Chúng ta không hiểu trầm cảm một phần là do nó khó hình dung—nhưng cũng có thể là do chúng ta không muốn hiểu nó.
18–24 tháng 4 là tuần nhận thức về trầm cảm, nên chắc chắn chúng ta đều hy vọng rằng trong thời gian bảy ngày này sẽ có thêm nhiều người ý thức hơn về một căn bệnh mà một nhóm thiểu số trải qua, và phần lớn những người khác chỉ nắm bắt được nó từ xa—nhầm lẫn nó với những cảm xúc quen thuộc hơn, chẳng hạn như bất hạnh hay đau khổ.
Nhận thức này được chia sẻ phần nào bởi cộng đồng y tế, vốn không thể xác định chắc trầm cảm là một “căn bệnh” thể chất, bắt nguồn từ thần kinh hóa học, hay là một thói quen suy nghĩ tiêu cực có thể được giải quyết bằng các liệu pháp trò chuyện hoặc hành vi.
Tôi không quan tâm trong hai mô hình trên mô hình nào chính xác hơn. Bản thân tôi vẫn chưa chắc chắn. Nhiệm vụ chính của tôi ở đây là giải thích một trải nghiệm vẫn còn được hiểu rất ít—bất chấp vô số sách và bài viết về đề tài này. Bởi nếu người ngoài không thể thực sự có khái niệm về trầm cảm nặng, thì 97,5% dân số không phải chịu đựng nó sẽ không thể nào thực sự cảm thông, đề cập hoặc nhìn nhận nó một cách nghiêm túc.
Bề ngoài, trầm cảm có thể có vẻ giống như giả vờ, nóng tính và những hành vi xấu—ai có thể cảm thông với những đặc điểm khó ưa như vậy? Trầm cảm thực ra phức tạp, nhiều sắc thái và u tối hơn nhiều so với cảm giác bất hạnh—giống như sự sụp đổ của bản thân hơn. Ở tình trạng trầm cảm nặng, bạn có thể trở thành một dạng hồn ma sống dở. Để đưa ra một hình dung về sự đau buồn của điều này, tôi chỉ có thể nói rằng nỗi đau mất mẹ khi tôi 31—do tự sát, thật đáng buồn—không thấm tháp gì so với những gì tôi trải qua trong những năm trước khi bà mất, khi bản thân tôi mắc trầm cảm (tôi đã hồi phục lúc bà mất).
Vậy lời nguyền được đặt tên sai lệch này khác gì so với nỗi buồn có thể nhận biết? Thứ nhất, nó có thể sinh ra những triệu chứng như triệu chứng của bệnh Alzheimer—đãng trí, lú lẫn và mất phương hướng. Đưa ra những quyết định dù nhỏ nhất cũng có thể rất khổ sở. Nó có thể tác động lên không chỉ tinh thần mà cả cơ thể—tôi bắt đầu vấp ngã khi đi bộ, hoặc không thể đi thành một đường thẳng. Tôi vụng về và dễ gặp tai nạn hơn. Khi trầm cảm , những thứ trong đầu bạn trở thành hai chiều—như một bản vẽ thay vì một sinh vật sống, hít thở. Bạn không thể gợi lên tính cách thật của mình, thứ mà bạn chỉ có thể nhớ mơ hồ, một cách lý thuyết. Bạn sống trong, hoặc ở gần, một trạng thái sợ hãi thường trực, mặc dù bạn không chắc mình sợ hãi điều gì. Nhà văn William Styron gọi đó là “quẫn trí,” chính xác hơn nhiều so với “bất hạnh.”
Có cảm giác nặng như chì trong ngực, phần nào như khi ai đó bạn yêu thương rất nhiều vừa mới qua đời; nhưng không ai chết cả—ngoại trừ, có lẽ, chính bạn. Bạn cảm thấy cô đơn sâu sắc. Nó thường được mô tả như nhìn thế giới thông qua một tấm kính; sẽ chính xác hơn nếu nói là một tảng băng dày, mờ đục.
Do đó tính cách của bạn—con người thông thường, quen thuộc của “bạn”—đã thay đổi. Nhưng quan trọng là, mặc dù gần như tận thế từ bên trong, sự biến đổi này lại gần như không thể nhận ra được đối với người quan sát—ngoại trừ, có lẽ, một sự thu mình nhất định, hoặc nóng giận và khó tính hơn. Nhìn từ bên ngoài—bức tường da và cửa sổ đôi mắt—mọi thứ vẫn quen thuộc. Bên trong, lại là một cơn bão tối tăm. Đôi lúc bạn cực kỳ mong muốn được đứng trên phố và hét hết cỡ, không vì lý do cụ thể nào (nhà văn Andrew Solomon mô tả là “giống như muốn nôn nhưng không có miệng”).
Những cảm xúc tiêu cực khác—tự thương hại, tội lỗi, lãnh đạm, bi quan, ái kỷ—khiến trầm cảm trở thành một căn bệnh vô cùng khó ưa để ở bên, một căn bệnh đòi hỏi những cấp độ hiểu biết và khoan dung phi thường từ gia đình và bạn bè. Với tất cả những nỗi kinh hoàng của mình, đương nhiên nó không gợi được sự cảm thông. Ngoài việc bị nhầm lẫn với một kẻ phá đám đau khổ và vô tình, người ta cũng phải đối mặt với thực tế là họ có thể có chút điên rồ—một trong những người không thể được coi là những bậc cha mẹ, đối tác, hay thậm chí nhân viên đáng tin cậy. Do vậy trong danh sách những dằn vặt dự đoán được, ta có thể thêm vào sự xấu hổ.
Có một nghịch lý ở đây. Bạn muốn căn bệnh này được ghi nhận nhưng cũng muốn phủ nhận nó, bởi vì nó có tiếng xấu. Khi tôi khỏe, đó là trong phần lớn thời gian, (tôi nghĩ) tôi vui vẻ, đồng cảm, tò mò, biết điều, cởi mở và thân thiện. Nhiều nhà giải trí và “nhà sáng tạo” rất dễ chịu cũng mắc trầm cảm, mặc dù trên thực tế nhóm nghệ sĩ duy nhất thực sự phải chịu đựng nó một cách không tương xứng là—bạn đoán được đấy—nhà văn.
Có những điều tích cực về trầm cảm, tôi nghĩ thế. Nó giúp tôi có một sự nghiệp (không trầm cảm tôi sẽ không bao giờ xem xét cuộc sống của mình để trở thành nhà văn). Và trên hết, trầm cảm, trong gần như mọi trường hợp, sớm muộn cũng sẽ biến mất, và bạn trở lại “bình thường.” Không phải ai cũng nhận ra, nhưng bạn nhất thiết sẽ nhận ra điều đó.
Nhưng nhìn chung nó là một nỗi kinh hoàng, có thật, và xứng đáng nhận được cảm thông và giúp đỡ. Tuy nhiên, trong thế giới chúng ta đang sống, nói vẫn dễ hơn làm. Chúng ta không hiểu trầm cảm một phần là do nó khó hình dung—nhưng cũng có thể là do chúng ta không muốn hiểu nó.
Tôi có một mối ngờ vực, rằng xã hội, từ đáy lòng, coi thường những người trầm cảm vì nó biết họ đúng ở một điểm: sự công nhận rằng cuộc sống là hữu hạn và buồn và đáng sợ—cũng như những thái độ được chấp nhận hơn, vui vẻ và thú vị và phức tạp và thỏa mãn. Một cảm giác bí mật mà hầu hết mọi người đều có là mọi thứ, ở một mức độ cơ bản, về cơ bản là ổn thỏa. Những người trầm cảm bị rút mất cảm giác ấy, và không chỉ trải nghiệm mà chứng kiến nó cũng đáng sợ.
Phải thừa nhận, những người trầm cảm nặng chỉ có thể kết nối một cách rất mong manh với thực tế, nhưng các nghiên cứu lặp đi lặp lại đã cho thấy những người trầm cảm nhẹ đến trung bình có cái nhìn thực tế hơn về cuộc sống so với hầu hết những người “bình thường,” một hiện tượng được gọi là “chủ nghĩa hiện thực trầm cảm.” Như Neel Burton, tác giả cuốn The Meaning of Madness, nói, đây là “mối ngờ vực lành mạnh rằng đời sống hiện đại là vô nghĩa và xã hội hiện đại là vô lý và tha hóa.” Trong một nền văn hóa lấy mục đích làm động lực và công việc làm định hướng, điều này vô cùng nguy hiểm.
Quan điểm này có thể có tác động làm tê liệt lên những người trầm cảm, đôi lúc đến một mức độ tâm thần—nhưng có lẽ cũng nó ám ảnh mọi người. Và do đó phần lớn dân số không bị ảnh hưởng có thể sẽ không bao giờ thực sự hiểu được trầm cảm. Không chỉ vì họ thiếu trí tưởng tượng (có thể hiểu được), và không tin tưởng trải nghiệm của người bệnh (không thể tha thứ được)—mà còn vì, khi nước đến chân, họ không muốn hiểu. Chỉ là nó quá… trầm uất.
Tim Lott là nhà văn và nhà báo người Anh. Cuốn sách mới nhất của ông là Under the Same Stars (Simon and Schuster, 2012).
Nguồn: https://www.theguardian.com/commentisfree/2016/apr/19/depression-awareness-mental-illness-feel-like
Dịch: An An
Biên Tập: Tĩnh Nguyệt, Hà Nguyễn
Nguồn: https://beautifulmindvn.com/2016/07/01/cam-giac-cua-tram-cam/