Bà là mẹ – Ông là ba

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Quan hệ cha mẹ và con cái con là một quan hệ khá đặc biệt trong đời sống gia đình. Quan hệ này sẽ tạo nên sự gắn bó đặc biệt mật thiết, thân tình. Thế nhưng sự mật thiết này có diễn ra hay không không hẳn phụ thuộc vào “huyết thống” hay “ruột rà” mà đấy còn là sự gắn kết chặt chẽ, sự thân thiện thường xuyên – liên tục thông qua sự chăm sóc – nuôi nấng. Điều gì sẽ xảy ra nếu trẻ chỉ sống chung ông bà – thiếu hẳn hoặc quá ít sự gần gũi với cha mẹ?

CON HỔNG CHỊU

Rời quê hương du lịch Phú Quốc để đến với thành phố năng động bật nhất cả nước, Nhàn và Duyên đành phải gửi cho ông bà nội nuôi cu Minh ở độ tuổi còn khá nhỏ. Với 14 tháng tuổi, những ký ức về thời sơ sinh và hài nhi với sự chăm sóc đặc biệt của cha và mẹ không mấy sâu sắc… Minh dần dần quen hơi với ông bà nội một cách lạ kỳ. Vắng ông, Minh cũng không ngủ được, thiếu bà Minh cứ khóc suốt đêm… bốn năm đằng đẵng trôi qua, Nhàn và Duyên thực sự trở nên xa lạ… Có nhiều gì cho cam vì cả năm, hai vợ chồng chỉ thăm con và gia đình vào ngày mùng 5 tháng 5 cũng như dịp xuân về tết đến. Tết vừa rồi, Minh cũng chào đón cha mẹ từ thành phố Hồ Chí Minh trở về bình thường như mọi năm… Thế nhưng khi cha mẹ bảo cu cậu cùng lên xe đi chợ hoa thì cu cậu lắc đầu… Cảm giác xa lạ còn nhân lên thật nhiều khi đêm giao thừa cha mẹ đòi cu cậu ngủ chung… Cu cậu đáp một cách rất ngây thơ gọn lỏn: “Con hổng chịu…”

Buồn cũng có, lo cũng có, căng thẳng cũng có… cả hai tìm đến gặp chúng tôi để được chia sẻ… Thực sự  khó có thể cải thiện khi thời gian bên cạnh con ít ỏi, điều kiện chăm sóc cho con không có, tâm tình thường xuyên hay trò chuyện cũng không… Quan hệ ruột rà trở nên lỏng lẻo một cách lạ kỳ …

Không chỉ có trường hợp bố mẹ đi xa để lo kế sinh nhai mà còn nhiều trường hợp khác khi bà phải trở thành mẹ, ông phải trở thành cha… và cháu nội lại là con muộn… Một số bạn nữ phải lập gia đình quá sớm hay lỡ vụng dại và phải có con nhưng không thể có một cuộc hôn nhân đẹp đẽ và bền bỉ phải bước thêm bước nữa đành giao hẳn con cho ông bà ngoại; những tình huống éo le khác khi một trong hai người tiến thêm bước nữa đều gửi lại một hai đứa con của chính mình cho ông bà nội, ngoại hai bên tự chăm sóc cũng không phải quá hiếm. Ngay cả trong những điều kiện đòi hỏi việc học tập phải thường xuyên liên tục diễn ra để nâng cao trình độ, để chuẩn hóa thì không ít bà mẹ giao con hẳn cho mẹ ruột hoặc mẹ chồng của mình để an tâm học tập ở nước ngoài một thời gian dài. Bên cạnh đó, những cặp vợ chồng được điều đi công tác nước ngoài, những chuyến “làm ăn” thật xa xôi nhưng cũng đầy thử thách cũng là một điều kiện thôi thúc để trẻ chỉ ở cùng ông bà … Điều này sẽ dẫn đến những thực tế đáng buồn như đã đề cập và phân tích trên.

Không thể phủ nhận vai trò của cha mẹ cũng như sự chăm sóc đặc biệt của cha mẹ dành cho con cái vì đó chính là tình thương và trách nhiệm. Theo một nguyên lý rất bình dị về sự hình thành tình cảm thì những xúc cảm cùng loại khi được động hình hóa, khái quát hóa sẽ hình thành tình cảm một cách bền vững và sâu sắc. Chính sự gần gũi ông bà cho nên tình cảm sẽ tự nhiên được hình thành, ngược lại khi không được sống trong vòng tay của mẹ, không được đút cơm – mớm cháo, không được bàn tày ấm áp chăm sóc; những đêm trái gió trở trời, không được quan tâm đích thực bằng những tia mắt đầy tình cảm, những lời động viên chân thành thì trẻ hoàn toàn có thể không cảm nhận được tình cảm mà cha mẹ dành cho mình. Trẻ cũng không thực sự hiểu mình cần phải thể hiện hay ứng xử tình cảm như thế nào với chính cha mẹ của mình… Không chỉ sự nhạt nhẽo diễn ra mà dần dần khi trẻ lớn lên thì chắn chắn quan hệ giữa cha mẹ và con cái khó có thể thân tình, khó có thể thực sự đồng cảm như mối quan hệ gần gũi với người chăm sóc mình một cách đúng nghĩa…, sự hụt hẫng về mặt tình cảm có thể diễn ra dù ít dù nhiều.

CON SẼ CHỊU

Hoàn toàn thông cảm với những tình huống hay những hoàn cảnh đặc biệt trong cuộc sống khi con cái phải ở chung với ông bà trong suốt một thời gian khá dài nếu như không muốn nói từ khi trẻ còn nhỏ cho đến trưởng thành. Dưới những áp lực của điều kiện kinh tế, dưới áp lực của công việc, của những điều kiện rất chủ quan với mỗi người thì việc cha mẹ không ở cạnh trẻ là một thực tế không thể phủ nhận. Thế nhưng nếu nhận thức được những tác dụng ngược có thể xảy ra nếu chỉ có ông bà thường xuyên chăm sóc nuôi nấng trẻ thì chắc chắn nhu cầu muốn con gần gũi mình hơn, thương yêu mình hơn, biết chấp nhận mình là ước mơ của biết bao gia đình không gần con.

Trừ những hoàn cảnh quá đặc biệt nhưng nếu được, đừng nên để trẻ sống chỉ với ông bà quá sớm. Khi trẻ tự nhận thức về mình, nhận thức về những người xung quanh thì sự “rời rạc” trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái có thể được kiểm soát. Điều đó cho thấy không nên xa trẻ quá sớm. Nếu có thể kiểm soát được quan hệ này thì chỉ khi những điều kiện dồn ép thì sớm nhất, cha mẹ mới nên để trẻ sống chung với ông bà sau giai đoạn hai tuổi và tốt nhất là giai đoạn sau 3 tuổi. Điều này sẽ làm cho trẻ được định hình quan hệ thân tình, nhận thức rõ rệt về quan hệ ruột thịt, cảm nhận trực tiếp được sự quan tâm và tình thương đúng nghĩa của cha mẹ cũng như không dễ quên những quan hệ đặc biệt này

Thứ hai, khi chăm sóc trẻ thì cả ông bà lẫn cha mẹ nên có những tác động thống nhất và hợp lý. Về phía ông bà, luôn thể hiện sự thương yêu, sự quan tâm đặc biệt đến trẻ nhưng đừng tạo cho trẻ những cảm giác được vỗ về hoặc bù đắp sẽ làm cho trẻ dễ có cảm giác mất thăng bằng. Vối dĩ trẻ rất nhạy cảm, khi được bù đắp trẻ có thể rất dễ thương tổn nhưng cũng có thể trẻ sẽ “thái quá” trong khi nhìn nhận và thiết lập quan hệ thân tình. Đặc biệt khi trẻ dễ có cảm giác độc quyền trong tình cảm sẽ để lại những dấu ấn rất khó cân bằng trong suy nghĩ của trẻ. Ông bà cũng nên thường xuyên tạo điều kiện để trẻ biết về cha mẹ của mình, biết được công việc, biết được những thông tin cá nhân và đặc biệt là tình cảm của cha mẹ trẻ dành cho trẻ cũng như tình cảm của cha mẹ trẻ dành cho ông bà… Thực tế không thể được phân tích một cách “trần trụi” với trẻ vì sao trẻ phải ở với ông bà nếu thực sự không nên cho trẻ nhưng rõ ràng điều này nên được trẻ hiểu một cách nhẹ nhàng và tuần tự.

Về phía cha mẹ của trẻ, đừng nên để khoảng thời gian quá dài hay quá lâu không gần gũi trẻ. Đương nhiên điều này nên được xử lý một cách tinh tế tuỳ theo điều kiện của mỗi cá nhân. Tranh thủ thời gian sớm nhất có thể có để ôm trẻ trong vòng tay, đút trẻ ăn, ru trẻ ngủ, hát cho trẻ nghe, kể chuyện cho trẻ thưởng thức… Những điều này có thể làm cho mối liên hệ tạm thời đã được hình thành trước đó sẽ phần nào được tái thiết lập hay được củng cố để dần trở nên bền vững. Mặt khác, nếu không thể gần gũi trẻ thì hãy thường xuyên trò chuyện với trẻ qua điện thoại… Ngay cả khi trẻ chưa thể giao tiếp một cách hiệu quả qua điện thoại cùng người lớn cũng nên động viên trẻ để trẻ lắng nghe được giọng nói của cha, cảm được hơi thở của mẹ để trẻ cảm nhận được sự quan tâm, rung động với những kích thích đầy xúc cảm từ phía cha mẹ. Hãy thường xuyên tặng cho trẻ hoặc gửi cho trẻ những món quà mà trẻ yêu thích như: phim hoạt hình, đồ chơi, búp bê… để trẻ hiểu được sự quan tâm của mẹ dù trực tiếp hay gián tiếp. Đương nhiên, điều này phải được ủng hộ bởi ông bà trong việc phân tích, định hướng, giảng giải cho trẻ… Ngay một số bậc cha mẹ thường xa trẻ thì việc làm cho trẻ một album kể chuyện về gia đình của trẻ với cha, mẹ cùng những cảnh vật rất dễ thương, những kỉ niệm đầy ắp mô tả sự lớn lên của trẻ, mô tả những kỉ niệm trong từng ngày – từng giờ trẻ lớn lên với cha với mẹ sẽ giúp trẻ nuôi dưỡng ký ức về quan hệ đặc biệt với cha mẹ…

Thứ ba, nếu trẻ không thực sự gần gũi với cha mẹ và đã có những hành vi xa cách hoặc “lệch” tình cảm về phía ông bà thì cần phải có thái độ thực sự bình tĩnh. Đừng căng thẳng với trẻ cũng như chia sẻ với ông bà không nên “xô” trẻ quay ngược lại về phía cha mẹ. Cần cẩn trọng và kiên nhẫn chinh phục trẻ bằng những biện pháp rất cụ thể và hiệu quả đánh thức trái tim của trẻ trong quan hệ với cha mẹ, chứng minh với trẻ về sự chân thật và hết lòng trong tình cảm của mình dành cho trẻ, khẳng định sự quan tâm đích thực và lâu bền với trẻ bằng thái độ bao dung, rộng mở… Dần dần trẻ sẽ định hướng tình cảm của mình và chắc chắn từ trái tim sẽ đến được trái tim.

Những ngã rẽ của cuộc sống luôn có những thách thức và nuôi dưỡng tình cảm với trẻ hay để cho trẻ phát triển một cách cân bằng khi thiếu vắng một khoảng thời gian khá dài tình cảm của cha mẹ là điều không phải dễ. Khoan tính đến việc trẻ dễ trở nên cô độc hay suy nghĩ của trẻ có phần thiếu cân bằng mà hãy chú ý ngay đến sự điều chỉnh kịp thời của mỗi bậc cha mẹ để đảm bảo cho trẻ sống thật tốt, phát triển thật hài hòa…

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *