Ở mức độ cao nhất, có hai loại người trên thế giới: Những người nghĩ rằng các kiểu tính cách có thể phân loại và những người không nghĩ như vậy.
Các nhà tâm lý học là những người thuộc nhóm 1. Họ bắt đầu phát triển một hệ thống cho việc phân loại tính cách dựa trên một sự phân tích về ngôn ngữ có nguồn gốc từ những năm 1880. Với sự đột phát của các bộ dữ liệu lớn hơn, vào năm 1978, Paul Costa và Robert McRae đã xuất bản một bản liệt kê 3 yếu tố Neuroticism-Extraversion-Openness Inventory (NEO-I) – tạm dịch là tâm lý bất ổn, hướng ngoại và cởi mở – mục đích là để nhóm các tính cách lại với nhau theo 3 đặc điểm cơ bản.
Vào năm 1985, sau khi nghiên cứu sâu hơn, họ đã bổ sung thêm 2 tính cách nữa và xuất bản bản liệt kê mới NEO Personality Inventory (NEO PI) – bản liệt kê nhân cách. Việc phân nhóm này hình thành nên 5 đặc điểm tâm lý mà các nhà tâm lý học vẫn sử dụng đến ngày nay, được biết đến như là “The Big Five”, “Five Factor Model”, Big Fiver personality traits…, thường được gọi với tên tiếng Việt là mô hình tính cách 5 yếu tố. Tập hợp lại, 5 chữ cái đầu của tên 5 tính cách này tạo thành từ OCEAN.
Cụ thể, 5 tính cách bao gồm hướng ngoại (Extraversion), tận tâm (Conscientiousness), dễ chịu (Agreeableness), sẵn sàng trải nghiệm (Open to experience) và tâm lý bất ổn (Neuroticism).
Tuy nhiên, khác với MBTI, mô hình này không dán nhãn loại tính cách của bạn mà kiểm tra xem liệu bạn có bao nhiêu phần trăm, bao nhiêu điểm cho từng khía cạnh tính cách trong bộ 5 tính cách này. Chẳng hạn, một đầu là hướng ngoại, một đầu là hướng nội và bạn có thể nằm giữa (ambivert – người vừa hướng ngoại, vừa hướng nội) trên “cây thước” ấy.
Mỗi đặc điểm về tính cách được định rõ bởi 6 mặt riêng biệt.
Một giả thuyết tồn tại từ rất lâu rằng những bản liệt kê này có thể hữu ích trong các nghiên cứu thống kê, tiết lộ về việc tính cách có tương quan như thế nào đối với hành vi của một người và cấp độ thỏa mãn trong cuộc sống. Và điều này hoàn toàn đúng. Một vài nhà khoa học cũng quả quyết rằng tính cách là nhân tố duy nhất quyết định một người sống như thế nào – các nhân tố thuộc về hoàn cảnh cũng được tin là quan trọng – nhưng chỉ có một vài sự phù hợp thú vị mà thôi. Dưới đây là 5 loại tính cách đi kèm với 6 mặt của mỗi loại và các khám phá mà các nhà tâm lý đã tìm hiểu được về những người sở hữu những tính cách đó.
1. Hướng ngoại (Extraversion) – hòa đồng/mạnh mẽ vs. đơn độc/kín đáo.
Người hướng ngoại chan hòa, hòa đồng, nhiều năng lượng và sôi động. Họ cho rằng các bữa tiệc tùng và tham gia vào đủ loại hoạt động là nguồn năng lượng của mình.
6 khía cạnh của tính cách này:
- Ấm áp – kết bạn một cách dễ dàng.
- Thích giao du – thích những cuộc tụ họp nhiều người.
- Quyết đoán – chịu trách nhiệm.
- Tích cực – luôn luôn bận rộn.
- Tìm kiếm sự phấn khích – thích không khí náo nhiệt.
- Nhiều cảm xúc tích cực – tỏa ra niềm vui.
Các khám phá:
Những người ghi được điểm cao nhất truyền lửa cho những người khác. Họ thích tỏa sáng và thường rất sôi nổi, hòa đồng. Họ cũng là những người thích tìm kiếm những trải nghiệm rùng mình, cần nguồn kích thích từ môi trường xung quanh và các cơ hội để gia nhập với người khác. Họ hăng hái, nhiệt tình, theo trường phái hành động, làm trước nghĩ sau, muốn thay đổi cả thế giới hơn là hiểu về nó. Họ giống như một biến số thích chuyển động, dễ hiểu và dễ tiếp cận.
Những người có điểm thấp hơn ở tính cách này thường sẽ trầm lặng hơn, hướng vào trong hơn và thận trọng hơn. Họ chính là những người hướng nội.
2. Conscientiousness (Tận tâm) – Hiệu quả/thiết lập vs. dễ dãi/bất cẩn
Không có gì ngạc nhiên rằng những người này là những người tiên phong và thường thấy mình phù hợp với vị trí lãnh đạo.
Người được điểm thấp ở tính cách này thường rất dễ dãi, không có mục tiêu nhất định và thường không đáng tin cậy. Họ cũng gặp khó khăn khi tiết kiệm tiền.
6 khía cạnh của tính cách này:
- Có năng lực – hoàn thành công việc một cách thành công.
- Trật tự – ngăn nắp, gọn gàng.
- Có ý thức – tuân thủ quy tắc.
- Khao khát thành tựu – làm việc chăm chỉ.
- Kỷ luật tự giác – hoàn thành sớm các yêu cầu.
- Thận trọng – tránh mắc sai lầm.
Các khám phá:
Đây là những người có tính tổ chức và có xu hướng nỗ lực vượt qua hoàn cảnh. Họ là những người ngăn nắp, cẩn thận và mọi thứ đều quy về danh sách to-do list. Họ làm việc theo hệ thống, đáng tin cậy, có kỷ luật cho bản thân mình, có trách nhiệm với công việc và lên kế hoạch trước khi hành động. Tuy nhiên, vì luôn mong muốn hoàn thành công việc được giao một cách tốt nhất nên họ có thể bị cho là cứng đầu.
Nếu bạn là người “cuốn theo chiều gió”, sẵn sàng thích nghi, chiều theo mọi người, đưa ra quyết định một cách hấp tấp, và nói chung thích làm một cách qua loa thì nhiều khả năng bạn sẽ được điểm thấp trong bài kiểm tra này.
3. Open to experience (Cởi mở với các trải nghiệm) – Sáng tạo/hiếu kỳ vs kiên định/chắc chắn
Đây là những người thích nghệ thuật và các trải nghiệm mới.
6 khía cạnh của tính cách này:
- Khả năng tưởng tượng – có trí tưởng tượng sinh động.
- Thẩm mỹ học – tin vào tầm quan trọng của nghệ thuật.
- Tình cảm – trải nghiệm cảm xúc mãnh liệt.
- Hành động – thích sự đa dạng hơn lặp lại.
- Ý tưởng – thích những vấn đề phức tạp.Giá trị – có xu hướng ủng hộ những người tự do.
Các khám phá:
Những người ghi được điểm cao nhất trên “thước đo” này là những người sáng tạo, hứng thú với việc khám phá những điều mới mẻ, có một đời sống nội tâm mãnh liệt được thể hiện bởi những đăm chiêu về các trải nghiệm và ý tưởng. Họ dễ lĩnh hội các tin tức giải trí và có khả năng vận dụng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm cao.
Những người ghi được điểm thấp thiên nhiều về truyền thống hơn với những mối quan tâm hẹp và thực tế hơn. Họ thường thực dụng, võ đoán và làm việc theo dữ liệu, đôi khi hơi quyết đoán và cứng nhắc. Cảm xúc của họ rất phẳng lặng và khả năng chịu đựng thấp đối với những thế giới quan khác biệt.
Một nghiên cứu phát hiện ra rằng những người này có xu hướng trở thành lãnh đạo, trong khi một nghiên cứu khác lại cho thấy bạn có thể nhận dạng một người cởi mở với trải nghiệm bằng những biểu hiện tích cực của họ khi chụp ảnh tự sướng.
4. Dễ chịu (Agreeableness) – thân thiện/có lòng trắc ẩn vs. cứng nhắc/tách biệt
Những người thuộc tính cách này rất dễ tin người, chân thành và dễ hòa hợp với những người khác. Họ cũng có lòng khoan dung, thông cảm, hợp tác và quan tâm. Họ tin rằng đa phần mọi người rất trung thực, tốt bụng và đáng tin cậy. Họ được miêu tả như là rất ngây thơ và dễ bảo.
6 khía cạnh của tính cách này:
- Tin tưởng – tin người.
- Dễ dãi – dễ dàng chiều theo ý người khác.
- Vị tha – khiến mọi người cảm thấy hài lòng.
- Trung thực – dễ làm hài lòng.
- Khiêm tốn – không thích là trung tâm của sự chú ý.
- Tâm hồn dễ xúc động – đồng cảm với người khác.
Các khám phá:
Những người có điểm cao ở tính cách này rất khiêm tốn, đáng tin cậy, hào phóng và luôn tìm kiếm những điểm tốt nhất ở những người khác. Họ thường dịu dàng và xem sự trung thành như là một giá trị quan trọng.
Những người có điểm thấp có kỳ vọng thấp vào người khác và thường nghi ngờ những người khác. Họ có xu hướng yêu bản thân mình và phản xã hội.
5. Tâm lý bất ổn (Neuroticism) – nhạy cảm/hoảng sợ vs. vững chắc/tự tin
Không phải tất cả chúng ta đều là những nhà tâm lý học nhưng đa phần, ai cũng biết từ “loạn thần kinh” nghĩa là gì.
6 khía cạnh của tính cách này:
- Lo lắng – lo lắng về tất cả mọi thứ.
- Thù địch – giận dữ một cách dễ dàng.
- Suy nhược – thường chán nản.
- Nhận thức bản thân – dễ bị hăm dọa.
- Hấp tấp – ăn quá nhiều.
- Dễ bị tổn thương – khủng hoảng dễ dàng.
Các khám phá:
Hiển nhiên, những người ghi điểm cao trong bài tập này không hạnh phúc. Họ dễ bị lấn át bởi các cảm xúc tiêu cực thường xuyên xuất hiện – buồn bã, nóng giận, sợ hãi – và không thoải mái với chính mình.Tâm lý bất ổn cũng chỉ mức độ vững chắc của cảm xúc và khả năng kiềm chế sự bốc đồng. Họ phản ứng rất tệ với stress và thường lý giải những tình huống bình thường dưới dạng nguy hiểm, đáng lo ngại hoặc tuyệt vọng.
Những người thấp điểm thường bình tĩnh hơn, ổn định hơn và không có nhiều khả năng phản ứng một cách dữ dội khi đối mặt với những người gây căng thẳng.
Bạn tự thấy mình thuộc tính cách nào?
Theo Big Think