Có nên giữ mãi sự ghen tuông trong tâm trí

Ghen tuông mù quángĐã qua thời ghen bằng đánh nhau, tạt axit hay chơi “xâu đầu” kiểu võ biền. Kiểu ghen này thực sự đã xưa lắm và cũng chẳng làm cho sự tổn thương trong lòng của người đi ghen đi đến tột cùng. Chính nỗi ghen, cơn ghen âm ỉ mà không nói được mới là cơn ghen kinh khủng nhất. Sự dày vò, sự đau xót, sự lạc lỏng, sự căm tức… càng được “ém kín” trong lòng càng dễ làm cho cả tâm hồn như vỡ vụn. Ghen mà không thể nói chứ không chỉ là không dám nói đó là kiểu ghen khá phổ biến đối với một số cặp vợ chồng, tình nhân trong thời đại hiện nay. Họ có thể làm chung công ty, làm khác công ty nhưng chung quy lại nếu xét theo chuyện tư thì có thể ghen nhưng vì chuyện công thì phải hy sinh và câm nính.

Câu chuyện thứ nhất:

Vợ chồng Nguyên cùng mở một công ty du lịch khá bề thế ở tại Quận 1, Tp HCM. Nguyên đảm nhận chức danh giám đốc kiêm luôn Phó giám đốc và thư ký trợ lý. Thủy lại bận rộn với một chức danh khác ở một công ty Vận tải tàu biển nên chưa thể giúp chồng được gì ở công ty riêng. Tìm cho chồng một cô trợ lý khá xinh xắn, tài giỏi và vốn dĩ cũng tường tận nguồn gốc. Thủy không lo lắm về chuyện léng phén của ông chồng cũng như là sự chèo kéo của cô gái trẻ nhưng có đâu ngờ nỗi ghen cứ âm ỉ cháy theo sự giỏi giang của cô nhân viên trợ lý và sự tin cậy của chồng mình dành cho cô ấy. Nguyên thương Thủy, Thủy thừa nhận. Nguyên lo cho Thủy, Thủy hiểu. Nguyên rất đường hoàng và cô ấy cũng rất nghiêm túc, Thủy biết nhưng cơn ghen cứ dày vò tâm trí. Thấy chiếc Audi A 6 của chồng láng cón đang lướt nhẹ trên đường Lê Duẩn mà trong xe thì cô trợ lý đang kiểm tra một số hồ sơ cho đối tác và ông xã mình lại trò chuyện rất nghiêm trang Thuỷ cũng lo lắng; thấy cô trợ lý từ trong phòng của Giám đốc xã vừa trình ký văn bản quay ra lòng Thủy cũng nhói đau vì cơn ghen quẫy đạp… Họ trong sáng nhưng cơn ghen của đàn bà làm cho Thuỷ như chới với. Chỉ còn đủ độ tỉnh táo để nhắn tin cho chồng là anh đi đón con, em mệt. Thủy quay về nhà ngoại mà tức tối đến mức kiệm lời và kiệm luôn cả hơi thở. Nỗi khổ của sự không được nói cứ dày vò tâm trí của Thủy. Mà nếu có muốn nói thì nói gì bây giờ? Phải chi họ quá quắt, phải chi họ có “phốt”, phải chi họ có tỳ vết…

Câu chuyện thứ hai:

Nhân và Sương cùng làm ở một công ty truyền thông. Vốn là một trưởng phòng chuyên liên hệ với các người mẫu để tổ chức các event nên Nhân hết sức bặt thiệp và vui tính. Chỉ là một nhân viên kinh doanh bình thường nhưng Sương vẫn có đủ cơ hội để nhìn ngắm và kiểm soát chồng mình trong vùng phủ sóng. Nhân cũng không phải là người trăng hoa nhưng vì công việc, vì sự sống còn của công ty nên đôi lúc cũng phải “thả tay”, “thả chữ” để lấy lòng và xoa dịu các người mẫu. Dù hai vợ chồng đã thống nhất và Sương luôn “bật ra da” 24/24 nhưng lo vẫn cứ lo, ghen vẫn cứ ghen. Không phải vì sự tự ti, mặc cảm về ngoại hình, cũng không phải vì tính cách, cũng không phải vì điều kiện vật chất… nhưng vì điều gì thì Sương vẫn chưa hiểu được. Sương cũng chẳng thể nào nói được với chồng mình về suy nghĩ, về cảm xúc mà mình đang kìm giữ. Mà nếu nói thì nói gì khi anh ấy không có biểu hiện của sự phạm tội. Hơn nữa, Sương cũng nhận thấy rằng công việc của chồng mình tiến triển rất tốt và chức vụ Phó giám đốc kinh doanh hay nhân sự không nằm ngoài tầm với của anh ấy nên Sương cứ im lặng. Khổ, đau, dằn vặt và căng thẳng nên Sương tìm đến nhà tư vấn. Ghen đấy mà không thể nói và cũng không muốn nói hay không dám nói cứ làm cho người trong cuộc căng thẳng cực đại…

Dứơi góc độ Tâm lý học tình cảm, ghen có thể là một biểu hiện của yêu nhưng ghen chưa chắc đã là yêu. Ghen – nếu được bộc lộ thì chính con người đã được giải tỏa về mặt tâm lý. Nếu ghen mà không được bộc lộ thì nỗi đau cứ dai dẳng, nỗi đau cứ thật sự ám ảnh vì niềm tin quá ư là chơi vơi. Khi ghen, người phụ nhữ thường rất mẫn cảm nên dù bất kỳ hành vi, cử chỉ hay thái độ nào cũng bị quy gán là sắp sửa có tình ý. Ngay cả ông chồng rất đứng đắn, rất đàng hoàng cũng chưa chắc đã có thể là “sáng trong” trước cái nhìn “đầy chi tiết” hơn cả kính hiển vi chủ quan đến tột cùng của các bà vợ. Sự lo sợ đỗ vỡ, nỗi ám ảnh về hành vi không tốt của người khác cứ luôn dằn vặt người trong cuộc nên dễ dẫn đến những kiểu phản ứng hẫng hụt, không kiểm soát…

Thực tế cuộc sống hiện đại cho thấy cả vợ và chồng đều phải tích cực lao vào cuộc mưu sinh để tồn tại. Có những lúc phải hy sinh một ít dù đó không phải là sự hy sinh đích thực về mặt tình cảm. Chính vì hy sinh cho đại nghĩa, đại cuộc nên cái ghen cũng phải được đẩy xuống tột cùng của khoảng không chịu đựng. Đau, xót khi cái “tư” thì cứ thôi thúc lên tiếng nhưng cái “công” cứ đè nén, kìm hãm. Chính lúc này, sự chua xót, sự hối hận và kiểu phản ứng hụt hẫng, phản ứng tự vệ được đẩy lên đến độ mùi của nó. Chỉ cần một tí mồi lửa thì tất cả phừng cháy, cháy mãnh liệt và kinh khủng.

Hãy nói thật với nhau về cảm xúc của mình, hãy tìm lời khuyên từ nhà tư vấn để lòng tin được củng cố. Kiểm soát được cũng ghen mà không kiểm soát được cũng ghen vậy thì không có biện pháp nào hay hơn bằng cách hãy tự kiểm soát lại mình. Cũng không nên cho rằng đó là một sự đánh đổi cho nên dẹp bỏ hết chuyện công để về nhà yêu nhau, “cặp nách” nhau. Cũng không thể luận theo chủ nghĩa Makeno vì biết đâu chính sự chủ quan sẽ đẩy anh ấy và tình cảm của mình đi đến ngõ cụt. Càng không thể để cơn ghen vô cớ bùng phát vô tội vạ khi luận cứ, luận chứng bồng bềnh và lơ lửng không điểm tựa. Giải pháp tốt nhất là hãy tự củng cố niềm tin, sắp xếp lại những mối quan hệ trong vòng kiểm soát, chia sẻ thật tâm với người mình yêu những suy nghĩ, cảm xúc và những “yếu luật” cần có… để mọi thứ sẽ được an toàn trong độ tương đối cao nhất có thể có.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *