Đừng là đám đông vô cảm: Bỏ ngỏ tư vấn tâm lý học đường

Hơn 90% học sinh mong muốn được chia sẻ, tư vấn về những khó khăn, vướng mắc trong học tập và đời sống hằng ngày thông qua phòng tư vấn tâm lý ở trường học

TS Hoàng Gia Trang, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, cho biết theo kết quả nghiên cứu với 3.000 học sinh (HS) ở 30 trường THCS, THPT trên địa bàn Hà Nội, 71% thừa nhận từng bị bạo lực trong trường học với các hình thức khác nhau.

Chìm vào cuộc sống ảo

Hành vi bạo lực không chỉ là đe dọa thể chất trực tiếp mà còn bao hàm cả sự dọa nạt, cô lập, sỉ nhục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm… Nhiều HS đã thông qua việc sử dụng các trang mạng xã hội có tính tương tác cao như Facebook để hình thành các nhóm bạn hoặc cùng tham gia chơi games trực tuyến rồi dùng lời lẽ khích bác, thách đố, xúc phạm nhau trên mạng. Điển hình cho loại bạo lực này là vụ việc một nữ sinh ở huyện Thạch Thất, TP Hà Nội bị bạn nam trong lớp lấy hình chân dung ghép với hình nhạy cảm khác rồi đăng lên Facebook khiến cô có hành vi tự tử.

“Chúng ta phải nhìn nhận thực tế rằng HS đang sử dụng mạng xã hội tràn lan. Cuộc sống ảo có sức hấp dẫn rất cao, cùng với sự chia sẻ, bàn luận vô biên giới khiến các bạn trẻ cảm thấy đời sống thật là thứ yếu, bổ trợ cho đời sống ảo. Điều này là thực tế mà nhà trường và các bậc phụ huynh cần sớm nhìn nhận để điều chỉnh. Các em cần được chia sẻ về nguyện vọng, sở thích, cần được khuyến khích để đạt những mục tiêu trong đời sống thật thay vì chìm vào cuộc sống ảo với mạng xã hội” – TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cảnh báo.

PGS Huỳnh Văn Sơn, Trường Đại học Sư phạm TP HCM, cho rằng xu hướng sử dụng Facebook gia tăng dẫn đến nhiều hệ lụy mà lứa tuổi vị thành niên là đối tượng cần đặc biệt quan tâm. Đối với nhiều bạn trẻ, Facebook là niềm đam mê tìm hiểu xã hội nhưng khi lạm dụng thái quá sẽ trở nên nghiện và ảnh hưởng không ít đến việc học tập. Đây là hiện tượng đáng báo động đối với toàn xã hội Việt Nam hiện nay.

Xây dựng các mối quan hệ tích cực, tạo được niềm tin để học sinh chia sẻ những khó khăn trong học tập và đời sống là cách kéo các em ra khỏi cuộc sống ảo với mạng xã hội. Ảnh: Tấn Thạnh

Điểm sáng TP HCM

Cuộc khảo sát một số trường THCS ở Bắc Ninh của thạc sĩ Phạm Thanh Bình và thạc sĩ Nguyễn Thị Mai Phương (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) mới đây cho thấy có tới 72% HS được hỏi cho biết thiếu lễ phép với thầy cô; 82,5% văng tục, chửi bậy và hơn 82% bị ảnh hưởng tiêu cực từ các trò chơi điện tử.

“Vì sao HS càng lớn càng hư? Phải chăng đời sống văn hóa, tinh thần nghèo nàn và sự thiếu quan tâm của người lớn đối với nhu cầu đó của HS khiến các em tìm đến những hình thức giải trí thiếu lành mạnh?” – thạc sĩ Mai Phương nêu vấn đề.

TS Hoàng Gia Trang cho rằng tư vấn tâm lý đóng vai trò giúp các cá nhân giải tỏa những cảm xúc tiêu cực, xây dựng những mối quan hệ tích cực. Khi các cá nhân xây dựng được niềm tin, những giá trị, lòng tự trọng, tuân thủ các chuẩn mực… thì sẽ tạo ra một môi trường lành mạnh.

“Kết quả khảo sát của Bộ Giáo dục – Đào tạo đối với một số trường THCS, THPT, ĐH ở Hà Nội và Hải Dương cho thấy hầu hết số HS, sinh viên được hỏi (93,57%) có mong muốn được chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong học tập và đời sống hằng ngày. Trong đó, HS phổ thông có vướng mắc cần được chia sẻ thường xuyên chiếm đến 80,17%. Hơn 80% HS được hỏi mong muốn nhà trường có phòng tư vấn tâm lý riêng để giúp các em giải quyết những khó khăn của mình” – TS Trang dẫn chứng.

Tuy nhiên, hoạt động tư vấn tâm lý hiện nay chưa có vị trí chính thức trong trường học. Việc tuyển dụng và tổ chức các hoạt động do trường học tự cân đối, quyết định. Trừ TP HCM tổ chức khá tốt hoạt động này với hơn 100 trường phổ thông có nhân viên tư vấn, ở các tỉnh- thành phố còn lại, công tác tư vấn tâm lý còn bị bỏ ngỏ. Ngay cả tại Hà Nội, rất ít trường tổ chức tư vấn tâm lý cho HS, nếu có thì chủ yếu là các trường dân lập.

Theo TS Trang, trong điều kiện các trường học chưa có chỉ tiêu biên chế cho nhân viên tư vấn học đường thì việc phối hợp với các lực lượng xã hội, sự tham gia của cha mẹ HS, các đoàn thể… là điều có thể thực hiện. Một giải pháp nữa là xây dựng nhóm tư vấn viên linh hoạt, hướng tới hình thành các nhóm chuyên gia, tư vấn viên gồm nhiều thành phần để hỗ trợ HS theo các cụm trường học.

Cùng tham gia Facebook với con

Hiện nay, nhiều HS đã tạo các nhóm kín (group) trên Facebook. Chỉ những người trong các nhóm này mới có thể thấy thông tin được đăng tải. Người ngoài không thể tham gia, trừ khi xin gia nhập nhóm và được chấp nhận hoặc nhóm chỉnh quyền truy cập, quyền xem thông tin thoáng hơn, người bên ngoài có thể xem được một vài thông tin đăng tải trong nhóm. Đó là quy định chung của Facebook.

“Phụ huynh nên quan tâm, gần gũi con em mình nhiều hơn, thường xuyên lên Facebook trao đổi thông tin với các em như một người bạn. Khi được tin tưởng, tôn trọng, các em sẽ chia sẻ cho cha mẹ, người thân những thông tin mà mình đăng tải hay nhìn thấy trong các nhóm kín. Nếu được, phụ huynh cố gắng “vận động” các em cho phép vào xem thông tin trong nhóm thì càng tốt. Tuyệt đối không “lén” sử dụng máy tính của các em để vào nhóm này xem thông tin vì nếu biết được, trẻ càng giấu kỹ hơn nữa. Đó là xu hướng của giới trẻ hiện nay” – ông Lê Thành Nhân, chuyên gia an ninh mạng tại Trung tâm Đào tạo an ninh mạng ATHENA TP HCM, lưu ý.

Ch.Trung

Yến Anh

About the Author: admin

You might like

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *