DOANH NHÂN VÀ LỐI SỐNG

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

PGS. TS Huỳnh Văn Sơn

Ở nước ta, doanh nhân là một “sản phẩm” đặc biệt và là một thành quả của công cuộc đổi mới, trở thành một tầng lớp xã hội mới đã được định vị. Với những đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế, có sứ mạng ngày càng vẻ vang trong việc xây dựng đất nước được xã hội ngày càng tin cậy và gửi gắm. Tuy nhiên, với những câu chuyện thực và hư về lối sống doanh nhân ngày nay trong việc tiêu xài lãng phí, chối bỏ trách nhiệm với cộng đồng xã hội thì liệu niềm tin cậy và sự gửi gắm ấy có được vững bền trong lòng xã hội?

Doanh nhân là người làm chủ, quản lý hoạt động của doanh nghiệp. Khi nghĩ đến khái niệm doanh nhân hầu như trong một suy nghĩ hiển nhiên của mỗi người thì chắc hẳn đó là người giàu có. Đã gọi là doanh nhân thì phải có đẳng cấp và sự khác biệt riêng, đẳng cấp không chỉ thể hiện qua tài năng, bản lĩnh, sự quyết đoán trên thương trường mà còn ở lối sống, cách tận hưởng cuộc sống, cao cấp tinh tế và sang trọng. Đây có lẽ là lối tư duy không hiếm đang tồn tại ở một số “đại gia xài sang”. Không ai có thể quá khắc khe với việc giàu có thì không được tiêu xài, đó là nhu cầu cơ bản, sự tận hưởng cơ bản và xứng đáng với những công sức và tâm huyết họ đã bỏ ra. Nhưng đôi lúc sự vung tay quá trán đặt trong sự tương phản trước những số phận, hoàn cảnh còn quá cơ cực, nghèo khó trên khắp mọi miền đất nước thì liệu lối sống ấy có được gọi là “văn hoá”. Bởi thuật ngữ “văn hoá doanh nhân” không còn là một khái niệm xa lạ trong lĩnh vực kinh tế. Văn hoá của họ không chỉ thể hiện qua hoạt động kinh doanh, ứng xử kinh doanh mà còn thể hiện ở lối sống trong sạch, lành mạnh, kiên quyết chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí. Có lãng phí hay không khi bỏ ra hàng chục tỷ đồng để tổ chức đám cưới cho con? Có trong sạch hay không khi dàn siêu xe lướt qua trong nước mắt của những người nông dân còn bị thiếu nợ bởi những người được gọi là “doanh nhân – đại gia”? Nhận định như thế phải chăng là sự thiên vị, giàu thì sẽ bị soi mói và bị ghét… Nhưng thực tế, nhiều câu chuyện khiến ta không ít trăn trở để đặt câu hỏi về câu nói “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ” liệu có phải luôn luôn đúng?

Anh Hùng xuất thân từ một tài xế lái xe nhưng nhờ sự giúp đỡ của người thân anh dần mua được xe riêng chạy chuyến Bắc Nam. Sau một thời gian, nhờ biết kinh doanh và hợp tác, anh làm chủ tịch hội đồng quản trị của hệ thống xe chất lượng cao. Công việc làm ăn ngày càng phát đạt nên anh đầu tư vào bất động sản và sóng cứ “lên” cao… Anh trở thành đại gia của vài ba lĩnh vực: giao thông, bất động sản và cả du lịch… Ngày xưa, anh được bạn bè yêu mến và nể phục vì dù cuộc sống phức tạp nhưng anh lúc nào cũng gói gém dành dụm nuôi con, chung thuỷ với vợ. Nhưng hiện giờ, nhắc đến tên anh là nhận lại những cái lắc đầu và thở dài từ bạn bè và vợ con. Bạn bè của anh giờ phải làm thuê cho anh, ngày xưa có thể ngồi nhậu nhẹt, hàn huyên chuyện đời nhưng nay khoảng cách được anh xác lập rõ ràng: Cậu chỉ là lính làm thuê cho tớ! Đau lòng hơn cả là người vợ, suốt thời thanh xuân tần tảo vì gia đình để chồng ngược xuôi Bắc Nam. Tưởng khi được làm bà chủ thì sống trong cảnh hạnh phúc và ấm êm. Nhưng vật chất không thể nào mua được hạnh phúc và bình yên khi mà sự chung thuỷ không còn tồn tại, những cô gái trẻ lướt qua đời chồng như những mũi tên xoáy sâu vào tim chị. Chị âm thầm về nhà ba mẹ ruột sống, hai đứa con đã lớn chị để chúng tự quyết định tương lai.

Trường hợp anh Quân, cũng là giám đốc của một công ty gỗ, cũng từ nghèo khó lên nhưng khi anh thành đạt thì suốt ngày chỉ tụ tập bạn bè, đốt tiền ở Casino Đồ Sơn, trong khi họ hàng bên ba và mẹ vẫn còn nhiều khó khăn. Khi mẹ bảo giúp đỡ họ hàng, anh khự nự chống trả, bảo có làm thì mới có ăn, mẹ anh lẳng lặng buồn thiu. Khi anh bị phá sản và vươn nợ từ bài bạc, mẹ anh đỗ bệnh nặng không tiền chữa trị, họ hàng đến thăm và tặng tiền. Anh thấy mình không còn mặt mũi nào để mà ngẩng mặt nhìn họ…

Tại sao lại như thế? Tại sao con người có thể thay đổi lối sống, nhân cách khi họ được chuyển biến về mặt đời sống cao hơn. Phân tích dưới góc độ tâm lý, nhu cầu về ăn, mặc, ở, vật chất là những nhu cầu cơ bản của con người. Nhu cầu cao nhất của con người là nhu cầu được khẳng định bản thân mình trong cuộc sống. Khi các nhu cầu cơ bản được thoả mãn ở mức độ cao thì nhu cầu khẳng định bản thân càng sẽ được thôi thúc phát triển thể hiện cao hơn. Tuy nhiên, nếu con người không có sự định hướng đúng đắn về chân giá trị hay nhìn nhận cuộc sống bởi những yếu tố phi tinh thần thì họ sẽ khẳng định mình bằng những thướt đo không phù hợp. Lúc ấy, tiền là tất cả, tiền và những thứ xa hoa bên cạnh là thước đo cho sự thành đạt và vị trí của doanh nhân trên thương trường cũng như ngoài xã hội.

Nhưng không thể “vơ đũa cả nắm”, bởi trong thực tế xã hội hiện nay còn nhiều lắm những tấm gương doanh nhân với lối sống trong sạch, lành mạnh, biết công hiến và hết mình vì xã hội, lấy niềm vui chung làm niềm vui riêng, làm hạnh phúc riêng của mình. Xin đơn cử ở đây là trường hợp của bà chủ của những cửa hiệu kim chỉ, gây dựng từ mặt hàng bé nhỏ này giúp chị có được cuộc sống xum túp và ấm êm bên gia đình. Tuy không hẳn là xuất thân từ hoàn cảnh quá nghèo khó, được nuôi dưỡng trong truyền thống gia đình buôn bán nhỏ ở chợ, hàng ngày nhìn thấy những đứa trẻ lam lũ bán vé số dạo, ra chợ phụ bán cùng ba mẹ khiến chị mang nhiều trăn trở và thương cảm trong lòng. Khi sự nghiệp bắt đầu phát triển và đời sống dư giả, chị luôn góp một số tiền lớn để làm học bổng cho những cháu là con của các chị em buôn bán nghèo khó ngoài chợ. Chị bảo trợ một số cháu mồ côi ba hoặc mẹ được tiếp tục học hành và tham gia vào rất nhiều chương trình từ thiện, chương trình cộng đồng nhưng chẳng bao giờ chi mang thương hiệu hay danh tiếng của mình ra. Chị tâm sự: “Ngoài những trách nhiệm được quy định bởi luật pháp thì còn có những trách nhiệm tinh thần đối với xã hội mà bản thân doanh nhân – doanh nghiệp tự nguyện thực hiện theo truyền thống “lá lành đùm lá rách”, đó là điều rất bình thường. Biết bao nhiêu tỷ phú trên thế giới cống hiến hết mình cho cộng đồng mà, chuyện mình làm chỉ là chút xiu thôi.” Nói xong, chị cười giòn tan và không quên dặn dò là đừng nêu tên chị trong bài báo. Tiền bạc có thể tạo ra giá trị hay chỉ có chính con người mới tạo ra được giá trị cho bản thân mình? Chắc hẳn những trường hợp doanh nhân như thế này sẽ đem lại một câu trả lời sắc nét, tiền bạc tự nó không có giá trị nhưng cách con người sử dụng nó như thế nào sẽ mang lại những ý nghĩa về mặt giá trị khác nhau.

“Đẳng cấp” của một cá nhân không thể được đo đạt trên sự phù phiếm bề ngoài mà nó phải được tạo dựng trên nền tảng đạo đức, gắn với những chuẩn mực phù hợp với giá trị mà xã hội đặt ra. Thước đo thành đạt của mỗi cá nhân cũng không thể căn cứ vào tiếng tăm mà dựa trên những lợi ích mà họ mang lại cho cộng đồng và xã hội. Con người sống chứ không tồn tại, chữ “sống” mang ý nghĩa nhân văn, mang ý nghĩa chân – thiện – mỹ mà mỗi con người luôn vươn tới để hoàn thiện cả ba chữ đó. Hơn thế nữa, donah nhân vẫn là con người bình thường, vẫn là gương soi của chính con mình, vẫn là nguồn động viên cực kỳ quan trọng giúp con cái trưởng thành, vào đời, hướng thiện và nên người… Những sự đầu tư về hình ảnh, những sự đầu tư về vẻ hào nhoáng hay những phi vụ gõ trống khuya chiêng để người ta biết mình dẫu có những cái lý của nó nhưng chau7 hẳn là phù hợp… Doanh nhân có quyền hưởng thụ và chọn lối sống cho riêng mình, nhưng lối sống trong đó có từ “sống” mang ý nghĩa thế nào thì luôn phải là một sự cân nhắc…

PGS. TS HUỲNH VĂN SƠN

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *