9 bước để bớt ghét bản thân đi một chút

Mẫu số chung của tất cả những cảm giác ghét bản thân đến từ những suy nghĩ thái quá về tầmquan trọng của bản thân.

Tôi biết điều bạn đang nghĩ bây giờ. Bạn nhìn thấy tiêu đề và tự nói với bản thân rằng: “Anh ta nghĩ mình là ai chứ? Tự ghét bản thân á? Anh ta có biết tôi có ngoại hình rất được không? Anh ta đã thấy quả đầu mới rất ngầu của tôi chưa? Anh ta có biết tôi đã từng tham gia huấn luyện marathon tiếp sức và đã thực sự chạy một nửa cuộc đua? Tôi rất yêu bản thân mình đấy. Anh ta thì biết cái đếch gì chứ?”  

 Nghe này, tôi công nhận là quả đầu của bạn rất tuyệt. Nhưng thực tế một chút nhé. Nếu chúng ta thật lòng với bản thân, bất cứ ai cũng có một chút tính tự ghét bản thân thôi, không lúc này thì lúc khác. Ok, bạn có thể còn ghét bản thân nhiều hơn nữa, tùy thuộc vào mức độ áp lực tâm lý mà bạn phải chịu đựng, cũng có thể phụ thuộc vào việc bạn đã được xem bao nhiêu tập phim Teletubbies khi còn là trẻ con.

Nhưng đây là tin tốt, tính tự ghét bản thân chỉ là một phần của tính cách con người. Vốn không có gì “sai trái” với bạn khi bạn căm ghét hoặc cảm thấy xấu hổ vì một vài mặt “không được dễ nuốt cho lắm” của bản thân. Tất cả mọi người đều có lúc như vậy. Tôi chắc chắn là kể cả Oprah Winfrey cũng có lúc ghét bản thân mình. Và đương nhiên tôi cũng không phải là ngoại lệ. Nói chung thì hiện giờ tôi cũng đang viết một danh sách như thế cho một website – chắc chắn phải có vài góc tối sâu thẳm trong tính cách của mình mà tôi rất ghét.

Tất cả chúng ta đều có những ước mơ mà ta không đạt được chúng, những lý tưởng mà ta không thể thực hiện được, những hành động mà ta ao ước rằng giá như mình đã làm hoặc không làm, hay bằng nào đó chúng ta mong muốn là mình sẽ không giống như bây giờ. Những điều này vốn bình thường thôi. Và chúng ta đều phải đối phó với những phần của bản thân mà mình không ưa chút nào. Một số trong chúng ta xử lý bằng cách né tránh – họ như những kẻ mộng du trong cuộc sống, không bao giờ đưa ra một quyết định nghiêm túc nào, luôn đi theo người khác, và né tránh tất cả những công việc khó nhằn hoặc mọi sự đối đầu với những trải nghiệm khó khăn. Một số khác trong chúng ta xử lý bằng cách làm tê liệt hệ thống suy nghĩ với những thứ như quan hệ tình dục, hoặc thuốc kích thích hoặc mang theo một nỗi ám ảnh hoặc cố gắng làm xao nhãng bản thân. Có những người thì cố gắng bù đắp một cách thái quá bằng những việc như cứu rỗi thế giới và mang đến một thế giới không tưởng, thậm chí có thể đang âm ỉ chuẩn bị châm ngòi một cuộc Thế Chiến thứ 3.

Mục tiêu của bài viết này không phải là cố gắng thoát khỏi cảm giác ghê tởm bản thân. Cách duy nhất để chúng ta đạt được điều đó là loại bỏ đi lương tâm của mình và/hoặc trở thành một tên tâm thần. Và tất nhiên chúng ta đều không muốn như thế.

Tôi cũng không ủng hộ việc đè nén cảm giác tự ghét, bởi bạn có thể kết thúc trở thành một tay xả súng vào người vô tội ở hộp đêm bên Orlando.

Không, giải pháp chỉ đơn thuần là cố gắng làm giảm thiểu tính tự ghét bằng cách đầu tiên hãy trở nên ý thức về điều đó, và sau đó học cách biến đổi, uốn nắn và quản lý nó. Mục tiêu ở đây là kiểm soát những sự thất vọng với bản thân, không phải để chúng kiểm soát bản thân mình.

Đó là lý do tại sao tiêu đề của bài báo này là “làm sao để bớt tự ghét bản thân hơn,” chứ không phải “làm sao để dừng việc tự ghét bản thân mãi mãi và trở thành bông tuyết xinh đẹp hoàn hảo cái đếch gì đó mà chúa tạo ra.” Không có cái gì là bông tuyết xinh đẹp hoàn hảo cả. Tôi đã sống ở Boston, và đã thấy rất nhiều tuyết. Không cái nào hoàn hảo hết. Mà kể cả khi có cái nào như thế, tôi khá chắc chắn bạn cũng sẽ không trở thành chúng đâu.

Vậy bắt đầu nhé. Dưới đây là 9 bước để bạn bớt đi tính ghét bản thân và học cách quản lý những suy nghĩ và cảm giác tiêu cực đó một cách tốt hơn, để bạn không biến mình thành một người hưng phấn – trầm cảm bất thường hoặc tệ hơn nữa, một kẻ tín ngưỡng điên rồ chạy xung quanh với một cái bảng hiệu ghi rằng “Chúa căm ghét những tên khốn (FAGS).”

Bước 1: Học cách nói không

Khi bạn càng căm ghét bản thân, bạn càng muốn cố gắng làm hài lòng và gây ấn tượng với những người xung quanh, mọi lúc mọi nơi. Tóm lại, nếu bạn âm thầm tin rằng mình chỉ là một cục shit thối nát, thì hệ quả là bạn sẽ đánh giá quá cao điều mà mọi người suy nghĩ về mình, và bạn sẽ vô thức cống hiến tất cả nỗ lực của bản thân để thuyết phục mọi người rằng mình không phải là cái con người tồi tệ ấy – cái ý nghĩ mà bạn luôn âm thầm áp đặt lên bản thân.

Ngày nay, từ “có” gây được rất nhiều chú ý; nhưng tôi lại muốn nhắc lại cho các bạn về sức mạnh của việc nói “không.”

Được nói “không” khá là tuyệt khi bạn biết khi nào là đúng lúc và nói như thế nào cho phù hợp. Bạn nói không với việc phải làm những thứ vô nghĩa mà bạn nghĩ không quan trọng với cuộc sống của mình. Bạn nói không với những người đi quá giới hạn và đưa ra những yêu cầu vô lý với thời gian hoặc sự chú ý của bạn. Bạn nói không để làm rõ với người ta quan điểm của mình, rằng bạn sẽ/sẽ không nhu nhược trong những mối quan hệ. Đó, “không” là một từ rất tuyệt vời.

Nói được những từ “không” này tất nhiên là khó. Đó là vì khả năng nói một từ “không” đúng chuẩn yêu cầu ở bạn một mức độ nhất định trong sự tôn trọng và quan tâm đến bản thân. Tuy nhiên, nói không với những người và những thứ làm tổn hại đến cuộc sống của bạn, ngoài việc giúp đỡ cho bạn, đó là bước đầu tiên để học cách yêu quý và chăm sóc cho bản thân mình.

Oh, và tất nhiên, bạn cũng nên học cách nói không với bản thân nữa, học cách kỉ luật bản thân mình và lúc nào cũng tự kiểm điểm, và tự nhắc nhở rằng, bạn không thể, trong thực tế, biết mọi thứ hoặc thậm chí là mình đang nói hoặc làm cái đếch gì. Đây là một kĩ năng mà mọi người hay đánh giá thấp, nó dường như bị chôn vùi trong cái thời đại “hãy đưa tôi mỗi thứ của mọi thứ.”

Oh, và trong khi chúng ta đang nói không với bản thân….

Bước 2: Hãy chấm dứt ngay việc ảo tưởng sức mạnh bản thân đi 

Ôi không, tôi không có ý bạn phải dừng việc tự lừa dối rằng mình đặc biệt. Tuy nhiên, nếu bạn làm như thế khoảng 15 lần trong một ngày, bạn cũng nên giảm thiểu số lượng xuống một chút đi.

Tôi đang nói về việc ảo tưởng bản thân trong một ý nghĩa tượng trưng hơn – tất cả những thói quen hời hợt bề mặt, tự làm vui lòng bản thân mà bạn nuông chiều một cách thường xuyên. Cho dù đó là ăn đến mười một các món tráng miệng, hoặc thức đến 4:00 sáng để tăng xếp hạng trong League of Legends, hay nói dối với bạn bè của bạn rằng bạn đã quan hệ với cô nàng tóc vàng nóng bỏng đó tối hôm thứ bảy tuần trước, khi thực sự thì bạn đã uống quá đà và ngủ say như một đứa trẻ ở ghế sau chiếc xe của bạn.

Những thứ này đều là tính nuông chiều bản thân nhỏ nhặt và không cần thiết. Và ngày nay nó trở nên “cứng” hơn. Không, không phải cái đó của bạn đâu nhé – mặc dù khá khó để chống cự lại những suy nghĩ tự nuông chiều thái quá. Bởi vì, chúng làm ta cảm thấy tốt đẹp về bản thân. Trong một lúc thôi. Nhưng cái sự vô nghĩa của chúng cuối cùng cũng sẽ làm hao mòn bạn.

Có một chương khá là kì lạ trong quyển Suy nghĩ và Làm giàu của Napoleon Hill, ở đó ông nói Thomas Edison đã từ chối quan hệ tình dục, hoặc gì đó và từ đó ông nghĩ ra đến 10,000 bằng sáng chế. Tôi không biết nhé, mặc dù nó cũng hơi vô lý, nhưng ý tưởng là năng lượng được giải phóng từ quan hệ tình dục có thể, mặt khác, được hướng vào những nỗ lực hữu ích và hiệu quả hơn.

Tôi sẽ không nói xa vời hơn, như tôi thường thích đánh bóng một cái chốt cửa cũ cũng như anh chàng sau đó. Tuy nhiên, tôi nghĩ bài học thực tế ở đây là hãy học cách tự điều chỉnh những nhu cầu tự nuông chiều bản thân. Một lần nữa, nó quay lại với việc biết cách nói không với bản thân mình. Hãy biến những nhu cầu khoái lạc thành quả dâu tây đối với cái bánh bông lan của cuộc đời bạn. Không phải là cái bánh bông lan nhé.

(Và không, bạn cũng không được ăn cái bánh bông lan đó)

Bước 3: Hãy bộc lộ sự ghét bỏ

Thường thường những thứ bạn ghét nhất về bản thân là những thứ bạn muốn giấu đi với cả thế giới. Những thứ bạn tin rằng sẽ làm cho mọi người từ chối bạn, làm tổn thương bạn, họ sẽ chỉ và cười vào mặt bạn.

Tuy nhiên, những nỗi sợ hãi này thường không có cơ sở. Bởi vì những thứ bạn ghét về bản thân mình cũng thường là những thứ mọi người khác cũng ghét về bản thân họ. Nó giống như trò chơi poker, khi mọi người nghĩ họ đã có những lá bài tệ nhất và lo lắng với cuộc chơi vì họ tự thuyết phục rằng mình sẽ thua, vì thế tất cả đều che giấu những lá bài của mình vì họ thấy xấu hổ.

Nghịch lí ở đây là tình yêu thường đến khi bạn tìm được một ai đó quyến rũ và có thể bao dung và thậm chí ngưỡng mộ những phần tối nhất, sâu thẳm nhất trong bạn, và bạn cũng bao dung và ngưỡng mộ những phần tối nhất, sâu thẳm nhất của họ. Điều tôi đang nói đến ở đây là, bạn phải chia sẽ cái đống điên rồ đó để được cứu rỗi, con trai ạ.

Mở lòng với những điều tệ nhất của bản thân, chấp nhận và chia sẻ chúng, sẽ mang đến sự tin tưởng và sự gần gũi.

Tất nhiên với điều kiện bạn cũng nên chấp nhận hoặc/và có thể bao dung tha thứ cho mọi người hoặc/và bản thân.

Bước 4: Tha thứ cho mọi người, bao gồm cả bạn.

Sự tha thứ được tuyên truyền rất nhiều trên truyền hình, tuy nhiên trong một nền văn hóa mang tính chất trừng phạt như ở Mỹ, thật sự hầu hết mọi người, bạn biết đấy, đều không làm như vậy.

Tha thứ có nghĩa là công nhận điều gì đó thật ngu ngốc về ai đó và bạn vẫn giữ được sự yêu quý của mình với người đó (hoặc bản thân).

Làm sao ta có thể làm được như vậy? Nhận ra những ý định tốt đẹp hoặc ít nhất là sự ngốc nghếch đằng sau những hành động xấu xa/tồi tệ/không được mong muốn nhất. Ví dụ nhé, hầu hết mọi người không làm mấy chuyện tồi tệ vì họ xấu xa đâu, họ làm vậy vì họ không biết hoặc nhầm tưởng rằng điều họ làm là đúng. Hãy nhớ đến những thất bại và sự ngốc nghếch của mình khi cố để tha thứ ai đó vì lỗi lầm của họ.

Và đây là tại sao học cách đối xử với tính tự ghét bản thân lại quan trọng đến thế  – Bạn càng không thể nhận ra và chấp nhận những phần mình không thích ở bản thân, bạn càng khó có thể tha thứ và bỏ qua những cái sai của người khác. Và bạn càng dễ trở thành một tên khốn hay giận dữ và hay đánh giá mọi người.

Bước 5: Hãy nghỉ ngơi một chút.

Thật đấy, bạn trông mệt mỏi rồi đó.

Bước 6: Hãy cho phép bản thân thất bại.

Tính tự yêu bản thân không hề tỷ lệ thuận với cách bạn đánh giá thành công của mình; mặt khác, tính tự yêu bản thân gắn với cảm giác của bạn về những thất bại. Một người luôn yêu thương và quan tâm đến bản thân không cần phải cảm thấy áp lực đến ngộp thở phải làm mọi thứ đúng và hoàn hảo trong lần đầu tiên.

Ngược lai, họ sẵn sàng làm bản thân vấy bẩn và làm mọi thứ rối tung lên bởi vì họ hiểu rằng đây là chỗ cho sự trưởng thành và sự tiến bộ thực sự.

Bước 7: Hãy cố gắng đạt được những giấc mơ ngông cuồng nhất của bạn 

trở nên giàu có, làm chủ được lĩnh vực của mình, tìm thấy được tình yêu trong cuộc sống – hãy nhận ra rằng chúng không cần mang theo tất cả những ý nghĩa và cảm giác hoàn thiện như bạn tưởng, hãy trải qua một cuộc khủng hoảng về sự tồn tại và khi bạn gần gục ngã cũng là lúc bạn nhận ra cuộc sống này nó là cái quái gì, và sau đó cống hiến “dịch vụ đơn giản” này với người khác và nhận lấy sự hạnh phúc giản đơn cho bản thân.

Tất nhiên, không bao gồm sự tự ảo tưởng bản thân thái quá ra nhé.   

Bước 8: Cuộc độc thoại nội tâm của bạn, kể cả tích cực hay tiêu cực đều vô nghĩa hết, nên hãy dừng sử dụng nó.

Đây là một sự thay đổi lớn đối với cuộc sống của tôi khi nhận ra rằng tất cả những thứ tồi tệ và kinh khủng nhất mà tôi đã nói với mình đều không đúng, còn tất cả những thứ tuyệt vời, cool ngầu mà tôi tự nhủ với bản thân cũng không đúng luôn. Sự thật là, bạn không thật sự biết điều gì là đúng về bản thân hoặc bạn nên đánh giá mình như thế nào so với thế giới đâu. Sự thật là, não của chúng ta khá tệ và không thể tin tưởng được. Sự thật là, bạn không đặc biệt đến thế, và có thể đó là một điều tốt. Sự đặc biệt tạo nên những kỳ vọng vô lý và những kỳ vọng vô lý này thường lại tạo thêm một tổ hợp đa dạng của những suy nghĩ tự ghê tởm bản thân mà thôi.

Bước 9: Hãy lấy một mong muốn quan trọng nhất hoặc thất bại trong cuộc sống của bạn và mang đi hỏi đứa trẻ 4 tuổi xem chúng nghĩ gì.

Chúng sẽ cười khúc khích và hỏi bạn có thể giả thành cái cây và chơi cưỡi ngựa với chúng được không. Và phản ứng của chúng lại hoàn toàn đúng và hợp lý.

Bởi vì cho dù bạn đang cố chữa bệnh ung thư, hoặc khám phá ra năng lượng nhiệt hạch lạnh, hoặc đến một quán bar khi nó mới mở để tiếp tục chuỗi ngày bê bối xuống dốc của mình, bạn vẫn là con người thôi, và bạn vẫn có khả năng kết nối, đồng cảm và chơi đùa với cuộc sống được mang đến cho bạn. Và những đứa trẻ 4 tuổi có một khả năng tuyệt vời để gợi nhớ cho bạn điều đó.

Cindy doesn’t give a shit about your life plans.

Tôi nghĩ rằng điều cuối cùng mà tôi muốn hướng đến qua những hành động được nhắc tới phía trên là hãy cố gắng phát triển một lối sống khiêm tốn.

Vâng, sự khiêm tốn. Đã bao nhiêu lần bạn nghe người ta nhắc đến từ này hiện nay?

Bởi vì mẫu số chung của tất cả những cảm giác ghét bản thân đến từ những suy nghĩ thái quá về tầm quan trọng của bản thân – bạn hoặc là nghĩ rằng tất cả mọi thứ về cuộc sống của bạn đều là tồi tệ nhất, hoặc tất cả mọi thứ bạn làm phải là điều tuyệt vời nhất để bù đắp cho những điều không tốt ấy. Và không có suy nghĩ nào là đúng cả. Cô bé Cindy, bốn tuổi, còn hiểu được điều đó. Đó là lý do tại sao cô bé hỏi bạn hãy biến thành một cái cây. Tuy nhiên, thay vào đó bạn lại giấu diếm bản thân mình và cố giải thích với cô bé rằng bạn đang cố gắng giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu ở mặt sau của một chiếc khăn ăn cocktail như thế nào. Tóm lại, hãy im lặng trong 1 phút và trở thành cái cây đi.

Tác giả: Mark Manson

Trang Kuro dịch

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *