Cuộc sống thật áp lực giữa guồng quay liên tục đã gây nên không ít những áp lực trong cuộc đời của mỗi người. Có những áp lực con người có thể kiểm soát được cũng như vượt qua được nhưng cũng có những áp lực con người khó hoặc không thể thể kiểm soát được khi sức mình có hạn.
Khi không thể “chung sống” hay kiểm soát áp lực, con người dễ dàng bị khủng hoảng. Có những kiểu khủng hoảng xảy ra như một quy luật trong lứa tuổi, nó rơi vào những giai đoạn đặc thù của đời sống con người. Đó là những “cột mốc”, những khoảng thời gian mà trong thế giới nội tâm của con người có những biến đổi rất lạ kỳ nên con người dễ dàng nảy sinh những phản ứng hẫng hụt. Mặt khác, cũng trong giai đoạn đó trước những tác động của điều kiện xung quanh, con người dễ có những suy luận, suy diễn nên sự hụt hẫng về mặt tâm lý nảy sinh và khủng hoảng tâm lý xảy ra như một hệ quả tất yếu. Khó có thể quên những giai đoạn khủng hoảng tâm lý ở tuổi lên ba, tuổi dậy thì, người cao tuổi… Thế nhưng, những khủng hoảng này xét ở một góc nhìn nào đó, không gây ra những tai hại quá nghiêm trọng cho con người. Điều căn cơ là những thành viên trong gia đình phải hiểu, thông cảm, chia sẻ…
Vỉ dụ như hình ảnh của Tuấn trở nên khác lạ so với trước đó, chỉ cần nghe bất kỳ ai đó phản ứng ý kiến nào của mình thì tóc Tuấn dựng ngược, mắt đổ hào quang và cơ thể nóng bừng bừng đến lạ kỳ. Ngay cả mẹ Tuấn cũng không tưởng tượng rằng con mình như thế. Chuyện hôm qua thật sự có gì đầu, mẹ Tuấn chỉ hỏi sau bây giờ không thấy Nhân ghé qua hở con thì Tuấn đùng đùng nổi giận. “Kệ con đó, mẹ nói làm gì… Tui không muốn bất kỳ ai nhắc cái tên ấy nhé…!” Cả nhà sửng sốt, mẹ Tuấn buồn thật buồn và hai giòng nước mắt rời đều khuôn khuôn mắt già nua… Không ai hiểu hết vì sao Tuấn như thế chỉ khi nhận ra rằng Tuấn đang bị khủng hoảng tâm lý thì đã muộn . Áp lực của công việc khi hai hợp đồng buôn tơ bị thua lỗ nặng cùng với mối tình vun vén đầy đặn 3 năm trời đã gãy đổ chỉ vì một chút sai lầm… Tuấn quyết định tự tử sau một tuần không ngủ được và không nói bất kỳ lời nào dù chỉ là lời trăn trối….
Những giai đoạn khủng hoảng có thể làm cho con người không kiềm chế được chính mình và đi đến những quyết định dại dột, sai lầm nhiều nhất vẫn xảy ra từ giai đoạn tuổi vị thành niên đến giai đoạn trung niên. Trước sự phát triển của cái tôi, trước sự đặt ra hay sự kỳ vọng quá mức của bản thân, trước những thách thức khó có thể chinh phục trong cuộc đời thì khủng hoảng cuộc đời có thể xuất hiện. Có những vấn đề rất đơn giản trong cuộc sống như bị cha mẹ la lắng, bị người quản lý phê bình thẳng thắn… thế là khủng hoảng; có những vấn đề phức tạp hơn như những thất bại trong làm ăn xảy ra liên tục, người yêu nói lời chia tay, phát hiện mọi người ít quan tâm, ít thương yêu mình… và thế là khủng hoảng. Những biểu hiện khủng hoảng thường khá đa dạng, phong phú như: bực bội liên tục, cáu gắt thường xuyên, mất niềm tin nơi người khác,., cảm thấy năng lượng mất hẳn… Hơn thế nữa, rối loạn về mặt sinh lý cũng như sự thay đổi rất đột ngột trong cung cách ứng xử, trong hành vi, thói quen là những điều khá nguy hiểm…
Ngay cả mức độ khủng hoảng cũng thật đa dạng và phong phú. Có những khủng hoảng chỉ xảy ra một cách tạm thời, có những khủng hoảng sẽ kéo thật dài, có khủng hoảng ở mức nhẹ và con người vẫn có thể tái lập lại trật tự suy nghĩ sau một thời gian khủng hoảng nhưng có những khủng hoảng con người không kiểm soát được và thế là những quyết định sai lầm nhất có thể dẫn đến…
Số liệu thống kế trên thế giới đã chứng minh rằng khủng hoảng tâm lý dường như không chừa một ai cả và những người càng nhạy cảm càng có nguy cơ bị khủng hoảng. Không những thế, ngay với những cá nhân càng tham vọng thì khủng hoảng tâm lý càng dễ trở thành người bạn đồng hành. Dù bạn là ai, dù bạn sống như thế nào nhưng nếu cuộc sống bạn không cân bằng thì chắc chắn bạn sẽ rước khủng hoảng vào lòng mình là điều đương nhiên. Nếu như mỗi cá nhân đều có thói quen chịu đựng áp lực, nếu như mỗi cá nhân đều đủ bản lĩnh để đối đầu với khó khăn, thách thức và hạn chế một cách tối đa những phản ứng tiêu cực, những hẫng hụt tâm lý phát sinh trong thế giới nội tại thì việc bị khủng hoảng sẽ phần nào được hạn chế thế nhưng thực hiện điều này phải đâu dễ dàng?
Trong những lần tham vấn cho cácc doanh nhân và những bạn trẻ lập nghiệp, tình yêu và áp lực kinh tế là những điều dễ gây ra khủng hoảng. Những mong muốn chinh phục thương trường, những khát khao mau chóng phất lên trên doanh số- doanh thu … dễ làm cho các bạn trẻ thường bị khủng hoảng. Thống kê gần đây ở nhiều nước trên thế giới cho thấy khủng hoảng tâm lý xảy ra ở giai đoạn 25 – 35 tuổi của các doanh nhân không phải ít. Cũng chính điều đó, trong năm 2007 ở việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… không ít vụ việc tự tử thảm thương xay ra khi chính những người trong cuộc đã để lại “hậu thư” rằng mình không thể kiểm soát được tình hình hiện tại nên đành phải ra đi… Nợ nần, thua lỗ, tình phụ… thiết nghĩ không phải là tất cả cũng như không phải “mất trắng” khi cuộc sống còn dài. Thế nhưng chính vì không có nguồn động viên, không người chia sẻ và đặc biệt là niềm tin đi vắng khi khủng hoảng tâm lý phát sinh đã ép buộc hành động kết thúc cuộc đời diễn ra…
Không thể chối bỏ khủng hoảng và không thể ngăn cấm khủng hoảng hay nói khác đi là không cho khủng hoảng tâm lý nảy sinh. Lẽ đương nhiên, phải phòng hơn chống cho nên không có gì khác là mỗi con người chúng ta phải nhận thức được khủng hoảng hoàn toàn có thể thăm viếng chính mình. Vậy tại sao không kiểm soát chính mình ngay từ những công việc và những thói quen nhỏ? Không gây sức ép tinh thần cho mình một cách quá đáng, biết chấp nhận những thất bại, biết xua tan đi những nỗi lo âu, biết “bóp gọn” tâm hồn u tối… bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Một trong những thói quen tâm lý rất quan trọng đó là phải biết đối diện sự thật và biết sẻ chia. Những nghiên cứu tâm lý cũng đã khẳng định rằng, nếu bạn càng sống nội tâm hoặc càng cố tình che giấu thì “cơ hội” khủng hoảng càng cao… Trong quá trình lập nghiệp, trong quá trình lập thân mỗi bạn trẻ phải nhận thức rằng cuộc sống luôn có những thách thức và nếu được đối diện với những thách thức thì không có gì phải sợ hãi. Không cuồng vọng là sẽ chinh phục thế giới, vậy tại sao phải buồn bã, tại sao phải tiêu cực nhìn cuộc đời bằng những cái nhìn không tỉnh táo? Hãy tập cho mình một thói quen rất bình dị, bạn sẽ thấy mình rất vui vẻ, lạc quan và dồi giàu nghị lực để sống, làm việc và yêu thương.
HVS