Con Đường Đến Với Sự Viên Mãn (Phần 1)

Sự viên mãn chủ yếu được quyết định bằng mức độ ta chấp nhận bản thân.

Ta bước vào đời với suy nghĩ rằng mình rất tuyệt. Lúc 5 tuổi, ta có thể đứng nhảy giữa mọi người mà không bận tâm họ nghĩ gì về mình. Khi lớn lên, suy nghĩ này bị loại bỏ khỏi đầu ta bởi bạn bè và cha mẹ, truyền thông và những tình huống đáng xấu hổ.

Là người lớn, ta nghi ngờ chính mình, phán xét bản thân thậm tệ. Ta chê bai cơ thể và con người mình, phê phán thói vô kỉ luật cùng mọi lỗi lầm khác. Ta không thích cuộc sống của mình.

Sự căm ghét bản thân này dẫn đến hậu quả là những mối quan hệ tồi tệ, một sự nghiệp trì trệ, nỗi buồn bã chán chường trong cuộc sống, sự phàn nàn về tất tần tật mọi thứ và những thói quen không lành mạnh như ăn thức ăn nhanh, uống rượu bia quá nhiều, không tập thể dục, mua sắm quá độ, nghiện chơi điện tử hoặc đắm chìm trong thế giới ảo.

Vậy đâu là con đường giúp ta cảm thấy mãn nguyện với bản thân và cuộc đời mình?

  1. Đừng So Sánh Mình Với Những Gì Mình Không Có

Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến cảm giác bất mãn chính là so sánh bản thân, cuộc sống hay thành tựu của mình với người khác.

Tôi luôn thấy người khác so sánh bản thân họ với tôi: họ muốn thành công như tôi, hoặc giản dị như tôi, hoặc có một gia đình hạnh phúc như tôi.

Hiển nhiên là họ đang so sánh bản thân với một ảo tưởng. Ngoài đời, tôi không hề giống với suy nghĩ của họ về tôi. Và trong thực tế, không người nào mà bạn thấy giống với suy nghĩ của bạn về họ cả – bạn chỉ thấy được phần nào câu chuyện mà thôi. Đó là những mặt tốt đẹp về họ và hiếm khi là sự nghi ngờ, những nỗi đau và sự bất mãn của họ. Người ta không chia sẻ những cái mụn cóc và căn bệnh trĩ của mình, họ chỉ chụp ảnh thức ăn, những kì nghỉ và bọn trẻ dễ thương nhà mình mà thôi.

Bạn so sánh bản thân với một ảo ảnh, và dĩ nhiên thực tế cuộc đời bạn (và con người bạn) trở nên “thiếu thốn”. Hành động so sánh không chỉ vô tác dụng mà còn thật sự gây hại cho bạn bởi nó khiến bạn trở nên kém mãn nguyện hơn.

Bất cứ khi nào bạn so sánh những mặt tốt trong cuộc sống của một ai đó với những mặt xấu của cuộc đời mình, hoặc nghĩ đến những gì mà mình đáng lẽ có thể làm được, hãy dừng lại. Dừng lại ngay. Bạn đang chủ động làm tổn thương chính mình, và đó không phải là một hành động yêu thương bản thân đâu.

Thay vào đó, hãy nhìn vào những gì bạn đang làm ngay lúc này và hạnh phúc với nó. Điều mà bây giờ bạn đang thực hiện có thể rất tuyệt vời.

Hãy cảm kích món quà trong khoảnh khắc này. Đó là một phép màu.

Hành động: Nghĩ về những lúc bạn so sánh bản thân với người khác, và với những gì mà người khác làm, nhất là trong thời gian gần đây. Từ đâu mà bạn có được những hình ảnh về họ để so sánh với bản thân mình – từ truyền thông xã hội, báo chí, blog, phim ảnh, hay tạp chí?

  1. Thận Trọng Với Những Ý Tưởng Và Kỳ Vọng Của Bạn

Cuộc sống của ta là một chuỗi ảo tưởng – những ý tưởng và kỳ vọng – nhưng thật không may, ta không thường xuyên ý thức được những điều đó.

Và rắc rối lại phát sinh khi cuộc sống không giống với ảo tưởng của ta.

Hiện thực vốn rất tuyệt vời, nhưng khi bị so sánh với ảo tưởng thì nó không thể sánh bằng. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến ta cảm thấy không hạnh phúc với bản thân mình, là lý do làm ta không vui vẻ với người khác và với cuộc sống của mình.

Đó cũng chính là nguyên nhân khiến ta tìm kiếm hạnh phúc từ bên ngoài. Ta ảo tưởng về việc những yếu tố bên ngoài sẽ tuyệt vời như thế nào, cuộc sống của ta sẽ phi thường đến mức nào, ta sẽ hạnh phúc đến nhường nào một khi có được thứ mình muốn trong tay. Song thực tế không như vậy, và khi ta có được những yếu tố bên ngoài này (thức ăn, bạn trai, quần áo mới…), ta vẫn cảm thấy không đủ và không hạnh phúc như mình hy vọng.

Và ta không hề rút kinh nghiệm mà cứ tiếp tục ảo tưởng. Cái vòng luẩn quẩn này cứ thế lặp lại.

Một vài ví dụ về ảo tưởng của ta:

  • Ta nhìn thấy ai đó có thân hình thật đẹp và tưởng tượng về việc mình có được cơ bụng hay cánh tay như anh ta.
  • Ta muốn có một người yêu/bạn đời làm ta thấy hạnh phúc, yêu thương ta vô điều kiện, là người lãng mạn và quan tâm đến mọi nhu cầu của ta.
  • Ta ảo tưởng về việc hình thành những thói quen mới, không bao giờ làm hỏng việc và luôn có kỷ luật.
  • Ta tưởng tượng người khác sẽ lịch sự với mình, không bao giờ giành đường, không bao giờ nổi giận, họ rửa chén dĩa và dọn dẹp sạch sẽ những gì mà họ bày ra.
  • Ta mơ tưởng về một buổi sáng hoàn hảo, yên bình và làm việc hiệu quả.
  • Ta ảo tưởng rằng người khác luôn quan tâm đến chuyện của ta, muốn nghe tất tần tật những gì mà ta nói, lo lắng đến nhu cầu của ta trên hết thảy mọi thứ.

Lẽ dĩ nhiên, không phải lúc nào ta cũng biết mình có những ảo tưởng này. Nhưng khi ta thấy chán nản, thất vọng, bực bội hay nổi giận với người khác hoặc với chính mình, đó là một dấu hiện chắc chắn cho thấy một ảo tưởng của ta không thành hiện thực.

Ta bất mãn với bản thân bởi vì ta không giống với ảo tưởng mà ta có về chính mình: rằng ta phải có một thân hình lý tưởng, một người bạn đời như mơ, một công việc hoàn hảo, ta giỏi tất cả mọi thứ, không bao giờ làm lỗi, có những thói quen tốt, không bao giờ trì hoãn, hoặc có sức hút của một ngôi sao điện ảnh.

Ta bất mãn với người khác bởi vì họ không giống như ảo tưởng của ta về cách họ nên ứng xử: họ nên tốt bụng với ta mọi lúc mọi nơi, luôn vui vẻ chứ không giận dữ, quan tâm đến ta và đáp ứng nhu cầu của ta, không bao giờ thô lỗ, tỏ ra lạnh lùng hay phớt lờ ta, luôn “có bày có dọn” và thật đúng giờ.

Ta bất mãn với cuộc sống bởi vì ảo tưởng về cuộc sống của ta không thành hiện thực: thời tiết phải thật đẹp, ta có một ngôi nhà khang trang và một công việc tuyệt vời, ta luôn luôn thanh thản, hạnh phúc và phấn khích, được những người yêu thương ta bao bọc, ta không bao giờ mất đi bất kì quan trọng nào với mình, và tất cả những điều tuyệt vời trong đời ta không bao giờ thay đổi.

Sự mãn nguyện liên quan đến việc từ bỏ những ảo tưởng đó và hiểu rằng cuộc sống vẫn tuyệt vời dù không nó không thành hiện thực. Mọi người quanh ta thật tuyệt vời dù không giống như ta ảo tưởng. Ta cũng rất tuyệt vời trong thực tế.

Làm thế nào để ta từ bỏ ảo tưởng? Trước tiên là bằng cách ý thức được nó. Hãy quan sát bản thân, nhận ra những lý tưởng và kỳ vọng, nhận ra mình không cần những ảo tưởng đó. Bỏ nó đi mà không hối tiếc. Hãy quan sát thực tế một cách cẩn thận và đón nhận điều tuyệt vời của cuộc sống như nó vốn có – cho dù điều bạn kỳ vọng có xảy ra hay không.

Hành động: Nhớ để ý xem khi nào bạn thấy chán nản, thất vọng, giận dữ, căng thẳng, buồn khổ… và viết ra ảo tưởng mà bạn đang có vào lúc ấy. Hãy tập từ bỏ nó.

Xây Dựng Niềm Tin

Khi liên tục không tập được những thói quen nào đó, ta mất lòng tin vào bản thân, không còn tin tưởng vào khả năng duy trì điều gì nữa và cảm thấy tội lỗi, thậm chí đôi khi ta còn chán ghét chính mình.

Đây là một tình trạng tồi tệ đối với những thói quen tương lai của ta, và cũng là nguyên nhân dẫn đến sự bất mãn với bản thân.

Khi bắt đầu một thói quen mới, nếu không thật sự tin mình có thể kiên trì với nó thì ta khó lòng thành công. Ta sẽ nghi ngờ chính mình khi mọi việc trở nên khó khăn hơn một tí. Khi ta cảm thấy muốn từ bỏ, một phần tâm trí ta liền lên tiếng: “Biết ngay là sẽ như vậy mà. Điều này càng khẳng định thêm suy nghĩ của ta về mi, đồ thất bại.” Và rồi ta bỏ cuộc, thay vì bám trụ đến cùng và đánh bại cảm giác muốn từ bỏ.

Lý do ta đánh mất lòng tin xuất phát từ sự tự phán xét và những niềm tin tiêu cực về chính mình. Khi ta vô tình quên không tuân theo điều gì – mà tôi dám chắc với bạn đó là điều không thể tránh khỏi, kể cả đối với những người kỷ luật nhất – thì ta lại dựa trên đó để đánh giá bản thân.

Ta nói, “Cái quái gì thế? Sao mi không chịu kiên trì với điều đó? Mi bị làm sao vậy hả? Ước gì mi có thể làm được khá hơn. Mi đúng là chả bao giờ duy trì được cái gì cả.”

Với vài người trong chúng ta, đó chính là tiếng nói của cha/mẹ, hoặc cả hai. Hoặc có lẽ đó là tiếng của anh chị em ta, người bạn cùng lớp, người họ hàng hoặc chỉ là tiếng nói chung mà ta rút ra từ những người chỉ trích ta suốt nhiều năm qua.

Tiếng nói này mang tính quyết định (theo hướng tiêu cực), và nó khiến ta phán xét bản thân và không còn yêu thích và tin tưởng chính mình nữa. Tuy nhiên: Tiếng nói đó không đúng. Nó chỉ là một tiếng nói vang lên trong đầu bạn. Ta không cần phải tin vào nó, dù cho nó có nói gì đi chăng nữa.

Ta quên mất một thói quen, và rồi ta chỉ trích bản thân. Ta không nhìn nhận nó theo kiểu “Đây chỉ là một việc đã xảy ra mà mình cần phải sửa chữa”, mà là “Đây là dấu hiệu cho thấy mình không đáng tin cậy và chưa đủ tốt”. Điều này trở thành một dữ liệu quan trọng cho ta thấy giá trị của bản thân mình.

Và điều này lại xảy ra một lần nữa, rồi một lần nữa. Mỗi lần như vậy, ta lại càng thấy bản thân mình tệ hơn, kém giá trị hơn, và thế là lần tới ta càng dễ thất bại hơn. Xu hướng này có thể kéo dài suốt nhiều năm liền.

Làm Thế Nào Để Lấy Lại Niềm Tin Vào Bản Thân?

Có một số kĩ năng mà ta cần học:

  1. Hiểu Rằng Thất Bại Không Phải Lý Do Để Tự Phán Xét Bản Thân

Điều này thật sự rất quan trọng, và nếu bạn chỉ có thể học một điều thì đây là điều bạn nên học. Thay vì xem thất bại như dấu hiệu cho thấy ta không đáng tin hay không có khả năng, ta cần phải biết rằng thất bại chỉ là một sự việc bên ngoài. Dĩ nhiên ta cũng có liên quan đến sự việc đó, nhưng nó giống như việc ném bóng qua vòng vậy – nếu ta ném hụt thì có nghĩa ta là người tệ hại hay sao? Không, điều đó chỉ có nghĩa là ta cần phải chỉnh lại cách ném bóng của mình. Có lẽ ta nên tiến lại gần hơn, hoặc ném từ dưới lên nếu cách đó có kết quả, lấy một cái thang, làm cho cái vòng to ra, nhờ một ai khác giúp đỡ. Không hề có bất kì luật lệ nào trong trò chơi này – ta có thể tìm ra nhiều cách để thành công. Thất bại đơn giản chỉ là dấu hiệu cho thấy có điều gì đó cần thay đổi trong phương pháp của ta.

  1. Tha Thứ Cho Những Lỗi Lầm Quá Khứ Của Chính Mình

Trước khi có thể bắt đầu tin tưởng bản thân một lần nữa, bạn phải vượt qua những thất bại trong quá khứ và cảm giác tồi tệ về những thất bại đó. Hãy dành ra vài phút ngay lúc này để làm điều đó. Đúng, bạn từng thất bại. Và điều đó hoàn toàn bình thường. Ai lại chẳng có lần thất bại? Đó không phải là lý do để bạn cảm thấy tồi tệ về bản thân. Hãy để nó qua đi. Tự nhủ rằng bạn rất tốt, rằng sai lầm không phải ở con người bạn mà là ở cách thức thực hiện.

  1. Tự Hứa Với Bản Thân Và Thực Hiện Những Lời Hứa Đó

Bước này cần nhiều thời gian hơn vì bạn không thể lấy lại niềm tin chỉ trong một sớm một chiều. Hãy hứa những điều nho nhỏ với chính mình. Thật đấy, càng nhỏ càng tốt. Ví dụ, nếu bạn có thói quen tập yoga, hãy tự nhủ rằng tất cả những gì bạn cần làm là bước lên được tấm đệm yoga. Bạn thậm chí không cần phải tập đến 5 phút. Hãy làm tất cả những gì mà bạn có thể để giữ lời hứa ấy. Cũng tương tự với những điều không phải thói quen khác – cứ bắt đầu viết lách, thêm một món rau củ vào bữa ăn, tắt máy tính trong khoảng 1 phút khi thiết bị bấm giờ reo lên (nếu bạn muốn tập trung vào điều gì khác ngoài Internet). Những lời hứa nhỏ nhưng cần nỗ lực lớn để thực hiện. Qua thời gian, bạn sẽ bắt đầu thấy bản thân mình đáng tin cậy.

  1. Học Cách Vượt Qua Những Lúc Khó Khăn

Luôn có những lúc bạn thấy không muốn thực hiện thói quen của mình, khi bạn cảm thấy muốn bỏ cuộc, khi bạn bỏ lỡ một hoặc hai ngày tập vì nhiều lý do và không muốn bắt đầu lại. Trước tiên, hãy hiểu đó chính là những thử thách trong động lực của bạn và bạn sẽ cần thêm một chút nỗ lực để vượt qua. Thứ hai, hãy chú ý đến những ý nghĩ tiêu cực mà bạn có thể có về khả năng vượt qua những điều trên hay những cái cớ mà bạn đưa ra để không phải thực hiện những điều đó, và đừng nghe theo nó. Cuối cùng, hãy nói với bản thân rằng tất cả những gì bạn cần làm là tìm một nguồn động lực bổ sung – nhờ bạn bè giúp đỡ, lên diễn đàn để tìm sự động viên, thưởng cho bản thân và tuyên bố chấp nhận thử thách chỉ để vượt qua sự bế tắc này.

Bốn bước, không có bước nào là quá dễ dàng nhưng cũng chẳng bước nào khó đến mức bạn không thể làm được. Bạn có thể tin bản thân sẽ hình thành và duy trì được thói quen mới, và một khi có được niềm tin đó thì không gì có thể cản bước bạn.

Phương Pháp Để Tự Chấp Nhận Bản Thân

Sự viên mãn chủ yếu được quyết định bằng mức độ ta chấp nhận bản thân. Nhưng làm thế nào để bạn thật sự học được cách tự chấp nhận chính mình?

Những cách thức sau đây sẽ giúp bạn học cách chấp nhận mọi mặt của bản thân – mặt “tốt” và cả mặt “xấu”. Tuy đề tài này khá đa dạng, nhưng hãy thử một phương pháp trong vài ngày, sau đó chuyển sang phương pháp khác, và qua thời gian bạn sẽ phát triển một tập hợp các kỹ năng tự chấp nhận bản thân bền vững.

Các Phương Pháp

  1. Tập Ý Thức Thoải Mái

Thế nào là ý thức thoải mái? Trái với sự xao nhãng liên tục hay sự tập trung cao độ, ý thức thoải mái là một trạng thái ý thức nhẹ nhàng về suy nghĩ, cảm xúc, nỗi đau, sự tự đánh giá và phán xét bản thân,… của ta. Đó là việc ý thức về sự tồn tại của ta và chuỗi hiện tượng đang diễn ra, gồm suy nghĩ, cảm xúc và các yếu tố bên ngoài. Để thực hiện, hãy nhắm mắt lại trong một phút, và thay vì xua tan mọi ý nghĩ hoặc tập trung vào hơi thở của mình, bạn chỉ cần nhẹ nhàng chú ý đến những suy nghĩ, xúc cảm và cơ thể mình. Bạn có thể thấy những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực – không sao cả. Hãy chú ý và quan sát nó, nhưng đừng cố gắng biến nó thành ý nghĩ tích cực hay xua tan nó đi. Bạn có thể thực hiện cách này 5 phút mỗi ngày, hoặc kéo dài đến 30 phút nếu bạn thấy có ích.

  1. Hoan Nghênh Những Gì Bạn Nhận Thấy

Khi tập ý thức thoải mái, bạn sẽ nhận ra nhiều thứ – những ý nghĩ tiêu cực, nỗi sợ hãi, suy nghĩ vui vẻ, sự tự phán xét bản thân… Ta có khuynh hướng muốn ngăn chặn những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực, nhưng đây chỉ là sự kìm nén, né tránh, phủ định của phủ định. Thay vì như vậy, hãy chào đón những hiện tượng đó, bởi nó cũng là một phần cuộc sống bạn và hoàn toàn bình thường. Nếu bạn thấy cách mình tập thể dục thật tồi tệ thì cũng không sao hết. Hãy “ôm ấp” những cảm xúc tồi tệ đó, dỗ dành nó, để nó yên một lúc. Những cảm xúc đó không xấu mà chính là cơ hội để ta biết thêm về bản thân mình. Càng trốn chạy khỏi những cảm xúc “tồi tệ”, ta càng khiến mình đau đớn hơn. Thay vì vậy, hãy tìm kiếm điều tốt đẹp trong nó và các cơ hội, bao gồm cơ hội để hiểu chính mình.

  1. Từ Bỏ Việc Đánh Giá Bản Thân

Một khi bắt đầu tập trung chú ý, bạn sẽ nhận thấy rằng mình thường tự đánh giá bản thân. Ta đánh giá chính mình khi so sánh với người khác, hoặc nhận định bản thân “giỏi” hay “dở” ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đây thật sự không phải là một hoạt động có ích. Nói vậy không có nghĩa là ta nên phớt lờ sự tự đánh giá mà là hãy chú ý đến nó và xem xem nó gây ra hậu quả gì. Sau khi nhận ra thói tự đánh giá chỉ khiến mình đau đớn mà thôi, bạn sẽ sớm vui vẻ từ bỏ nó.

  1. Khoảnh Khắc Biết Ơn

Hãy thức dậy vào buổi sáng và suy nghĩ về những gì mà bạn thấy biết ơn, gồm cả những điều về chính bản thân bạn. Nếu bạn thất bại trong việc gì đó, điều gì về thất bại đó làm bạn cảm thấy biết ơn? Nếu bạn không hoàn hảo, bạn có thể biết ơn điều đó ra sao? Hãy thoải mái ghi chép những điều này hàng ngày, hoặc mỗi tuần một lần nếu có ích.

  1. Thương Cảm Và Tha Thứ Cho Bản Thân

Khi nhận ra ý nghĩ phán xét và tự đánh giá, hãy xem liệu bạn có thể biến nó thành sự tha thứ và thông cảm hay không. Nếu nhận thấy bản thân không làm tốt hoặc chưa đủ giỏi việc gì, bạn có thể tha thứ cho bản thân như bạn có thể tha thứ cho người khác không? Bạn có thể tìm hiểu tại sao mình lại làm điều đó và thấy rằng cuối cùng bạn thậm chí không cần đến sự tha thứ nữa không? Nếu ta thật sự tìm cách thấu hiểu, ta sẽ nhận ra rằng mình đã cố gắng hết sức có thể, trong khả năng của mình, trong những điều kiện của môi trường xung quanh, những gì mình đã học và thực hành,… và do đó ta không cần phải tha thứ, mà thay vào đó là thấu hiểu và làm một việc khác để giúp giảm bớt nỗi đau.

  1. Học Hỏi Từ Mọi Khía Cạnh

Ta có khuynh hướng xem những thành công của mình là tốt đẹp và những thất bại là tồi tệ, nhưng sẽ ra sao nếu ta nhìn mọi thứ như một điều gì đó để học hỏi? Thậm chí những mặt tối trong ta vẫn là một phần của con người ta, và ta cũng có thể tìm thấy điều gì đó thú vị và hữu ích từ nó.

  1. Tách Mình Khỏi Cảm Xúc

Khi bạn cảm thấy những xúc cảm tiêu cực, hãy xem đó như một sự việc riêng biệt chứ không phải là một phần trong bạn, và rồi theo dõi nó. Loại bỏ tác động của nó đối với bạn bằng cách xem nó không phải như những lời răn dạy bạn bắt buộc phải nghe theo hay tin vào, mà chỉ như những sự vật thoáng qua, giống như chiếc lá rơi ngang qua bạn trong cơn gió. Chiếc lá không điều khiển bạn, và những cảm xúc tiêu cực cũng vậy.

  1. Trò Chuyện Với Ai Đó

Đây là một trong những phương pháp ưa thích của tôi. Trong thâm tâm, ta thấy rằng thật khó để tách bạch giữa suy nghĩ và cảm xúc để thấy được mọi thứ thật rõ ràng. Nói về những vấn đề này với một người khác – bạn bè, bạn đời, đồng nghiệp – có thể giúp bạn hiểu rõ bản thân hơn. Hãy áp dụng phương pháp trò chuyện cùng với một trong các phương pháp khác đã nêu trên.

Bạn có thể học hỏi, sáng tạo ra những điều thú vị và kết nối với người khác, với định hướng chấp nhận bản thân. Sự tự chấp nhận có thể thay đổi tất cả mọi việc mà bạn làm, nếu bạn chịu tập luyện.

Hành động: Hẹn giờ mỗi ngày một lần để thực hành một trong những phương pháp kể trên. Thực hiện trong vòng một tuần, sau đó đổi sang một phương pháp khác. Thực hành mỗi ngày sẽ biến các kỹ năng đó trở thành bản năng thứ hai của bạn.

Cảm Thấy “Đủ” Trong Mối Quan Hệ

Lấy ví dụ về một cô gái dành khá nhiều thời gian trong ngày tự hỏi xem bạn trai mình đang làm gì, tìm kiếm các bằng chứng cho thấy chàng yêu mình, thắc mắc tại sao chàng không thèm để ý đến mình, và lo lắng rằng chàng đang tán tỉnh các cô gái khác trên một trang mạng xã hội nào đó.

(Lưu ý rằng tình huống này áp dụng cho cả nam và nữ; chỉ là tôi chọn hình ảnh một cô gái làm ví dụ mà thôi.)

Cô ấy không hạnh phúc trong mối quan hệ này – niềm vui của cô phụ thuộc vào bạn trai, và cô cảm thấy buồn rầu khi anh không đem lại sự xác nhận mà cô cần vì không thể hiện ra anh yêu cô đến nhường nào. Cô cảm thấy bất an, ghen tuông và thiếu thốn tình cảm. Điều này này không làm nên một mối quan hệ tốt đẹp lẫn một con người hạnh phúc.

Điều gì xảy ra khi bạn có một vài biểu hiện như thế trong mối quan hệ của mình? Đối phương cảm thấy họ cứ phải liên tục làm cho bạn vui lòng, luôn luôn “chủ động” để bạn không nghĩ rằng có điều gì không đúng trong mối quan hệ, lúc nào cũng phải đáp ứng nhu cầu của bạn, không bao giờ được tự do làm việc riêng của họ trong khi bạn thì lại được làm việc của mình. Điều này tạo nên một mối quan hệ khó khăn, và nếu nó kéo dài hơn vài năm, những rắc rối lâu dài sẽ thường xuyên phát sinh.

Tôi biết chuyện này vì chính bản thân tôi từng trải qua, và tôi đã phải học một bài học đắt giá rằng như vậy là không ổn. Hầu như mọi người tôi biết mà gặp rắc rối trong mối quan hệ cũng đều có những vấn đề tương tự. Và những người có được mối quan hệ lâu dài lành mạnh đã tìm ra cách để cảm thấy “đủ”, độc lập và an toàn.

Vậy thì xem thử có cách nào để ta cảm thấy “đủ” trong một mối quan hệ, và trong quá trình đó, hãy trở nên vui vẻ hơn và là một người yêu tốt hơn.

Thế Nào Là Cảm Thấy “Đủ”

Trước khi có thể nói đến mối quan hệ, ta phải tập trung vào một cá nhân trước đã, bởi vì khi có đến hai người thì phương trình trở nên phức tạp hơn một chút. Trước hết hãy xem xét phần đơn giản nhất trong phương trình đó – tức là bạn.

Khi bạn thấy đủ, bạn không cần đến sự xác nhận của người khác để hạnh phúc – bởi vì bạn chấp nhận bản thân mình. Bạn không cần ai đó yêu mình để cảm thấy được yêu thương – bởi vì bạn đã yêu thương chính mình rồi. Nói vậy không có nghĩa là bạn không thích được người khác yêu thương, hoặc không muốn người khác xuất hiện trong cuộc sống của mình, mà chỉ là tự bản thân bạn đã cung cấp nền tảng về những gì bạn cần bằng cách chấp nhận và yêu quý chính mình.

Khi bạn thấy đủ, bạn không thấy bất an nữa, bởi vì bạn không còn lo lắng quá mức về việc đối phương sẽ bỏ đi nữa. Dĩ nhiên, vẫn là một mất mát lớn khi người mà bạn yêu thương bỏ rơi bạn, nhưng rồi bản thân bạn sẽ ổn thôi. Bạn không hề “đơn độc” bởi vì bạn có người đồng hành tuyệt vời nhất thế giới – chính bạn. Bạn biết mình sẽ vượt qua được, sẽ hạnh phúc và làm những điều tuyệt vời, kể cả khi không có người đó bên cạnh.

Khi bạn thấy đủ, bạn không cần đối phương phải theo sát bạn mọi lúc mọi nơi bởi vì bạn thấy hạnh phúc với chính mình. Bạn cảm thấy bình thường khi để họ làm những việc riêng của mình, bởi vì bạn an tâm với mối quan hệ và cũng hoàn toàn ổn khi làm việc của mình. Bạn không cần tình yêu của họ để thấy yên tâm bởi vì bạn vốn đã yên tâm rồi.

Hai Con Người Thấy “Đủ” Đến Với Nhau

Một mối quan hệ vững bền là khi hai người thấy đủ (hoặc ít nhất cũng phải tương đối đủ) đến với nhau bởi vì họ thích bầu bạn với đối phương. Họ không đến với nhau bởi vì họ cần ai đó yêu thương họ mọi lúc mọi nơi, hay bởi vì họ lúc nào cũng cần sự có ai đó bên cạnh, hay bởi vì họ cần được chứng tỏ rằng mình được yêu thương.

Nếu một người thấy đủ nhưng người kia lại thiếu thốn tình cảm, lệ thuộc, bất an… thì người thấy đủ sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ, nhưng qua thời gian dài, họ sẽ dần mệt mỏi và rồi sẽ tức giận. Nếu cả hai đều cùng cần được yêu thương và bất an như nhau thì sẽ có những trận cãi vã không ngừng về việc tại sao anh không theo sát em, tại sao hôm nay em xa cách quá vậy, tại sao em lại nói chuyện với tên đó, anh làm gì mỗi khi đi chơi với bạn bè, v.v.

Nhưng nếu cả hai đều thấy đủ, họ có thể cách xa nhau mà vẫn an tâm về người kia và vẫn vui vẻ khi ở một mình. Hai người có thể ở cùng nhau và hạnh phúc bên nhau, tận hưởng sự bầu bạn của đối phương. Họ không cần nhau, nhưng họ yêu thương nhau và quan tâm đến hạnh phúc của nhau. Họ tôn trọng nhau và tôn trọng chính mình. Họ đồng cảm với nhau và với chính mình.

Đây là mối quan hệ giữa hai người thấy đủ.

Trở Nên Biết Đủ Là Đủ

Vậy nếu bạn không phải là người thấy “đủ” và muốn trở thành như thế thì sao? Hãy hiểu rằng bạn đã có tất cả mọi thứ bạn cần để trở nên đầy đủ – bạn chỉ cần loại bỏ những cảm giác bất an và hiểu rằng mình tuyệt vời như thế nào. Bạn không cần phải cải thiện gì cả mà chỉ cần hiểu là mình vốn đã tuyệt vời rồi.

Làm thế nào để rũ bỏ cảm giác bất an? Việc này không thật sự dễ dàng, bởi vì đó là một quá trình phục hồi khá chậm, nhưng hãy bắt đầu bằng cách nhận ra những cảm giác bất an khi nó xuất hiện và rồi để nó qua đi. Hãy để ý khi bạn lo nghĩ không biết nửa kia đang làm gì, và rồi thấy mình sợ rằng người ta không yêu mình nhiều như mình nghĩ. Ý nghĩ này nói lên rằng bạn lo lắng mình chưa đủ tốt… Sau khi nhận ra điều này, hãy rủ bỏ nỗi lo đó đi. Bạn không cần nó đâu. Bạn đủ tốt.

Nếu bạn đủ tốt, nghĩa là đối phương sẽ nhận thấy điều đó và yêu thương bạn, hoặc họ không nhận ra (và vì thế không xứng đáng với bạn) và không yêu thương bạn, nhưng chẳng sao cả bởi vì bạn hoàn toàn ổn với chính mình. Bạn vẫn tốt dù là có hay không có người đó. Điều này không có nghĩa là bạn muốn họ rời bỏ bạn hay không quan tâm đến họ, mà là bạn biết rằng bạn vẫn sẽ ổn nếu họ thật sự rời xa bạn.

Biết được điều đó, bạn có thể đối mặt với bất cứ tình huống nào: dù là khi đối phương đi du lịch, vui chơi với bạn bè, đi làm về muộn, hay thậm chí là nổi giận với bạn.

Khi mối lo ngại về việc liệu bạn có đủ tốt hay không xuất hiện, hãy chú ý đến nó và từ bỏ nó. Khi mối lo về việc liệu đối phương có yêu bạn hay không phát sinh, hãy ý thức về nó và để nó qua đi. Khi nỗi sợ đối phương sẽ ve vãn người khác xuất hiện, hãy để ý và buông bỏ nó (tình huống tệ nhất: nếu đối phương lừa dối bạn thì bạn hoàn toàn có thể chia tay với họ, vì bạn vẫn ổn khi không có người đó bên cạnh).

Hãy thừa nhận những nỗi sợ hãi và lo âu và để nó qua đi. Hãy thư giãn với việc tự cảm thấy thoải mái, vui vẻ một mình, biết rằng mọi thứ lúc nào cũng tốt đẹp.

Một khi bạn đạt được cảm giác đủ này, bạn có thể quen một ai đó với tất cả sự tự tin, tình yêu thương, sự cảm thông và an tâm.

Hành động: Dành ra một phút để xem xét các mối quan hệ hiện tại hay gần đây của bạn – có thể là quan hệ tình cảm với người yêu/bạn đời, nhưng cũng có thể là với một người bạn tốt hoặc thành viên trong gia đình. Có lúc nào bạn thấy phụ thuộc, bất an, ghen tuông, thiếu niềm tin hoặc thiếu thốn tình cảm hay không? Hay bạn thấy độc lập và an tâm? Nếu bạn bất an và thiếu thốn tình cảm, vậy những nỗi sợ nào đang kìm hãm bạn? Bạn có thể từ bỏ nó không?

Tác giả: Leo Babauta

 

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *