Thần tượng của giới trẻ

Thưa tiến sĩ, ông có lo lắng trước hiện tượng sùng bái các nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ Hàn Quốc của một bộ phận giới trẻ?
Trước hết, có thế nói trong cuộc sống, ai cũng có thể có một thần tượng nào đó. Người thân của chính mình, một người nổi tiếng, một nhà lãnh đạo tài ba, một nghệ sĩ, diễn viên hay chỉ là một nhà từ thiện luôn hết mình vì cộng đồng. Tuy nhiên, nếu đó là sự thần tượng vừa phải, thần tượng một cách rất thông minh thì không hẳn phải lo lắng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các bạn trẻ thần tượng một nhóm nghệ sĩ, một nhóm diễn viên mà thiếu sự cân nhắc hay suy xét thì thực sự đáng lo lắng nếu như không nói là trăn trở.
Việc thần tượng một số nghệ sĩ của Hàn Quốc cho thấy văn hoá Hàn đang chi phối nếu như không muốn nói là “kiểm soát” sự lựa chọn giải trí của một nhóm bạn trẻ. Về bên ngoài, không là lớn chuyện nhưng biểu hiện này cho thấy một thực tế sâu xa: định hướng thần tượng cho giới trẻ đang có vấn đề, đời sống giải trí có biểu hiện phần nào của sự thiên lệch, sự thẩm thấu văn hoá thiếu tính dài hơi…

Giả sử tiến sĩ có con và con ông rất sùng bái một ngôi sao Hàn Quốc nào đó, ít quan tâm đến ông  (dù chỉ một lời yêu thương), một người vất vả vì con từng giờ, từng phút. Tiến sĩ có chạnh lòng?

Chạnh lòng thì không hẳn nhưng buồn thì chắc chắn là có. Đơn giản là không có sự công bằng! Tôi luôn muốn hướng đến sự “biết điều” với nhau và sự “công bằng” trong quan hệ và đối xử. Cần nên hiểu những từ này theo nghĩa tích cực nhất của nó. Tại sao phải vô tâm với nhau như thế trong cuộc sống?
Tôi muốn con cái hay chính người thương yêu mình phải biết khóc vì nhau, biết thương yêu nhau một cách đích thực bằng tâm trí và hành động. Nếu thực sự cần nhau, hãy làm những gì cụ thể nhất, giản đơn nhất, gần gũi nhất và việc công bằng với nhau là điều tôi luôn muốn hướng đến.
Những hành động: Đứng dưới trời mưa, hàng giờ để được thoáng nhìn các thành viên nhóm nhạc Super Junior, gào thét tên họ, bỏ cả việc làm, học hành. Thậm chí còn có những hành động mà người khác nhìn vào, có thể nghĩ đó là những biểu hiện thần kinh, như xảy ra cách đây ít năm: Cúi xuống hôn chiếc ghế Bi Ranin vừa…đặt đít ngồi, hay sẵn sàng hiến dâng trinh trắng để được tấm vé đi xem thần tựơng. Tiến sĩ có thể phân tích nguồn cơn những hành động điên rồ này của một số bộ phận giới trẻ?

Việc thần tượng một nhân vật nào đó trở thành một nhu cầu của lứa tuổi vị thành niên, thanh niên. Dước góc độ Tâm lý học, thần tượng là người được người khác tôn vinh, ngưỡng mộ và yêu mến vì một hay nhiều đặc điểm nổi trội nào đó, phù hợp với đặc điểm tâm lý của người hâm mộ. Vì thế, thần tượng của giới trẻ mà đặc biệt là học sinh THPT lại là những người nổi tiếng. Thực chất người nổi tiếng có nhiều điểm đáng để ngưỡng mộ và trân trọng. Người nổi tiếng có một số phẩm chất trở thành điểm đến cần phát huy…
Không thể cho rằng đó là những biểu hiện bất thường về thần kinh nhưng đó là nguồn cơn của những hành vi lệch chuẩn hay những hành vi quá khích. Căn nguyên của vấn đề đó chính là sự nhận thức hời hợt, sự thiếu kiểm soát của cá nhân cũng như sự giản đơn trong việc ứng xử của chính mình
Không ít các bạn trẻ còn tuyên bố sẵn sàng…chết vì thần tượng. Ông thấy họ có quá ích kỷ, khi không nghĩ đến những “hậu quả” sẽ để lại cho người thân, đem mạng sống của mình để chứng tỏ một cái tôi rất vớ vẩn? Nếu đất nước lâm nguy, theo tiến sĩ, những bạn trẻ này có dám hy sinh vì xã tắc, sơn hà?
Dành hết thời gian cho thần tượng và việc theo đuổi thông tin hay theo đuổi thần tượng, dành hết tiền bạn và sức khoẻ để hướng về thần tượng, hết mình với thần tượng quên cả mục tiêu sống, lý tưởng thậm chí cả người thân xem chừng là những việc làm thật đáng trách. Đó là sự nguỵ biện cho một cái tôi khổng lồ bong bóng, đó là kiểu bộc lộ tự do theo hướng ngây ngô.
Sự giả định này không thực sự logic vì so sánh là quá ư khập khiễng và khiên cưỡng. Khi người ta yêu thật lòng, yêu sâu sắc, yêu có nhận thức, yêu có quyết tâm, người ta sẽ hết mình và hết sức. Luận điểm này sẽ được soi sáng nếu người ta yêu có lý trí mà không phải là yêu mù quáng…

Sự sùng bái thần tượng, trước tiên là biểu hiện ở cách ăn mặc, tóc tai giống thần tượng. Thời gian gần đây, tiến sĩ có thấy hiện tượng nhiều bạn trẻ có cách ăn mặc, nhuộm tóc vàng na ná các diễn viên…Hàn Quốc. Ông có cho đây là thói đua đòi của một bộ phận giới trẻ? Hay chỉ là một hiện tượng bình thường, thấy cái đẹp thì học hỏi?

Đây là những biểu hiện của một xu hướng. Đó là kiểu bắt chước, a dua hay thậm chí là sự “đồng hoá” nhóm một cách thụ động. Cái đẹp vẫn dựa trên nền tảng của nhận thức. Nhận thức thẩm mỹ, thị hiếu thẩm mỹ, sự lựa chọn giá trị, sự tương thích… luôn là những cơ sở quan trọng để hướng đến cái đẹp. Sao có thể dễ dãi với chính mình để trở thành bản sao, để trở thành hình ảnh copy hay thậm chí là “hình ảnh nhân bản” vô tội vạ?Sẽ là những điều đau lòng cho cái tôi giả tạo hay cái tôi nhân danh bị mất màu…

Cũng vì sùng bái một vài cá nhân ca sĩ, diễn viên, một số bạn trẻ có thể lập diễn đàn, văng tục, ẩu đả nhau để bảo vệ thần tượng. Ông có nghĩ là họ đang đánh mất chính cá tính độc lập của mình?
Bạn trẻ cần thực sự tỉnh táo với thần tượng. Điều đó sẽ làm cho cuộc sống thêm thi vị, đầy chất lãng mạn nhưng cũng thực sự có lý trí và niềm tin. Cuộc sống sẽ cân bằng trong điểm đến ở tương lai…
Không có thần tượng nào vui khi thấy người yêu quý mình có những biểu hiện thái quá. Nếu nhìn nhận sâu xa, sẽ không thể để thần tượng của mình khó xử hay phải rơi vào bẫy rập của chính người “thân” của mình. Người tỉnh táo cần nhận ra những sự lựa chọn đích thực vì đó mới là sự độc lập chứ không hẳn là sự độc lập nhân danh hay sự độc lập- mang màu sắc ảo.

Ông có nghĩ rằng, chính bản thân một số nghệ sĩ cũng không đánh giá cao những fan sùng bái mình quá mức?

Việc trở thành người nổi tiếng hay người của công chúng là một niềm vui nhưng đồng thời là một áp lực. Những nỗi buồn “không mang tên” đến từ những người hâm mộ quá khích là điều có thật. Người ta có thể cho nhau lên mây khi yêu nhau nhưng cũng có thể dìm chết nhau hay ném đá vỡ đầu khi giận hờn là những điều rất dễ nhìn thấy của kiểu tìm mà không chịu hiểu…
Nghệ sĩ hay người nổi tiếng phải chịu nhiều áp lực nếu nhận được sự yêu cuồng hay sự khích bác quá mức dẫu là vòng tay hay cái hôn của sự hâm mộ. Vì thế, sự trân trọng dành cho nhau khi yêu quý nhau quan trọng hơn rất nhiều so với sự thần tượng ồ ạt, thiếu cơ sở, thiếu cảm xúc của lắng đọng.

Ông có thể phân tích vì sao những bạn trẻ thần tượng những nhân vật lỗi lạc trên thế giới như: Bill Gates, Bill Clinton, Ernesto “Che” Guevara…lại có cách biểu lộ sự sùng bái thần tượng một cách sâu sắc, khác xa cách biểu lộ cảm xúc kiểu “muốn cho mọi người thấy, người biết” của một số fan dành cho nghệ sĩ?
Người ta chỉ có tình cảm mãnh liệt khi có những xúc cảm sâu sắc, vững chải và thậm chí là có “nhiệt độ” vừa phải. Những thần tượng được yêu quý một cách đúng nghĩa dựa trên nền tảng của việc được ngưỡng mộ dựa vào tài năng đích thực, tích cách chuẩn mực, sự hy sinh cao cả hay thậm chí là một nhân cách lớn thường đến từ những hành vi nhỏ, những biểu hiện giản đơn, những sự cư xử đời thường nhưng ấn tượng.
Sự ồn ào thường được ví như rơm lửa mà không phải là than đá. Lẽ đương nhiên, khi người ta thích nhau, khi nhận thức đủ về nhau, khi đánh giá người khác dựa trên nhiều chiều kích, khi soi xét lý trí trong vấn đề thần tượng thì thần tượng một ai đó đều có những biểu hiện giống nhau chứ không thể phân biệt hay chia cắt.

Thưa tiến sĩ, ông có xem đề thi Văn khối D trong đợt thi Đại học vừa qua, có câu: “Ngưỡng mộ thần tượng là nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là thảm họa”. Ông có cho rằng đây là hồi chuông thức tỉnh giới trẻ, đặc biệt là các bạn thí sinh sắp bước vào ngưỡng cửa Đại học?  Ông nghĩ sao khi trên các diễn đàn, có nhiều ý kiến phản đối đề thi, thậm chí yêu cầu Bộ giáo dục & Đào tạo xin lỗi vì dám…xúc phạm đến thần tượng của họ, cũng như lập nhiều diễn đàn đại loại như Hội những người tẩy chay đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Vậy phải chăng đây sẽ là điểm đến của một số người không thích nghe sự thật???
Tuy nhiên, tôi cho rằng giới trẻ ngày nay rất thông minh. Có thể đó chỉ là sự vụng dại tạm thời hay chỉ là sự “vô tư” có thời hạn. Ai cũng sẽ lớn và khi người ta lớn sẽ cảm thấy thời thơ ấu của mình ngây thơ thế!
Ở một góc độ khác, tôi cho rằng đó chỉ là vũ điệu của cơn giận. Điều cần xem xét đó là chúng ta đã làm gì để giới trẻ có định hướng đúng trong việc lựa chọn thần tượng?
Dưới góc độ cá nhân, tôi cho rằng bản thân tôi chưa đủ thời gian và chưa đầu tư sức lực để làm tốt nhiệm vụ định hướng giá trị cho giới trẻ hay một nhóm nào đó về vấn đề này.
Ở một góc nhìn khác, sao chúng ta không nghĩ rằng sẽ có nhiều người khác âm thầm ủng hộ đề thi nói thật, ủng hộ những lời nói thật về văn hoá thần tượng???

Giả sử có một ngày, có người bước đến và ghé tai tiến sĩ và nói: “Em (con) xem anh (chú) là thần tượng”. Ông trả lời người đó thế nào?
Thú thật là tôi đã từng trải qua những cảm giác ấy dù chỉ là một chừng mức. Được ngồi vào ghế nóng của vị trí host hay trưởng ban giám khảo của những cuộc thi, được đứng phía trước của những nhãn hàng để chụp ảnh, được đặt ở vị trí trang trọng của một sự kiện, được đứng trên vài ngàn người để nói… và được xin chữ ký hay chụp ảnh nên cảm giác choáng ngợp không còn nữa. Tuy nhiên, tôi thích sự thẳng thắn và chân thật hơn là sự hào nhoáng và xa hoa.
Một lời cảm ơn, một nụ cười thân thiện và cả một thái độ rất trân trọng là điều cần làm.
Thế nhưng, kèm theo đó là một áp lực mới, áp lực của sự hoàn thiện chính mình. Tôi đã từng thuyết giảng bài nói: xây dựng hình ảnh và gìn giữ sự nổi tiếng nên tôi hiểu những gáng nặng mà mình vừa nhận lấy. Hơn nữa, tôi thích có một chỗ đứng trong trái tim và tâm trí của những thân chủ hay những cử toạ khi tôi trở thành chuyên gia hay diễn giả hơn sự hào nhoáng hình thức.

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *