Có thể nói cùng với nhận thức và ý chí, xúc cảm – tình cảm là một trong những mặt tâm lý cơ bản của con người. Thế nhưng vì những đặc thù của mình, xúc cảm – tình cảm lại là một trong những lĩnh vực khó đánh giá nhất dù rằng nó ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến đời sống của con người hay sức khỏe tinh thần. Một trong những vấn đề liên quan đến đời sống tình cảm của không ít người Việt hiện nay đó chính là cách biểu lọ tình cảm. Tưởng chừng nó không quá liên quan đến cuộc sống và sức khỏe của con người nhưng thực chất lại không phải là như thế
BẾ CẢM XÚC – LỢI HAY HẠI
Trong khi mọi người phải vật lộn với dàn đám kèn trống đám ma của nhà cô Ba Ú cứ rền rỉ suốt ngày nơi đầu ngỏ… Cu Minh lạnh lùng bảo với mẹ: “Khóc một đem nữa là ngày mai mất xác rồi…” Cu Minh xuất hiện với nét mặt giá băng và hai miếng gòn to tướng che tai thật kín… Ít cười, ít nói và ít phản ứng về cảm xúc là hàng loạt những biểu hiện một thời gian không lâu sau đó xuất hiện ở Minh. Mẹ cậu tâm sự: “Cũng chẳng thấy cháu vui khi có điểm tốt, cũng chẳng thấy cháu buồn khi tụt hạng… Ngay cả khi về quê cùng cha mẹ thì cháu cũng trơ trơ…”. Cháu nói: “Con thấy bình thường….”
Bộc lộ cảm xúc của bản thân
Thiếu sự quan tâm, thiếu sự thấu cảm và thiếu hẳn những phút giây nhân ái với những người xung quanh là một thực tế đang tồn tại ở không ít trẻ em ngày nay tại thành phố… Biểu hiện của nó thì muôn vàn: từ việc không đếm xỉa đến những người sống quanh mình đến quanh nhà, không quan tâm gì đến cảm xúc hay những tình huống xảy ra cùng làng xóm, khư khư với những cảm giác và cảm xúc của chính mình và chẳng cần chia sẻ đã trở thành những phản ứng mang tính thường trực… Ngay trong cuộc sống, nhiều bạn trẻ và kể cả không ít người có tuổi cứ giữ cho mình một kiểu biểu lộ cảm xúc khó tả hoặc một kiểu cảm xúc “câng câng” theo hướng: sao cũng được!
Không những thế, những điều tra gần đây theo kết quả được hãng khảo sát quốc tế Gallup công bố cuối tháng 11, chỉ có 40% số người Việt Nam được hỏi cho biết họ trải qua nhiều cảm xúc trong một ngày. Để có được kết quả trên, Gallup đã tiến hành khảo sát ở 150 quốc gia trên thế giới bằng cách hỏi người dân ở những nơi đó rằng họ có trải qua 5 cảm xúc tích cực và 5 cảm xúc tiêu cực ngày hôm trước hay không. Các cảm xúc tích cực bao gồm được nghỉ ngơi đầy đủ, được tôn trọng, được hưởng thụ, cười nhiều, biết hoặc làm một điều gì đó thú vị. Các cảm xúc tiêu cực gồm giận dữ, căng thẳng, buồn phiền, đau đớn về thể chất và lo lắng. Với tỷ lệ trên, Việt Nam xếp thứ 13 trong số những nước ít cảm xúc nhất, sau các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nga, Madagascar, Belarus, Nepal…
HAI MẶT
Những nghiên cứu tâm lý cho thấy chính việc không biết cách thể hiện cảm xúc hay không biết thể hiện sự quan tâm và yêu thương đúng mực khiến cho cha mẹ, nhất là người thân đến tuổi xế chiều cảm thấy tâm hồn trống trải, cô đơn… Từ đó, cũng không ít những mâu thuẫn giữa các thế hệ nảy sinh do sợ dây cảm xúc không được kết nối bằng những lời nói và hành động cụ thể. Với những đồng nghiệp thì sự bế cảm xúc dẫn đến sự tương thông cảm xúc không diễn ra, trên cơ sở đó những hục hặc dễ dàng nảy sinh khi tiếng nói chung về cảm xúc và những tín hiệu về cảm xúc trong quá trình làm việc không được giải mã. Hậu quả trầm trọng nhất với chính chủ thể là sự nghèo nàn về đời sống tinh thần, sự lạnh lùng trong cách thể hiện, sự nhạt nhòa trong tương tác và dẫn dần dẫn đến sự ích kỷ trong suy nghĩ cũng như thái độ vì chứng bế cảm xúc tự thân…
Thực tế cuộc sống có những người con dù rất yêu thương ba mẹ nhưng không biết cách nào bày tỏ. Ở họ, việc tâm tình và nói với ba mẹ những lời yêu thương như “Con yêu ba mẹ”, “Con nhớ ba mẹ” dường như là một điều gì đó rất ngại ngùng. Điều này có thể xuất phát từ một số nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên một nguyên nhân có thể nhìn nhận đơn giản nhất là bởi họ không có thói quen. Vì sao không có thói quen? Bởi khi cá nhân còn nhỏ, trong sự quan sát và cảm nhận, trẻ không nhận thấy được cách thức thể hiện yêu thương từ ba mẹ mình đối với ông bà, khuôn mẫu này ghi dấu trong tâm hồn trẻ và nó vô tình trở thành một “khuôn mẫu”, “nếp văn hoá”… Xã hội phương Tây, con cái lớn lên vẫn rất dào dạt trao cho ba mẹ những cái ôm, những nụ hôn và những lời yêu thương… Nhưng đối với người Việt Nam những hành động ấy dường như rất ngại ngùng dù thực chất có lúc họ rất muốn mình sẽ hành động như thế… Thiết nghĩ, đối với nếp văn hoá của con người Việt Nam, không cần phải thể hiện yêu thương như cách của người phương Tây mà vẫn có thể mang lại những ấm áp và niềm hạnh phúc vô bờ đến với ba mẹ. Chị Hoa, nhân viên văn phòng chia sẻ rằng, với chị yêu thương được thể hiện bằng những hành động rất giản dị, không cầu kỳ, rất tự nhiên nhưng ba mẹ chị đều rất cảm động và từ hào về con gái mình. Đó là những buổi chiều cuối tuần chị ngồi nhổ tóc sâu cho mẹ, dành một ít thời gian xoa bóp cho ba, rồi tranh thủ những khoảnh khắc ấy chị tâm sự với ba mẹ những điều mà chị đã trải qua với công việc, với gia đình… Chia sẻ để ba mẹ thấy mình còn cần ba mẹ lắm, cần ba mẹ trong hành trình còn lại của cuộc đời dù mình đã lớn lên như thế nào đi nữa. Đối với người cao tuổi, hạnh phúc là còn cảm thấy mình còn được lắng nghe, được san sẻ và có ích cho con cháu. Sự dạt dào cảm xúc không chỉ như dòng máu lan chảy nội tại mà đã được nguyên lý của sự đồng cảm khai phá và làm nó sáng rực trong tâm trí.
Những nghiên cứu về tâm lý cũng cho thấy sự mệt mỏi về thể chất sẽ diễn ra đối với những người bế cảm. Khi cảm xúc không được chủ thể nhận thức và thể hiện thì ẩn chứa bên trong ấy sự rối bời không hạn định, là sự lo lắng không rõ lý do và hơn hết là sự lạnh lẽo trong một thái độ thiếu thiện cảm. Chính những người thiếu thói quen hay kỹ năng bộc lộ cảm xúc là những người có nguy cơ trở thành tội phạm cao hơn người khác (theo nghiên cứu trường hợp ở Mỹ trên 120 người tội phạm trẻ vào năm 2008). Rõ ràng chính thái độ không hướng cực (cực âm hoặc cực dương) sẽ làm cho con người dễ dàng thiếu kiểm soát chính mình và nguy cơ hành vi dễ dàng xuất hiện.
SỐNG KHỎE BỞI CẢM XÚC
Có một bí mật khá thú vị về cảm xúc cần được chú ý. Xúc cảm nền tảng được thuyết tiến hóa cho là những xúc cảm được thể hiện theo cùng một cách và nhận diện như nhau ở những nền văn hóa khác nhau. Sở dĩ như vậy là do những chương trình thần kinh bẩm sinh chi phối, xuất hiện trước cả suy nghĩ và nhận thức của con người. Silvan Tomkins (có thêm xấu hổ, căng thẳng, khinh thường), Carroll Izard (thêm khinh thường, xấu hổ, buồn và tội lỗi) và Robert Plutchik (thêm buồn và chấp nhận / thừa nhận) đưa ra những xúc cảm căn bản khác nhau nhưng nhìn chung có sáu xúc cảm giống nhau, đó là: sợ, giận, thích thú, ghê tởm, vui vẻ và ngạc nhiên. Những xúc cảm nền tảng này xuất hiện ở con người một cách độc lập hoặc cùng xuất hiện và kết hợp với nhau tạo nên những xúc cảm mới, chẳng hạn như sợ và ngạc nhiên tạo nên sự kinh sợ, giận và ghê tởm tạo nên khinh thường, thích thú và vui vẻ tạo nên lạc quan. Tất cả những cảm xúc này nếu được chính con người trải nghiệm thì sự cân bằng về đời sống thể chất cũng như đời sống tinh thần sẽ diễn ra.
Cảm xúc có liên hệ mật thiết với sự hưng phấn của các nơron thần kinh. Khi một cảm xúc xảy ra, nó làm nảy sinh một quá trình thần kinh trên vỏ não, gây nên một hưng phấn thần kinh của chất dưới vỏ não được chuyển hoàn toàn xuống hệ thần kinh thực vật làm cho hoạt động của các tuyến nội tiết thay đổi, chiều sâu và nhịp độ làm việc của hệ thống hô hấp và tim mạch bị rối loạn. Bên cạnh đó, cảm xúc có ảnh hưởng đến hệ cơ quan và toàn bộ cơ thể. Khi những cảm xúc tích cực xuất hiện sẽ có tác dụng thúc đẩy cuộc sống và hoạt động của cá nhân và ngược lại, những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến các cơ quan và các tổ chức mô có thể làm giảm sức làm việc của con người.
Cảm xúc có ảnh hưởng đến nhận thức và hoạt động trí tuệ của con người. Khi buồn rầu, đau khổ, con người tiếp nhận thông tin hay lĩnh hội tri thức kém hơn, suy nghĩ trở nên nông cạn, phản ứng trí tuệ trở nên chậm chạp… Cảm xúc là động lực thúc đẩy con người hoạt động, là nhân tố điều khiển hành vi và hoạt động của cá nhân. Cảm xúc có khả năng làm sản sinh ra một năng lượng vật chất và tinh thần mạnh mẽ, thúc đẩy con người tích cực hoạt động để thực hiện mục đích.
Hay sự khám phá về nụ cười như một minh chứng cho việc con người sống khỏe hơn bằng những nụ cười. Khi con người cười, đó chính là cách vận động cơ mặt hay tập thể dục cho khuôn mặt một cách thú vị. Khi cười, con người sẽ tăng lượng kích thích tố làm cho sự tươi trẻ diễn ra. Nụ cười còn có giá trị đánh lừa não bộ làm cho con người tự tin lên hẳn để vượt qua những áp lực và những nỗi sợ như: sợ đám đông, sợ nói chuyện trước công chúng hay sợ khi bị chất vấn… Nụ cười còn tạo ra những hưng phấn nền tảng giúp hai phía thực sự thiện cảm với nhau trong tương tác…
Hay những cảm xúc của con người nếu được bộc lộ sẽ làm chính mình thoát khỏi những cảm xúc dồn ép mà đó là những vết sâu của trầm cảm hay stress. Khi giải thoát những cảm xúc của mình, đó là lúc con người cảm thấy nhẹ nhàng hơn và thanh thản hơn. Khi bộc lộ cảm xúc, con người đã thực sự “quăng đi những túi rác” trong lòng làm cho cơ thể nhẹ tênh, sức khỏe tinh thần được phù hợp và sức khỏe thể chất cũng được đảm bảo.
Sống khỏe là quá trình đảm bảo hài hòa giữa cuộc sống thể chất và tinh thần. Sẽ là khập khiễng nếu chỉ hướng về dinh duỗng hay vận động mà quên đi những cung bậc của cảm xúc đang réo gọi và chi phối chúng ta mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây. Thể hiện cảm xúc một cách tự nhiên nhưng có kiểm soát là cách thức cho mình cuộc sống cân bằng hơn, thoải mái hơn. Sống khỏe sẽ trở thành người bạn đồng hành nếu mỗi người biết bộc lộ cảm xúc của mình trong cuộc sống, biết thể hiện những cảm xúc tiêu cực có chừng mực, biết yêu thương, đồng cảm trong hệ những cảm xúc tích cực và đó là lối sống lành mạnh cho mỗi con người trong xã hội hiện đại!
PGS. TS HUỲNH VĂN SƠN