Kĩ năng sống- Hành trang cần có của người thanh niên hiện đại(Kì 7)

KĨ THUẬT LÀM CHỦ CÀM XÚC ( PHẦN 2)

Khả năng làm chủ cảm xúc là một trong 7 tiêu chí đánh giá chỉ số EQ – chỉ số xúc cảm. Đây là chỉ số quy định sự thành đạt về lối sống trong cuộc đời, là khả năng hòa nhập với gia đình và cộng đồng

Dân gian có câu “Giận mất khôn”, nhưng các trạng thái cảm xúc vui, buồn, phẫn nộ trong mỗi chúng ta vẫn diễn ra hằng ngày. Có ai dám cả quyết rằng mình chưa từng nổi giận bao giờ?

Khi cảm xúc vượt khỏi tầm kiểm soát

Theo thạc sĩ tâm lý Võ Thị Tường Vy, cuộc sống hiện đại cạnh tranh, áp lực và thử thách khốc liệt buộc chúng ta phải đối mặt với các chứng bệnh của thời đại là stress, trầm cảm, cáu gắt và dễ nóng giận. Khi cảm xúc vượt khỏi tầm kiểm soát, bạn không chỉ phá vỡ các mối quan hệ, đánh mất các cơ hội tốt đẹp mà còn gây hại cho sức khỏe. Chính vì lẽ đó, bạn cần phải kiềm chế cảm xúc tiêu cực, hấp tấp của bản thân mình.

Làm sao làm chủ được cảm xúc của mình? Có bốn vấn đề chính được giảng viên cùng các học viên bàn luận sôi nổi và đưa ra kết luận. Thứ nhất, cảm xúc tiêu cực nếu không nhìn nhận đúng bản chất thì không thể tự mất đi. Thứ hai, nếu giấu kín mãi trong lòng đến một lúc nào đó sẽ tự bùng cháy. Thứ ba, nếu không biết cách giũ bỏ, cảm xúc tiêu cực sẽ đeo đẳng mãi và hủy hoại chính bản thân. Thứ tư, để giải tỏa cảm xúc tiêu cực, không còn cách nào khác ngoài việc quay trở lại chất vấn nó để tìm ra căn nguyên vấn đề.

Cảm xúc trong các mối quan hệ giả định cũng được đưa ra làm ví dụ sinh động để thử nghiệm ứng phó với sự tức giận. Theo bạn Hồng Hà – sinh viên Khoa Tâm lý, Trường ĐH Sư phạm – trước tình huống con cái bất đồng quan điểm với bố mẹ và mâu thuẫn xảy ra triền miên trong gia đình nên bày tỏ với cha mẹ trong những trường hợp cụ thể chứ không nên dồn nén. Điều đó vừa giúp bố mẹ hiểu rõ tâm tư, tình cảm của con cái vừa rút ngắn khoảng cách giữa hai thế hệ.

Bạn có quyền giận dữ và biểu lộ sự tức giận của mình! Nhưng, bộc lộ như thế nào, theo cách nào để đối phương hiểu được vấn đề mà mối quan hệ không bị ảnh hưởng là một nghệ thuật. Nếu có thể, bạn hãy bắt đầu diễn tả cơn giận của mình bằng cách: “Điều bạn làm đã khiến tôi cảm thấy…”. Hay “Tôi đau đớn khi bạn cư xử như vậy với tôi…!”.

Hướng suy nghĩ theo lối tích cực

Trong cuộc sống, không nhiều thì ít chúng ta sẽ đối diện với sự mất mát, lạm dụng và tổn thương. Làm sao biến những biến cố thành sức mạnh? Theo bạn Nguyễn Xuân Trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, mỗi khi phải đối diện với sự mất mát, sức chịu đựng của con người có giới hạn. Vì thế, hãy chia sẻ cảm xúc mất mát với những người thân yêu, tin cậy của bạn. Nếu không quen nói trực tiếp, bạn có thể dùng điện thoại, mail hoặc viết thư, nhật ký. Những hình thức ấy sẽ giúp bạn vơi đi gánh nặng trong lòng.

Bạn cũng có thể đối diện với sự bất công, thất bại. Con đường bạn đi tìm sự công bằng và quyền lợi chính đáng của mình không ít lần phải đối diện với sự bực tức, phẫn nộ. Nhưng liệu sự phẫn nộ của bạn có hóa giải được vấn đề hay chỉ làm mọi việc tệ thêm? Muốn vậy, khi đối diện với một tình huống nào đó ngoài ý muốn, bạn cần tìm hiểu nguyên nhân và mổ xẻ nó để tìm ra nguyên nhân sâu xa. Và điều đó sẽ giúp bạn cơ hội bình tĩnh trở lại.

Tình huống đưa ra để các học viên thảo luận là bạn Trường trong đợt thi ĐH vừa qua bị trượt. Dĩ nhiên, tâm trạng bạn ấy sẽ vô cùng thất vọng, bi quan, âu lo, thậm chí mất phương hướng. Làm sao bạn Trường có thể thoát được trạng thái cảm xúc buồn chán ấy? Theo bạn Hà Hiếu Dũng, sinh viên Trường ĐH Kinh tế, trong trường hợp ấy, bạn Trường nên bình tâm suy xét lại và nhìn nhận đúng thực lực của mình. Nếu Trường hướng được suy nghĩ của mình rằng tương lai không chỉ có con đường vào ĐH mà còn nhiều con đường khác để đi thì tâm trạng sẽ đỡ nặng nề hơn. Còn theo ý kiến của bạn Ngô Thị Bích Đào – ĐH Bách khoa, “thất bại là sự trì hoãn của thành công. Bạn Trường nên nhanh chóng vượt qua trạng thái không tốt chuẩn bị tinh thần để ôn thi tiếp và nuôi dưỡng hy vọng”. Qua những phân tích trên, thạc sĩ Tường Vy nhấn mạnh rằng, cách nhìn tích cực sẽ cải thiện được những ý nghĩ và hành động tiêu cực.

Chính vì lẽ đó, nếu như phải đối mặt với cơn giận dữ, bạn nên đặt mình vào vị trí người khác để có cái nhìn khách quan hơn. Hãy tìm mọi cách kiềm chế cơn giận của mình trước khi đòi hỏi đối phương. Những điều cần thiết bạn nên làm trong lúc giận là cố gắng giữ giọng ôn tồn, bình tĩnh, không chỉ trích, không miệt thị. Hiệu quả mang lại mà bạn nhận biết được là bạn có thể điều khiển được hành động và cảm xúc của chính mình và cả chính đối phương.

Nếu có dấu hiệu cho thấy bạn hoặc đối phương bắt đầu giận dữ trước một vấn đề hay công việc nào đó, tốt nhất hãy nhanh chóng rút lui khỏi môi trường căng thẳng ấy vài phút bằng cách đi uống nước, hít thở thật sâu, thả lỏng cơ thể. Khi những cảm xúc căng thẳng nguội dần đi, bạn trở lại giải quyết vấn đề trong sự bình tĩnh, chắc chắn kết quả sẻ tốt hơn.

Phần sau chúng ta sẽ tìm hiểu về cách giảm stress 1 cách hiệu quả, một trong những kĩ năng sống mà chúng ta cần biết và ứng dụng vào thực tế. Cùng đón đọc nhé bạn.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *