ĐI TÌM CHÂN DUNG THẾ GIỚI TEEN NĂNG ĐỘNG

lamviecvuiCó thể nói ngay lúc này đây trong cuộc sống, tuổi trẻ Việt Nam có thật nhiều cơ hội. Khi nền văn hóa toàn cầu của như thế giới phẳng đã san lấp được những hố ngăn của tri thức, của  ngôn ngữ, của sức khỏe. Đó là lúc những bạn trẻ phải tự tích lũy những tri thức khoa học, trang bị cho mình những sức sống mới để có thể vương đến những đỉnh cao nghề nghiệp, cuộc sống. Những sức mạnh ngoại lực có thể được vũ trang bằng những biện pháp khác nhau nhưng một trong những yếu tố thuộc sức mạnh nội lực không thể thiếu đó  chính là: sự tự tin. Đây quả là một thử thách không nhỏ trong bức chân dung của tuổi trẻ.

TỪ THỰC TẾ

Trong khá nhiều lần trò chuyện cùng với các bạn học sinh – sinh viên, một thực nghiệm tâm lý được chúng tôi áp dụng: “Ai là người không tự tin, hãy đưa tay lên thật nhanh nào!”. Kết quả thật thú vị khi có đến hơn 70% bạn trẻ tình nguyện thể hiện sự thiếu tự tin của mình một cách quá nhanh chóng. Liệu đó có phải là sự thật? Đó có phải là lúc bạn quá khắt khe hay huyễn hoặc khi đánh giá về mình?

Không những thế mà còn thật nhiều, thật nhiều những yếu tố trong chân dung của các bạn trẻ ngày nay có phần chưa thật năng động. Lẽ đương nhiên, những thực tế cuộc sống cho thấy cũng khá nhiều bạn rất trẻ đã biết vượt lên cuộc sống để nuôi dưỡng những ước mơ – hoài bão của chính mình. Tâm lý thụ động là một trong những rào cản khá quan trọng làm cho các bạn ít thể hiện mình trong cuộc sống. Ngay trong môi trường giảng đường, khi khát khao được cùng thầy cô giáo tranh luận nhưng có bất kỳ đề tài nào được tung ra thì không phải ai cũng có thể mạnh dạn phát biểu. Thậm chí một số sinh viên biết chắc rằng ý kiến mình hợp lý nhất và chính xác nhất, vẫn không dám thể hiện và trình bày. Có một thực tế rất nghịch lý là giữa kỳ vọng thể hiện mình, học tập tích cực và chủ động với việc tổ chức của giáo viên – giảng viên có một độ chênh nhất định. Không ít sinh viên đã không dám nghĩ khác, làm khác với những “mô tuýp” được hướng dẫn và kết quả cho thấy tính chủ động và sự tự tin khó có thể thoát khỏi “vỏ trứng” của nó…

Minh A- sinh viên năm thứ ba tâm sự: “không biết vì sao khi mình biết rằng ý kiến của các bạn chưa đúng nhưng mình rất ngại phải đứng dậy để trình bày… mình cũng không thực sự tin chắc ở mình dù rằng mình biết ý kiến mình hợp lý”. Tâm lý rụt rè, e ngại của Minh A không chỉ duy nhất mà đấy là nét tâm lý khá phổ biến của một số học sinh – sinh viên trong môi trường học đường hiện nay. Không dám phát biểu hay trình bày chính kiến của mình, không dám nghĩ ngược lại hay phản biện những điều mình tiếp thu được, không có thói quen lật ngược vấn đề hay đặt câu hòi, không nỗ lực khám phá những cái mới trong kiến thức… là những yếu tố khá dễ định hình. Đấy cũng là một xu hướng bình thường trong tâm lý của giới trẻ khi chưa thực sự có một thói quen “tự lập” đúng nghĩa. Khuynh hướng ở độ tuổi từ 15 đến 25 thường đánh giá rất cao về chính mình nhưng cũng tự hạ thấp chính mình một cách quá mức là vậy. Việc chưa tự đánh giá về chính mình một cách khách quan và chính xác sẽ dễ dẫn đến nhưng thói quen tự ti trong học tập và cả trong cuộc sống.

Nếu như sự kỳ vọng về một giới trẻ có ước vọng, có đam mê là một kỳ vọng hoàn toàn hợp lý thì thực tế cho thấy những suy nghĩ của các bạn trẻ theo khuynh hướng này chưa phải phổ biến. Tự thể hiện mình một cách tối đa và dám nghĩ, dám làm cũng như chịu trách nhiệm cũng là một thử thách khá lớn mà nhiều thanh niên trẻ ngày nay cũng chưa vượt qua. Khi nhận những nhiệm vụ mới hay khi gặp những khó khăn, rất ít bạn trẻ thể hiện sự năng động cũng như tính kiên trì của mình. Ngay trong một nhóm sinh viên khá ưu tú của các trường Đại học mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, khi gửi trao đến các bạn cơ hội trở thành MC của một chương trình truyền hình hoặc diễn viên của một bộ phim  thì gần như các bạn không tích cực tham gia. Không phải không có khả năng, càng không phải hoàn toàn không thích thú, cũng không phải cho rằng mình không làm được nhưng rất nhiều bạn sợ rằng mình sẽ thất bại. Có một chân lý cuộc sống rất giản đơn là nếu chưa quyết liệt thực hiện sao biết mình không thể. Nếu chưa hết lòng vượt qua và thử sức sao cho rằng mình sẽ thất bại? Nếu không tận dụng những gì đang có sao lại vội vàng hối hận đến mức tự giận hờn và trách cứ chính mình??? Thực tế muôn mặt và đầy thách thức của cuộc sống cũng đã đem đến cho các bạn trẻ nhiều cơ hội nhưng vấn đề còn lại là khả năng nắm bắt của mỗi người để dẫn đến sự thành công hay không. Không chỉ ở giảng đường mà ngay trong môi trường sống thực tế, những đam mê riêng cần phải được thực hiện. Những khát vọng về nghề nghiệp, những dự án về sở thích – ước mơ không nên được đặt dấu ba chấm quá lâu để đam mê cứ bị đẩy lùi vào quá khứ

ĐẾN NGUYÊN NHÂN

Không thể trách những người trẻ khi việc thúc đẩy sự tự tin hay nuôi dưỡng độ tin cậy cho các bạn chưa được quan tâm một cách đúng nghĩa. Một trong những kỹ năng sống khá quan trọng không chỉ rèn luyện cho vị thành niên mà ngay cả thanh niên và những người trưởng thành khác là nuôi dưỡng sự tự tin. Không thể trách giới trẻ khi việc tự đánh giá của các bạn diễn ra như một quy luật rất khách quan. Mặt khác, việc giáo dục một thế hệ trẻ năng động chưa được quan tâm một cách đúng mức…

Nhiều lần phỏng vấn thì nhiều người vẫn cho rằng thanh niên chưa thực sự có kinh nghiệm. Thế nhưng nếu không có cơ hội thể hiện mình thì làm sao lại có kinh nghiệm. Không quá nhiều thầy cô tin tưởng sinh viên mình bằng cách giao cho sinh viên quản lý những dự án học tập nho nhỏ hoặc tự tổ chức tất cả những hoạt động học tập. Không những thế, ngay cả trong cách quan hệ, một số thầy cô vẫn khó có thể mở lòng chấp nhận khi sinh viên xưng bằng tôi. Sinh viên có những dự án hoặc những đề tài nghiên cứu nho nhỏ vẫn được giáo viên chăm sóc quá kỹ lưỡng từ khâu mở đầu đến khâu kết thúc mà chữ nghĩa và văn phong cũng như kết quả nghiên cứu đã được “thay hình đổi bóng” khá nhiều đậm dấu ấn của thầy cô…

Mặt khác, thế hệ trẻ ngày nay được sinh ra và lớn lên trong một điều kiện khá đầy đủ. Chính vì vậy, không ít bậc cha mẹ đã luôn luôn “sát cánh” bên con mình một cách quá đáng. Không tạo điều kiện cho thử sức, không buông lỏng dù chỉ tương đối để trải nghiệm trong cuộc sống … nên dễ dẫn đến những thói quen bất an trong tâm lý. Không dám đối mặt, sợ phải gặp khó khăn, dễ nghĩ đến thất bại, quen bỏ chạy… là những kết quả khá tất nhiên.  Bên cạnh những cơ hội liên tục đến thì không ít bậc cha mẹ cũng kỳ vọng một cách quá mức đối với con cái mình cũng tạo ra những mâu thuẫn nội tâm khá đặc biệt. Một mặt thì cũng muốn phấn đấu cho cha mẹ vừa lòng, một mặt thì cảm thấy chuẩn phấn đấu quá cao nên cảm thấy ngán ngẩm. Thế là mất tự tin, thế là cảm giác cần có sự an toàn xuất hiện phần nào làm cho thái độ tích cực, tự tin cũng như tâm lý đối mặt với thực tế dám nghĩ – dám làm dần trở nên xa lạ.

Cũng không thể không đề cập đến những yếu tố quan trọng như cách nhìn nhận của dư luận xã hội về khái niệm “trẻ”, về tâm lý của giới trẻ… Mặt khác, đó còn là những chương trình giáo dục giá trị sống của sự tự tin, những phong trào mang sức mạnh tổng hợp nâng cao giá trị của độ tin cậy, đẩy lùi thói quen “ngồi ỳ, đồng ý” của giới trẻ bắt đầu được quan tâm nhưng chưa phải là phổ biến và sắc nét cũng phần nào ảnh hưởng đến thực tế đã đề cập.

VÀ NHỮNG BIỆN PHÁP XÂY DỰNG HÌNH ẢNH

Có thể nhận thấy để vượt qua tất cả những nét tâm lý chưa thực tích cực tồn tại trong tâm lý của tuổi trẻ cũng như phát huy những yếu tố tâm lý tích cực thì việc quan tâm đến cách thức giáo dục thế hệ trẻ là điều cực kỳ quan trọng. Những việc làm rất nhỏ mang tính sơ khai ngay khi mỗi người chúng ta còn bé cũng trở thành những điều cực kỳ có giá trị. Tập cho thử sức, tập cho thực hiện những khát khao, kỳ vọng và đam mê của mình là những hạt mầm rất nhỏ để sự tự tin lớn dần trong cuộc sống…

Không thể dừng lại ở đấy, những tác động giáo dục ở gia đình cũng như nhà trường phải đi theo hướng tôn vinh sự năng động, sáng tạo, tích cực và biết chịu trách nhiệm của mỗi người. Không thể không chấp nhận những nghô nghê của lứa tuổi, không thể không chung sống với cái thiếu sâu sắc của ý nghĩ nhưng phải nhận ra đằng sau suy nghĩ ấy, ý tưởng ấy là cái gì trong cuộc sống. Đó chính là khát vọng, những suy nghĩ tích cực, một tinh thần mạnh mẽ… cần được vun đắp.

Nên cho bạn trẻ trải nghiệm. Những bài học trải nghiệm sẽ có giá trị rất đặc biệt nếu như không muốn nói trực tiếp và vô giá. Ngay cả những trải nghiệm thất bại cũng cực kỳ cần thiết vì không bài học nào có sức mạnh như vậy. Nếu bài học thành công chỉ có giá trị một đơn vị thì bài học thất bại sẽ có giá trị rất nhiều lần cũng như có sức ảnh hưởng đặc biệt trong tâm trí của những người trẻ tuổi. Có như thế thì sức mạnh tổng hợp của thế giới nội tâm mới được nâng lên, sự sẵn sàng đối đầu trong cuộc sống trở thành một phẩm chất đặc biệt với mỗi người chúng ta.

t212993

Dám nghĩ, dám làm nhưng biết chịu trách nhiệm là điều cũng cần thực hiện. Không thể hiểu được những điều mới mẻ của cuộc sống khi những người trẻ không có cơ hội cho những ước mơ chấp cánh. Chỉ khi những thử thách trong cuộc sống biến thành một sự thật thì người đối mặt mới cảm nhận được giá trị của chính mình, chỉ khi những ý tưởng được thực thi thì giá trị của nó mới trở thành  những hạnh phúc thực sự. Tất cả những phẩm chất như sự dũng cảm, lòng can đảm hay ý chí, sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm sẽ được xem như những giá trị thiết thực nhất tồn tại sâu thẳm trong tâm khảm của mỗi bạn trẻ để trở thành những hành trang quý nhất cho chính mình trong quá trình chinh phục cuộc sống.

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

Ảnh: Sưu tầm

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *