“Hòa tan” cùng con trẻ

Hai cha con mải mê bên chiếc máy vi tính với trò chơi đặt bom. Chỉ mới có 7 tuổi đầu mà cu cậu tỏ ra là một tay chơi game cự phách. Cũng lướt phím thật nhanh, cũng nghiêng vai qua phải – qua trái liên tục, cũng lúi húi chúi đầu vào màn hình thật sâu, cũng đập tay xuống bàn vì tức tối… Chia hai phe để thi đấu và giết nhau trong trò chơi để thay bằng việc giao du bù khú với bạn bè đã trở thành thói quen của Nhân.

Tối nay cũng vậy, cả hai cha con đều quyết tử quyết sinh trong những pha phối hợp cũng như trong những lúc tấn công nhau. Tiếng ình chéo của cu cậu vang lên cả phòng khi hai cha con phối hợp ăn ý làm không khí ngôi nhà thêm rộn ràng và náo nhiệt. Không khí này thật tuyệt vời đến mức biết bao người tưởng tượng, mớ ước.

Thế nhưng đến lúc không hài lòng, anh Nhân hét toáng lên nghe thật khiếp: Ngu quá, nhanh lên, con chậm như rùa bò… Cu cậu cũng mồm miệng không kém khi đang ở thế tiến công dẫn đường: sao ba kém vậy, ngu quá, quẹo trái, quẹo phải… tê quá… Đến lúc này có lẽ người trong cuộc vẫn chưa nhận ra được vấn đề cần quan tâm nhưng vợ Nhân cảm thấy bất ổn. Điều bất ổn này thực sự hay chỉ là lo hão?

Thực ra khi nhập vai chơi, người lớn và trẻ con không phải ai cũng có thể phân biệt đâu chơi, đâu thực. Đó chỉ là những trò chơi game bình thường chứ chưa nói đến trò chơi trực tuyến. Thế nhưng vấn đề hòa đồng quá mức với con trẻ như những người bạn giống như trường hợp trên khi không tỉnh táo sẽ dễ dẫn đến hiện tượng làm cho con trẻ dễ hình thành những thói quen xấu. Xem bố mẹ ngang hàng, thiếu sự tôn trọng, nói năng với bố mẹ thiếu cân nhắc… sẽ là những hành vi hình thành một cách “chậm mà chắc” ở trẻ. Những thói quen này rơi vào tiềm thức của trẻ và dần dần trở nên vô cùng khó sửa. Chính điều này làm cho trẻ luôn cứng đầu, luôn xem thường những vấn đề lễ giáo là điều tất nhiên.

Thực ra cũng có suy nghĩ cho rằng sự hào hứng khi chơi là thế nhưng khi sống giữa đời thật, bố rất hiên ngang nhưng cũng rất mẫu mực. Mặt khác, những lời nói khi chơi trẻ nào đâu chú ý và quan tâm để bắt chước? Đó là quan điểm không hoàn toàn sai nhưng quả thật chưa hợp lý trong việc chăm sóc và giáo dục trẻ đặc biệt là giáo dục lễ giáo. Trẻ con rất hay bắt chước những hành động, thái độ và cả lời nói của người lớn.

Những lời nhận xét như: ngu, khờ, chậm như rùa bò… có cơ hội trong cuộc sống để bộc lộ đâu giờ đây đã trở thành ngôn ngữ thân quen với trẻ. Hình ảnh của bố mẹ rất đẹp- đáng được xem như thần tượng thì lại thay đổi hoàn toàn trong trò chơi. Bố cũng biết nói bậy, cũng cũng mắng chửi một cách thường xuyên thì mình – tại sao không? Thông thường, khả năng bắt chứơc của trẻ mà đặc biệt là bắt chước về ngôn ngữ rất nhanh cho nên trong tâm trí những lời nói rất vô tình của bố trở nên hữu ý và nhanh chóng ăn nhập thật hiệu quả…

Chơi cùng trẻ, chơi với trẻ là một trong những hành động cực kỳ cần thiết của các bậc bố mẹ đối với sự phát triển của trẻ. Điều này cũng rất có giá trị đối với mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái được xây dựng theo hướng thân tình – gắn kết. Nó cũng góp phần đặc biệt quan trọng tạo nên mối quan hệ bè bạn để hiểu trẻ nhưng nhất thiết người bố – người mẹ phải luôn nhớ mình là ai. Nhớ mình là ai để kiềm chế chính mình, để làm gương cho trẻ hoặc để kiềm trẻ khi cần thiết. Tất cả những điều này chỉ xảy ra hay chỉ được thực hiện một cách hiệu quả khi người lớn thật sự tỉnh táo và sáng suốt…

Để trẻ lớn lên về thể chất và tinh thần một cách rất an toàn, bố mẹ hãy luôn nhớ rằng sự tác động của chính mình sẽ để lại những dấu ấn rất quan trọng trong tâm trí trẻ. Những lời nói rất vu vơ của bố mẹ nếu không thật sự chuẩn mực sẽ dễ làm cho trẻ bị ảnh hưởng. Ngay cả những hành động ăn thua quá mức hoặc những lời phê bình quá đáng cũng làm cho trẻ trở nên căng thẳng và dễ dàng có xu hướng hành vi tiêu cực. Chơi cùng trẻ nhưng phải khéo léo đóng vai như trẻ con để hòa nhập cùng trẻ là điều cần thiết nhưng luôn biết định hướng cho mình cũng như cho trẻ là điều cần thiết hơn.

 HVS

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *