Để trở thành một giáo viên tốt đòi hỏi phải là người có sự tường tận về tri thức lẫn kỹ năng trước khi truyền đạt cho người học.
Nhưng thực tế hiện nay cho thấy có giáo viên rất mạnh dạn dạy những điều mình chưa trải nghiệm. Sự dạy này được gọi là “dạy suông” và để lại những mặt trái cần bàn luận…
Dạy những điều chưa trải nghiệm
Khi kỹ năng sống và kỹ năng mềm bắt đầu phát triển tại Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực hiện đại trong công cuộc đổi mới thì hàng loạt giáo viên giảng dạy kỹ năng sống và kỹ năng mềm cũng bắt đầu nở rộ.
Sẽ không có gì băn khoăn hay tranh cãi nếu nguồn giáo viên này có tri thức và kỹ năng tốt. Nhưng vấn đề là không ít trong số đó không có kỹ năng lại đi dạy và hướng dẫn học viên về kỹ năng.
Đã có trường hợp giáo viên ra trường mới 2 năm đi dạy kỹ năng quản lý cảm xúc cho nhóm sinh viên cán bộ đoàn tại câu lạc bộ của đoàn trường. Do sinh viên là cán bộ đoàn nên các bạn khá hoạt bát, năng động và đôi khi đùa giỡn hơi quá.
Ảnh minh họa |
Giáo viên trong giờ học đã quên kỹ năng mình dạy là kỹ năng quản lý cảm xúc nên liên tục la hét, đập bàn để giữ im lặng và thẳng tay đuổi một cán bộ đoàn ra khỏi buổi học.
Không khí lớp học từ từ trầm lắng theo những phản ứng nóng nảy của cô giáo. Và đương nhiên, từ buổi học đó chẳng bao giờ các bạn mời cô giáo kia về thỉnh giảng môn kỹ năng cho cán bộ đoàn – hội nữa.
Cũng không quá hiếm, giáo viên hướng dẫn học sinh lắng nghe mà trong suốt buổi chẳng có một chút lắng nghe người học. Giáo viên dạy học sinh kỹ năng làm việc nhóm mà bản thân giáo viên chưa bao giờ thực hiện một công việc hay dự án theo nhóm.
Đáng nói hơn, giáo viên dạy về kỹ năng tư duy sáng tạo lại là một cô giáo tuổi sắp về hưu, cô giảng lý thuyết về sự sáng tạo, học trò ngồi gật gật đầu mà không biết cô mình đã từng có ý tưởng gì sáng tạo và bản thân mình sẽ sáng tạo ra cái gì?
Học sinh không có một tấm gương để được phản chiếu. Cuối cùng các em học kỹ năng mà không có kỹ năng, cũng gom về một nhóm lý thuyết mơ mơ hồ hồ làm căng thẳng thêm sau hàng loạt sự căng thẳng do việc học hành chính quy mang lại.
Thực tế việc dạy kỹ năng đòi hỏi nhiều giáo viên, nhiều huấn luyện viên phải có sự trải nghiệm thực tế và sự rèn luyện lâu dài để bản thân thẩm thấu và thể hiện được kỹ năng đó trong chính công việc và cuộc sống bản thân.
Dạy kỹ năng đồng nghĩa với việc người dạy phải biểu diễn kỹ năng ấy trên bục giảng để học viên nhìn thấy, quan sát và học ngay qua hình mẫu của giáo viên.
Nhưng khá nhiều giáo viên chưa chịu khó rèn luyện và do sự vội vã vì mưu sinh nên làm liều, nhận dạy cả những điều mình chưa trải nghiệm hay điều lần đầu tiên mình tiếp xúc. Chúng tôi có dịp mở lớp dạy Giáo dục kỹ năng sống cho người làm huấn luyện mới thấy nhiều việc tréo ngoe…
Nhiều giảng viên, chuyên gia huấn luyện khi tham gia vẫn chưa hình dung được mô hình kỹ năng của một kỹ năng cụ thể là gì, các bước hình thành kỹ năng, thao tác hình thành kỹ năng ấy… Cụ thể hơn, việc thiết kế các bài tập để phục vụ rèn luyện kỹ năng ấy đối với họ như hái sao trên trời thì có lẽ vấn đề dạy hay huấn luyện kỹ năng sống chỉ được thực hiện theo kiểu “anh hùng chém gió”…
Lương tâm nghề nghiệp hay cần câu cơm?
Theo phản ứng tâm lý cá nhân, cá nhân không thể tự tin khi nói ra những điều mình không biết, không rõ hay chưa bao giờ thực hiện. Chính vì vậy, chưa trải nghiệm khiến người dạy lúng túng, bối rối, nhất là khi gặp phải những thắc mắc, phản hồi của học sinh.
Sự hồi đáp hay lý giải không thuyết phục, những ví dụ không rõ ràng, thực tế khiến người học nhìn nhận sai về môn kỹ năng sống, kỹ năng mềm. Giảng dạy kỹ năng còn có nhiệm vụ khơi dậy tiềm năng, khuyến khích sự tự tin, năng động của người học.
Khi giáo viên không khéo léo làm tốt điều này sẽ khiến người học thất vọng về bản thân mình. Việc giảng dạy kỹ năng đã không mang hiệu quả tích cực mà còn dẫn đến phản ứng tiêu cực.
Việc dạy kỹ năng hay huấn luyện kỹ năng đòi hỏi phải hiểu lý luận, có kỹ năng và hơn hết là có sự trải nghiệm. Và sự trải nghiệm sẽ làm hệ thống lý luận thêm sâu sắc và tinh tế hơn.
Sự trải nghiệm sẽ giúp người dạy dần hình thành và phát triển ở bản thân mình những thao tác phù hợp để dần hoàn thiện kỹ năng trong đa chiều tình huống khác nhau. Sự trải nghiệm thực chất là hòa mình vào trong thực tiễn đời sống và thực hiện những kỹ năng mình đảm trách giảng dạy ngay trong cuộc sống và công việc của mình.
Sự trải nghiệm còn bao hàm cả việc tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi những cá nhân khác có sự biểu hiện kỹ năng tốt hơn mình. Sự trải nghiệm là đương đầu với thất bại và đúc kết kinh nghiệm dựa trên kỹ năng cần có để giải quyết vấn đề.
Sự trải nghiệm sẽ không tự đến mà cá nhân phải chủ động tìm đến nó bằng tinh thần học hỏi, hoàn thiện tri thức – kỹ năng cùng cái tâm của một người mong muốn đem đến cho người học sự chính xác và những tri thức có giá trị nhất một cách không lãng phí thời gian, tiền bạc và chất xám… Vì vậy, trải nghiệm cũng cần tâm.
Rõ ràng lương tâm không cho phép nói những điều mà chính mình chưa biết rõ vì không trải nghiệm. Dù cho trải nghiệm thực tế hay trải nghiệm mô phỏng (chưa hẳn là phải làm 100%) thì yêu cầu này vẫn thực sự cần thiết.
Còn nghề nghiệp ư? Lại càng không cho phép bạn dễ dãi với chính mình khi bạn cho đó là công việc hay nghề nghiệp. Cái rát bỏng của nhu cầu không thể xóa nhòa những quy chuẩn của con người, của đạo đức nghề nghiệp hay của chính sự tự trọng nghề nghiệp; nói những điều chưa biết rõ, làm những điều chưa dám làm, thực hiện những điều mình chưa tin.
Trải nghiệm sẽ giúp cá nhân hoàn thiện mình hơn và khiến mình cảm thấy hạnh phúc hơn. Với nghề dạy học, dù dạy bất cứ môn học nào và nhất là những môn kỹ năng thì cần lắm sự trải nghiệm. Điều này khiến người dạy lẫn người học cảm thấy có giá trị trong giờ học và mỗi giờ học đều mang lại những giá trị đích thực cho cuộc sống và nghề nghiệp của mỗi cá nhân: giáo viên lẫn học viên!
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn