“Đừng phân trần – bạn bè bạn không cần nó, và kẻ thù của bạn đằng nào cũng sẽ chẳng tin.” –Elbert Hubbard
Tác giả: Brett & Kate McKay
Đừng than phiền; đừng giải thích.
Câu cách ngôn ngắn gọn đầy súc tích này lần đầu tiên được phát biểu bởi vị thủ tướng nước Anh Benjamin Disraeli, và sau này được thừa nhận như là một phương châm sống bởi rất nhiều những người Anh có địa vị cao khác – từ các thành viên hoàng gia, cho tới các đô đốc hải quân, hay những vị thủ tướng đồng nghiệp như Stanley Baldwin và Winston Churchill. Câu châm ngôn này đã tóm lược đầy đủ cái phẩm chất không hề biết nao núng của thời kỳ Victoria, nhưng với sự thông thái vượt thời gian mà câu danh ngôn này chứa đựng đã khiến cho nó trở thành một câu thần chú đưa đường chỉ lối về sức mạnh, sự tự tin, và tự hào trách nhiệm cho mọi người trong cuộc sống hiện đại.
Từ “đừng” ở đây dĩ nhiên không hề mang ý nghĩa châm biếm và không áp dụng cho mọi tình huống, và ngay cả khi chúng cần được tuân theo, thì cũng thật khó để có thể tuân thủ nó một cách toàn diện! Nhưng hiểu rõ việc khi nào, ở đâu, và tại sao lại áp dụng câu châm ngôn này sẽ mang lại lợi ích vô cùng to lớn trong việc trở thành một con người tự lực và biết tự khẳng định mình.
Đó là một câu nói chỉ với sáu từ nhưng lại chứa đựng nhiều chân lý và những tầng lớp ý nghĩa khác nhau. Nên ta hãy thử phân tích chúng, bắt đầu từ dưới lên – “đừng giải thích.”
Đừng Giải Thích
“Đừng phân trần – bạn bè bạn không cần nó, và kẻ thù của bạn đằng nào cũng sẽ chẳng tin.” –Elbert Hubbard
Khi Winston Churchill vẫn còn là một chàng sĩ quan nghèo, ông luôn tìm kiếm cơ hội để được ra tiền tuyến và được trực tiếp kinh qua chiến trận. Với sự kiên trì bền bỉ, ông đã có được một vị trí trên mặt trận với tư cách là phụ tá riêng của Sir William Lockhart, người giám sát các chiến dịch của quân đội Anh ở vùng đất của đất nước Pakistan hiện nay. Lúc mới đầu khi Churchill gia nhập vào ban tham mưu của viên tướng, ông “hành xử và được đối xử phù hợp với địa vị của một người trẻ tuổi và thuộc cấp.” Nhưng rồi một ngày nọ ông nhìn thấy cơ hội để đưa ra lời tham vấn sẽ giúp ông tiến vào “nhóm quân sư tâm phúc” và “được đối xử như người trưởng thành vậy.”
Churchill biết được rằng vị tướng và những người trong ban tham mưu của ông cảm thấy bị tổn thương và tức giận khi nghe được tin tức một phóng viên vừa bị điều trở về nhà từ doanh trại của họ đã viết một bài báo chỉ trích một trong những chiến dịch gần đây của họ. Các sĩ quan khó chịu vì họ cảm thấy bị buộc tội thiếu công bằng, và viên Tham mưu trưởng đã thảo một tờ công văn vô cùng chi tiết nhằm bác bỏ lời buộc tội đó và định gửi tới tờ báo kia. Khi đó Churchill đã lên tiếng phát biểu ý kiến và cố gắng thuyết phục ban tham mưu rằng động thái như vậy là một ý kiến tồi, và rằng một bài báo như vậy chắc chắn không thể qua được khâu kiểm duyệt:
“Tôi nói rằng thật không đáng và không phù hợp một chút nào khi mà một sĩ quan cao cấp của Ban tham mưu Quân đội nơi Chiến trường lại lao vào một trận bút chiến trên báo chí về việc chỉ đạo chiến dịch với một phóng viên chiến tranh đã bị thải hồi; rằng tôi tin là Chính phủ sẽ rất ngạc nhiên, và Bộ Chiến tranh (nay là Bộ Quốc phòng) sẽ vô cùng tức giận; rằng Ban Tham mưu Lục quân được kỳ vọng sẽ dành sự biện hộ này lại cho cấp trên của mình hay các nhà chính trị; và cho dù cuộc tranh luận này có hay ho đến đâu đi chăng nữa, thì riêng cái việc chưng nó ra khắp mọi nơi như thế sẽ là một biểu hiện của sự yếu đuối.”
Trong chuyện này, và cũng như trong nhiều việc khác, Churchill đã tỏ ra là người biết nhìn xa trông rộng và khôn ngoan. Đưa ra những lời phân trần thực ra lại là biểu hiện của sự yếu đuối, vì nhiều lý do:
Phân trần chính là trao sức mạnh cho người khác. Khi có một ai đó chỉ trích hay xúc phạm đến bạn, khó chịu trước điều bạn đã làm hay đã nói, hay nghi ngờ về những quyết định của bạn và việc tại sao bạn lại lựa chọn làm điều nào đó theo một cách nhất định nào đó, thì việc bạn muốn phân trần rằng tại sao bạn lại cho rằng họ sai là hoàn toàn tự nhiên – đặc biệt là khi người đó động chạm tới sự chính trực và danh dự của bạn. Và thực ra một số hành vi phản ứng là hoàn toàn chấp nhận được.
Nếu đó là người mà bạn biết và tôn trọng ngang hàng – một ai đó mà bạn xem như là thuộc về “vòng tròn danh dự” của bạn – và nếu như họ phát biểu một điều gì đó thật thông thái và thú vị, thì có lẽ bạn sẽ muốn tự giải thích để đi tới một cuộc thảo luận sâu xa hơn.
Nếu như người đó là cấp trên của bạn hoặc là một vị khách hàng, bạn có thể sẽ cần phải đưa ra một lời giải thích để giữ lấy công việc hay cơ hội kinh doanh của mình.
Và nếu như đó là người mà bạn quan tâm – chẳng hạn như là người yêu hay một người bạn – và các bạn đã hoàn toàn hiểu sai ý nhau, thì có thể bạn sẽ muốn được tự giải thích trong nỗ lực cứu vãn mối quan hệ này.
Nhưng, nếu bên chỉ trích/xúc phạm/hoài nghi bạn là một ai đó mà bản thân bạn không biết rõ (như là một người lạ trên mạng hay là cộng đồng nói chung), không quan tâm tới, và/hoặc không tôn trọng ngang hàng – một ai đó mà đáng lý ra không nên có những lời lẽ về hay sự áp đặt lên những lựa chọn của bạn – thì việc bỏ ra thời gian để mà giảng giải cho họ hiểu vì sao họ lại sai, hay tại sao bạn lại đưa ra cái quyết định mà bạn đã thực hiện, thật là khờ dại quá.
Khi cứ bận tâm đến suy nghĩ của người mà không nằm trong số những người bạn tôn trọng, thì có nghĩa là bạn đang cho phép bản thân mình bị kéo xuống ngang tầm với người đó.
Tự mình phân trần về bản chất là một nỗ lực nhằm để có được sự thừa nhận của người khác. Nó cho thấy rằng bạn cảm thấy bị tổn thương khi sự thừa nhận ấy bị mất đi, và mong mỏi được nhận lại nó. Khi bạn thể hiện rằng bạn bận tâm tới một ý kiến mà bạn, và bất kỳ một người ngoài cuộc nào, biết là không nên như vậy, thì bạn đang tỏ ra yếu đuối. Chịu thua trong cuộc chiến giữa việc cố gắng phớt lờ chúng và khao khát được đáp trả, có nghĩa là bạn đang chứng tỏ sự thất bại của mình trong việc kiểm soát bản thân.
Hơn thế nữa, khi một kẻ ngớ ngẩn khiêu khích sự đáp trả từ bạn, tức là bạn đang công nhận tầm quan trọng của anh ta đấy. Anh ta khiến bạn phải làm điều gì đó đi ngược lại so với khả năng nhìn nhận vốn dĩ sáng suốt hơn thế này của bạn. Bạn đã trao cho anh ta hai thứ tài sản quý giá nhất của bản thân – thời gian và sự chú ý của bạn. Bạn đã đi từ thế tấn công sang thế phòng thủ. Và địa vị của anh ta đi lên trong khi bạn đi xuống.
Mọi người – cho dù đó là những vị khách hàng đang tức giận một cách vô lý, những thành viên gia đình không mấy thân thiết, hoặc là một nửa kia có thói quen thích kiểm soát – sẽ luôn đòi hỏi sự giải thích từ bạn cho những điều mà bạn làm. Họ sẽ nói rằng bạn là đồ bỏ đi nếu như bạn không đưa ra được lấy một lời giải thích. Nhưng đây quả thật là thủ đoạn thông minh nhất! Bằng việc nhắm vào niềm kiêu hãnh của bạn, họ sẽ khiến bạn phải từ bỏ quyền lực của mình.
Dĩ nhiên là việc kiềm chế bản thân sao cho không xù lông nhím trước lời khích bác của ai đó, thì bao giờ nói cũng dễ hơn là làm. Giống như khi một người cứ cố tình liên tục bàn luận các bài viết của tôi, ngày này qua ngày khác, tôi nhận thấy tôi có thể hoàn toàn bỏ qua đến 98% những lời bàn tán đó. 2% còn lại là khi có ai đó nói điều gì động đến danh dự của tôi (ngay cả khi tôi biết rõ là họ không nằm trong nhóm người mình tôn trọng), hoặc là khi họ có vẻ như là một anh bạn có thể cùng tôi tranh luận vui vẻ vô tư thì đấy là lúc tôi chết chắc.
Khi một ai đó rõ ràng là đang hành xử một cách vô cùng dở hơi, thì việc xem họ như không tồn tại thật là đơn giản. Và khi mà có ai đó có lời chỉ trích thật thông minh, thì việc tham gia cùng với họ có thể sẽ thực sự thú vị và hữu ích. Chỉ có những người bóp méo sự thật về con người bạn/những việc bạn làm/những điều bạn nói, nghe qua thì có vẻ có lý với hàng đống những luận điểm điên rồ, đó mới là những người khó chống lại nhất. Họ gần như giống người có thể cùng bạn trao đổi một cách hợp tình hợp lý; và gần như là bạn có thể giảng giải với họ rằng tại sao họ lại bỏ lỡ một điểm nào đó. Nhưng mà lại luôn hóa ra rằng (và đây là bài học mà tôi đã học được hết lần này tới lần khác!), nếu như nếp suy nghĩ/tâm tính của một người đã hoàn toàn diễn giải sai về một điều gì đó, thì không lời giải thích nào – cho dù lời giải thích của bạn có thông suốt và hợp lý tới đâu – có thể làm họ chuyển ý được. Cũng như là ngược lại – họ sẽ chỉ càng khăng khăng với ý kiến của mình hơn mà thôi.
“Đừng than phiền; đừng giải thích” không có nghĩa là không cần phải nói gì với những người nghi ngờ, những người phàn nàn, và những người chỉ trích bạn, mà là hãy hạn chế sự phản ứng của bạn bằng lời đáp lại sắc sảo. Thực ra Disraeli đã xây dựng nên câu châm ngôn của ông sau khi nghe được lời khuyên của người bạn làm chính trị, Lãnh chúa Lyndhurst rằng, “Đừng bảo vệ mình trước một nhóm người nổi tiếng trừ khi có được đòn trả miếng thuyết phục.” Theo đó, một câu súc tích, một lời bác bỏ ngắn gọn hoặc một lời khôi hài, nhưng làm tiêu biến cuộc cãi vã (Churchill chính là bậc thầy trong lĩnh vực này) có lẽ là phù hợp. Rồi thì bạn cứ thế quay gót đi và đừng lún sâu vào thêm nữa.
Dĩ nhiên, ngay cả một sự trả miếng đơn giản cũng có thể sẽ kéo bạn vào một cuộc cãi vã mà bạn không bao giờ mong muốn, mà thường thì sự im lặng hoàn toàn mới là phản ứng tốt nhất. Thực ra, không có gì khiến cho người cắn bạn lại càng điên tiết hơn khi mà những câu hỏi và yêu cầu của họ hoàn toàn bị lờ tịt đi và không được đếm xỉa.
Việc giải thích cho thấy sự thiếu tự tin trong những sự lựa chọn/sáng tạo/và nguyên tắc của bạn. Bạn đã bao giờ tìm kiếm một cuốn sách hay một sản phẩn trên Amazon và thấy tác giả của nó hay nhà sản xuất lại nhảy ra và đáp trả những lời nhận xét tiêu cực chưa? Tôi không biết người khác như thế nào, nhưng đối với bản thân tôi mà nói, dù những lời nhận xét tiêu cực có thực sự gay gắt, và lời bác bỏ là hợp lý, khéo léo, và mang tính hòa giải, thì rốt cuộc tôi sẽ ít bận tâm tới tác giả/doanh nghiệp đó hơn, và có nghiêng đôi chút về phía họ.
Hầu như mọi người đều biết rằng đôi khi các tác giả và các doanh nghiệp có đọc các nhận xét, nhưng nếu như bạn cho người khác thấy được bằng chứng về việc này, bạn đang thừa nhận sự bất an của mình và/hoặc tính kiêu căng tự phụ và do đó cho thấy sự yếu đuối và thiếu tự tin của bạn trong công việc. Bằng việc bước một chân ra khỏi vị thế của người sáng tạo, và đi vào khu vực dành cho khách hàng, bạn sẽ mất đi địa vị của mình.
Nếu như bạn xuất hiện với tầm nhìn sáng tạo của mình hoặc một số nguyên tắc vì những lý do tốt đẹp, nếu như bạn nói ra tất cả những điều mà bạn muốn nói, theo cái cách tốt nhất, rõ ràng nhất mà bạn biết, và gắng sức làm công việc của mình một cách tốt nhất, vậy thì bạn có thể bằng lòng với việc để cho các quyết định của bạn và thành quả công việc của bạn lên tiếng. Bạn chẳng cần phải thêm thắt gì nữa cả. Người khác rồi sẽ hiểu ra việc bạn làm hay bạn là ai, hoặc không.
Sẽ luôn có những người vặn vẹo lời nói của bạn, hoặc hiểu sai ý kiến của bạn, hoặc là cảm thấy rằng cảm hứng sáng tạo của bạn không phù hợp với sở thích của họ và nhầm lẫn giữa cảm giác chủ quan của họ với sự thật khách quan. Nếu như mà bạn thà kiếm được tiền còn hơn là phải trung thành với quan điểm sáng tạo của bản thân, thì vì tất cả các lý do, bạn hãy cố gắng mà giải thích và làm thay đổi tâm ý của những người không mấy hài lòng với sản phẩm của bạn. Hãy cố giữ chân tất cả những khách hàng mà bạn có thể. Tôi không có ý châm biếm gì đâu; đôi khi sản phẩm không phải là chiếc bình chứa những giá trị của bạn, mà là tính thiết thực, và việc thật sự gắn kết với nhu cầu của các khách hàng là vô cùng hợp lý.
Nhưng, nếu như bạn thà thất bại và phải thử sức với một điều gì khác, còn hơn là việc thay đổi các ý kiến và nguyên tắc của mình cho phù hợp với khẩu vị của những người khác, thì bạn hãy lựa chọn giống như Jack London, người từng cảm thấy xã hội luôn không hiểu được các tác phẩm của ông, và thấy hài lòng với cái kết luận: “Hầu hết thế giới này là bọn ngu đần và toàn bộ gần như là lũ khờ.”
Hay như học giả người Anh Benjamin Jowett từng nói: “Đừng bao giờ nuốt lời. Đừng bao giờ giải thích. Cứ làm đi và cứ để cho lũ chúng nó mặc sức rít gào!”
Lời giải thích rất dễ trở thành lời biện hộ. Hoàn toàn tự nhiên, ngay cả khi bạn cố gắng trao cho người khác những gì tốt đẹp nhất ở bạn, những vấn đề không mong đợi đôi khi vẫn nảy sinh. Khi mà bạn vô tình rơi vào tình thế này, bạn có nên giải thích cho người khác về điều đã xảy ra hay không?
Con người ta nhìn chung chỉ chấp nhận có đôi chút lời giải thích như là cái gì, khi nào, và tại sao bạn lại phạm phải sai lầm ngớ ngẩn. Nhưng cái phần thanh minh trong lời xin lỗi của bạn chỉ nên ngắn gọn thôi – vì như Lãnh chúa Acton, một nhà chính trị người Anh có quan điểm bài trừ khuynh hướng giải thích từng khuyến cáo rằng: “Hãy cẩn trọng trước quá nhiều lời giải thích, vì nó sẽ dẫn ta tới quá nhiều lời bao biện.” Bạn chỉ nên đi vào điểm mấu chốt và nhận lấy trách nhiệm của mình và rằng bạn sẽ làm thế nào để cứu vãn sự việc. Hay như một câu tục ngữ cổ: “Đừng cố bao biện, hãy làm cho tốt.”
Một ví dụ hoàn hảo cho cái nguyên tắc này chính là một bức thư tôi nhận được vào một ngày nọ từ một công ty có tên là Guideboat. Tôi đã đặt một món đồ trong catalog của họ làm quà Giáng sinh cho Kate. Tôi không gặp phải vấn đề gì với đơn hàng của mình, nhưng tôi nghĩ là có ai đó bị rồi, vì thế mới khiến vị Giám đốc phải gửi cho tôi bức thư này cùng với một thẻ quà tặng trị giá $50, và dĩ nhiên là cả hàng nghìn những khách hàng khác nữa:
Dịch vụ khách hàng tốt và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp là điều rất hiếm gặp ngày nay, và tôi nhận thấy bức thư này khiến tôi kinh ngạc. Chỉ với sự giải thích tối thiểu, không biện hộ, và một nỗ lực cố gắng sửa chữa. Những con người ấy, đang điều hành công việc kinh doanh vô cùng chuẩn chỉ.
Đừng Than Phiền
Trong khi “đừng giải thích” và “đừng than phiền” là hai phần riêng biệt của một câu ghép, giữa hai vế câu này có tồn tại một mối liên hệ: sự tự chủ và tự chịu trách nhiệm.
Một khi bạn đã hiểu được rằng tại sao rất hiếm khi bạn cần giải thích, bạn cũng nên hiểu được rằng tại sao bạn cũng nên than phiền ít thôi. Bạn chỉ việc đơn giản đặt bản thân mình vào vai trò của những người mà bạn thấy cần nghe lời giải thích từ họ, và hành động sao cho phù hợp.
Nếu như một người hay một doanh nghiệp gặp thất bại trong việc đạt tới các tiêu chí cụ thể do họ tự vạch ra, dĩ nhiên là khi đó bạn có thể yêu cầu được nghe một lời xin lỗi hay đưa ra một lời phàn nàn, đòi lại tiền của bạn hay cái gì tương tự như thế. Hãy tua nhanh phần giải thích nhằm xoa dịu cảm giác khó chịu nơi bạn, và chuyển ngay sang việc bạn muốn họ làm gì để cứu vãn tình hình nhanh nhất có thể.
Nếu như bạn cho rằng ý kiến phản hồi của bạn có thể giúp cho ai đó cải thiện được điều gì đó, thì bạn hãy đưa ra ý kiến của mình dựa trên tinh thần xây dựng.
Nếu như bạn ở vào hoàn cảnh mà một lời phàn nàn sẽ không giúp giải quyết được bất cứ điều gì, thì nói chung bạn nên giữ im lặng là hơn.
Còn nếu như bạn lâm vào tình huống mà việc phàn nàn sẽ mang lại kết quả kém xa so với việc bạn tự mình cố gắng tạo nên những thay đổi, thì bạn hãy lựa chọn hành động thay vì than vãn.
Và nếu như bạn thấy bị cám dỗ trước việc than thở về một điều gì đó dựa trên cảm giác chủ quan, thì hãy cân nhắc lại. Vì đối tượng mà bạn tìm tới để than phiền có mục tiêu và quan điểm khác hẳn so với những nhu cầu và mong mỏi của bạn.
Hãy lấy ví dụ về việc đánh giá giáo sư tại trường đại học. Một số sinh viên sẽ phàn nàn rằng vị giáo sư ấy “quá tệ” bởi vì các bài tập mà ông giáo giao rất khó, trong khi có những sinh viên lại khen ngợi vị giáo sư này bởi vì ông ấy toàn giao bài tập mang tính thách thức họ thôi. Vị giáo sư nọ có một mục đích và một loạt các nguyên tắc của riêng mình, và trong khi bạn có thể không đồng ý với ông, và quyết định rằng sẽ không bao giờ ghi danh vào một lớp học nào của ông nữa, thì tại sao bạn lại cứ đi ca thán rằng những ưu tiên của ông ấy không giống như của bạn? Nếu như những người khác phàn nàn về quan điểm hay công việc của bạn, bạn sẽ chẳng thèm bận tâm, vậy thì tại sao ông ấy lại phải quan tâm?
Tôi từng đọc được trong một bài báo phỏng vấn Ben và Jerry – các nhà sản xuất kem – họ nói rằng họ ước gì họ có thể chuyển một phần thư mà họ nhận được từ một nhóm khác hàng cho những người gửi thư khác đọc. Bởi vì một số người viết thư cho họ và nói rằng muốn kem của họ có ít bánh hoặc các miếng bánh có kích cỡ nhỏ hơn, trong khi những người khác lại viết rằng ước gì các phần bánh có thể to hơn và nhiều hơn nữa. Vậy thì Ben và Jerry đã nghe theo lời than phiền nào? Dĩ nhiên là, không bên nào cả. Họ vẫn kiên trì với quan điểm của bản thân họ về loại kem có chất lượng tốt nhất, và thiên đàng thì vẫn trút xuống đầu họ hàng tá cơn mưa tiền lẫn các loại bánh quy.
Tôi từng trải qua những bữa tối rất tệ ở bên ngoài, tôi cảm thấy như thể chỉ muốn phi ngay về nhà mà viết một bài đánh giá thật khắt khe về cái nhà hàng ấy và đăng lên mạng. Nhưng lúc nào cũng vậy, cái cảm giác đó rồi sẽ tiêu tan, và tôi chưa bao giờ viết một bài nhận xét tồi tệ nào về bất cứ điều gì trong cuộc đời tôi hết. Bởi vì rút cục thì … ai mà thèm bận tâm cơ chứ? Có lẽ những trải nghiệm của tôi chỉ mang tính phiến diện thôi thì sao, hay là những người khác lại thấy yêu món ăn mà tôi ghét thì sao. Người chủ nhà hàng đang làm mọi việc theo cái cách mà ông ta mong muốn, và tôi hài lòng với việc để cho thị trường quyết định xem tầm nhìn của ông ta là đúng hay sai.
Thế giới này không tồn tại chỉ để đáp ứng những kỳ vọng của riêng tôi, và nếu như chúng không được đáp ứng, tôi cho rằng mình có thể thực hiện một trong hai việc – đi đến một nơi nào khác, hoặc tự mình tạo ra thứ gì đó mà tôi cảm thấy vừa lòng hơn.
Tôi không bao giờ than phiền bởi vì tôi không cho rằng tôi cần tự phân trần bản thân mình với những người khác, và tôi không nghĩ rằng những người khác nên phân trần bản thân họ với tôi!
Dịch: December Child
Nguồn: http://www.artofmanliness.com/2016/02/09/never-complain-never-explain/