4 dấu hiệu cho thấy một người đang bất an

Xác định được sự bất an của những người xung quanh có thể giúp bạn rũ bỏ những hoài nghi về bản thân mà nhiều người cố tiêm nhiễm vào bạn.

….  và bệnh ái kỷ có liên hệ gì đến chuyện này.
 
Bạn đang ở cạnh một người mình mới quen, và đôi lúc bạn cảm thấy có gì đó sai sai.
 
Trước khi gặp người này, bạn có một ngày khá tuyệt vời, nhưng ngay bây giờ, bạn bắt đầu hoài nghi đủ thứ, từ ngoại hình đến những thành tích mà bản thân đạt được từ trước đến nay. Cứ coi như người ấy sẽ là mẹ tương lai của một trong số những đứa trẻ chơi chung với con bạn. Cô ta không chỉ ăn vận trau chuốt, mà còn giới thiệu bản thân rất rõ ràng rằng cô có một công việc quan trọng, một cuộc sống gia đình hoàn hảo và cô ấy quen biết với những thành phần ưu tú.


Chúng ta rất dễ rơi vào mặc cảm tự ti trong những tình huống thế này. Dù đây chỉ là xã giao hay quan hệ công việc, những người muốn cho người khác biết vị thế mình cao cỡ nào thường khiến cho chúng ta thấy mình nhỏ bé. Chỉ cần có thể gạt tình huống này sang một bên và tiếp tục một ngày tuyệt vời mà không nghi ngờ chính mình và cuộc đời mình thì tâm trạng sẽ nhẹ nhàng hơn nhiều.
 
Hoá ra chỉ cần dùng một cách thăm dò đơn giản, bạn không những có thể tự giúp bản thân cảm thấy tốt hơn mà còn có thể nhận ra những yếu điểm đằng sau bộ mặt của những người hoàn hảo ấy.
 
Hệ tâm lý đằng sau quá trình này xuất phát từ học thuyết của nhà phân tâm học người Áo Alfred Adler, người đã đặt ra thuật ngữ “phức cảm tự ti” (inferiority complex).
 
Theo Adler, người cảm thấy tự ti cố gắng sửa đổi bản thân và trải qua loại cảm giác “khao khát phấn đấu cho sự ưu việt.” Cách duy nhất để những người không vững vàng thế này cảm thấy hạnh phúc chỉ có thể là khiến cho những người khác bất hạnh. Đối với Adler, khao khát sự ưu việt này sinh ra từ sâu thẳm bên trong con người.
 
Chúng ta hãy nghĩ đến khao khát này như là một đặc tính của chứng rối loạn nhân cách ái kỷ, sự sai lệch trong quá trình phát triển khiến con người rơi vào trạng thái liên tục muốn nâng cao lòng tự trọng. Hai loại người ái kỉ là người “vĩ đại” (người tự cho mình là “cao quý”) và người “dễ bị tổn thương” (người bên ngoài mạnh mẽ, bên trong yếu đuối và vô lực). Nhiều người tranh luận rằng tận sâu bên trong, cả hai loại người ái kỷ này đều có lòng tự trọng yếu kém, nhưng những người “vĩ đại” lại biết cách che giấu giỏi hơn. Dù trong trường hợp nào, khi bạn phải đối mặt với một người khiến mình cảm thấy tự ti, tính ái kỷ bắt đầu lộng hành.
 
Tính ái kỷ không phải lúc nào cũng trở thành bệnh, nhưng nó có thể cho thấy đặc điểm của một con người. Bằng cách dùng thuật ngữ tính ái kỷ “công khai” và “kín” thay cho “vĩ đại” và “dễ tổn thương”, một số nhà nghiên cứu nhân cách tin rằng họ có thể hiểu biết thêm về các dạng ái kỉ dễ bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày. Năm 2015, nhà tâm lý học James Brookes của Đại học Derby (Vương quốc Anh) quyết định điều tra cách con người có những đặc tính trên cảm nhận về bản thân mình trong cả 2 khái niệm – tự trọng và tự tin (sự tin tưởng của con người vào khả năng thành công của bản thân họ).
 
Brookes dùng các sinh viên làm hình mẫu để phân tích quan hệ giữa tính ái kỷ công khai và kín, tự trọng và tự tin. Hai loại ái kỷ này đều không liên quan gì đến nhau, củng cố ý kiến cho rằng những tính cách nhỏ nhặt này cũng có chút giá trị. Trong quá trình kiểm tra về nhân tố nào ảnh hưởng nhiều đến tự trọng hơn, Brookes đã phát hiện rằng người có xu hướng ái kỷ công khai thật ra có tự trọng cao hơn: nhu cầu cảm thấy “đặc biệt” của những cá nhân tự phóng đại thái quá này dường như đóng vai trò rất lớn đến họ. Người ái kỷ kín thì có lòng tự trọng thấp hơn.
 
Nói đến tự tin, nhờ cảm giác “gần chạm tay đến đích”, những người ái kỷ công khai thường đạt được nhiều thành công hơn so với những người nhạy cảm và dễ dao động. Đặc biệt, với những người ái kỷ công khai, nhu cầu đạt được sức mạnh nhằm lấn át người khác đem đến cho họ động lực đạt được mọi thứ họ muốn.
 
Nghiên cứu của Brookes cung cấp một số manh mối về những điều tạo nên nhân cách ái kỷ. Đồng thời mang đến một cái nhìn sâu hơn về phương pháp giúp bạn hiểu được hành động của những người bạn, đồng nghiệp, đối tác ái kỷ bằng cách kiểm tra sự thiếu tự tin của họ:
 
1. NGƯỜI BẤT AN CỐ LÀM BẠN DAO ĐỘNG.

Những lúc bạn hoài nghi về giá trị của bản thân đều là khi bạn ở cạnh một người hay một loại người cụ thể phải không? Có phải cá nhân đó luôn muốn phô diễn những điểm mạnh của họ? Nếu bạn chỉ cảm thấy bất an khi ở gần một kiểu người nhất định, có vẻ như là họ đang cố truyền sự bất an của họ sang cho bạn.
 
2. NGƯỜI BẤT AN CẦN PHẢI TRƯNG RA THÀNH TÍCH CỦA MÌNH.

Không cần mình phải cảm thấy dao động khi ở gần thì mới có thể chỉ ra sự tự ti ẩn giấu trong hành vi của họ. Người kiên trì khoe khoang về cuộc sống tuyệt vời, sự gia giáo hoặc những đứa con hoàn mỹ có thể rất giỏi trong việc tự thuyết phục chính họ tin vào giá trị của bản thân.
 
3. NGƯỜI BẤT AN THƯỜNG “KHIÊM NHƯỜNG” KIỂU DIỄN SÂU.

Sự khiêm tốn giả tạo được nguỵ trang bằng một câu nói tự hạ thấp bản thân. Bạn đều có thể thấy những điều này trên Facebook, khi một người quen phàn nàn về chuyến công tác của mình (thực ra là muốn nói đến tầm quan trọng của công việc cô ấy làm), hay tất cả thời gian của anh ta đều dành cho việc xem bọn trẻ chơi (mà thật sự là thắng) trò hockey. (“Hả hê trên Facebook” là một kiểu khoác lác đánh bóng tên tuổi dễ nhận biết và có nhiều nguyên nhân dẫn đến nó.

 4. NGƯỜI BẤT AN THƯỜNG PHÀN NÀN VỀ NHỮNG THỨ KHÔNG ĐỦ TỐT.

Người tự ti thích thể hiện rằng họ có mức tiêu chuẩn cao. Bạn có thể gọi họ là những kẻ trưởng giả, nhưng càng thấy họ cố ý chơi trội, càng khiến bạn cảm thấy điều kiện của họ thật sự tốt hơn bạn nhiều. Điều họ đang cố làm, theo đúng như bạn nghĩ, chính là là tuyên bố địa vị cao của mình và quả quyết rằng không chỉ họ tốt hơn những người khác, mà còn là nghiêm túc đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn để tự khẳng định giá trị bản thân.
 
Trở lại với nghiên cứu của Brookes, có thể tính ái kỷ công khai thật sự có tác dụng trong việc giúp người dễ dao động cảm thấy tự tin vào năng lực của mình. Tuy nhiên, điều này đi với cái giá là khiến cho người khác cảm thấy tự ti. Tôi không khuyến khích việc nâng cao tự tin của bản thân bằng cách hạ thấp người khác.
 
Tóm lại: Xác định được sự bất an của những người xung quanh có thể giúp bạn rũ bỏ những hoài nghi về bản thân mà nhiều người cố tiêm nhiễm vào bạn. Sống ngay thẳng và không rơi vào hoài nghi dằn vặt sẽ giúp bạn bồi dưỡng những cảm giác trọn vẹn trong lòng mình cũng như những người dễ bị dao động mà bạn biết và quan tâm.
 
Tham khảo

Brookes, J. (2015). The effect of overt and covert narcissism on self-esteem and self-efficacy beyond self-esteem. Personality And Individual Differences, 85172-175. doi:10.1016/j.paid.2015.05.013

Khương Minh Tú dịch
 
Nguồn: https://www.psychologytoday.com/blog/fulfillment-any-age/201511/4-signs-someone-is-insecure

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *