Liệu Suy Nghĩ Có Thể Khiến Bạn Lão Hóa Nhanh Hơn?

Tại sao người này thì trông tươi tắn, trong khi người kia lại trông già trước tuổi?

Tại sao người này thì trông tươi tắn, trong khi người kia lại trông già trước tuổi? Con người đã thắc mắc về điều này trong suốt hàng ngàn năm, và gần đây, các nhà khoa học ngày càng thấy rõ ràng rằng sự khác về mức độ lão hóa của con người nằm ở mối quan hệ phức tạp giữa gien di truyền, mối quan hệ xã hội, môi trường và lối sống. Mặc dù bạn được sinh ra với một tập hợp gien đặc trưng, nhưng cách bạn sống có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các gien này. Một vài yếu tố về lối sống thậm chí còn có thể kích hoạt hoặc chấm dứt hoạt động của gien.

Sâu trong trung tâm di truyền của tất cả các tế bào là các telomere, hay các đoạn lặp lại của ADN không mã hóa nằm ở tận cùng của các nhiễm sắc thể, tạo thành mũ ở hai đầu và giữ cho các nhiễm sắc thể không bị tách ra. Việc các telomere rút ngắn lại bằng sự phân chia tế bào giúp xác định một tế bào lão hóa nhanh như thế nào. Khi trở nên quá ngắn, tế bào ngừng phân chia hoàn toàn. Các telomere ngắn là một trong những lý do làm tế bào bị lão hóa (có những áp lực khác tế bào mà ta chưa hiểu rõ). Chúng tôi đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để nghiên cứu về telomere, và đã  khám phá ra rằng các telomere thật sự có khả năng kéo dài.

Điều này có nghĩa là: Lão hóa là một quá trình năng động mà có thể được tăng tốc hoặc làm chậm lại – ở một số khía cạnh, thậm chí nó còn có thể được đảo ngược. Ở một mức độ nào đó, các telomere không chỉ đơn giản là thực hiện các “lệnh” của mã di truyền mà còn nghe theo ta. Thực phẩm bạn ăn, phản ứng của bạn với các thách thức, mức độ bạn tập thể dục và nhiều yếu tố khác có ảnh hưởng đến các telomere và có thể ngăn ngừa tình trạng lão hóa sớm ở cấp độ tế bào. Một trong những điểm mấu chốt để có sức khỏe tốt đơn giản chỉ là thực hiện những điều thúc đẩy tái tạo tế bào khỏe mạnh.

Theo các nhà khoa học, sau đây là 5 trong số những lối suy nghĩ ảnh hưởng không tốt tới các telomere:

  1. Thái độ thù địch và hoài nghi

Thái độ thù địch và hoài nghi là sự giận dữ cao độ và không thể tin tưởng người khác. Người có thái độ thù địch và hoài nghi không chỉ nghĩ rằng, “Mình ghét phải đứng xếp hàng ở các cửa hàng tạp hóa”, mà còn nghĩ rằng, “Người mua hàng kia cố tình chen hàng với mình” – và họ giận dữ. Những người này có xu hướng mắc nhiều bệnh tim mạch, bệnh về chuyển hóa hơn và thường chết ở độ tuổi trẻ hơn. Họ cũng có các telomere ngắn hơn.

Những người này có phản ứng tiêu cực với căng thẳng. Khi cơ thể bạn phản ứng với căng thẳng, sẽ không có vấn đề gì nếu cortisol và huyết áp tăng đột ngột rồi nhanh chóng trở lại mức bình thường. Nhưng thay vì vậy, khi những người này căng thẳng, huyết áp tâm trương và cortisol bị yếu đi; về cơ bản, dấu hiệu phản ứng với căng thẳng của họ bị phá vỡ vì bị lạm dụng quá nhiều. Huyết áp tâm thu của họ tăng lên, nhưng thay vì trở về mức bình thường, nó vẫn cao trong một thời gian dài sau đó. Những người có thái độ thù địch này cũng có ít kết nối xã hội và kém lạc quan. Xét về sức khỏe thể chất và tâm lý xã hội, họ dễ bị tổn thương, dễ mắc các bệnh do lão hóa, trong đó bao gồm bệnh tim mạch, viêm khớp, hệ thống miễn dịch suy yếu, v.v. Phụ nữ thường có thái độ thù địch thấp hơn, và do đó ít bị yếu tố này ảnh hưởng đến bệnh tim mạch, nhưng có những thủ phạm tâm lý khác ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ, chẳng hạn như trầm cảm.

  1. Bi quan

Bi quan là lối suy nghĩ thứ hai đã được chứng minh là có tác động tiêu cực đến telomere. Khi tiến hành một nghiên cứu về sự bi quan và chiều dài telomere, chúng tôi thấy rằng những người có mức độ bi quan cao có telomere ngắn hơn. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy sự bi quan là một yếu tố có khả năng dẫn đến sức khỏe kém. Khi người bi quan mắc một căn bệnh liên quan đến lão hóa, như ung thư hoặc bệnh tim, thì bệnh có xu hướng phát triển nhanh hơn.

  1. Day dứt

Cứ day dứt về một vấn đề là lối suy nghĩ tai hại thứ ba. Làm thế nào để bạn phân biệt sự day dứt với sự suy ngẫm vô hại? Suy ngẫm vô hại là sự phân tích nội tâm tự nhiên về việc tại sao một sự việc xảy ra theo cách nào đó. Quá trình này có thể tạo ra cảm giác khó chịu nhưng lành mạnh, còn sự day dứt thì rất có hại. Day dứt không bao giờ cho bạn giải pháp, nó chỉ làm bạn ngày càng đau khổ hơn.

Khi bạn day dứt, cơ thể bạn vẫn căng thẳng một thời gian dài sau khi yếu tố gây căng thẳng không còn nữa. Điều này thể hiện dưới dạng cao huyết áp kéo dài, nhịp tim và mức cortisol cao. Thần kinh phế vị, nơi giúp bạn cảm thấy bình tĩnh, điều hòa trái tim và hệ thống tiêu hóa, liền ngừng hoạt động dù sự căng thẳng đã qua. Những người hay day dứt thường dễ mắc chứng trầm cảm và lo âu hơn, và điều đó lại khiến telomere của họ rút ngắn hơn.

  1. Kiềm nén suy nghĩ

Xu hướng thứ tư là kiềm nén suy nghĩ, cố xua đuổi những suy nghĩ và cảm xúc không mong muốn. Daniel Wegiener, nhà tâm lý xã hội học Harvard quá cố, từng đọc được câu này của nhà văn Nga Fyodor Dostoevsky vĩ đại ở thế kỷ 19:

“Hãy cố gắng thực hiện điều này: Đừng nghĩ đến một con gấu Bắc cực, và bạn sẽ thấy rằng bạn nghĩ đến nó mỗi phút.”

Wegiener đưa ý tưởng này vào một loạt các thực nghiệm để kiểm tra và xác định được một hiện tượng mà ông gọi là sai lầm trớ trêu, có nghĩa là bạn càng xua đuổi suy nghĩ của mình thì suy nghĩ lại càng kêu gào bạn chú ý đến nó.

Sai lầm trớ trêu cũng có thể có hại cho telomere. Nếu ta cố kiểm soát những suy nghĩ căng thẳng bằng cách đè nén những suy nghĩ tiêu cực xuống nơi sâu nhất của tiềm thức, điều này có thể phản tác dụng. Chỉ tránh né cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực có thể không đủ để tổn hại telomere, nhưng nó có thể dẫn đến sự kích thích căng thẳng thường xuyên và trầm cảm – những nguyên nhân rút ngắn telomere của bạn.

  1. Suy nghĩ vẩn vơ

Xu huống cuối cùng là suy nghĩ vẩn vơ. Các nhà tâm lý Matthew Killingsworth và Daniel Gilbert của Đại học Harvard đã sử dụng một ứng dụng trên iPhone là “theo dõi hạnh phúc của bạn” để hỏi hàng ngàn người về những gì họ đang làm, những gì họ đang suy nghĩ, và họ hạnh phúc như thế nào. Killingsworth và Gilbert phát hiện ra rằng chúng ta dành nửa ngày để suy nghĩ về một điều gì đó khác với những gì ta đang làm. Hai nhà nghiên cứu cũng nhận thấy khi người ta không suy nghĩ về những gì mình đang làm, họ sẽ không hạnh phúc như khi họ thực hiện toàn tâm toàn ý. Đặc biệt, suy nghĩ vẩn vơ một cách tiêu cực dễ dẫn đến tâm lý không hạnh phúc trong những khoảnh khắc tiếp theo.

Cùng với Eli Puterman, chúng tôi đã nghiên cứu trên gần 250 phụ nữ khỏe mạnh, ít căng thẳng, trong khoảng 55-65 tuổi và đánh giá khuynh hướng suy nghĩ vẩn vơ của họ. Chúng tôi đặt cho họ 2 câu hỏi: Trong tuần qua, có bao nhiêu lần bạn đã cảm thấy hoàn toàn tập trung vào những gì bạn đang làm vào thời điểm đó? Trong tuần qua, có bao nhiêu lần bạn cảm thấy không muốn hiện diện ở nơi mình đang ở, hoặc không muốn làm những gì bạn đang làm vào thời điểm đó?

Sau đó, chúng tôi đo telomere của những người phụ nữ này.

Những người có mức độ suy nghĩ vẩn vơ cao nhất có telomere ngắn hơn khoảng 200 cặp base, bất kể mức độ căng thẳng của họ. (Để dễ hình dung, một người 35 tuổi thường có khoảng 7.500 cặp base telomere; một người 65 tuổi thường có khoảng 4.800 cặp base.) Tất nhiên, suy nghĩ vẩn vơ có thể giúp ta sáng tạo. Nhưng khi bạn nghĩ đến những điều tiêu cực về quá khứ, bạn dễ thấy không hạnh phúc và thậm chí có thể có mức độ hoóc-môn căn thẳng cao hơn.

Các lối suy nghĩ tiêu cực mà chúng tôi đã mô tả có xu hướng tự động, phóng đại và kiểm soát. Chúng kiểm soát tâm trí của bạn, cản trở bạn nhìn thấy những gì đang thực sự xảy ra xung quanh. Nhưng khi bạn ngày càng nhận thức tốt hơn về những suy nghĩ của mình, bạn sẽ ngày càng được tự do hơn. Bạn không nhất thiết phải ngăn chặn những suy nghĩ của mình, nhưng bạn phải ý thức được nó. Những hoạt động giúp bạn cải thiện khả năng này bao gồm hầu hết các loại thiền định, cùng với hầu hết các dạng bài thúc đẩy sự gắn kết cơ thể-tâm trí, bao gồm cả chạy đường dài.

Ý thức được suy nghĩ có thể giúp bạn phục hồi từ căng thẳng. Theo thời gian, bạn sẽ học cách đối phó với sự day dứt hoặc những suy nghĩ tiêu cực và nói: “Đó chỉ là một ý nghĩ, rồi nó sẽ dần biến mất thôi.”

Trích từ cuốn sách The Telomere Effect: A Revolutionary Approach to Living Younger, Healthier, Longerby Elizabeth Blackburn and Elissa Epel.

Tác giả: Elizabeth Blackburn

 Nguồn dịch: https://ubrand.cool/courses/lieu-suy-nghi-co-the-khien-ban-lao-hoa-nhanh-hon

Nguồn: http://ideas.ted.com/could-your-thoughts-make-you-age-faster/

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *