Ảnh minh họa
Tưởng rằng khi có sự tuyên truyền mạnh mẽ về các biện pháp Kế hoạch hóa gia đình, sự bùng nổ của Khoa học công nghệ cho phép người ta có thể dễ dàng sinh con theo ý muốn thì kiểu gia đình ít thành viên sẽ là lẽ đương nhiên. Thế nhưng, mẫu số này có lẽ chỉ mang tính chất tương đối và phù hợp với nước ta ở cuối thế kỷ 20 khi mà kinh tế dần cải thiện thì tâm lý “có con cái nhiều cho vui nhà vui cửa” dường như bắt đầu quay trở lại …
Khái niệm đông con trong thời hiện đại cũng được khu trú rất rõ, “đông” có nghĩa là hơn hai; là mặc dù đã có chỉ thị “mỗi gia đình chỉ có từ một đến hai con” nhưng họ vẫn cố tình …vượt rào. Triệu chứng muốn “đông con” xuất phát từ đâu!? Liệu rằng có phải là trào lưu khi người ta đã dư thừa việc “ăn ngon, mặc đẹp”!?!
Từ chính đáng đến bất đắc dĩ
Anh Minh Thái (Tp.HCM) là một trưởng phòng chương trình ở một Đài truyền hình lớn ở khu vực, chấp nhận án “kỷ luật” khi quyết tâm sinh thêm đứa thứ ba, bởi lẽ anh là con trai duy nhất của hệ phái Phan Minh, chỉ có anh mới có thể duy trì và làm cho dòng họ thêm bề thế, các chú các bác trong dòng tộc ở các chi phái trên đều kì vọng vào anh. Không có gì đáng nói, nếu như “trái độc” là anh không sanh hai cô con gái. Khổ nỗi, án “kỷ luật” của cơ quan còn có thể chịu đựng chứ còn án “con bất hiếu” với mẹ già, án lương tâm “là tội nhân làm gây tuyệt tự” với dòng họ thì chịu không thấu! Bấm bụng mãi, anh sanh tiếp đứa thứ ba và khấp khởi cầu mong nó là thằng “cu” cho xong bổn phận. Mộng vẫn hoàn mộng, đã vượt rào, đã chịu kỷ luật vậy mà ngày vợ “lâm bồn”, anh nhìn thấy đứa bé “xinh như hoa”, nhưng “giống” lại khác anh mà rầu thúi ruột. Mới đây, nghe anh chuẩn bị tiếp tục đón một thành viên thứ tư nữa nhưng khác với lần trước, anh không cho vợ đi siêu âm giới tính, tránh trường hợp mất “linh” như lần trước.
Khác với nguyên nhân đông con “bất đắc dĩ” của anh Minh Thái ở trên, chị Hà Phúc (Buôn bán tạp hóa, Long An) thì ngược lại, ngay từ nhỏ chị chỉ chơi quanh quẩn trong nhà một mình bởi vì anh trai lớn hơn chị đến 10 tuổi phải đi học xa nhà trên trường huyện. Tuổi thơ của chị luôn sống thui thủi trong sự cô độc, không có sự chia sẻ chơi đùa giống như các bạn đồng trang lứa có anh/có chị bằng tuổi khác ở quê. Mỗi lần bị ăn hiếp cũng không có ai để méc hay hù dọa chúng bạn. Từ dấu ấn tuổi thơ này, chị mang theo vào cả hôn nhân của mình, chị luôn muốn có đông con để không phải lúc nào cũng ở một mình, để các con không phải tủi thân như chị. Kết hôn năm 28 tuổi, gia đình chị đến nay đã có 6 thành viên “nhỏ”. Hiểu được nỗi ước ao của vợ nhưng không ép được vợ nên “kế hoạch”, ông xã chị giấu vợ tự đi thắt ống dẫn tinh.
Trường hợp đông con của chị Lệ Hằng (Giám đốc Marketting công ty Quận 1, Tp.HCM) rất khác biệt, nhìn thấy các bé “quí tử” “cô chiêu, cậu ấm” hư hỏng, đua đòi, sống ích kỷ mà chị đâm lo; kinh tế khá giả chị không ngại về việc sinh con và nuôi con; vừa yêu con nít vừa là cách để giáo dục, răng đe các bé lớn khỏi suy nghĩ “con cưng”. Chị quyết định gia đình có thêm thành viên mới.
Trái ngọt hay đắng!?
Nỗ lực ăn uống và thay đổi thói quen sinh hoạt vợ chồng theo sách hướng dẫn “sinh con trai theo ý muốn” nhưng trời quả phụ lòng anh Minh Thái khi lần thứ tư sanh con vẫn là “một thiên thần xinh như hoa”. Anh thất vọng lao vào rượu chè, bỏ bê công việc, sếp kêu lên làm kiểm điểm cho nghỉ việc tạm thời. Mỗi khi về nhà, anh bạo hành, đánh mắng cả “lũ vịt trời vô dụng” sợ hãi, bỏ trốn. Mái ấm hạnh phúc cách đây 5 năm mà vợ chồng cùng ao ước xây dựng nay chỉ còn là “mái lạnh” hay “địa ngục trần gian”. Các con gái không được sự bảo ban, dạy dỗ, quan tâm của ba, lại thường bị gọi là lũ ăn hại, vô dụng lâu dần họ nên sống khép kín và không giao du với ai. Cả bốn chị em rơi vào trầm cảm và tự kỷ lúc nào không hay biết; riêng bé thứ ba thì nổi loạn và chống đối với ba ra mặt. Với chị Hà Phúc thì mọi chuyện có vẻ đỡ phức tạp hơn vì “nếp, tẻ” chị có đủ và chị luôn thương yêu các con. Điều chị đau đầu bây giờ chuyện học hành, công ăn việc làm, chỗ ở với các con. Bởi lẽ đông con nên chị không chăm chút được cho từng đứa, vợ chồng làm đầu tắt mặt tối vẫn chỉ đủ cho các con việc ăn, việc mặt nên đứa nào cũng chỉ học xong cấp ba rồi làm công nhân gần nhà. Diện tích gần 100m2 nhưng chứa gần 10 người đã trở nên rất chật chội, điều khủng hoảng hơn là các cháu ngoại, cháu nội đều giao bà ngoại trông giúp, suốt ngày chị nghe đứa cháu này tị nạnh đến đứa kia méc, khóc lóc, giành đồ chơi; phân giải và la hét các cháu cũng đủ làm chị stress…
Còn chị Lệ Hằng từ ngày quyết định có thêm con, chưa thấy các bé lớn thay đổi bỏ tính “mè nheo” gì cả mà bản thân chị đã vô cùng mệt mỏi. Là người năng động xông xáo, luôn giao tiếp với khách hàng giờ đây cuộc sống đối với chị là nội trợ, chăm con. Sự xuất hiện của thành viên thứ ba không chỉ làm đảo lộn thói quen sinh hoạt của chị mà còn “đảo lộn” luôn tính cách tế nhị, nhẹ nhàng, chu đáo của chị với chồng con. Từ một người biết lắng nghe, tinh tế chị trở nên càu nhàu, khó chịu, “đá thụng đụng nia” khi chồng đi nhậu về trễ. Bầu không khí gia đình trở nên ngột ngạt.
Lời kết
Rõ ràng, việc gia đình đông con dù là thời đại nào đi chăng nữa cũng rất nhiều hệ lụy nếu không chuẩn bị sẵn sàng. Không có gì đáng nói, nếu như việc gia tăng thêm thành viên đi đôi với việc nuôi dạy tốt. Khi có con, người phụ nữ mất đi nhiều cơ hội để phát triển sự nghiệp kể cả quan tâm đến những giá trị thuộc về cá nhân mà phải tập trung vào chuyện gia đình, chăm con quá nhiều. Chưa kể số lượng con đông thì việc quan tâm, dạy bảo từng đứa trẻ cặn kẽ rất khó thực hiện. Không nê tự tin theo kiểu là kinh tế khá giả thì đông con một chút vẫn không sao vì đằng sau đó là cả một trách nhiệm dạy dỗ và giáo dục con mình nên người… Chỉ có thể thực hiện tốt điều ấy nếu mỗi gia đình có số con vừa phải, có thời gian gần gũi, tâm sự… và đồng hành cùng con. Đừng vì sự ích kỷ của cá nhân mà để đứa trẻ ra đời với một tương lai mờ mịt – không được chuẩn bị. Phải đặt tính trách nhiệm lên hàng đầu trước mọi quyết định. Dù con ít nhưng nếu biết cách dạy dỗ và dành nhiều thời gian để chăm sóc thì cây nào không sinh “trái ngọt”. Gia đình có từ một đến hai con không chỉ thể hiện nếp sống văn hóa gia đình mà còn thể hiện trách nhiệm của bạn với đất nước, thế giới mà bạn đang sống.
PGS. TS Huỳnh Văn Sơn