Có thể nói học nâng cao – học bồi dưỡng là những chuyến xe dài bất tận trong ngành giáo dục.
Phần vì đặc thù công việc, phần vì xã hội ngày càng phát triển, nếu con người nói chung và con người trong lĩnh vực giáo dục nói riêng không cập nhật kiến thức liên tục thì sẽ dễ dàng đi vào tụt hậu. Xuất phát từ nhu cầu này các đợt tập huấn cho giáo viên dần dần được tổ chức và phổ biến. Tuy nhiên, đằng sau những đợt tập huấn này là nhiều dấu hỏi cần làm rõ.
Tự nguyện hay bắt buộc?
Không ai có thể phủ nhận giáo dục là lĩnh vực hết sức quan trọng của một quốc gia. Sự phát triển của nền giáo dục trong một quốc gia chính là thước đo cho sự phát triển của quốc gia đó.
Đây là ngành với “hiệu ứng lan tỏa” cho tất cả các ngành khác, là cái nôi của tất cả các ngành khác. Do đặc thù của công việc, người giáo viên thường ít có thời gian để tự đi học, tự nâng cấp bản thân cũng như tự cập nhật thông tin mới trong sự phát triển của xã hội. Chính vì vậy, việc tập huấn cho giáo viên trong ngành giáo dục là việc làm vô cùng cần thiết.
Trả lời câu hỏi việc tập huấn cho giáo viên là tự nguyện hay bắt buộc thật sự là một vấn đề nan giải. Sự thật là hầu hết các đợt tập huấn đều mang tính bắt buộc nếu muốn có người tham gia.
Ảnh minh họa |
Những đợt tập huấn được tổ chức theo yêu cầu của giáo viên chỉ đếm được trên đầu ngón tay và cũng đếm trên đầu ngón tay những giáo viên đi tập huấn một cách tự nguyện. Điều này có thể giải thích từ hai phía.
Thứ nhất, một thực trạng còn tồn tại từ nhiều năm nay là hầu hết các giáo viên, nhất là các giáo viên lớn tuổi, đều có tâm lý ngại tiếp thu cái mới. Họ rất thụ động, chỉ một số ít giáo viên hào hứng và mong muốn trải nghiệm cái mới để nâng cao trình độ.
Thứ hai, cần xem lạivì sao phải bắt buộc? Vì tổ chức kém, nội dung chán ngấy hay giảng viên, báo cáo viên không chuyên nghiệp hoặc còn lý do nào khác?
Tuy nhiên, xét về khía cạnh khác sự bắt buộc đôi khi không phải là xấu. Khi không thể tự nguyện được thì sự bắt buộc lại mang ý nghĩa tích cực trong việc làm cho mỗi giáo viên cảm thấy có trách nhiệm khi tham gia tập huấn. Mặt khác, xét về tính hiệu quả của tập huấn thì rõ ràng giữa sự tự nguyện và bắt buộc có độ chênh nhau rất rõ.
Thực tế cho thấy, các buổi tập huấn cho giáo viên hiện nay hầu như chưa thật sự hiệu quả. Sự không hiệu quả thể hiện rõ ràng nhất đối với một bộ phận giáo viên đi tập huấn vì bắt buộc.
Với tâm lý ban đầu có sẵn, họ hoàn toàn không có tâm thế tham gia vào hội thảo. Bên cạnh đó, số lượng các lớp tập huấn đông, đối tượng đa dạng, không gian chật chội… là những yếu tố khách quan ảnh hưởng đến chất lượng của lớp học.
Chính điều này đã làm cho người dạy trở nên thiếu nhiệt tình và chưa thể cá nhân hóa đến nhiều đối tượng cũng như lựa chọn phương pháp tập huấn sao cho phù hợp với tất cả mọi người.
Một thực trạng chung là hầu hết giáo viên khi tham gia tập huấn đều không đặt nặng việc mình sẽ tiếp thu cái gì mà điều họ quan tâm là chứng nhận, giấy tờ mà mình đạt được sau các buổi tập huấn.
Việc tổ chức các buổi tập huấn cũng chưa bảo đảm về mặt giờ giấc. Có nhiều cuộc tập huấn một chương trình gần ba ngày mà chẳng biết giáo viên là ai và cũng không ít cuộc tập huấn rút ngắn từ 4 ngày thành 2 ngày, từ 3 ngày thành 1 ngày…
Một điều cũng dễ nhận ra là nhiều giáo viên còn tranh thủ thời gian tập huấn để thăm bạn bè, để làm việc thêm, để “ngủ ngày”… Tất cả đều ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hiệu quả của buổi tập huấn.
Đa phần hiện nay, phương pháp mà người tập huấn sử dụng thường là những phương pháp thuyết trình, đọc chép… Chính điều này đã làm mất đi tính tương tác trong quá trình học, học viên đã chán nay càng chán hơn. Các nội dung tập huấn cũng chưa thật sự đánh “trúng” nhu cầu của người học, vì thế không thể kích thích được tính tích cực nhận thức của họ.
Các nội dung này thường áp đặt mà chưa có sự khảo sát ở giáo viên. Một điều đáng quan tâm nữa là việc đánh giá sau tập huấn thường diễn ra một cách qua loa lấy lệ. Chi phí bỏ ra nhiều nhưng thật sự hiệu quả không cao.
Cuộc đua cần có người chiến thắng
Xuất phát từ thực trạng được nêu trên, điều cần làm hiện giờ là giải quyết từng mắc mứu của vấn đề này.
Việc thống nhất trong quá trình làm việc cần lưu tâm đến nhu cầu học tập, nâng cao, bồi dưỡng, tập huấn của chính người học hay người được tập huấn. Khảo sát chính là một cách thức hữu hiệu để thực hiện đều này. Đánh trúng vào nhu cầu chính là điều kiện cần thiết để kích thích học viên tham gia một cách tự nguyện.
Cần đảm bảo biên chế phù hợp nhất trong lớp học. Đặc biệt là về số lượng người tham gia tập huấn và sự xấp xỉ nhau về độ tuổi, trình độ, chuyên ngành của những người tham gia tập huấn.
Quá trình chọn lọc chuyên gia cần chú ý nhiều yếu tố, tránh trường hợp đừng vì đó là người của Ban tổ chức hay là người của Bộ, Vụ nên cứ chọn… Có thể chọn các giảng viên hay báo cáo viên ở cơ sở hay báo cáo viên độc lập nhưng am hiểu sâu sắc về nội dung của buổi tập huấn. Các buổi tập huấn có thể chia ra làm nhiều đợt. Mặc dù kinh phí có thể sẽ tăng lên nhưng hiệu quả sẽ được đảm bảo hơn.
Cần có sự quy hoạch lại các khâu của quá trình tổ chức từ mục đích, nội dung đến phương pháp tập huấn sao cho thật sự khoa học và hấp dẫn. Từ đây sẽ kích thích được sự yêu thích của học viên.
Cần có sự đánh giá nghiêm túc sau khóa học cho những học viên đủ tiêu chuẩn được cấp bằng và những học viên chưa tập trung hoặc chưa đạt mục tiêu. Đây chính là nguồn gốc của sự công bằng, làm động lực cho sự tích cực của người học.
Rõ ràng việc tổ chức tập huấn cho giáo viên để nâng cao trình độ là một việc làm hết sức tích cực. Tuy nhiên, cần có sự tỷ lệ thuận giữa việc tổ chức này với hiệu quả của nó. Làm được điều này chính là một “thần dược” góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền giáo dục nước ta hiện nay.
Mặt khác, cần tránh sự lãng phí về mặt thời gian, công sức, cơ sở vật chất, tài chính và đặc biệt là chất xám của mỗi người. Tập huấn không phải là yếu tố gài then mà là phương tiện để khơi nguồn cảm xúc bất tận cho giáo viên.
Bài tới: Huấn luyện kỹ năng sống: Hãy trải nghiệm trước khi dạy