Nếu bạn muốn thay đổi đất nước, nếu bạn đã 18 hay 20 tuổi hoặc hơn, hẳn là bạn cũng sẽ sớm trở thành những ông bố, bà mẹ. Thế nên, hãy chuẩn bị cho thay đổi, không cần biết trước đây bạn được giáo dục như thế nào, hãy chắc rằng, bạn sẽ trở thành hình mẫu mà bạn muốn con cái mình trở thành trong tương lai.
Lan Phuong 1018 điểm Quan tâm 146 0 0 Ngày đăng: 15-06-2017 tại Phong cách sống
Bạn có biết lý do chính dẫn tới việc nước Việt ngày càng sa sút? Câu trả lời là: LƯỜI!
Chúng ta cứ đang cố gắng kéo đất nước này đi lên. Hàng loạt bài báo được viết, trong đó chỉ ra rằng đất nước này đang bị ô nhiễm hóa, đang bị bóc lột hóa, đang bị bất công hóa, và đang bị căng thẳng hóa… Nhưng rồi các bạn biết được điều gì là quan trọng? Ừ, CHẲNG MẤY AI THÈM ĐỌC NHỮNG BÀI BÁO ĐÓ. Nghĩa là nhiều người trong sô họ không biết chuyện gì đang xảy ra chung quanh họ, không biết được mức độ căng thẳng leo thang của thế giới xung quanh. Tóm lại là, người viết thì cứ viết, người chơi thì cứ chơi, không ai thèm đọc. Dĩ nhiên là ta đang nói đến SỐ ĐÔNG thôi.
Vậy ra, người ta đang cố gắng thay đổi mọi thứ ở phần ngọn. Nghĩa là kêu gọi những con người đã góp sức gây nên hiện trạng này, hãy thôi đừng phá hủy đất nước nữa, hãy thôi xả rác, hãy thôi chém giết. Đó là một ý tưởng điên rồ. Kêu gọi người từng sát hại đất nước này hãy suy nghĩ lại, rũ chút lòng thương, đừng phá hoại nữa.
Bạn có biết một trong những lý do chính mà đất nước ta cứ thụt lùi? Thậm chí bây giờ và sẽ có nguy cơ ngày càng thua cả Lào và Campuchia nếu không thay đổi không? Nếu bạn định trả lời là chính phủ thì hãy tạm gác lại cái ý nghĩ đó. Bởi vì vấn đề là dân chúng đang mang một căn bệnh nan y khó chữa: LƯỜI!
Lười vận động, tập thể dục
So với số người tập thể dục, thì số người không tập chiếm gấp nhiều lần, nếu không muốn nói là áp đảo hoàn toàn. Bạn không tin? Sáng thức dậy 4 giờ sáng chạy bộ. Rất nhiều ông cụ, bà già sẽ chạy cùng bạn. Số trung niên cũng rất nhiều. Còn số thanh niên thì chiếm trên đầu ngón tay thôi nhé.
Mà không tập thể dục thì chẳng đào đâu ra sức khỏe, không có sức khỏe thì làm cái gì cũng mau mệt, mau mệt thì sẽ nhanh chán, mà nhanh chán thì sẽ sớm bỏ cuộc. Những người có sức khỏe yếu thường làm mọi việc qua loa. Tin tôi đi. Họ không chịu đựng nỗi bất cứ chuyện gì hết. Đó là khi chúng ta nên nói tiếp các kiểu lười khác là hệ lụy của lười vận động.
Lười học
Cái này thì khỏi nói rồi. Trừ các học sinh trường chuyên, lớp chọn thì đa số rất chi là lười. Khoan hãy nói đến việc kiến thức có hàn lâm hay không, có khó nuốt hay không, có kém thực tiễn hay không. Mà hãy tự hỏi, tại sao lại như vậy? Ít bạn trẻ chịu đựng nỗi 2-3 tiếng học bài ở nhà. Nói trắng ra là quá lười vì rất nhiều lý do khác nhau. Alan Phan đã từng nói rằng ông không hiểu tại sao một đất nước dân số vàng như Việt Nam lại có vẻ lù khù như các cụ già đến vậy.
Bạn hỏi tại sao? Hãy tạm trách Internet, Smartphone, Karaoke, Nhậu nhẹt, Lotte, Starbuck và các loại ăn chơi thời hiện đại nhé. Bạn lại hỏi tại sao nữa à? Bởi vì đó là thách thức của thời đại này. Thú vui hưởng thụ bao vây xung quanh, nhan nhãn đông tây nam bắc hướng nào cũng có. Tại sao phải chịu đựng học bài khi tụi bạn đi nhậu, đi hẹn hò, đi Lotte? À, quên nữa, đừng ai nói với tôi một câu mà đứa trẻ trâu nào cũng biết: Cái nào cũng có mặt lợi, quan trọng là đừng dùng quá liều lượng. Bởi vì, không có mấy ai biết kiểm soát chính họ ở cái vùng đất này đâu. Vậy nên là mong rằng các bạn trẻ không ngày nào cũng cắm mặt cả ngày lướt facebook chỉ xem các tin tạp nham, tám chuyện messenger; các thanh niên không hàng ngày đều đặng trà chanh, cắn hạt hướng dương buôn chuyện con A, thằng B hay nhậu nhẹt liên miên thẩm định bản lĩnh đàn ông qua mức độ hết mình với… những ly rượu, cốc bia và thường kết cục là lê lết để về nhà, gây tai nạn cho mình, cho người, gây ra nhiều hậu quả xấu cho xã hội.
Lười làm
Tất cả những người chủ ở Việt Nam đều khó tính, họ thường phải đốc thúc công nhân của mình. Bởi vì họ biết, không đốc thúc, bọn công nhân chỉ ngồi chơi và làm kiểu đối phó. Chủ tới thì luôn tay luôn chân, chủ đi thì phì phèo điếu thuốc, thậm chí là lướt facebook chat chit nữa là đằng khác. Nếu cha mẹ bạn là người trả tiền cho công nhân, chắc bạn sẽ rõ điều đó hơn cả.Bạn hỏi vì sao họ lười làm, họ bắt đầu lười từ khi nào? Vì sao? Vì họ chẳng có thích thú gì với công việc. Bởi vì họ từ cái giây phút họ lười học, họ chẳng có kiến thức gì để giải quyết vấn đề nên họ chẳng muốn xảy ra thêm vấn đề gì nữa. Mà đấy, cách hay nhất để không có vấn đề gì để giải quyết là ngồi chơi. Làm việc thì tạo nên vấn đề, giải quyết vấn đề chính là một bước thăng tiến. Nhưng họ lại sợ gặp vấn đề biết bao. Không giải quyết được lại bị chửi, lại bị sỉ nhục, lại quê với người khác. Nên họ thà làm người nhàn rỗi tay chân, áo sạch đồ đẹp, không một vết bẩn còn hơn lấm lem mồ hôi, nhếch nhác không ai thèm dòm.
Lười suy nghĩ
Lướt dạo hết vòng facebook là điều bạn có thể làm ngay. Nếu facebook bạn không có BẤT CỨ ĐIỀU GÌ đáng để học hỏi (thật) thêm, không có điều gì để khiến bạn cảm động, đọng lại điều gì đó, làm bạn thấy phải nhìn lại bản thân mình, thì rất nguy hiểm ở chỗ, có thể bạn chính là một ví dụ. Còn nếu có thông tin gì đó hay, viết về thực trạng của đất nước, về ô nhiễm môi trường, về động vật tuyệt chủng, hay các bài viết học thuật, hãy xem nó được bao nhiêu người like? À, thường thì sẽ không nhiều người like hay comment bằng những tin shock, câu view rẻ tiền đâu. Không tin lướt ngay facebook là biết.
Chúng ta không có gì để học sao? Hay chúng ta chỉ quan tâm về tự sướng, em nào đẹp, em nào xài camera 360, anh nào GAY, chỗ nào chơi tốt, khu nào ăn ngon, quần áo chỗ nào bán đẹp? Tất nhiên mỗi người một mục đích sử dụng nhưng nếu facebook của bạn có ít những thứ liên quan tới học thuật, kiến thức, thay vào đó là 90% ảnh girl xinh, trai đẹp và bạn cũng chẳng học chẳng đọc quan một kênh nào khác, hãy yên tâm một cách chắc nịch rằng bạn đang là một trong những đứa lười suy nghĩ bậc nhất thế giới.
Lười tranh đấu
Cái này thì khỏi phải nói luôn rồi. Cha chung chả ai khóc mà. Đất nước ngày càng đi xuống thì cũng mặc. Nói thật, chả ai quan tâm cả. Những người có tâm, những người làm báo cứ như những kẻ thui thủi một mình tự kỷ vậy. Bài nào họ viết ra, họ tự đọc, chả mấy ai đọc nói chi đến like và comment. Đi chơi noel xong rác thải đầy đường để phải viết lên báo, cũng chả cần thấy nhục mặt cho bản thân hay cho đất nước này, cứ thế năm nào cũng vậy, cũng lên báo, rồi cũng thôi, vì chẳng ai còn hơi sức để nói nữa.
Thờ ơ là căn bệnh của người Việt. Nếu không tin, search bài báo: “Người Việt vô cảm thứ 13 thế giới” là biết. Nhiều người trong chúng ta chẳng muốn tranh đấu, chẳng muốn gì cả ngoài việc hưởng thụ hay tặc lưỡi với những gì đang có. Tài nguyên thô chúng ta bán rẻ, cây rừng chúng ta cưa, voi rừng chúng ta giết, thú rừng chúng ta ăn, chả còn gì mà chúng ta “tha” cả. Khai thác triệt để cho thế hệ này tận hưởng, có thể đoán là trong tương lai nhanh thôi, sắp tới sẽ dần cạn sạch. Thường nhiều người dễ thờ ơ để mọi thứ trôi đi và ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Miễn là họ không ở những vùng hiểm trở, dễ thiên tai, còn lâu thân họ mới phải lo, mặc kệ người khác. Càng ngày, người ta càng tập trung về thành thị, co cụm, bạn thấy không? Cả đám ăn chơi phè phỡn với nhau, rồi chuốc độc nhau trong từng thớ thịt, dĩa cơm, cốc nước… Nhưng không ai muốn tranh đấu! Chẳng ai muốn cả, vì họ bận phải hưởng thụ sự hiện đại này. Họ vô cảm đầu độc những người khác và chúng ta dễ dãi tự nạp độc vào cơ thể mình.
Đấy là những thế hệ đã được đào tạo. Việt Nam thuộc loại khủng của thế giới trong việc chi ngân sách cho giáo dục. Họ đã làm gì, và chúng ta đã tôi luyện bản thân như thế nào? Có khi nào chúng ta thấy nhục nhã, chẳng cần điều gì đó cao siêu, mà chỉ đơn giản ta vừa quăng một cục rác xuống đường. Ai đó nhắc nhở và chúng ta phản bác: TRƯỚC SAU CŨNG CÓ NGƯỜI QUÉT THÔI. Liệu có bao giờ chúng ta thấy nhục mặt vì cái độ lười nó ghê tởm đến nỗi những chú cún thông minh, còn biết đi vệ sinh đúng chỗ cũng phải khinh thường con người?
Khi ta đi đâu đó lạ nước lạ cái ở đất nước hình chữ S xinh đẹp này và đặc biệt các thành phố lớn? 99,9% tôi đảm bảo bạn sẽ được nhắc: Giữ tiền cẩn thận nha con, trộm cắp dữ lắm; Ở ký túc xá coi chừng nhà con, trộm cắp phức tạp lắm; ở Sài Gòn cẩn thận nha con, dân tứ xứ chẳng biết ai là ai đâu…
Bạn đã từng nghe, chắc chắn như vậy, và hãy thừa nhận là lũ người xung quanh bạn có những hành vi khó lường vô đạo đức như vậy thật gớm ghiếc. Và bạn, tôi chỉ đích danh bạn đó, có lẽ cũng chưa chắc là một trường hợp đặc biệt gì ngoài lũ gớm ghiếc đó đâu. Thời đại kim tiền, lòng người lệch lạc, nhiều đôi tay vịn chắc túi tiền và trôi vào dòng cuộc sống. Chúng ta chắp vá đất nước này, rách chỗ nào vá chỗ đó, nhưng đúng như Lưu Quang Vũ nói:
“Có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá, gượng ép chỉ càng sai thêm. Chỉ có cách là đừng bao giờ sai nữa, hoặc phải bù lại bằng một việc làm đúng khác.”
Nhưng chúng ta chẳng quan tâm lời dạy này. Chúng ta càng ngày càng chắp vá nhiều hơn là đằng khác. Cơ chế có lỗi, nhưng đừng chỉ đổ lỗi cơ chế mãi. Ai đó đút lót, chúng ta đút lót nhiều hơn. Ai đó đối phó để được điểm cao, chúng ta quyết tâm biết được đề thầy sắp ra giờ kiểm tra. Ai đó quăng rác bừa bãi, chúng ta quăng rác một cách tinh vi. Ai đó lừa đảo ta, ta học cách đó để lừa đảo lại người khác. Và chúng ta có một xã hội như ngày hôm nay. Chẳng ra một cái gì cả. Một dân tộc (một lần nữa lại nhấn mạnh “bộ phận không nhỏ) ai ai cũng phải nghi kỵ nhau, đề phòng nhau từ những chuyện nhỏ nhặt thì làm sao còn đầu óc để đầu tư vào những thứ tiến bộ khác hơn?
Chúng ta lười mọi thứ. Chúng ta lười vận động, rồi thì sức khỏe chúng ta kém, sức chịu đựng không có nên chúng ta nhác học, lười làm, buồn ngủ khi phải nghĩ và chán ngán khi phải chịu đựng. Tất cả những gì chúng ta có là đối phó, từ trong ra ngoài. Không đối phó bằng cách hối lộ tiền, thì đối phó bằng cách mua bằng cấp giả và hồn nhiên chẳng có một tẹo kiến thức nào, rồi nếu không được thì học đại khái cho xong, và trong lúc học cũng luôn tìm cách đối phó với thầy cô. Vâng, chúng ta đối phó n+1 các loại. Nhưng điều làm tôi thấy sợ và lo lắng hơn cả tật đối phó, chính là không thèm đối phó nữa mà sẵn sàng công khai, vô liêm sỉ, văn hóa cực lùn: nhổ nước miếng, thải rác ra đường như không giữa thanh thiên bạch nhật, dễ dãi buông lời tục tĩu, dâm dục giữa thiên hạ. Số đó không hề ít, xin chớ coi thường.
Chịu đựng! Những người đi ra từ chiến tranh với sức chịu đựng ghê gớm, những người giàu lên từ vất vả lại nuôi dạy con cái họ một cách đầy nuông chiều, sai lối. Quá nhiều người đi ra từ chiến tranh, quá nghèo khổ để nói đến đức hạnh, tất cả những gì họ lo lắng là tiền, là mưu sinh. Đó là lý do chúng ta ở đây với một bộ phận lớn của dân tộc không được giáo dục tốt, tính văn minh cực lùn. Đất nước này đi xuống vì những người trẻ được nuông chiều từ nhỏ tới lớn hoặc bị dạy dỗ, giáo dục sai, quan niệm lệch lạc.
Bạn biết đám nhậu nhẹt và ngồi quán cafe chém gió (đám này rất đông) thường nói gì khi gặp nhau? Tao mới xin làm chỗ kia, lương 4 triệu mà toàn ngồi chơi. Liền lập tức, thằng đối diện sẽ bảo: NGON VẬY! Cái tư duy ở xứ này là: Ngồi chơi và “khỏe”! Nhưng yên tâm đi, vũ trụ rất công bằng. Cái chỏm nhỏ ở chỗ này trước sau gì cũng bị trừng phạt nếu tiếp tục tồn tại theo kiểu đó.
Nếu bạn muốn thay đổi đất nước, nếu bạn đã 18 hay 20 tuổi hoặc hơn, hẳn là bạn cũng sẽ sớm trở thành những ông bố, bà mẹ. Thế nên, hãy chuẩn bị cho thay đổi, không cần biết trước đây bạn được giáo dục như thế nào, hãy chắc rằng, bạn sẽ trở thành hình mẫu mà bạn muốn con cái mình trở thành trong tương lai.
Đừng uống cạn tài nguyên này, đừng ăn mặn để con cháu khát nước. Đừng để thế hệ nối tiếp thế hệ phải sống cuộc sống tụt hậu như thế này. Và xin cũng đừng, đừng xấu xa cho đã để rồi sau này bắt con mình trở thành một người tốt. Con nít học qua hình ảnh, nó bắt chước tất cả những gì nó thấy. Đừng bao giờ cho phép bản thân tệ hại, và dạy con bằng cái lối nói rằng bạn dù có xấu xa thế nào cũng là hy sinh cho tương lai của nó. Bởi vì, cách đó nhàm quá rồi, một lời biện hộ không có nghĩa gì hết.
Ta biết là Việt Nam giờ rất khó để có một cuộc cách mạng cải tổ lại tư duy toàn người Việt. Chỉ hy vọng dần dần nhanh lên, chúng ta hãy luyện tập, hãy bảo ban nhau điều hay lẽ phải, hãy chịu đựng để bước đi những ngày tháng trưởng thành hơn. Bạn không thể lớn thêm nếu không chịu đựng và nỗ lực hơn.
Nếu bạn muốn trưởng thành, hãy chịu đựng!
Trong nghĩa của từ chịu đựng, không có lười biếng. Trong nghĩa của từ chịu đựng là sức mạnh. Mỗi một cá nhân có sức mạnh, khỏi cần phải bàn tới chuyện đất nước có đi lên hay không, vì đôi tay của họ thậm chí có thể nhấc bổng cả bầu trời…
Theo Lục Phong
Có hai khía cạnh góc nhìn: 1/ CẢM THÔNG Những người chưa tìm ra họ là ai trong cuộc đời, vì họ đang không có lựa chọn và bị cuốn vào guồng cuộc sống ì trệ. 2/ NHẬN THỨC ta, những con người xung quanh ta mà đầu óc bị mụ mẫm hóa hết rồi, không còn biết gì ngoài những lạc thú tầm thường nữa.
Hãy ngay lập tức học tập trước từ những tấm gương chăm chỉ ngay xung quanh chúng ta. Cần chăm nhìn lên và phấn đấu chứ đừng mãi nhìn xuống thỏa hiệp hài lòng. Nhiều khi bạn có thể thấy một người đang chơi, nghỉ ngơi nhưng ẩn đằng sau những khoảnh khắc đó họ đã và sẽ luôn học tập, làm việc điên cuồng và hiệu quả. Muốn vượt qua người khác, ta cần luôn luôn từng bước một vượt qua những giới hạn của chính mình. Thật ra “chăm chỉ” của người ta biết nhiều khi mới chỉ là mức bình thường cần phải có để không tụt hậu tầm phạm vi trong nước. Còn để có thể “đi tắt đón đầu”, kịp tốc độ bạn bè quốc tế thì cần nhiều hơn thế cơ !!
Theo maidepxinh