Có thể bạn đã biết đến quy luật 80/20 dưới cái tên “Quy luật Pareto” hay “Quy luật nỗ lực tối thiểu”. Tôi dám chắc với bạn rằng, đây là một khái niệm tiềm ẩn bên trong nó nguồn sức mạnh to lớn. Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ định hướng được thời gian và sức lực của mình vào những việc có thể mang lại kết quả khả quan nhất.
1. Quy luật 80/20 là gì?
Vào thế kỷ thứ 19, một nhà kinh tế người Ý tên là Vilfredo Pareto đã quan sát thấy hàng năm, khoảng 20% số cây đậu Hà Lan ông trồng trong vườn nhà cho ra đến 80% hạt đậu thu hoạch được. Cùng thời điểm đó, khi nghiên cứu về kinh tế vĩ mô, Pareto lại phát hiện ra rằng 80% của cải và thu nhập của nước Ý được kiểm soát chỉ bởi 20% dân số. Nhận ra sự đặc biệt của tỷ lệ 80/20, Pareto cùng với hàng loạt nhà nghiên cứu sau đó đã lục tìm các số liệu trong kinh doanh, sản xuất kinh tế, xã hội và kết quả đều cho ra một những con số xấp xỉ với tỷ lệ 80/20.
Ví dụ, 80% lợi tức của công ty được tạo bởi 20% khách hàng; 80% các vụ phạm pháp được gây ra vởi 20% tội phạm; 20% những người tham gia cuộc thi giành được 80% giải thường… Mặc dù các con số chỉ ở mức xấp xỉ, nhưng phần lớn những người nghiên cứu về 80/20 đồng ý rằng: 80% output (đầu ra/thành quả/hậu quả) được tạo bởi 20% input (đầu vào/đóng góp/hành động).
Bắt nguồn từ tư duy kinh tế, Quy luật 80/20 được sử dụng rộng rãi trong kinh doanh và sản xuất. Nắm được 80/20, chủ doanh nghiệp có thể tìm hiểu 80% lợi nhuận của mình được tạo ra bởi 20% nhóm khách hàng nào. Từ đó, thay vì chăm sóc tất cả các khách hàng một cách dàn trải, doanh nghiệp có thể đầu tư quan tâm nhiều hơn tới nhóm 20% khách hàng tiềm năng nhất, tìm hiểu xem họ thích gì, nhu cầu của họ là gì, mình cần làm gì để khiến họ tiếp tục ủng hộ cho doanh nghiệp.
Tương tự như vậy, người nông dân có thể tìm hiểu 20% hạt giống tốt đã cho ra 80% sản lượng của mình là loại giống nào, được nuôi trồng trong hoàn cảnh nào, và làm sao để nhân rộng thêm số lượng những hạt giống tốt này để cho sản lượng cao hơn trong năm tới.
Quy luật 80/20 cũng thường xuyên được áp dụng để nâng cao năng suất lao động. Nếu cho rằng 80% thành quả công việc của mình được tạo ra bởi 20% thời gian làm việc hiệu quả, bạn có thể theo dõi xem 20% thời gian đó rơi vào thời điểm nào trong ngày, ở hoàn cảnh nào, được làm với chu trình nào… Từ đó, bạn có thể mô phỏng lại và mở rộng 20% thời gian hiệu quả nhất này để nâng cao hơn nữa thành quả lao động của mình.
Cá nhân tôi thường sử dụng 80/20 để đưa ra quyết định về công viêc ưu tiên. Khi lập kế hoạch cho ngày/tuần/tháng tới, tôi thường nhìn vào danh sách các công việc cần phải làm và tự hỏi: “20% công việc nào làm được trong số này sẽ cho tôi 80% thành quả?”. Trả lời được câu hỏi này sẽ giúp tôi ưu tiên và tập trung vào những công việc quan trọng nhất (thường cho nhiều thành quả nhất) và nới dần những công việc thứ yếu, không mang lại nhiều thành quả.
* Xem video về Quy tắc 80/20, dựa vào cuốn sách cùng tên của tác giả Richard Koch:
Quy luật 80/20 cũng được tôi sử dụng khi bắt đầu tối giản hoá đồ đạc. Tôi nhận ra rằng tôi chỉ sử dụng thường xuyên khoảng 20% trong số 80% quần áo của mình (chứng minh qua ảnh chụp hàng ngày, nhu cầu giặt là hàng tuần…). Tương tự như vậy, mỗi lần chuyển nhà và phải lôi hết đồ đạc trong ngóc ngách, hầm, tủ…ra, tôi phát hiện ra mình đang sử dụng chưa đến 20% trong tổng số đồ mình tích trữ (chứng minh qua thực tế là rất nhiều món đồ tôi đã quên hẳn về sự tồn tạo của nó). Vì vậy, khi bắt đầu con đường đến với Chủ nghĩa tối giản, tôi đã mạnh tay bỏ đi 80% đồ đạc của mình (80% quần áo, 80% đồ gia dụng, 80% giày dep, 80% giấy tờ…). Đó thực sự là một cuộc cách mạng trong phong cách sống!
2. Ứng dụng của 80/20 trong quan hệ xã hội
Mặc dù có rất nhiều người đã nghiên cứu và viết về Quy luật 80/20, rất ít tài liệu tập trung vào ứng dụng của quy tắc này trong các mối quan hệ xã hội. Có lẽ bởi vì quan hệ xã hội thường phức tạp, khó có thể cân đo-đong đếm, chưa kể là không có một cơ sở dự liệu nào có thể so sánh giữa output và input trong quan hệ người với người. Tuy nhiên, trong 2 năm tối giản hoá cuộc sống vừa qua của mình, tôi nhận thấy 80/20 đã có ảnh hưởng rất lớn tới cách tôi nhìn nhận các mối quan hệ của mình và đặt ưu tiên cho những người/những mối quan hệ có ý nghĩa tích cực nhất.
Tôi nhận ra rằng, trong khoảng 100 người tôi quen biết, chỉ khoảng 20 người thực sự quan tâm đến tôi và luôn mong muốn điều tốt nhất đến với tôi. Điều này càng rõ ràng hơn khi tôi sống ở nước ngoài và việc gặp gỡ, liên lạc không dễ dàng như trước đây — đồng nghĩa với việc tôi nhìn được rõ hơn (và biết ơn nhiều hơn) những người thường quan tâm đến mình. Những người này bao gồm các thành viên thân thiết trong gia đình, những người bạn cũ, và một số người không quen thân nhưng luôn dõi theo và động viên tôi. Tôi cũng nhận ra rằng, chỉ 20% những người tôi quen mang lại tới 80% hạnh phúc của tôi khi tiếp xúc với họ. Số còn lại phần nhiều là những mối quan hệ xã giao, bạn trên mạng xã hội, hoặc những người có liên lạc nhưng không thực sự quan tâm đến tôi.
Khi bắt đầu nhận ra điều này, tôi nhìn lại bản thân và ngỡ ngàng nhận ra mình đã dành quá nhiều thời gian (có khi đến 80% quỹ thời gian trống trong tuần) để tiếp chuyện, xã giao, và chiều lòng những người không hề quan tâm đến tôi – những người có lẽ chỉ cho tôi chưa tới 20% năng lượng tích cực. Còn nhóm 20% những người thân thiết – những người thực sự quan tâm đến tôi, mang lại 80% hạnh phúc của tôi – thì tôi lại thường dửng dưng, cho tình cảm ấy là hiển nhiên và hiếm khi nhắn tin, gọi điện, nói chuyện với nhóm người này.
Từ khi bắt đầu tối giản hoá cuộc sống, tôi dần thanh lọc những mối quan hệ không cần thiết, bớt đi thời gian chiều lòng, đón ý những người không thực sự tốt với tôi. Thay vào đó, tôi tập trung phần lớn thời gian rảnh của mình để xây dựng và tiếp nối những mối quan hệ tích cực. Khi ở bên những người tôi quan tâm, dù chỉ có 20% quỹ thời gian trong ngày thôi, tôi cũng cố gắng dành đến 80% sự tập trung hướng về họ — đây là lúc mà việc sống cho hiện tại trở nên vô cùng có ích bởi vì từng phút, từng giây đều được trân trọng và nâng niu.
Nghĩ về ứng dụng của 80/20 cho quan hệ xã hội, tôi nghĩ rằng đây là một tham chiếu tốt (mặc dù không hoàn hảo tuyệt đối) để mọi người nhìn lại các mối quan hệ của mình. Nếu bạn cảm thấy cuộc sống của mình bị kiểm soát bởi những mối quan hệ không đâu, bị bao vây bởi những luồng tư duy tiêu cực, và bị áp đảo bởi suy nghĩ phải chiều lòng tất cả mọi người, đây là cơ hội để bạn thay đổi. Dùng Quy luật 80/20 cho các mặt khác nhau trong cuộc sống, bạn sẽ có khả năng định giá lại các vấn đề còn tồn tại, nhìn ra được định hướng cần tập trung đầu tư cho tương lai, và giành lại quyền kiểm soát cuộc sống.
***Trước ra khỏi blog này, tôi muốn bạn tự hỏi bản thân mình 3 điều sau đây:
- 20% nào trong số những người bạn quen tạo ra 80% hạnh phúc/niềm vui của bạn?
- Bạn giành 80% thời gian trong ngày làm gì? Bạn có hạnh phúc, có vui không khi làm công việc đó?
- Thử tưởng tượng đêm nay trộm vào nhà cuỗm đi 80% đồ đạc của bạn và bạn chỉ giữ lại được 20% trong số đó. 20% đồ đạc bạn muốn giữ lại là những món gì? Tại sao phải giữ lại 100% đồ đạc trong khi bạn có thể sống tốt với chỉ 20%?
Chi Nguyễn
nguồn: thepresentwriter