định này là thái quá, không chỉ với bản thân những bạn trẻ ấy mà cả với gia đình, xã hội.
* Thái quá? Có phải vì vậy mà dư luận đã định danh họ bằng cụm từ “ăn chơi thác loạn”?
– Thực lòng mà nói không nên tranh luận về thuật ngữ. Bản thân tôi và chắc nhiều bạn trẻ sẽ không muốn dùng từ này lắm dù rằng đây là một hành động thiếu định hướng, một hành động ăn chơi quá mức, một hành động chơi ngông không cần biết điểm dừng. Nếu được, tôi sẽ gọi đó là “hành động chơi liều, chơi ngông”; “tệ” lắm thì là “hành động ăn chơi sa đọa”.
* Dù chơi liều, chơi ngông hay “ăn chơi thác loạn” thì rõ ràng hành động đó của họ vẫn là bất chấp hậu quả? Hay họ không biết hậu quả?
– Biết hay không tôi tin họ cũng chơi với mục đích thỏa mãn nhu cầu tự khẳng định… “ngông”, liều. Tất nhiên, nếu “phân loại đối tượng” thì chắc chắn có những bạn không thực sự biết về tác hại của những thú vui đó – do kiến thức, trình độ còn hạn chế, kinh nghiệm sống chưa đủ trong khi cái tôi lại quá lớn… Họ nghĩ đơn giản rằng thuốc “lắc” có phải ma túy đâu mà nghiện, bất quá tăng đô tí thôi! Đồng thời có những bạn trẻ biết tất, nói vanh vách một gói thuốc tai hại ra sao, một chai rượu giảm thọ bao nhiêu giây, một viên thuốc “lắc” sẽ làm thần kinh ảnh hưởng như thế nào… nhưng vẫn chơi. Cả hai cùng gặp nhau ở cùng một điểm khi chọn cách tự khẳng định bằng một lối dễ nhất: “chơi cho sướng”; và để giải thoát một góc khuất tâm lý ít bạn nào dám nhận: sự cô đơn, trống rỗng trong lòng.
* Nếu nói như thế nghĩa là lối sống của một bộ phận giới trẻ hôm nay đang thật sự báo động, thưa TS?
– Không thể qui kết dễ dàng như thế nhưng nếu không khéo đây sẽ có thể là giá trị mà nhiều bạn trẻ sẽ hướng đích – điều đó rõ ràng nguy hiểm. Xét dưới góc độ nhân văn không phải chấp nhận những biểu hiện trên mà phải là tạm “chung sống”. Muốn mình nổi bật, được thừa nhận là nhu cầu của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Vấn đề là cần phải biết định hướng giá trị, không chỉ cho hôm nay mà còn cho ngày mai; không chỉ cho mình mà còn cho những người xung quanh, cho thế hệ sau… bắt đầu bằng những hành vi “chân chính”. Giáo dục lý tưởng sống, lối sống cho họ phải thông qua hoạt động của chính họ.
* Nhưng điều đó có hiệu quả, khi mà ngành chức năng đã sử dụng rất nhiều biện pháp?
– Khách quan mà nói, không thể phủ nhận vai trò tích cực của công an trong thời gian qua nhưng rõ ràng cảnh sát khu vực, an ninh khu phố… những nơi ấy chưa làm tốt trách nhiệm của mình.
Một điểm nữa là tại sao lại không bắt đầu từ liệu pháp gia đình? Các bậc phụ huynh cần phải trả lời câu hỏi: tiền ở đâu con mình có; gia đình ở đâu mà con em đi suốt đêm rồi ngủ li bì mà không biết, thậm chí còn xem đó là chuyện bình thường (!). Các bậc phụ huynh đã thật sự giúp con mình hiểu được giá trị của cuộc sống, đã chịu khó và biết chia sẻ lắng nghe hay luôn xung đột với con mình. Phải chăng mình chỉ giáo dưỡng con em bằng vật chất mà quên vun trồng về đời sống tinh thần…
Còn liệu pháp xã hội, nhà trường? Tôi nghĩ nên “xộc” thẳng vào những kỹ năng sống, trong đó kỹ năng tự khẳng định, kỹ năng biết tự bảo vệ là quan trọng. Nếu biết tự khẳng định mình bằng sự chững chạc và thành đạt, biết bảo vệ mình trước cám dỗ, lời khích tướng, biết tự kiềm chế trước sự lôi kéo, chào mời… chắc hẳn sự thật sẽ đỡ đau lòng hơn. Đừng nói xa nói gần mà lấy thực tế và tiếp cận viễn cảnh bằng tình huống cụ thể để chia sẻ (nếu bạn bè rủ hút thuốc, chơi thuốc “lắc” từ chối cách nào? Bạn bè khích làm dân chơi sẽ ứng xử ra sao?…).
* Cũng là một người trẻ, theo anh, làm cách nào để có thể ngăn chặn những bạn trẻ lao vào đội ngũ dân “lắc” mới?
– Tôi không muốn nhắc lại câu “phòng vẫn hơn chống” nhưng vẫn phải nhắc.
Cái nhìn biện chứng là có cung mới có cầu, nhưng có cầu thì cung sẽ tăng là điều cũng dễ xảy ra. Theo tôi, có mấy điều cần làm vừa cấp bách vừa dài hơi:
Một, phải chú ý đặc biệt việc giáo dục giới trẻ định hướng giá trị và kỹ năng sống. Hai, giáo dục gia đình vẫn là nền tảng; từ tình thương và trách nhiệm để giáo dục, định hướng giới trẻ; biết chấp nhận sự tự khẳng định nhưng có định hướng. Cuối cùng là xã hội, ngành chức năng phải có ngay chương trình, kế hoạch, chiến lược đồng bộ (dân “lắc” dễ dàng chuyển địa bàn nếu làm nơi này, bỏ qua nơi kia) và phải thường xuyên, liên tục (chứ không phong trào, theo đợt) trong việc dẹp bỏ địa điểm và nguyên liệu “lắc” với nhiều biện pháp nghiệp vụ cần thiết, bổ sung cho nhau.
CÙ MAI CÔNG thực hiện
Theo Tuoitre.vn ngày 04/04/2005