Mỗi gia đình chắc hẳn đều có một tủ thuốc sơ cứu chấn thương vật lý, nhưng lại chẳng chuẩn bị gì để ứng phó trước những tổn thương tâm lý nhỏ mà chúng ta liên tục gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Cuốn sách đề cập đến những chấn thương tâm lý phổ biến, cách xoa dịu chúng để ngăn chặn những biến chứng phức tạp và nghiêm trọng sau này.
Hỏi một đứa trẻ mười tuổi xem nên làm gì khi bị cảm và đứa trẻ sẽ ngay lập tức khuyên bạn nên lên giường nằm và ăn súp ấm. Hỏi bạn nên làm gì khi đầu gối bị một vết cắt và đứa trẻ sẽ khuyên nên rửa sạch (hoặc dùng thuốc sát khuẩn) rồi băng bó vết thương. Trẻ em cũng đồng thời biết rằng nếu bạn bị gãy một xương nào đó ở chân, bạn cần phải bó bột nó lại để vết gãy liền lại đúng cách.
Nếu tiếp đó bạn liền hỏi tại sao những bước này lại cần thiết, chúng sẽ bảo bạn rằng chữa trị những vết thương như vậy giúp chúng lành lại và ngăn không cho chúng phát triển nặng hơn, để cảm lạnh không biến thành viêm phổi cấp, để vết cắt ở đầu gối không bị nhiễm trùng, và rằng nếu xương không được nối liền lại đúng cách có thể bạn sẽ không đi lại bình thường được nữa trong suốt phần đời còn lại. Chúng ta dạy con cái mình cách chăm sóc cơ thể chúng từ rất bé, và chúng thường nhớ những bài học đó rất tốt.
“Nhưng hỏi một người lớn bạn nên làm gì để xoa dịu nỗi đau nhức nhối khi bị khước từ hoặc không được chấp nhận, sự đau đớn đến tàn phá của cảm giác cô đơn, hay sự thất vọng cay đắng khi gặp thất bại, và người lớn đó sẽ gần như chẳng biết gì về cách chữa những vết thương tâm lý thường gặp này. “
Nhưng hỏi một người lớn bạn nên làm gì để xoa dịu nỗi đau nhức nhối khi bị khước từ hoặc không được chấp nhận, sự đau đớn đến tàn phá của cảm giác cô đơn, hay sự thất vọng cay đắng khi gặp thất bại, và người lớn đó sẽ gần như chẳng biết gì về cách chữa những vết thương tâm lý thường gặp này.
Bìa cuốn sách “Emotional First Aid” của tác giả Guy Winch
Áp dụng những biện pháp “sơ cứu vết thương tâm lý” này có thể giúp ngăn chặn chúng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta, và cả sự ổn định về tâm lý của chúng ta về lâu về dài. Thực vậy, rất nhiều tình trạng tâm lý khiến chúng ta phải tìm đến bác sĩ tâm lý hoàn toàn có thể được ngăn chặn nếu chúng ta áp dụng những biện pháp sơ cứu vết thương tâm lý này ngay khi chúng ta gặp phải chúng.
Ví dụ, một thói quen hay để ý suy nghĩ quá nhiều có thể nhanh chóng leo thang trở thành chứng bất an và trầm cảm, trong khi những trải nghiệm khi gặp phải thất bại có thể dễ dàng dẫn đến sự sụt giảm trầm trọng lòng tự tin. Chữa trị những vết thương tâm lý đó không chỉ giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục chúng, mà còn giúp ngăn chặn chúng phát triển phức tạp và nghiêm trọng thêm sau này.
Tất nhiên, khi một vết thương tâm lý là quá nghiêm trọng, các phương pháp sơ cứu vết thương tinh thần này sẽ không thể thay thế được việc gặp chuyên gia tâm lý; cũng giống như việc có đầy một tủ thuốc cấp cứu trong nhà cũng không thay thế được nhu cầu gặp bác sĩ và vào bệnh viện mỗi khi gặp bệnh nặng. Nhưng trong khi chúng ta biết khá rõ giới hạn sức khỏe thể chất của chúng ta để biết khi nào phải đến bác sĩ, chúng ta lại không được như thế khi giải quyết các vấn đề tâm lý của mình.
Hầu hết chúng ta có thể nhận ra khi một vết cắt sâu đến độ cần được khâu lại, chúng ta cũng luôn có thể phân biệt một vết bầm đơn giản với một ca gãy xương nghiêm trọng, và chúng ta thường biết khi nào cơ thể mình đang thiếu nước đến độ cần được truyền dịch ngay lập tức. Nhưng khi đụng đến các vết thương tâm lý của chúng ta, chúng ta không chỉ thiếu kỹ năng để biết nên làm gì để sơ cứu chúng, mà chúng ta còn không biết được khi nào chúng đủ nghiêm trọng để phải nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia.
Do vậy, chúng ta thường không để tâm đến những tổn thương tâm lý này cho đến khi chúng trở nên trầm trọng đến mức ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Chúng ta sẽ không bao giờ để mặc một vết cắt đầm đìa máu trên chân mình để rồi nó khiến ta không đi được nữa, nhưng chúng ta lại thường xuyên bỏ mặc các vết thương tâm lý cho đến khi chúng thực sự ngăn không cho chúng ta bước tiếp trong cuộc sống.
Sự khác biệt giữa khả năng chữa trị vết thương cơ thể khá tốt của chúng ta và sự thiếu kiến thức đến trầm trọng của chúng ta trong việc chữa trị các vết thương tinh thần là một sự hoàn toàn không may. Nếu không có phương pháp sơ cứu vết thương tâm lý nào tồn tại thì đã đi một nhẽ; nếu sức chúng ta không thể chữa trị nỗi những vết thương tâm lý này thì mọi chuyện còn có thể hiểu được.
Nhưng mọi chuyện đâu phải như thế. Các tiến bộ gần đây trên vô số lĩnh vực nghiên cứu tâm lý học đã tiết lộ rất nhiều phương pháp chữa trị phù hợp cho chính các loại tổn thương tâm lý chúng ta gặp phải nhiều nhất.
Mỗi chương trong cuốn sách này miêu tả một dạng vết thương tâm lý thường gặp và các kỹ thuật sơ cứu khác nhau chúng ta có thể áp dụng để xoa dịu nỗi đau tinh thần và ngăn không cho vấn đề tâm lý đó phát triển trầm trọng thêm. Những kỹ năng có cơ sở khoa học này có thể được tự chúng ta áp dụng lên chính mình, cũng như việc chúng ta có thể tự sơ cứu các vết thương thể chất của mình vậy; và chúng cũng có thể được dạy cho con cái chúng ta. Những kỹ thuật trong cuốn sách này sẽ đại diện cho những thứ có mặt trong tủ thuốc sơ cứu tâm lý của chúng ta, trong túi đồ y tế về sức khỏe tinh thần mà chúng ta có thể mang theo trong cuộc sống của mình.
Trong những năm tôi học tâm lý y học tại trường cao học của mình, tôi thường xuyên bị phàn nàn bởi luôn chỉ cho các bệnh nhân của mình những gợi ý cụ thể và rõ ràng về việc làm cách nào họ có thể giảm nhẹ những nỗi đau tâm lý. “Chúng ta ở đây để làm những nghiên cứu tâm lý sâu sắc”, một giáo viên giám sát từng mắng tôi, “chứ chúng ta không phải ở đây để phát thuốc giảm đau tâm lý – thứ đó không tồn tại!”
Nhưng giúp đưa ra những cách giảm nhẹ nỗi đau tâm lý và nghiên cứu tâm lý sâu sắc không triệt tiêu lẫn nahu. Tôi tin rằng tất cả mọi người đều nên có kiến thức về những phương pháp sơ cứu vết thương tâm lý, cũng như việc họ nên biết về những kỹ năng chữa trị khác cho các thương tổn tinh thần này.
Trong dần dần qua nhiều năm, tôi đã thực hành việc áp dụng những thành quả nghiên cứu mới vào những gợi ý và lời khuyên cụ thể, những cách chữa trị mà bệnh nhân của tôi có thể áp dụng lên những vết thương tâm lý họ gặp phải hàng ngày. Tôi đã làm thế vì một lý do chính – vì chúng thực sự có hiệu quả.
Suốt nhiều năm rồi, các bệnh nhân, bạn bè và thành viên gia đình của tôi đã hối thúc tôi tập hợp các biện pháp chữa trị và sơ cứu vết thương tâm lý này thành một cuốn sách. Tôi quyết định làm thế vì đã đến lúc chúng ta coi sức khỏe tâm lý của mình là một chuyện nghiêm túc. Đã đến lúc chúng ta thực hành giữ vệ sinh tinh thần mình cũng như cách chúng ta giữ vệ sinh cơ thể mình vậy. Đã đến lúc mỗi chúng ta đều nên sở hữu một tủ thuốc sơ cứu với những loại băng gạc, thuốc sát trùng và thuốc hạ sốt đặc biệt chuyên để chăm sóc sức khỏe tinh thần rồi.
Bởi cuối cùng thì, một khi chúng ta đã biết là những loại thuốc giảm đau tâm lý có tồn tại, sẽ thật là ngốc nếu chúng ta không dùng chúng.
Bài TED Talk của Guy Winch về cách thực hành sơ cứu tâm lý
Trạm Đọc (Read Station)
Theo Nguyễn Tiến Đạt
Trích từ chương đầu tiên trong cuốn sách Emotional First-aid của tác giả Guy Winch.