TRƯỜNG HỌC VIỆT NAM CẦN HƯỚNG ĐẾN TRẺ EM NHIỀU HƠN

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn

Trưởng bộ môn Tâm lý học

Trường Đại học Sư phạm TP HCM

trường học hướng tới trẻ em

trường học hướng tới trẻ em

          Có thể nói rằng trường học là nơi mà gần như mỗi trẻ em ngày nay đều phải đến. Thực sự là “phải” đến không hẳn vì đó là sự ép buộc mà nó đã trở thành những điểm đến để đem lại cho mỗi người tri thức, phong cách và đặc biệt là đến để làm người. Có thể không nơi nào như trường học, bên cạnh việc đem lại những giá trị con người thì những giá trị nhân ái, những giá trị văn hóa của dân tộc, của cộng đồng được soi sáng và được chuyển tải một cách cực kỳ sâu sắc… Một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc sẽ được chuyển giao, gìn giữ và phát triển khi và chỉ khi nhà trường phải thực sự làm tốt vai trò giáo dục nhân cách của mình trong môi trường và thông qua môi trường đó.

          Không thể phủ nhận rằng nếu tỉ lệ trẻ em đến trường ngày một cao hơn thì đó là những niềm vui cho trường học. Tuy vậy, song hành với niềm vui ấy là những thách thức – áp lực cũng không nhỏ. Cũng không thể phủ nhận về sự ảnh hưởng của một xã hội rất hiện đại với sự biến đổi rất đa dạng cũng tác động không nhỏ đến việc giáo dục học sinh. Thế nhưng, nhà trường vẫn phải làm sao để hướng đến các em học sinh nhiều hơn để tạo điều kiện đúng nghĩa nhất giúp các em trưởng thành, nên người và đặc biệt là trở thành những công dân tốt trong xã hội. Trong nhiều năm qua, bên cạnh sự nỗ lực và cố gắng của nhà trường thì cũng có đôi điều chính nhà trường cần nhìn nhận lại sự đầu tư của mình để trở thành ngôi nhà thứ hai hay chiếc nôi và câu hát tuyệt diệu để trẻ em vững bước trên đường đời.

          Thứ nhất, trường học vẫn chưa thực sự thỏa mãn và quan tâm đúng nghĩa với các em học sinh đặc biệt là những nhu cầu về mặt tinh thần. Điều này không có nghĩa tất cả các trường đều chưa thực hiện tốt công tác này nhưng việc thử nghiệm phòng tham vấn học đường hay có những chuyên viên tư vấn tâm lý học đường vẫn còn là thách thức. Vài năm nữa đây khi cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và cả quan điểm sẽ thực sự thông thoáng thì khi ấy phòng tham vấn học đường sẽ xuất hiện. Tuy vậy, đó cũng chỉ là một điểm đến chưa phải là “phương tiện” hay “điều kiện” duy nhất thỏa mãn nhu cầu của học sinh. Thực tế cho thấy, khi cộng tác cùng báo Phụ nữ TP HCM trong chương trình “Lời em muốn nói” trong sáu tháng cuối năm 2009 thì có rất nhiều học sinh còn chưa được thỏa mãn những nhu cầu chia sẻ và tâm sự với thầy cô giáo. Kết quả thu được trong buổi làm việc tại Trường NTT tại Hóc môn vào tháng 10 – tháng 11 có đến gần 100 câu hỏi và bức thư gửi lên cho những người thực hiện chương trình. Những bức xúc và những thắc mắc về vấn đề bầu chọn lớp trưởng, chấm điểm, khen thưởng, cho đến những vấn đề thuộc về kỹ năng ứng xử của thầy cô giáo đều được quan tâm và chia sẻ. Không ít học sinh đã khẳng định rằng những điều này rất muốn chia sẻ cùng với thầy cô giáo nhưng lại sợ bị la mắng, những điều này sợ rằng không được thầy cô giáo đồng cảm và chấp nhận. Ngay cả những thầy cô giáo tham gia chương trình cũng thấy rằng chính mình cần phải thay đổi nhiều hơn vì mình cũng chưa thực sự hướng đến các em. Không ít thầy cô đã khẳng định rằng những kết luận: đừng yêu vội, đừng nên tỏ tình, nên gìn giữ tình cảm đợi sau 18 tuổi… của chính mình đã hoàn toàn không được các em đón nhận vì nó đà quá cũ hay quá lạc hậu so với thực tế của sự phát triển tâm lý lứa tuổi cũng như sự mong đợi của các em ngày nay…

          Thứ hai, cũng không thể quên rằng mỗi học sinh đều có sự phát triển khác nhau và sự khác nhau này khó có thể cân bằng một cách cơ học. Tuy nhiên, nguyên tắc cá thể hóa trong dạy học và giáo dục chưa được khai thác một cách triệt để cho nên có khá nhiều học sinh cũng chưa thực sự cảm thấy mình được quan tâm. Nếu muốn tạo ra những học sinh phát triển tối đa năng lực của mình đang có thì chắc chắn những sự quan tâm đích thực mang tính cá thể hóa là điều rất cần thiết. Vẫn còn không ít thầy cô giáo và nhà trường noí chung hướng đến việc giáo dục đồng loạt khi áp dụng những quy định chung một cách cứng nhắc và rập khuôn mà chưa có sự đồng cảm, định hướng. Từ khâu định hướng cho đến khâu tác động và đánh giá vẫn còn mang nặng tính chung chung, chưa thực sự quan tâm đúng nghĩa đến năng lực riêng, nguyện vọng, sở thích hay thậm chí là cá tính. Nguyên tắc “vo tròn” đã được khai thác khá “mạnh tay” và như vậy không ít học sinh đã cảm thấy mình rất khó thích ứng hay mình chưa thực sự tìm được đường hướng của chính mình một cách đúng nghĩa trong cuộc sống cũng như trong học tập. Những hiện tượng vi phạm kỷ luật, những hiện tượng chán học như là một hành động phản kháng tức thời chỉ vì cảm thấy thiếu sự hợp lý trong cách nhìn nhậm, đánh giá và tương tác cho nên mọi thứ cứ phức tạp dần là như thế

          Thứ ba, không ít trường học cũng hướng về mình nhiều hơn hướng về học sinh khi chỉ muốn làm tốt nhất việc giảng dạy và giáo dục của mình mà chưa thực sự lắng nghe tiếng lòng của học sinh. Không có quá ít trường học cũng tuân thủ thủ kỷ luật một cách quá gắt gao dựa trên những quy định và những nội quy của mình đưa ra. Một số trường học và một số giáo viên vẫn còn “tự chế” mà không phải là “sáng tạo” ra những quy định, nội quy trong việc dạy học, giáo dục và đánh giá. Đơn cử như không ít thầy cô giáo cứ việc giao bài tập một cách thoải mái để rồi học sinh cứ làm vô tư. Cuối năm sẽ tính dồn số bài tập để chọn ra học sinh làm nhiều bài tập nhất sẽ được điểm tối đa trong phần kiểm tra nào đó hoặc trong một cột điểm thành phần mới. Lẽ đương nhiên, những ai thấp chuẩn hơn sẽ nhận những con điểm thấp hơn và điều đó đồng nghĩa với chuyện có những học sinh sẽ đạt điểm 0 hoặc điểm dưới trung bình vì số lượng bài quá hữu hạn so với những bạn khác. Không chỉ dừng lại ở đó, cũng có một vài thầy cô giáo còn sáng chế ra những kiểu đánh giá đạo đức lẫn nhau, thậm chí là chấm điểm đạo đức cho nhau mà thiếu sự cân nhắc nên không ít học sinh đã bị thương tổn về mặt tâm lý cũng như cảm thấy trường học không phải là nơi để mình được lớn lên một cách đúng nghĩa… Điển hình đó là không ít trường chuyên, lớp chọn vẫn quy ước với học sinh rằng chỉ cần một lần vi phạm quy chế thi (chép bài nhau hay trao đổi ba lần liên tục) là môn thi ấy sẽ bị 0 điểm và chắc chắn sẽ bị lưu ban (không có lựa chọn khác!!!). Vấn đề không hẳn là quy định ấy đúng hay sai, quy định ấy tốt hay không tốt nhưng hãy trả về tính chất răn đe, yếu tố giáo dục sự tự ý thức và khả năng hoàn thiện chính mình chứ không phải là chuyện “khung bản lề” cứng nhắc như bộ luật hình sự. Đó chính là những điều mà trường học cần có những cân nhắc và điều chỉnh ngay cả khi học sinh vi phạm để hướng đến những cái nhìn nhân ái, bao dung.

          Thứ tư, có một số trường học vẫn còn cảm thấy nhẹ tênh khi đưa một quyết định đuổi học học sinh sau khi hội đồng kỷ luật họp hoặc sau khi xem xét kết quả học tập năm cuối cấp đang trên đà quá tệ hại. Xem ra việc đẩy một học sinh ra khỏi môi trường học đường ở một số trường học vẫn còn khá “nhẹ nhàng” và “thanh thản”. Điều đơn giản ở đây mỗi người có thể thấy rằng không ít trường hợp cha mẹ học sinh đã được vận động đến rút hồ sơ vì học lực cháu quá yếu cho nên có học thì thi cũng không đỗ thì học làm gì?! Không phải không có những trường hợp học sinh đánh nhau, hay học sinh vi phạm đạo đức liên tục nên hình phạt ở khung cao nhất là đuổi học. Không phủ nhận rằng cũng có khá nhiều trường hợp thầy cô giáo đã rất cố gắng nhưng cũng có không ít trường hợp thầy cô giáo chưa can thiệp một cách kịp thời, chưa linh hoạt và sáng tạo trong việc giáo dục học sinh, chưa thực sự đảm bảo được yêu cần lập ra dự án điều chỉnh hoặc phát triển nhân cách cho người học… Tất cả điều ấy sẽ dễ dẫn đến những câu hỏi khá hóc búa: khi rời khỏi trường thì các em sẽ đi đâu – về đâu! Rời khỏi trường nghĩa là xã hội sẽ có thêm một cá nhân không được giáo dục nên người một cách đầy đủ và toàn diện, rời khỏi trường nghĩa là một băng nhóm sẽ hoàn toàn có cơ hội để đón nhận một thành viên mới, rời khỏi trường bằng cách bị đuổi học nghĩa là chúng ta hoàn toàn có thể đẩy vào những tệ nạn một thành  viên mới, một con người có nhiều khuynh hướng sẽ “khó trụ” được vững vàng trước những thách thức và áp lực mới trong đời sống… Những hành động không tiếp nhận các em học sinh, những hành động cho thôi học, những hành động tương tự để đẩy các em ra khỏi môi trường học đường nghĩa là chưa thực sự hướng đến các em học sinh. Khi mà chúng ta chưa thực sự có biện pháp để thay đổi những học sinh chưa ngoan, khi mà chưa có sự phối hợp một cách kỹ lưỡng với gia đình, khi mà chưa có một lộ trình mới để lo lắng cho tương lai các em khi các em rời khỏi trường học nghĩa là chúng ta thực sự còn ích kỷ và chưa hướng về học sinh. Tại sao không phải là tiếp tục kết hợp với những trung tâm tư vấn, trung tâm hỗ trợ giáo dục để tiếp tục giáo dục, tại sao không phải là liên hệ với một trường dạy nghề, tại sao không phải là tiếp tục liên hệ với địa phương để giáo dục nhân cách sau khi quyết định cho các em thôi học ở trường… Đó là trách nhiệm, là lương tâm và đặc biệt là cả những tiếng gọi đích thực nhất của mỗi người chúng ta trong cuộc sống là thế!

          Trường học muốn thay đổi phải thực sự chú trọng nghiều hơn nũa công tác giáo dục. Khi cán cân giữa dạy học và giáo dục bị lệch pha thì chắc chắn rằng những thách thức về kết quả học tập sẽ có thể làm cho sự ứng xử của thần cô giáo, sự quan tâm của nhà trường sẽ có thể lệch hướng. Khi nhìn vào tỉ lệ học sinh giỏi, tiên tiến, trung bình và yếu dàn đều theo tỉ lệ hình tháp chuông nhưng chỉ có vỏn vẹn vài phần trăm học sinh được xem là học sinh khá về mặt đạo đức để thấy rằng ngay trong tiềm thức, sự đánh giá của con người đã có vấn đề. Một học sinh bị cho là đạo đức khá nghĩa là hư lắm hay có vấn đề lắm đây! Tại sao không phải là học tập, rèn luyện, tính cách, hứng thú, nguyện vọng mà phải xếp loại đạo đức và học tập! Những sự thay đổi đã đến lúc cần được thực thi vì đó chính là định hướng để xây dựng một trường học thân thiện, hướng đến học sinh nhiều hơn nhằm giúp các em nên người. Đó cũng chính là nhiệm vụ tối thượng của một nhà trường Vệt Nam trong một nền giáo tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

* Tiếng Việt

  1. Lê Hữu Ái, Lê Thị Tuyết Ba (2004), “Các nội dung và hình thức giáo dục đạo đức cho sinh viên đại học Đà Nẵng hiện nay”, ĐH Đà Nẵng.
  2. Phạm Minh Hạc (2001), Nghiên cứu con người và nguồn nhân lực đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, NXB CTQG, Hà Nội
  3. Vũ Khiêu (chủ nhiệm, 1998), Vấn đề đạo đức xã hội trong tình hình hiện nay – thực trạng và xu hướng phát triển. Trung Tâm Khoa Học Xã Hội & Nhân Văn TP. Hồ Chí Minh
    1. Trần Kiều (chủ nhiệm, 2001), “Thực trạng và giải pháp giáo dục đạo đức, tư tưởng chính trị, lối sống cho thanh niên học sinh, sinh viên trong chiến lược phát triển toàn diện con người Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Chương trình KHCN cấp Nhà nước 1996-2000, mã số KHXH.04)
    2.  Phạm Lăng (1997), Giáo dục giá trị nhân văn ở trường THCS, NXB Giáo Dục
    3. Huỳnh Văn Sơn (2010), Văn hóa và sự phát triển tâm lý, NXB ĐHSP TP HCM.

* Tiếng Anh

  1.  Brislin.R (1993), Understanding culture’s influence on behavior. Orlando, FL: Harcourt Brace Jovanovich.
  2. Matsumoto. D (1996), Culture and psychology. Pacific Grove, CA: Brooks/Cole.

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *