“Các học sinh ý thức về vấn đề này không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là vì các em không được trang bị kỹ năng sống nên khi gặp chuyện, hoặc nhìn thấy bạn mình gặp chuyện, các em rất lúng túng và xử lý vụng về”, một sinh viên cho hay.
Hình ảnh cẩm nang phòng chống bạo lực học đường
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã tổ chức lễ trao giải sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2016. Có 8 đề tài nghiên cứu giành giải nhất. Trong đó, đề tài: “Xây dựng cẩm nang tuyên truyền nhằm phòng chống Bạo lực học đường” đã thực sự thu hút sự quan tâm của dư luận.
Liên quan đến những vấn đề xung quanh đề tài nghiên cứu khoa học đầy ý nghĩa này, PV báo Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng em Nguyễn Thị Bích Thảo (sinh viên năm 3) và em Nguyễn Hoàng Xuân Huy (sinh viên năm 4) khoa Tâm lý học ĐH Sư phạm TP. HCM – người thực hiện đề tài cẩm nang phòng chống bạo lực học đường.
Hai sinh viên này cho hay: “Thực trạng bạo lực học đường vốn không còn là vấn đề mới tại các trường học và nó vẫn đang diễn ra theo chiều hướng nghiêm trọng hơn. Điều đó được thể hiện qua các số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT. Năm 2016 trên cả nước có hơn 1.600 vụ bạo lực học đường (khoảng 5 vụ/ngày).
Trước thực trạng bạo lực học đường đang có những diễn biến phức tạp, chúng em mong muốn sản phẩm của đề tài được phổ biến rộng rãi tại các trường THCS như một tài liệu tuyên truyền, hỗ trợ, giúp các em học sinh gia tăng nhận thức về tình trạng này, để qua đó các em học sinh có thể bảo vệ mình tốt hơn.
Bởi lẽ, trong quá trình đi phỏng vấn để tiến hành nghiên cứu, em nhận thấy các em học sinh ý thức về vấn đề này không nhiều. Nguyên nhân chủ yếu là vì các em không được trang bị kỹ năng sống nên khi gặp chuyện, hoặc nhìn thấy bạn mình gặp chuyện, các em rất lúng túng và xử lý vụng về”.
Nhóm sinh viên khoa Tâm lý học ĐH Sư phạm TP. HCM tiến hành khảo sát về tình trạng bạo lực học đường
Được biết, cẩm nang phòng chống bạo lực học đường là một đề tài thiên về giải pháp cụ thể, trong quá trình thực hiện nghiên cứu đã vấp phải không ít khó khăn. Nhất là cả hai người trong nhóm nghiên cứu đều là những sinh viên lần đầu tiên làm nghiên cứu khoa học.
Theo như chia sẻ của em Nguyễn Thị Bích Thảo, khó khăn mà nhóm gặp phải chủ yếu trong quá trình thu số liệu. Trên thực tế, quá trình khảo sát vấp phải những cản trở từ chính các trường được nhóm chọn để tiến hành khảo sát: Có trường từ chối ngay lập tức, có trường giới hạn phạm vi khảo sát, có trường lại đòi hỏi thủ tục giấy tờ rồi mới cho nhóm tiến hành…
Do đó, ban đầu nhóm chọn khoảng 5 trường THCS rải khắp các quận 5, 10 nhưng cuối cùng nhóm phải thay đổi địa điểm và chỉ có thể thực hiện tại ba trường, với sự chênh lệch tương đối về số lượng mẫu tại các khối lớp.
Bên cạnh đó, trong quá trình thu số liệu, nhóm gặp khó khăn khi có những học sinh thậm chí không hình dung được thế nào là bạo lực học đường, hay những biểu hiện của tình trạng này được các em hiểu rất đơn giản là đánh nhau hay tẩy chay, nói xấu…
Điều đó cho thấy, công tác tuyên truyền về tình trạng này diễn ra tại các trường (mà nhóm tiến hành khảo sát) chưa thực sự tốt. Một số em chưa thực sự hào hứng với ý tưởng này và tỏ ra thiếu hợp tác trong việc trả lời bảng hỏi hoặc câu hỏi phỏng vấn. Để khắc phục, trong quá trình thu thập số liệu, đại diện nhóm giải thích giúp các em những khái niệm hay vấn đề mà các em chưa rõ.
Em Nguyễn Hoàng Xuân Huy – một trong hai thành viên của nhóm nghiên cứu chia sẻ: “Trong quá trình làm nghiên cứu khoa học, chúng em đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ PGS.TS Huỳnh Văn Sơn – Trưởng khoa Tâm lý ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn – Trưởng khoa Tâm lý ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh
Thầy hướng dẫn để chúng em có thể hình dung về nghiên cứu và quá trình nghiên cứu sau đó thầy hướng dẫn nhóm định hướng lại, sửa chữa, cải thiện đề cương cũng như các câu hỏi khảo sát. Nhờ thế, chúng em học được rất nhiều về kiến thức cũng như kỹ năng tự chủ động trong các vấn đề”.
Chia sẻ về những thành công của học trò, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho hay: “Đề tài khoa học xây dựng cẩm nang tuyên truyền nhằm phòng chống bạo lực học đường cho học sinh THCS giúp học sinh có thể lĩnh hội, nâng cao hiểu biết của mình về bạo lực học đường, phát triển kỹ năng xử lí các tình huống, cũng như tự bảo vệ bản thân.
Chính nhờ việc tiếp cận, đọc và hiểu, từ đó ứng dụng nội dung của cẩm nang tuyên truyền nhằm phòng chống bạo lực học đường cũng như góp phần làm giảm thiểu, phòng chống, dần dần đẩy lùi bạo lực học đường ra khỏi trường học.
Trách nhiệm của chúng ta, mỗi cá nhân – mỗi con người cần hành động khác nhau nhưng quan trọng nhất là hành động bằng khả năng nhận thức, thái độ và chuyên môn nghiệp vụ của mình. Sự rung cảm từ trái tim của những sinh viên bắt nhịp được và đồng cảm với những lo lắng và trăn trở của chúng tôi, vì thế đề tài này đã hình thành, phát triển một cách rất tâm huyết…
Hiện đang có vài đơn vị xuất bản đang tiến hành liên lạc để in ấn và xuất bản. Hy vọng đây sẽ là một ấn phẩm có giá trị ứng dụng. Thời gian tới, bản thân tôi và các em sẽ dành nhiều thời gian và công sức hơn để hoàn thành nó trong khoảng thời gian sớm nhất để chuyển nó thành sản phẩm đúng nghĩa dành cho học sinh.
Đó là minh chứng dành cho những nghiên cứu ứng dụng và những đề tài khoa học mang tính thực tiễn trong giai đoạn hiện nay”.
Hoàng Thanh